Đốt sách chôn Nho: Tội đâu phải ở Tần Thủy Hoàng?

0
1078

Đốt sách, chôn Nho là hành vi được người đời sau coi là tàn bạo nhất của Tần Thủy Hoàng. Đó cũng là tội danh hàng ngàn năm nay được gán lên người vị Hoàng đế này. Thế nhưng thực tế đã hẳn là như vậy? Người ta thường thuận miệng mà nói “phần thư khanh Nho”(đốt sách chôn Nho), nhưng ít người đặt câu hỏi rằng: đốt sách, Tần Thủy Hoàng đốt những sách nào? Chôn Nho, Tần Thủy Hoàng chôn những ai? Trả lời cho thật tường tận những câu hỏi này chúng ta sẽ có một kết luận hoàn toàn khác.

 

b219ebc4b74543a97d73305c1e178a82b9011432

Lâu nay người ta luôn gắn đốt sách và chôn Nho trong cùng một câu nhưng thực tế, đó lại là hai sự kiện vốn chẳng liên quan gì đến nhau. Do vậy, để cho minh bạch, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu từng vế trong “tội danh” của vị Hoàng đế đầu tiên này.

1. Lệnh đốt sách

Việc đốt sách dưới triều Tần là có thực, điều này không cần bàn cãi. Nhưng sự kiện đó diễn ra là vì sao và trong bối cảnh nào lại là điều ít người đặt vấn đề tìm hiểu. Thực tế, muốn tìm người đề xướng việc đốt sách không phải là Tần Thủy Hoàng mà chính là vị tể tướng đương triều Lý Tư.

Năm đó, khi Thuần Vu Việt triều kiến Tần Thủy Hoàng và thỉnh cầu được phân phong làm chư hầu. Lý Tư đã dâng thư lên Tần Thủy Hoàng phản đối thỉnh cầu của Thuần Vu Việt. Thư viết:

“Ngũ Đế không lặp lại nhau, Tam Đại thì không khuôn sáo, các triều đều thịnh trị. Đó không phải là đối lập mà là mỗi thời đều phải có sự biến dị thích nghi. Nay bệ hạ tạo nên nghiệp lớn, để lại công đức vạn thế, quyết không phải là do trí thức của bọn ngu Nho. Mà những lời nói của Thuần Vu Việt, thì những việc thời Tam Đại chẳng phải là một tấm gương tốt hay sao? Lúc đó chư hầu tranh đoạt, thiên hạ đại loạn. Nay thiên hạ đã định, pháp lệnh đã thống nhất, bách tính đều chịu ràng buộc của pháp luật, nhân sĩ học tập pháp lệnh. Nay những người học trò không tôn nay mà học xưa, lấy cái không phải thời nay mà mê hoặc dân chúng.

Thần thừa tướng Lý Tư liều chết mà nói rằng: Thời xưa thiên hạ tán loạn, không thể thống nhất là do chư hầu làm ra, lời nói đều lấy xưa mà chê nay, lấy lời hàm hồ mà làm loạn đời thực, người đời chỉ giỏi ở những sở học cá nhân, không có cái học chính thống và cao nhất. Nay hoàng thượng đã có trong thiên hạ trong tay, nên phân rõ trắng đen mà chọn lấy cái học cao nhất. Những điều sở học cá nhân mà ngược lại với việc dạy pháp luật, người nghe thấy tất sẽ bàn luận về nó, vào thì tâm không còn ngay thẳng, ra thì bàn tán ở chốn ngõ hẻm,… vì vậy cấm là tiện lợi hơn cả”.

Còn như làm thế nào để cấm sách, trong thư lại nói:

“Thần xin rằng sử sách không phải do Tần ghi chép đều đem đốt. Ngoại trừ quan chức không phải là tiến sĩ thì trong thiên hạ không ai được phép cất giữ Thi, Thư, sách của Bách gia, tất cả đều phải đem đốt. Nếu dám dùng những lời ngụ ngôn trong Thi, Thư thì chém bêu đầu ở chợ. Lấy xưa mà coi chê nay thì giết cả họ. Quan lại thấy mà không tố cáo sẽ bị coi là đồng phạm. Nay lệnh trong ba mươi ngày mà không đem đốt, sẽ bị xăm mặt và bắt đi xây dựng trường thành. Những thứ không bỏ là sách y dược, bói toán. Còn những người muốn học, lấy quan làm thầy”.

