LƯỢC SỬ CÁC PHONG TRÀO DỊCH THUẬT Ở PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY

0
620

Dịch thuật đóng vai trò rất quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử truyền bá tư tưởng và kiến thức của nhân loại. Trong tiến trình ấy, lịch sử ghi nhận những công cuộc dịch thuật mang tính cách mạng, đột phá cả ở Đông và Tây có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tư tưởng, chính trị, học thuật và văn hóa, kéo theo sự phát triển của hoạt động sáng tác và sản xuất nội dung, của xuất bản và phát hành, của việc phổ cập sách báo và việc hình thành thói quen và văn hóa đọc.

Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: nếu như châu Âu đã từng có các cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ XI và XII lúc đại học châu Âu ra đời (và cả công cuộc dịch thuật lần 2 sau đó trong thời Phục hưng) để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hóa, thì tương tự ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây dù tầng lớp trí thức ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, có thể sâu đậm hơn cả giới trí thức Việt Nam cùng thời.

Bài viết này gồm 2 phần- các cuộc dịch thuật ở phương Đông và phương Tây.

2.1 CÁC CUỘC DỊCH THUẬT Ở PHƯƠNG ĐÔNG- LAN HỌC VÀ TÂN THƯ

1. Lan học:

Tokugawa là chế độ tự đóng kín, ‘tỏa quốc’ (sakoku) suốt 260 năm tại Nhật bản, sau khi họ đuổi hết người truyền giáo phương Tây 1640, chỉ chừa một cảng nhỏ Dejima duy nhất ở Nagasaki thông thương với Hà Lan và kiểm soát nghiêm ngặt việc nhập khẩu sách, để tránh sự xâm nhập của Kitô giáo.

Nhưng chính trong hai thế kỷ đó, giới trí thức Nhật Bản đã làm được một cuộc dịch thuật vĩ đại, gọi là ‘Lan học’- Rangaku, để biết rõ khoa học, công nghệ phương Tây. Đó là bình minh của nhận thức, giúp cho Minh Trị nhanh chóng thành công. Các con số sau cho thấy tầm vóc của sự vĩ đại ấy: chỉ tính đến năm 1887 đã có 633 cuốn về triết học, chính trị kinh tế học, lịch sử văn hóa học và 120 cuốn về văn học (tính đến 1890) được dịch và giới thiệu chủ yếu từ tiếng Anh và tiếng Pháp. Những trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi… đã góp phần quan trọng vào việc mở rộng tầm mắt, mở mang tri thức cho người Nhật thông qua hoạt động dịch thuật và biên khảo.

Hình ảnh có liên quan

Các sách báo phương Tây do Nhật dịch thuật, biên soạn kể trên chính là Tân thư, sau đó đã lan truyền sang Trung quốc rồi từ đó tới Việt nam.

2. Tân thư và phong trào Duy tân ở Trung quốc:

Lịch sử phát triển của một số quốc gia châu Á thời kỳ cận đại (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) ghi nhận một hiện tượng khá phổ biến, đó là sự xâm nhập, ảnh hưởng của các tư tưởng tự do, dân chủ, dân quyền từ các nước châu Âu và phương Tây vào quá trình vận động, biến chuyển của lịch sử xã hội cũng như lịch sử tư tưởng-chính trị và học thuật của các nước phương Đông, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Dấu hiệu rõ nhất cho thấy quá trình chuyển mình lịch sử này là phong trào Duy tân diễn ra gần như cùng một thời điểm ở hàng loạt quốc gia Đông và Đông Nam châu Á, trong đó, Tân thư có một vai trò hết sức quan trọng.

Tân thư là nhịp cầu tư tưởng kết nối người Nhật với người phương Tây. Nhờ đó mà người Nhật sớm thoát khỏi ảnh hưởng tư tưởng chính trị và học thuật Trung Hoa, khi ấy đã trở thành lạc hậu, bảo thủ, kìm hãm sự phát triển của lịch sử; đồng thời, đó cũng là phương tiện quan trọng nhất để người Nhật tiếp cận và tiếp thu một cách có bài bản, hệ thống không chỉ các tri thức, các thành tựu về khoa học kỹ thuật, mà còn cả những tư tưởng mới về tự do, dân chủ, dân quyền; về các thiết chế xã hội từ các nhà tư tưởng – triết học châu Âu như R. Descartes, Voltairre, J. Rousseau, Motesquieu…

