Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (62) – Bàn về Hạnh phúc

0
13

(GDVN) – Không thể sống hạnh phúc nếu không có cuộc sống đẹp đẽ, đúng đắn và trí tuệ, cũng như không thể có một cuộc đời đẹp đẽ, đúng đắn và trí tuệ mà không hạnh phúc.

LTS: Tiếp tục đọc giùm bạn những kiến thức bổ ích, trong tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ tới độc giả những ghi chép từ cuốn sách “Bàn về Hạnh phúc” của tác giả Matthieu Ricard.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Matthieu Ricard sinh ngày 15/2/1946. Ông là một nhà văn, nhiếp ảnh gia, dịch giả và tu sĩ Phật giáo người Pháp, hiện cư trú tại Tu viện Shechen Tennyi Dargyeling ở Nepal.

Matthieu Ricard lớn lên với tính cách và ý tưởng của giới trí thức Pháp. Ông đã nhận được bằng tiến sĩ về Di truyền học phân tử tại Viện Pasteur vào năm 1972.

Sau đó, ông quyết định từ bỏ sự nghiệp khoa học của mình và thay vào đó thực hành Phật giáo Tây Tạng, sống chủ yếu ở dãy Himalaya.

Matthieu Ricard là thành viên hội đồng quản trị của Viện Tâm trí và Đời sống.

Ông đã nhận được Huân chương Quốc gia Pháp cho công việc nhân đạo của mình ở phương Đông với tổ chức Karuna-Shechen, một tổ chức phi lợi nhuận mà ông đồng sáng lập vào năm 2000 cùng với Rabjam Rinpoche.

Từ năm 1989, ông đóng vai trò phiên dịch tiếng Pháp cho Đức Dalai Lama, đồng thời viết nhiều sách.

Cuốn Bàn về Hạnh phúc chia sẻ với bạn đọc những suy ngẫm của ông về con đường tìm kiếm chân hạnh phúc và những con đường để đạt tới hạnh phúc.

Sách được in và tái bản 4 lần bởi Nhà xuất bản Lao động và Công ty Thái Hà qua bản dịch của Lê Việt Liên, sự hiệu đính của Nguyễn Quang Chiến.

Cuốn sách “Bàn về hạnh phúc” của tác giả Matthieu Ricard.

– Đã là con người thì ai cũng muốn hạnh phúc, song để đạt được điều đó cần phải bắt đầu bằng việc hiểu hạnh phúc là gì.

– Hạnh phúc là một trạng thái an lạc ngầm ẩn trong từng khoảnh khắc của cuộc sống và trạng thái này kéo dài bất chấp những thăng trầm không thể tránh khỏi đánh dấu suốt chặng đường đời của chúng ta.

– An lạc là trạng thái viên mãn kéo dài, được thể hiện khi con người thoát khỏi sự mù quáng của tâm thức và những cảm xúc xung đột. Đó cũng là trí tuệ giúp ta nhìn thế giới đúng như bản chất của nó, không bị ngăn trở hoặc bóp méo. Đó cũng là niềm hân hoan đi tới tự do nội tâm và lòng thương yêu toả sáng vì người khác.

– Cần phải suy ngẫm về điều mang lại hạnh phúc, bởi vì có nó chúng ta có tất cả, còn thiếu nó chúng ta phải làm mọi cách để có được nó.

– Hạnh phúc là lời cầu mong cho mỗi khoảnh khắc của cuộc đời tôi và cuộc đời mọi người, là một khoảnh khắc vui tươi và an lạc trong tâm hồn.

– Điều đáng được kính trọng nhất trên đời, điều mà ai cũng đồng thuận hơn cả, điều rõ ràng nhất, liên tục nhất, đó là con người không chỉ muốn được hạnh phúc, mà còn chỉ muốn có nó mà thôi.

– Hạnh phúc là một trạng thái được thực hiện trong nội tâm, không phải là sự thoả mãn những ham muốn vô hạn hướng ra bên ngoài.

