NGHỆ THUẬT ĐẶT BẪY: BÍ QUYẾT GIÚP CON HAM ĐỌC SÁCH

0
31

Tôi được Thái Hà Books tặng một ít sách trẻ con, tôi mang ra đọc một lượt để thẩm định trước khi cho con đọc. Chưa đọc hết, tôi để nó trên bàn làm việc. Hôm qua, lúc bạn lớn đang quét nhà, tôi nhờ nó tiện thể dọn giúp mẹ cái bàn làm việc. Nó đang dọn bàn, bỗng nhiên reo lên: Mẹ ơi, mẹ đểu thế, sao mẹ có quyển sách hay thế mà lại giấu con. Tôi hỏi: quyển gì thế con. Nó bảo: Đây này, khám phá bí ẩn cơ thể người. Và thế là nó vứt chổi chỏng chơ giữa nhà, cắm cúi ngồi đọc. Đọc một lúc lại chạy ra hỏi: cho con xem móng tay của mẹ nào. Móng tay mẹ có sọc dọc, nghĩa là bị lão hóa, ngủ không đủ giấc. Ơ nhưng mà mẹ có bao giờ ngủ không đủ giấc đâu nhỉ, con thấy mẹ ngủ suốt mà.

Đấy là hành trình mà một đứa trẻ lại gần và rồi đọc ngấu nghiến một cuốn sách.

Chúng đọc không phải vì hiểu rằng đọc sách làm chúng thông minh hơn, học giỏi hơn, nói và viết hay hơn, tập trung hơn, những thứ mà người lớn chúng ta rất hiểu. Lí do quan trọng nhất mà một đứa trẻ tiến tới một quyển sách là sự tò mò. Chúng đọc hết cuốn này tới cuốn khác chỉ để thỏa mãn sự tò mò không bao giờ vơi cạn đó. Nếu hiểu rõ động cơ bên trong của việc đọc này, thì không cần giục giã, không cần thuyết lý, không cần dụ dỗ bằng phần thưởng, không cần dọa dẫm bằng hình phạt, chỉ cần một chút nghệ thuật đặt bẫy, là bạn có thể khiến cho mọi đứa trẻ tiến gần hơn, gần hơn tới thế giới của sách vở, thậm chí trở thành một con mọt sách.

Hãy nhớ lại chính cảm giác của mình. Vì lẽ gì bạn xem các bộ phim truyền hình dài tập, hết tập này đến tập khác? Vì lẽ gì cả thế giới dõi theo một trái bóng trong mùa World Cup? Vì lẽ gì chúng ta say mê cờ bạc, xổ số và những trò may rủi khác? Nếu biết trước diễn biến của một bộ phim, kết quả của một trận đấu, biết rõ ai sẽ thắng và ai sẽ mất sạch trong trò chơi xổ số hay cờ bạc, liệu chúng ta có say mê đến thế hay không?

Loài người là một sinh vật tò mò nhất thế giới. Vì tò mò, chúng ta tìm mọi cách để đào sâu xuống lòng đất, mặc dù việc đó chưa chắc đã hứa hẹn mang lại một lợi ích cụ thể nào cho mưu sinh. Vì muốn biết vũ trụ ra sao, người ta tốn biết bao công sức và bất chấp tính mạng và hiểm nguy để bay ra ngoài trái đất, rời khỏi mái nhà sống an toàn của mình. Vì muốn biết bên kia đại dương có gì, mà người ta dong thuyền vượt biển và khám phá những vùng đất mới. Chính trí tò mò mãnh liệt đó của con người đã xui khiến ta khám phá các tri thức khoa học, và từ đó xây dựng nên nền văn minh của mình.

Vì thế, để lôi cuốn trẻ bước vào thế giới kì diệu của tri thức, thì bạn cần trở thành một nhà phù thủy, thay vì để mọi thứ hiện ra, hãy tìm cách giấu đi. Nhà ảo thuật giỏi là người đã giấu đi toàn bộ bí quyết của mình. Người kể chuyện giỏi là người đã giấu đi toàn bộ diễn biến tiếp theo của câu chuyện.

Và ba mẹ giỏi dụ con đọc sách chính là người biết giấu bớt sách vở đi và làm như thể đó là một kho báu bí mật vậy.