Những tài liệu được coi là Tân thư ở Nhật Bản thời kỳ này là những sách báo có xuất xứ từ Âu – Mỹ, bao gồm cả sách khoa học kỹ thuật lẫn sách khoa học xã hội, văn hóa và văn học. Như trên đã đề cập, tính đến cuối thể kỉ 19, hàng ngàn cuốn sách về triết học, chính trị kinh tế học, lịch sử văn hóa học và văn học được dịch và giới thiệu chủ yếu từ nguồn tiếng Anh và tiếng Pháp nổi bật là nhờ các trí thức lỗi lạc của Nhật Bản đương thời như Fukazawa Yukichi, Kato, Taguchi…

Hình ảnh có liên quan

Tương tự như ở Nhật Bản, trong quá trình vận động cải cách và duy tân tại Trung quốc, Tân thư đóng một vai trò quan trọng. Đến lúc này, các nhà duy tân Trung Quốc không cần phải tìm đâu xa, chỉ cần hướng sang nước láng giềng Nhật Bản, vốn là một nước nhỏ, từng nằm trong vòng cương tỏa của tư tưởng học thuật và văn hóa Trung Hoa, đã có thể cảm nhận được những gì cần cho đất nước mình. Trừ số ít những người được học ở nước ngoài, biết ngoại ngữ như Nghiêm Phục (1853-1921) tự dịch cuốn Thiên diễn luận của Hussley để giới thiệu thuyết tiến hóa, hay Vương Quốc Duy (1877-1927) biên soạn những công trình nghiên cứu, khảo cứu về triết học của Kant, Shopenhauer… còn phần lớn các nhà cải cách và duy tân Trung Quốc như: Củng Tự Trân (1792-1841), Phùng Quế Phân (1809-1874), Khang Hữu Vi (1858-1927), Lương Khải Siêu (1873-1929), Đàm Tự Đồng (1865-1898), Trần Độc Tú, Lý Đại Chiêu, Hoàng Tôn Hiến, Tôn Trung Sơn, v.v… đều tiếp xúc và tiếp thu tư tưởng duy tân qua Tân thư chủ yếu là những sách bằng chữ Hán được phổ biến ở Nhật Bản. Đây là điểm thuận lợi của Trung quốc so với Việt nam.

3. Tân thư và phong trào Duy tân ở Việt nam:

Tại Việt nam, vào thời kỳ Cận đại, ảnh hưởng của phương Tây đến Việt Nam qua 2 con đường: Trực tiếp từ nhà trường Pháp qua Pháp văn và gián tiếp từ Tân thư qua Hán văn. Con đường trực tiếp giành cho các trí thức mới Tây học, còn con đường gián tiếp giành cho các chí sĩ, các nhà Nho được đào tạo từ khoa cử phong kiến. Con đường tiếp thu phương Tây gián tiếp qua Tân thư phần nào bị khúc xạ qua lăng kính tư tưởng của các nhà duy tân Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.

Pháp đã đưa nhiều học sinh, sinh viên và trí thức trẻ Việt Nam sang du học tại Pháp. Những người này tiếp thu trực tiếp những tư tưởng, văn hóa phương Tây nhưng ảnh hưởng của họ trong đời sống tinh thần xã hội chưa đủ mạnh để lấn át ảnh hưởng của các nhà Nho thời kỳ này. Phải tới cuối thời cận đại, đầu thời hiện đại chúng ta mới thấy các tác phẩm dịch thuật hay sáng tác của họ.

C:\Users\Dong Nguyen\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\Content.Word\New Picture (9).bmp

Tác động của Tân thư tại Việt nam bị hạn chế do gặp phải rào cản ngôn ngữ bởi chữ Hán không phải là ngôn ngữ đại chúng. Mãi tới năm 1869 và 1882 tại Nam kỳ, chính quyền Pháp mới bắt đầu quy định bắt buộc và rồi chỉ được dùng chữ Quốc ngữ trong các văn bản công vụ. Sang thế kỷ 20, chính phủ Đông Pháp mở rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ ra Bắc Kỳ. Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời ngày 25/5/1938, đến ngày 29/7/1938 Thống sứ Bắc Kỳ công nhận sự hợp pháp của Hội. Đó là dấu mốc chắc chắn cho vị thế “chữ Quốc ngữ”. Việc cổ động cho học “chữ Quốc ngữ” ở toàn cõi nước Việt gắn với các phong trào cải cách trong giai đoạn 1890 – 1910 như Hội Trí Tri, phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và ngành báo chí mới hình thành, đã thừa nhận và cổ vũ học “chữ Quốc ngữ”, coi là phương tiện thuận lợi cho học hành nâng cao dân trí. Kể từ khi có chữ quốc ngữ, tân thư mới có phương tiện để lan tỏa.