– Khi chúng ta làm nảy sinh một hạnh phúc đích thực – trạng thái an lạc, về thực chất chúng ta đã làm phát lộ ra, hoặc đánh thức dậy một tiềm năng luôn có ở trong mình. Đó là cái mà đạo Phật gọi là Phật tính, đã có sẵn trong mỗi con người.

– Mục đích cuộc đời chính là trạng thái an lạc từng phút giây kèm theo tình yêu thương đồng loại, chứ không phải tình yêu vị kỷ mà xã hội hiện nay liên tục nhét vào đầu óc chúng ta.

– Hạnh phúc là một tình yêu thương luôn sẵn có, không phô trương, không tính toán. Là sự giản dị trước sau như một của một tấm lòng nhân hậu.

– Ai cũng tìm kiếm hạnh phúc bằng cách này hay cách khác, nhưng từ khát vọng tới việc thực hiện được nó là cả một chặng đường dài.

– Chúng ta dại dột đi tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài bản thân mình, trong khi hạnh phúc cơ bản lại là một tâm trạng ở trong nội tâm.

– Không ai ban phúc hay giáng hoạ cho chúng ta cả. Chúng ta luôn đứng trước ngã ba đường và có quyền lựa chọn cho mình một hướng đi.

– Hạnh phúc không tự tuyên bố, không tự đến, mà là được vun bồi, xây đắp dần dần theo thời gian.

– Hạnh phúc là một cách sống, mà đã là một cách thức thì đều phải học. Có lòng kiên nhẫn thì vườn cây cũng biến thành mứt ngọt.

– Những kẻ mơ tưởng hạnh phúc nhưng chỉ khát khao dục vọng, giàu sang, vinh quang, quyền lực và sự nổi tiếng thì cũng ngây thơ chả kém gì những đứa trẻ tìm cách túm bắt cầu vồng để làm áo choàng cho mình.

– Ngược lại với khoái cảm, hạnh phúc nảy sinh từ nội tâm. Nó có thể chịu ảnh hưởng của những tình huống bên ngoài nhưng không bị chúng áp đặt. Nó kéo dài và phát triển chừng nào con người còn kiểm nghiệm được nó chứ không bị chuyển hoá thành điều đối lập với nó. Nó tạo ra một cảm giác sung mãn và theo thời gian nó trở thành nét cơ bản trong tâm tính chúng ta.

– Các khoái cảm tầm thường nảy sinh khi tiếp xúc với những vật mang lại cảm giác dễ chịu và biến mất ngay khi hết tiếp xúc. Trong khi đó, an lạc vẫn luôn luôn được cảm nhận chừng nào con người vẫn còn sống hài hoà với bản chất chân thật của mình.

– Người sống an lạc với chính mình tự nhiên sẽ góp phần mang lại bình yên cho gia đình, cho hàng xóm láng giềng, cho quê hương.

– Hạnh phúc được định nghĩa như là cảm giác sung mãn có được khi không bị thúc bách thường xuyên. Khoái cảm và an lạc là những cảm nhận có tính chất tự nhiên, ở các mức độ khác nhau.

– Khoái cảm chỉ trở thành chướng ngại một khi chúng làm cho tâm trí ta bị mất thăng bằng, khiến ta bị ám ảnh do yêu thích hoặc ghét bỏ những gì cản trở khoái cảm.

– Trong một tâm thái bình an, trí tuệ, minh mẫn thì lạc thú sẽ không che mờ hạnh phúc.

– Đam mê cũng được, xong không phải là sự đam mê làm tha hoá chúng ta, huỷ hoại chúng ta và làm mờ mịt tâm thức ta, khiến ta lãng phí từng ngày quý báu trong cuộc đời mình.

– Cơ man nào là những hình thức xả hơi giả tạo (rượu, cần sa, ma tuý…) nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại con người sẽ đi tới chỗ lệ thuộc vào đó. Giả vờ hạnh phúc chỉ làm tăng thêm nỗi bất hạnh mà thôi.

– Để niềm vui có thể kéo dài và chín muồi một cách êm ả, cần phải thêm vào đó những tố chất cấu thành một niềm hạnh phúc chân thật như trí tuệ, thiện tâm, giảm thiểu dần những cảm xúc tiêu cực và chấm dứt những thói đỏng đảnh của cái tôi.