Hiểu rõ qui luật này, mỗi khi muốn con đọc cuốn sách gì, là tôi thường tìm mọi cách khéo léo giấu nó đi và đặt bẫy, để bọn trẻ con phát hiện ra nó như thể tình cờ. Một lần, tôi đặt một cuốn sách về cướp biển to đùng trên bàn uống nước, gần chỗ bọn trẻ hay lê la ngồi xếp lego. Xếp chán, chúng nó quay sang bên trái, và bất ngờ phát hiện ra một quyển sách to đùng, to gấp 4 lần quyển sách thông thường, và chẳng nói chẳng rằng, chúng vồ lấy cuốn sách, say mê lật giở từng trang và khám phá điều bất ngờ thú vị ẩn bên trong cuốn sách. Một lần nữa, tôi mua về quyển Từ điển Bách khoa to như một cục gạch, cũng làm như tình cờ, để ở đầu giường. Lúc bọn trẻ con chuẩn bị đi ngủ, theo thói quen chúng bật điện lên và kiếm cái gì để đọc, và chợt phát hiện ra một quyển sách dày khác thường, và chẳng cần giục giã, thằng anh bắt đầu cắm mặt vào đọc, vừa đọc vừa reo lên thích thú. Một lần khác, lúc đó con trai học lớp 2, đọc ngắc ngứ nên sợ đọc vô cùng, buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi đọc cho con nghe đoạn đầu của cuốn Tôi đã sống sót sau trận chiến Trân Trâu cảng, đọc được một lúc thì buồn ngủ díp mắt, lăn ra ngủ trước. Hôm sau thấy con trai khoe: con đọc xong hết quyển sách hôm qua mẹ đọc rồi đấy. Mẹ ơi, thực ra là không phải quân Mỹ muốn đánh Nhật đâu, mà là Nhật tấn công trước đấy. Tôi vô cùng sửng sốt, vì cuốn sách đó rõ ràng là quá sức với con, cả về dung lượng lẫn tri thức. Rồi một lần khác, cũng dùng chiêu bài này, tôi đọc truyện Mắt sói, và dừng ở đoạn gay cấn nhất, cố tình đi ngủ. Sáng hôm sau lại nghe con báo cáo là đọc hết cuốn sách đó rồi.

Muốn khuyến khích trẻ, bạn không cần chăm chỉ, chỉ cần láu cá một chút. Và dưới đây là bật mí một số bí quyết của một người mẹ láu cá:

  1. Bẫy cần được đặt ở những nơi mà bọn trẻ thường xuyên lại qua: tất nhiên rồi, ngay cả muốn đặt bẫy thỏ, bạn cũng cần phải đặt ở những nơi mà thỏ thường xuyên qua lại chứ. Vì thế, hãy nghĩ xem nơi nào trong nhà của bạn là nơi bọn trẻ hay tụ tập nhất, đặc biệt là nơi chúng nó hay ngồi đó để nghỉ ngơi, sau những chặng chơi mệt nhọc. Theo bản năng, sau khi đã phát chán những trò chơi khác, mắt chúng sẽ đảo quanh và tìm kiếm xem có cái gì để chơi tiếp hay không. Và thử đặt địa vị vào một đứa trẻ, trong lúc đó, mắt của bạn sẽ dừng lại ở đâu và hãy đặt bẫy ở nơi đó: trên ghế sô pha, trên bậu cửa sổ, ở đầu giường, bên cạnh giá đồ chơi…
  2. Bẫy cần tác động mạnh đến giác quan của trẻ: muốn đặt bẫy, giống như thả thính, bạn phải rang thính thật thơm, vì thế, hãy chọn những cuốn sách đặc biệt một chút: khổ sách to hơn bình thường, hoặc nhỏ quá mức, sách 3D, nhan đề khiêu khích (ví dụ như khám phá bí ẩn của cơ thể, nhan đề này rất khiêu khích vì đứa trẻ nào cũng tò mò về những điều bí ẩn, hoặc Kinh khủng gì đâu, vì cái tên này đọc lên nó sẽ không hiểu gì cả, và vì vậy lập tức chú ý tới, muốn tìm hiểu xem cái kinh khủng gì đâu đó thực sự là cái gì). Nếu đó là một cuốn sách không có gì đặc biệt, bạn hoàn toàn có thể biến nó trở nên đặc biệt bằng cách treo nó lửng lơ giữa nhà, sao cho khi bước vào phòng, cuốn sách đung đưa ngay trước mắt của trẻ, hoặc đặt nó bên trên bộ cờ vua mà con thường chơi, vì thế, khi đi tìm bộ cờ vua, đứa trẻ sẽ tình cờ tìm thấy cuốn sách.
  3. Bẫy cần càng ít càng tốt: khi đi câu cá, nếu bạn chỉ muốn câu một con cá thật to thôi, thì tốt nhất là chỉ nên đặt một vài cái bẫy, để con cá không có nhiều sự lựa chọn. Mỗi tuần, hãy lọc ra những cuốn sách mà bạn muốn bẫy con đọc, và đầu tư công sức vào đặt vài cái bẫy đó thôi. Khi bẫy đã sập, con mồi đã bị bắt, cuốn sách đã được đọc xong, thì bạn nên cất nó đi để khỏi làm xao nhãng sự chú ý của trẻ tới các bẫy mới. Tôi thường chia sẻ với phụ huynh, cách tốt nhất để một đứa trẻ cảm nhận được giá trị của sách là mua cho chúng ít thôi, nhỏ giọt từng cuốn một. Sự thừa thãi làm phân tán sự chú ý, khiến cho đứa trẻ cảm thấy thật khó có thể lựa chọn.
  4. Cảnh giác với các bẫy khác: không phải mỗi bạn đặt bẫy, mà nên nhớ xung quanh bạn có rất nhiều đối thủ cũng đang rắp tâm câu con cá. Các nhà sản xuất game, nhà làm phim, nhà sản xuất đồ chơi là các đối thủ của bạn. Là những cáo già lão luyện trong nghề đi câu, bọn họ hiểu rất rõ đứa trẻ của bạn, và vì vậy, trước khi đặt bẫy, dứt khoát phải đuổi hết các đối thủ cáo già đó ra, biến ngôi nhà thành sân chơi của riêng bạn. Hãy làm như tivi đã bị hỏng, máy tính và điện thoại đã bị mất, cất bớt đồ chơi, khiến cho trẻ không có nhiều lựa chọn, và như vậy, bẫy của bạn mới trở nên nổi bật, là thứ duy nhất hấp dẫn chúng.
  5. Đôi khi, bạn cũng phải trở thành chim mồi: với những cuốn sách nhìn bề ngoài chẳng có gì đặc biệt, bạn phải tự biến mình thành một con chim mồi. Ngay cả khi con đã lớn, hãy dành một chút thời gian đọc sách cho con nghe. Nhưng nên nhớ là chỉ đọc một đoạn thôi, rồi dừng lại và nhất quyết không đọc tiếp ở thời điểm gay cấn nhất, hấp dẫn nhất. Bạn hãy bỏ cuốn sách đó, đi ngủ hoặc làm việc khác, thậm chí bắt bọn chúng dừng lại đi ngủ hoặc đi chỗ khác mà chơi. Vì tò mò muốn biết câu chuyện sẽ ra sao, chắc chắn bọn chúng sẽ tự đọc nốt phần còn lại. Nên nhớ hãy tìm mọi cách để trì hoãn, ngăn trở việc đọc đoạn tiếp theo, để đứa trẻ phải chờ đợi, tò mò và có ham muốn mãnh liệt muốn biết, muốn tự mình khám phá.
  6. Nghệ thuật tát nước theo mưa: nếu con hỏi: Mẹ ơi tại sao… (mà câu hỏi này chắc chắn là câu hỏi thường xuyên của trẻ), thì là một người mẹ thông minh và giỏi đặt bẫy, bạn đừng dại mà trả lời ngay. Hãy làm như không biết gì hết, và trả lời thật ngây ngô, rồi làm như tình cờ bảo: để mẹ xem nào, hình như mẹ nhớ có một cuốn sách nào đó nói về cái này, nhưng mà cũng đừng tìm ra cuốn sách ngay, hãy để cho đứa trẻ cùng với bạn cùng bới tung đống sách để vất vả lắm mới có thể tìm ra cuốn sách (tất nhiên là đừng vất vả quá khiến con cảm thấy nản), và rồi, việc của bạn là ngồi đó, nhìn nó đọc và tủm tỉm cười.