Thư được dâng lên Tần Thủy Hoàng, Tần Thủy Hoàng phê rằng: “khả” (có thể). Ý nghĩa chính là, ta thấy việc này có thể thực hiện.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc đốt sách nổi tiếng trong lịch sử dưới triều đại của Tần Thủy Hoàng. Đối với hành động này, người đời sau thường phê phán khá kịch liệt. Nhưng trước khi chúng ta phụ họa theo những tội danh này, chúng ta phải lý giải một cách cụ thể những tình tiết liên quan cũng như những hậu quả thực tế của việc đốt sách này. Nếu chỉ vừa mới nghe hai chữ “đốt sách” mà không nghiên cứu kỹ lưỡng đã vội đập bàn chê bai, phê phán kịch liệt, phải chăng là có phần quá vội vàng?

86e6f0a0jw1e197if89fyj

Đầu tiên, trong cách nhìn của Lý Tư, việc đốt sách có logic tự nhiên của nó. Trong thư của Lý Tư dâng lên Tần Thủy Hoàng, đối với việc Thuần Vu Việt xin được phân phong làm chư hầu, chỉ dùng mấy chữ: “Những sự việc thời Tam Đại, đã đủ làm gương lắm rồi” đã có thể bác bỏ một cách triệt để. Sau đó, đối với Thuần Vu Việt, Lý Tư xác định là: “không học nay mà học xưa, lấy cái không phải đời nay đê mê hoặc dân chúng”. Mà giống như Thuần Vu Việt, cũng có nhiều người: “nghe lệnh xuống thì lấy những cái học được đó mà bàn bạc, vào thì tâm không ngay chính, ra thì bàn bạc nơi ngõ hẻm”. Những điều mà con người ta học được tất phải nhờ đến sách, vì thế cấm sách cho đến đốt sách cũng chính là việc trừ đi nguồn gốc của việc lạm bàn việc chính sự.

Người xưa câu chữ súc tích, một chữ cũng không dùng thừa. Điều này cũng có nghĩa là các loại sách thuộc diện “cấm thư” chỉ có rất ít. Trên thực tế, loại sách thuộc diện phải “đốt” của Tần Thủy Hoàng chỉ có hai loại: Một là “ngoài sử sách do nước Tần ghi chép”, tức sử sách của 6 nước, trong đó đa phần là châm biếm, nói xấu nước Tần. Hai là Thi, Thư, sách của bách gia. Đặc biệt là Thi, Thư, vốn là “kho tàng” để Thuần Vu Việt lấy xưa mà chê nay. Mục đích của Tần Thủy Hoàng là: đốt chúng đi xem anh còn làm thế nào mà dẫn lời ngụ ngôn châm biếm trong sách được nữa.

Điều cần chú ý nữa là, từ thư của Lý Tư dâng lên Tần Thủy Hoàng có thể thấy, các thư tịch do nước Tần sở hữu khi đó, bao gồm cả loại sách được lệnh đốt, đều lưu lại một bộ hoàn chỉnh trong triều đình. Chu Hy cũng nói: Tần đốt sách cũng chỉ là dạy cho thiên hạ đốt sách, còn trong triều đình ông ta vẫn lưu lại. Nói rằng: “Không phải sử nước Tần và không phải sách do chức quan tiến sĩ giữ thì đều đem đốt”, nhưng cả 6 kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) ông ta đều lưu lại cho mình, chỉ thiên hạ thì không ai có.

2. Biện giải cho việc đốt sách

goa

Đối với hành động này của Tần Thủy Hoàng, Lưu Đại Khôi đời Thành có giải thích là: “Nếu làm như vậy sẽ là ngu dân, còn nếu không làm như vậy thì bản thân mình sẽ là kẻ ngu vậy”. Thực ra việc Tần Thủy Hoàng cấm loại sách này để dân chúng không được giữ sách chứ không có ý phá hủy như một niềm vui. Ngoài việc bỏ đi mối lo “bản thân mình sẽ là kẻ ngu” còn là một suy nghĩ nhìn xa trông rộng. Chúng ta đều biết, virus đậu mùa đã tàn phá suốt nhiều thế kỷ, đoạt đi không ít tính mạng của con người, mang đến cho con người tai họa to lớn. Mặc dù như thế, con người vẫn không muốn tiêu diệt tận gốc loại virus này khiến nó biến mất hoàn toàn khỏi trái đất. Ngược lại người ta để lại một số lượng cực nhỏ loại virus này để nghiên cứu, bởi vì bất cứ ai cũng không thể nói trước rằng vào một ngày nào đó nó không trở lại đe dọa con người.