Chưa rõ là vì lý do gì, nhưng hẳn là có vấn đề về nhận thức, công cuộc dịch thuật sang quốc ngữ tại Việt nam lại không bắt đầu với các cuốn Tân thư mà lại là tiểu thuyết Tàu! Có lẽ là yếu tố chính trị và dân trí là những cản trở việc này.

Nếu như cuối thế kỷ XIX, công việc dịch thuật hoặc cải biên kia còn gắn chủ yếu với mục đích phổ biến chữ quốc ngữ thì qua đầu thế kỷ XX nó gắn với mục đích đáp ứng nhu cầu đọc và thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Chính nhu cầu, thị hiếu này là động lực của việc dịch thuật, cải biên văn học Trung Quốc đầu thế kỷ XX và khởi phát nên phong trào dịch thuật truyện Tàu chỉ trong vòng bốn, năm năm (1906 -1910) đã có ngót trên 30 bộ được dịch, trong đó có những bộ có giá trị cổ điển như: Tam quốc chí (1901, 1907), Đông Chu liệt quốc (1906), Thủy hử (1907)…

Nền dịch thuật Việt Nam thực sự bắt đầu phát triển từ sau năm 1945. Ngay sau Cách mạng tháng 8, hàng loạt bản dịch các tác phẩm tiên tiến của văn học thế giới được in thành sách. Bắt đầu các bản dịch trên báo chí những bài dịch lý thuyết văn chương, những tài liệu về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Trung Quốc, khối Đông Âu… rồi những bản dịch các tác phẩm nổi tiếng nước ngoài với các tên tuổi hàng đầu lúc ấy như: Ngô Tất Tố, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Phan Khôi, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh…

2.2 CÁC CUỘC DỊCH THUẬT Ở CHÂU ÂU THỜI KÌ PHỤC HƯNG LẦN 1 VÀ 2

2.2.1 CÔNG CUỘC DỊCH THUẬT THỜI KÌ PHỤC HƯNG LẦN 1- THẾ KỈ 12

Công cuộc dịch thuật lần 1 (từ giữa thế kỷ XI – đến giữa thế kỷ XIII ) thực hiện việc chuyển ngữ các trước tác của các tác giả cổ đại từ tiếng Ả Rập và Hy Lạp sang tiếng Latinh, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục, triết học, nghệ thuật và khoa học ở Châu Âu thời giữa Trung cổ. Người khởi xướng phong trào dịch thuật này là Gerbert ở Aurillac (khoảng 940 – 1003), người sau này trở thành Giáo hoàng La Mã Sylvester II (999 – 1003).

Hình ảnh có liên quan

Giai đoạn giữa Trung Cổ là một thời kỳ lịch sử ở châu Âu kéo dài trong ba thế kỷ 11, 12, và 13. Giai đoạn giữa Trung Cổ đạt được những thành tựu lớn về giáo dục, triết học, nghệ thuật và khoa học.

Việc dạy khoa học và triết học trong giai đoạn đầu Trung Cổ được dựa trên một số lượng ít ỏi các bản sao và các bài bình luận của Hy Lạp cổ đại còn sót lại sau sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã. Hầu hết chúng chỉ được giảng dạy bằng tiếng Latinh, vì những hiểu biết về tiếng Hy Lạp là rất giới hạn.

Tình hình này được thay đổi vào thế kỷ 12. Sự phục sinh nền học vấn ở châu Âu được bắt đầu với sự thành lập các trường đại học thời Trung Cổ (Những trường đại học lâu đời nhất châu Âu ra đời thời kì này như ở Bollogna cuối thế kỷ XI, ở Oxford (Anh) thế kỷ XII, ở Paris (trường Sorbonne) năm 1215, Modena năm 1175 (Italy)…). Việc tiếp xúc với Đế chế Byzantine và thế giới Hồi giáo trong những cuộc Thập tự chinh và Reconquista đã giúp châu Âu tiếp cận được với các kiến thức khoa học bằng tiếng Ả Rập và Hy Lạp, bao gồm cả những công trình của Aristotle, Alhazen, và Averroes. Qua việc dịch và truyền bá các tác phẩm này, các trường đại học châu Âu đã dọn đường cho cộng đồng khoa học phát triển.