– Những người biết làm chủ tâm thức của mình và phát triển một tâm thái an lạc sâu xa thì luôn có bản lĩnh và vững vàng trước mọi hoàn cảnh.

– Muốn sống hạnh phúc mà lại không từ bỏ hành động gây hại thì cũng vô lý như cho tay vào lửa mà lại hy vọng không bị bỏng.

– Đi tìm hạnh phúc mà lại bàng quan trước khổ đau của người khác là một sai lầm thê thảm.

– Nếu giữ được sức mạnh tâm hồn và lòng ham sống thì tuy đau khổ có mặt nhưng con người vẫn giữ được nhân phẩm và tự tin vào mình hơn.

– Thành tựu về mặt tâm linh là làm thăng hoa được tiềm năng đó. Vấn đề không phải là cố làm cho trong sạch một thứ gì đó cực kỳ xấu xa, điều này cũng vô ích như ra sức làm trắng một hòn than, mà là hãy lau chùi một thỏi vàng để làm cho nó phát sáng.

– Khi được giải phóng khỏi mọi sự bất an, hoảng sợ ngấm ngầm, lo ngại. đương nhiên chúng ta sẽ cởi mở hơn với người khác và được trang bị tốt hơn để đương đầu với những thách thức của cuộc sống.

– Trên thực tế, càng ít bị ảnh hưởng bởi ý thức về tầm quan trọng của mình thì người ta càng dễ có một sức mạnh nội tâm sâu bền.

– Khi cái tôi không còn được coi là thứ quan trọng nhất trên đời ta sẽ cảm thấy dễ gắn kết hơn với người khác. Nhìn thấy người khác bị khổ đau sẽ chỉ làm ta tăng thêm lòng can đảm và quyết tâm hành động vì hạnh phúc của họ.

– Tình yêu chân thực và lòng thù hận không thể cùng tồn tại, bởi lẽ yêu là mong cho người kia được hạnh phúc, còn ghét lại mong cho người ấy chịu bất hạnh.

– Không nên nhầm lẫn những khát vọng sâu xa nảy sinh từ cuộc sống hàng ngày của chúng ta với những tham dục chỉ như một cơn thèm khát dằn vặt tâm trí.

– Tình yêu người khác mở cánh cửa đi vào nội tâm, nó giúp chúng ta hoan hỷ khi cho và biết ơn khi nhận.

– Tự do có nghĩa là thoát khỏi sự ràng buộc của những khổ đau đè nặng lên tâm thức, là lèo lái con tàu đi về hướng mình đã chọn. Sự tự do giúp ta cởi mở và kiên nhẫn với mọi người, trong khi vẫn kiên định đi theo hướng mình đã chọn.

– Khước từ là một cách làm chủ cuộc đời mình, có nghĩa là không để mình bị thao túng bởi cuộc chạy đua tới quyền lực và của cải, bởi thèm khát tiếng tăm và bởi cuộc săn tìm lạc thú vô độ.

– Một tâm hồn đơn giản bao giờ cũng đi liền với sáng suốt. Giống như nước trong giúp ta nhìn được xuống tận đáy hồ.

– Các tình huống dễ dàng làm tổn thương những người có bản chất lo âu, nhưng chúng bất lực trước những người có bản lĩnh vững vàng.

– Trong tất cả những độc tố của tâm thức, thù hận là tai hại nhất. Nếu lấy oán trả oán, oán thù sẽ không bao giờ hết.

– Với người khiêm nhường, nếu được khen họ coi đó là lời khen cho tính khiêm nhường, chứ không phải khen chính họ. Nếu bị chê họ cho rằng phơi bày những mặt khiếm khuyết của mình cho mọi người thấy là cách tốt nhất để họ giúp mình.

– Dù người giàu có hoặc thông minh hơn ta không cho ai khác được hưởng những thứ đó, thì ta được lợi ích gì khi để thói ghen tỵ hành hạ mình?

