GÓC NHỎ NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU ĐỌC SÁCH

0
161

GÓC NHỎ NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU ĐỌC SÁCH 

(Phần 1)

(Nguyễn Thị Ngọc Minh- Giảng viên ĐHSP Hà nội)

Làm thế nào để một đứa trẻ thích đọc sách, có thói quen đọc sách? Liệu tôi có thể bắt đầu từ đâu? Câu hỏi này tôi đã được nghe rất nhiều lần, và cũng là câu hỏi mà tôi đã đặt ra cho mình suốt từ ngày theo đuổi dự án Sách ơi mở ra.

Tôi nhớ lại căn nguyên đã khiến hai chị em tôi đều thích đọc từ nhỏ. Ngoài việc đặt báo định kì và chở con đi mua sách hàng tuần, tặng sách cho con vào những dịp đặc biệt, thì từ năm học lớp hai, bố đã làm cho tôi một góc học tập, và có một giá riêng để đựng sách. Bàn học lúc đó được bố sửa từ một cái hòm gỗ. Giá sách cũng làm bằng những thanh gỗ tái chế từ đâu đó. Bố lấy giấy tự đóng thành những quyển sổ rất dày, bìa cứng để cho tôi ghi chép những thứ mình đọc được. Và thế là tôi đã có một góc đọc nghiêm chỉnh, có công cụ rất sẵn sàng cho việc đọc.

Hầu hết chúng ta khi trưởng thành sẽ không còn nhớ là mình từng học đọc như thế nào, đọc những gì, nhưng lại có thể nhớ như in những xó xỉnh mà mình thường vùi mình trong đó để đọc sách. Khi phỏng vấn gần một trăm người lớn về việc họ thường đọc sách như thế nào vào thời thơ ấu, tôi đã nhận được những câu trả lời thật thú vị.

Có người kể lại rằng họ thích nhất là mỗi buổi trưa trốn khỏi nhà, leo lên một cành cây và đọc sách. Có người nói họ chỉ có thể tập trung nhất khi nằm bò ra đọc sách trên giường. Có người lại nói họ thích chui vào xó nhà để ngồi đọc. Thậm chí, không ít người thừa nhận rằng không gian đọc yêu thích của họ là… nhà vệ sinh, mỗi lần chui vào nhà vệ sinh, họ thường tập trung hơn cả.

Khi được hỏi là bạn còn nhớ nội dung những cuốn sách mà mình đọc hay không, thì phần lớn người trưởng thành đều nói là họ không nhớ rõ lắm, chỉ có một số ấn tượng rất sâu sắc về một số hình ảnh, cảnh tượng, nhân vật trong đó, nhưng điều đặc biệt kì lạ là họ có thể nhớ rất rõ về không gian đọc yêu thích của mình. Có người còn miêu tả được một cách tỉ mỉ cảnh tượng mỗi lần vắt vẻo trên cành cây ngồi đọc sách, ánh sáng đã chiếu qua tán lá rồi hắt vào trang giấy ra sao, âm thanh rộn ràng của bầy chim sẻ đã làm anh cảm thấy hân hoan như thế nào, và những làn gió mát rượi thổi sột soạt vào cành lá đã khiến cho cảm giác tuyệt diệu về việc đọc còn lưu lại mãi trong kí ức ra sao.

Dường như, cái khiến cho chúng ta yêu thích và ghi nhớ một cuốn sách nào đó, không chỉ nằm ở sức hấp dẫn của cuốn sách, mà còn nằm ở bối cảnh xung quanh cuốn sách đó. Trong khi mắt và não bộ của chúng ta đắm chìm trong thế giới kì diệu phía trong trang sách, thì cùng lúc, mọi giác quan của chúng ta cũng mở rộng để sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin từ thế giới phía ngoài trang sách. Và tất cả những thông tin này cùng tác động và lưu lại, để tạo nên kí ức của chúng ta về việc đọc. Nhiều người đã mang theo những kí ức đẹp đẽ này trong suốt cuộc đời của mình.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đọc không chỉ mang lại kiến thức, thúc đẩy tư duy, phát triển ngôn ngữ của trẻ, mà việc đọc trước hết đem lại cho trẻ niềm vui, niềm yêu thích được tự khám phá thế giới của tri thức theo cách của mình. Vì thế, bố mẹ cần khuyến khích tình yêu đọc sách bất cứ khi nào có thể, trẻ cần thời gian cho việc đọc, trẻ cần sách để đọc, nhưng hơn hết, trẻ cần có một không gian để nuôi dưỡng tình yêu với sách vở và thói quen đọc sách mỗi ngày.

Vì lẽ này mà khi nói chuyện với phụ huynh, tôi thường khuyên các ông bố bà mẹ dù điều kiện có ra sao, cũng nên thu xếp cho con một góc nhỏ trong nhà dành cho việc đọc. Một góc nhỏ không cần tốn nhiều diện tích, không cần quá cầu kì đắt tiền, chỉ cần một chiếc giá sách nhỏ vừa tầm với của con, một chỗ ngồi tiện lợi êm ái, cạnh một cửa sổ mở rộng để có thể đón ánh sáng tự nhiên ngoài trời. Hàng ngày, bố mẹ và con cùng nhau trải qua những khoảng thời gian thư giãn trong cái góc nhỏ yên bình đó, cùng với những cuốn sách, thì chắc chắn, việc đọc sẽ trở thành một ấn tượng ngọt ngào mãi lưu lại trong kí ức đứa trẻ ngay cả khi nó đã lớn lên.
(Còn tiếp…)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

17 + fourteen =