Tới đầu thế kỷ 13. hầu như tất cả các công trình học thuật của các tác giả cổ đại đã được dịch ra tiếng Latinh với độ chính xác cao, giúp thuận tiện cho việc dạy và học bằng lời ở các đại học và tu viện. Các nghiên cứu về khoa học tự nhiên trong các công trình này được mở rộng ra bởi các học giả như Robert Grosseteste, Roger Bacon, Albertus Magnus và Duns Scotus. Tiền thân của phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại có thể được thấy trong sự nhấn mạnh của Grosseteste rằng toán học chính là phương thức để thấu hiểu tự nhiên, và trong cách tiếp cận theo chủ nghĩa kinh nghiệm của Bacon.

Thế kỷ 12 và 13 cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều phát minh cơ bản và những cải tiến trong cách sản xuất. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiêu biểu bao gồm cối xay gió, việc in ấn, thuốc súng, mắt kính, đồng hồ và những chiếc tàu tốt hơn. Hai thứ cuối cùng đã giữ một vai trò quan trọng trong những cuộc thám hiểm sau này.

Thời gian im ắng kéo dài nhiều thế kỉ khắp châu Âu trong hoạt động nghiên cứu tự nhiên chấm dứt vào thế kỷ X, khi xuất hiện lại các thành thị và nảy nở những tiền đề của làn sóng công nghệ mới. Nguồn lực của biến đổi tiến bộ công nghệ chỉ có thể tìm ở tri thức khoa học, nhưng người châu Âu hiểu ra điều này rất chậm. Cái xung lực đầu tiên làm cho tri thức cổ đại lưu giữ trong các di cảo viết tay thời cổ và trong các sách Arập, bắt đầu trở lại với châu Âu là do Gerbert ở Aurillac (khoảng 940 – 1003), người đi vào lịch sử với tên gọi là Giáo hoàng La Mã Sylvester II (999 – 1003) tạo nên .

Ông tiếp thu được học vấn uyên bác ở xứ Tây Ban Nha thuộc Arập, nơi ông trải qua 3 năm trong tu viện Santa – Maria de Ripoi, nổi danh vì có một thư viện tuyệt vời. Một số nhà viết sử còn kể về chuyến du lịch Ấn Độ của ông. Nhờ đó Gerbert tiếp cận được với hai dân tộc có nền giáo dục tốt nhất thời ấy: Ấn Độ và Arập… Là người ham học phi thường, ông say mê đọc sách, và đến cuối đời ông đã sưu tầm được rất nhiều sách, phần lớn là di cảo quý về toán học, siêu hình học, giả kim thuật, chiêm tinh học ma thuật… Chính ông đã du nhập vào châu Âu hệ thống đếm của Ấn Độ, Arập thay cho hệ đếm La Mã rất cồng kềnh khó dùng cho số học.

Gerbert khởi đầu việc dịch thuật các bài giảng Arập và Hi Lạp cổ đại ra tiếng La tinh, thứ công việc rất khó nhọc và còn được tiếp tục rất lâu sau khi ông mất. Người ta gọi đó là thời đại của các nhà dịch thuật. Rất nhiều nhà bác học cống hiến cả đời cho việc dịch các tác gia Hi Lạp cổ đại và Arập. Nhiều di cảo quý nhập vào châu Âu theo con đường Byzantin, các nước Hồi giáo (trước hết là Tây Ban Nha thuộc Arập) và cả Ấn Độ nữa. Qua hai thế kỉ, từ giữa thế kỷ XI – đến giữa thế kỷ XIII, phần lớn các trước tác Arập và Hi Lạp cổ đại được dịch sang tiếng La tinh. Đồng thời nền giáo dục châu Âu cũng bắt đầu phát triển. Những trường đại học lâu đời nhất châu Âu ra đời thời kì này như ở Bollogna cuối thế kỷ XI, ở Oxford (Anh) thế kỷ XII, ở Paris (trường Sorbonne) năm 1215…Cơ sở cho các trường đại học tổng hợp đó là các trường giáo dục đại cương (tiếng La Tinh: studia generalia) dạy lôgic, tu từ học (thuật hùng biện) ngữ pháp hay các trường y.

Vài thế kỉ sau đó các nhà bác học tập trung nỗ lực tìm hiểu và bình giảng những văn bản cổ đại mới được tái phát hiện. Từ thời đại dịch thuật người ta chuyển sang thời đại bình giảng.