Trong cuốn Emile hay là về giáo dục, nhà triết học và giáo dục học Rousseau, từ thế kỉ XVIII đã biết rất rõ cơ chế này. Để thúc đẩy niềm khao khát được học chữ và biết đọc của cậu bé Emile, ông thầy đã đặt bẫy. Thỉnh thoảng, ông để cho Emile nhận được một của anh chị em, họ hàng, bè bạn những giấy mời dự ăn tối, dạo chơi, đi thuyền, xem một lễ hội công cộng nào đó. Những giấy mời này ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch, viết hay. Phải tìm người nào đó đọc giúp nó các tờ giấy này, cái người ấy hoặc không phải bao giờ cũng có mặt đúng lúc, hoặc trả lại đứa trẻ thái độ kém ân cần. Thế là cơ hội, thời điểm trôi qua. Cuối cùng, người ta đọc giúp nó giấy mời, nhưng không còn kịp nữa. Ôi, giá như tự mình đọc lấy được.

Và ông kết luận, điều quan trọng nhất trong dạy trẻ là thúc đẩy một niềm ham muốn học tập. “Các vị hãy đem lại cho đứa trẻ ham muốn ấy, rồi hãy bỏ lại đó nào bàn giấy nào quân súc sắc, phương pháp nào cũng sẽ tốt với đứa trẻ hết”.

Và như Rousseau đã đúc kết, ta đạt được rất chắc chắn và rất nhanh điều ta không vội vã đạt. Hãy trở thành một người đi câu, khoan thai đặt bẫy, khơi nên niềm ham muốn đọc sách bên trong trẻ, và việc của bạn là không làm gì cả, khoan thai ngồi đó và chờ cá cắn câu.

(TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh)

Nguồn: https://eduforlife.edu.vn/nghe-thuat-dat-bay-bi-quyet-giup-con-ham-doc-sachdemo-news-title-3/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

five − 1 =