– Đằng sau hình ảnh người lạc quan là rất nhiều đức tính như hy vọng, quan tâm, khả năng thích ứng, sáng suốt, thanh thản, mạnh mẽ, thực dụng, can đảm và thậm chí táo bạo – những phẩm chất mà người ta tìm thấy trong hạnh phúc và niềm an lạc thực sự.

– Những lỗi lầm và khuyết điểm của chúng ta chỉ là những tai nạn, những lần đi chệch hướng và chúng đều có thể được sửa chữa. Người lạc quan biết lùi lại và sẵn sàng tìm ra một giải pháp mới. Anh ta sống thanh thản, tin tưởng vững chắc như mũi tàu giúp anh ta rẽ sóng biển cuộc đời, bất kể lúc êm ả hay khi nổi sóng.

– Người lạc quan biết tìm thấy trong mình những nguồn năng lực cần thiết để vượt lên những bất hạnh của cuộc đời.

– Thời gian thường được ví như những bụi vàng mỏng manh mà chúng ta vô tình để lọt qua kẽ tay đến nỗi không nhận ra. Được sử dụng có ý thức nó trở thành con thoi dệt nên tấm vải cuộc đời.

Trong công cuộc tìm kiếm hạnh phúc phải ý thức được rằng thời gian là của cải quý báu nhất của chúng ta. Không phải chúng ta có rất ít thời gian, mà thực ra chúng ta để mất nó quá nhiều.

– Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi giây phút đều là một mũi tên bay về phía đích. Thời điểm tốt nhất để bắt đầu chính là bây giờ.

– Rèn luyện tâm linh có thể làm gia tăng đáng kể khả năng vị tha, cảm thông và thanh thản.

– Những người có gia đình hoặc sống có đôi gần như hạnh phúc gấp hai những người độc thân, goá bụa, ly dị hoặc ở một mình. Hạnh phúc cũng cao hơn ở những người có thể trạng tốt và có nghị lực mạnh mẽ.

– Người Bhutan dành ưu tiên cho bảo tồn văn hoá và bảo vệ môi trường so với phát triển công nghiệp và du lịch. Họ là nước duy nhất cấm săn bắn và câu bắt trên toàn lãnh thổ. Ngoài ra còn khước từ chặt cây, phá rừng trong khi nguồn rừng của họ vẫn còn rất dồi dào.

Hãy ngồi bên sườn đồi và lắng nghe những tiếng động trong thung lũng. Bạn sẽ nghe thấy những người nông dân ca hát trong khi gieo trồng và khi họ đi trên đường.

– Không thể sống hạnh phúc nếu không có một cuộc sống đẹp đẽ, đúng đắn và trí tuệ, cũng như không thể có một cuộc đời đẹp đẽ, đúng đắn và trí tuệ mà không hạnh phúc.

– Tình yêu và lòng từ bi phản ánh bản chất sâu sắc của mọi chúng sinh, đó là cái mà chúng ta gọi là Phật tính hoặc Thiện căn.

– Chỉ riêng sự tồn tại của Thiện căn đã luôn luôn có thể giúp con người làm lại cuộc đời.

– Người có trí tuệ biết rằng thời gian là quý báu và phung phí nó vào những chuyện không đâu thì thật là uổng. Lúc cái chết đến người đó lên đường thanh thản, không tiếc nuối, chẳng vấn vương vào những gì còn ở lại. Người đó giã biệt cuộc đời này như đại bàng tung cánh lên trời cao.

– Trong xã hội hiện đại của chúng ta, sẽ không thực tế nếu hy vọng rằng có nhiều người dành hàng tháng hoặc hàng năm cho đời sống tâm linh.

Tuy nhiên, ai cũng có thể dành một vài lúc trong ngày, hoặc đôi khi vài ngày liền, để tĩnh tâm nhìn nhận mình và thế giới cho sáng rõ hơn.

Làm như vậy cũng cần thiết như nghỉ ngơi khi kiệt sức, hoặc hít thở bầu không khí thoáng đãng, trong lành sau khi đã phải chịu đựng lâu dài không khí ô nhiễm của thành phố.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/giao-su-nguyen-lan-dung-doc-gium-ban-62-ban-ve-hanh-phuc-post195803.gd

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

seventeen − 3 =