2.2.2 CÔNG CUỘC DỊCH THUẬT THỜI KÌ PHỤC HƯNG LẦN 2- THẾ KỈ 14-16

Phục hưng là công cuộc tái khám phá và làm giàu có thêm những giá trị của nền văn minh phương Tây đã một thời bị lãng quên. Công cuộc dịch thuật lần 2 (từ giữa thế kỷ XVI đến thế kỷ XV ) thực hiện việc chuyển ngữ các trước tác tiếng Latinh cổ điển và tiếng Hy Lạp sang ngôn ngữ của các dân tộc ở Châu Âu, mang lại vật liệu tri thức mới cho các học giả châu Âu và cho đại chúng nhờ sự phát triển của công nghệ in ấn, đặt nền móng cho sự phát triển của châu lục này trong thời hiện đại mà gần nhất sau đó là cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 với sự xuất hiện của Galilei, Kepler, Descartes và Newton.

Hình ảnh có liên quan

Phục Hưng là một phong trào văn hóa đã tác động sâu sắc tới đời sống châu Âu trong thời sơ kỳ hiện đại. Bắt đầu ở Ý, lan ra khắp châu Âu vào thế kỉ 16, ảnh hưởng của nó hiện diện trong văn học, triết học, mĩ thuật, âm nhạc, chính trị, khoa học, tôn giáo, và các khía cạnh khác của đời sống tinh thần . Đây là thời kỳ đánh dấu sự chuyển dịch trung tâm học thuật từ Hy Lạp qua Ý, lên Bắc Âu rồi lan ra toàn châu Âu.

Đến cuối thế kỷ 15, “châu Âu được bao phủ bởi một mạng lưới đại học đáng kể, ước tính có khoảng trên 80 trường đại học mà phần lớn vẫn còn tồn tại hôm nay. Anh quốc, ngoài Oxford, Cambridge có thêm các đại học Glasgow, St.Andrew, Aberdeen. Bắc Âu có Kopenhagen, Uppsala. Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha có rất nhiều đại học. Trong thời gian các năm từ 1350-1500 có khoảng 750.000 người đã ghi danh” (số liệu của TS Nguyễn xuân Sanh).

Đối lập hoàn toàn với thời Trung kỳ Trung Đại, khi các học giả Latin tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các công trình tiếng Hy Lạp và Ả Rập về khoa học tự nhiên, triết học và khoa học, các học giả Phục Hưng quan tâm chủ yếu đến việc khôi phục và nghiên cứu các tác phẩm văn học, lịch sử và hùng biện tiếng Latin và Hy Lạp.

Việc này bắt đầu từ thế kỉ 14 với một giai đoạn Latin, khi các học giả Phục Hưng như Petrarca, Coluccio Salutati (1331-1406), Niccolò de’ Niccoli (1364-1437) và Poggio Bracciolini (1380-1459) lùng sục các thư viện châu Âu để tìm kiếm các tác phẩm văn học, lịch sử và hùng biện thời Cổ đại viết bằng tiếng Latin của Cicero, Livius và Seneca… Tới đầu thế kỉ 15, một khối lượng lớn tư liệu Latin được khôi phục, và các học giả phương Tây bắt đầu chuyển sự chú ý sang các tác phẩm thần học, hùng biện, văn học, lịch sử Hy Lạp. Khác với tư liệu Latin, những tư liệu Hy Lạp nhận được sự quan tâm rất hạn chế những thế kỷ đầu thời Trung Đại, trừ Byzantine vẫn tiếp tục nghiên cứu chúng như là di sản văn hóa chính thống của họ. Sự kiện thường được cho là đánh dấu sự trở lại của ngôn ngữ Hy Lạp trong nền học thuật châu Âu là vào cuối thế kỷ 14 khi Coluccio Salutati mời nhà ngoại giao và học giả Byzantine Manuel Chrysoloras tới Florence để dạy tiếng Hy Lạp. Đặc biệt các cuộc Thập tự chinh và sau đó là sự sụp đổ của thành Constantinopolis năm 1453 đã dẫn đến làn sóng tỵ nạn của các học giả Byzantine sang châu Âu định cư, mang theo một khối tư liệu Hy Lạp vô cùng quý giá.

Chính trong trọng tâm nghiên cứu mới về tài liệu văn học và lịch sử mà các học giả Phục Hưng khác biệt với các học giả Trung cổ của thời kỳ Phục Hưng thế kỷ 12, những người tập trung vào nghiên cứu các công trình Hy Lạp và Ả Rập về khoa học tự nhiên, triết học và toán học.

Ngoài việc nghiên cứu tiếng Latinh cổ điển và tiếng Hy Lạp, các tác giả Phục Hưng cũng ngày càng sử dụng rộng rãi các ngôn ngữ dân tộc, kết hợp với sự xuất hiện của in ấn, điều này cho phép ngày càng nhiều người tiếp cận được với sách, đặc biệt là Kinh Thánh.

Nguyễn Đông (2017)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

eighteen − 16 =