Trong dân gian, nếu như cất giữ sách cấm, kháng cự lệnh trên mà không giao sách hậu quả sẽ ra sao? Câu trả lời là: “Lệnh trong ba mươi ngày mà không đem đốt, sẽ xăm mặt và bắt làm phu xây dựng trường thành”. Theo cách nhìn của ngày nay, hình phạt như vậy là nghiêm trọng, nhưng với những hình phạt nghiêm ngặt dưới triều Tần, đây có thể coi là thuộc hàng tội nhẹ. Hơn nữa, cách xử phạt như vậy là đối với những người giấu sách bị quan lại phát hiện còn nếu như chưa bị phát hiện thì hoàn toàn không bị truy cứu.

Từ đó có thể thấy, trong lệnh đốt sách đương thời, đốt sách không phải là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên. “Nửa đêm bên cầu hô gọi trẻ, nhân gian hãy còn chưa đốt sách”. Lý Tư và Tần Thủy Hoàng đều biết rất rõ, ra lệnh đốt sách cũng không thể đốt sạch được. Đốt sách thực tế chỉ là một thủ đoạn chính trị mà thôi.

Còn như: “Những người dám lấy ngụ ngôn trong Thi, Thư, bêu đầu ở chợ. Lấy xưa mà chê nay, giết cả họ”. Chúng ta dễ thấy rằng, tội danh “ngụ ngôn Thi, Thư”, lại nặng hơn rất nhiều so với việc “cất giữ Thi, Thư”. Cất giữ Thi, Thư có chỉ bị thích vào mặt và bắt đi xây dựng trường thành, trong khi nói những lời ngụ ngôn Thi, Thư lại bị chặt đầu bêu ở chợ. Một tội danh nặng nữa là “lấy xưa chê nay, tru di cả họ”. Có thể suy luận rằng, đây mới chính là mục đích quan trọng nhất của lệnh cấm sách, đó là cấm chỉ dân chúng bàn bạc về việc chính trị của đương triều, thứ đến là cấm dân chúng không được bàn luận về chính trị thời xưa rồi dùng xưa mà chê nay. Tóm lại một câu là: cấm bàn việc chính trị. Thiên hạ không có việc lạm bàn chính trị, tất sẽ yên ổn, đây chính là căn cứ logic tự nhiên của lệnh cấm này.

Đốt sách đương nhiên là việc làm không đúng, bởi nó là hành vi hủy diệt văn hóa. Nhưng đối với nước Tần, những lời bàn luận khắp thiên hạ, vạn ngựa cùng hí một tiếng mới là đáng sợ nhất. Phòng những lời nói từ miệng dân chúng, còn quan trọng hơn đắp đê ngăn lũ. Từ cổ đến nay phòng lũ có hai cách. Một là đắp đê, Cổn là dùng phương pháp này nhưng kết quả là cơn Hồng Thủy càng ngày càng lớn, còn bản thân đã bị vua Nghiêu phái Chúc Dung xử chết ở Vũ Giao. Hai là khơi dòng, đây là cách mà con Cổn là Đại Vũ đã áp dụng, kết quả là Vua Vũ đã trị thủy thành công.

Vì kế lâu dài cho đất nước, đáng lý ra nên giữ một mức độ tự do ngôn luận nhất định rồi từ từ uốn nắn để trị nước cho tốt. Nói theo cách nói của Chủ Biện đời Bắc Tống trong Tục ủy bí thuyết:

“Sự thịnh suy của bản thân là do nguyên khí, còn thịnh suy của thiên hạ là nằm ở sĩ khí. Nguyên khí mạnh mẽ thì da dẻ hồng hào, sĩ khí dồi dào thì triều đình vững mạnh. Người giỏi dưỡng sinh là người không làm cho nguyên khí tiêu hao, người giỏi trị nước là người không làm cho sĩ khí ủ rũ. Muốn nguyên khí không tiêu hao cần phải cố gắng ăn uống bổ trợ, đặc biệt là yết hầu vì nó là nơi cho thức ăn vào. Còn muốn sĩ khí không ủ rũ tất cần phòng bị những chỗ còn vướng mắc, mà lời nói trên đường có thể phát hiện những chỗ vướng mắc ấy. Gần lấy chư thân, xa lấy chư vật, xa gần tuy khác nhưng đạo trị nước thì không có hai.”

Lại nói tới việc đốt sách, lệnh đốt sách của Tần Thủy Hoàng có thực sự làm tuyệt diệt sách hay không? Hậu quả của nó là đến mức nào? Cho tới nay, vẫn chưa có một phán đoán chính xác nào. Sử ký – Lục quốc niên biểu có viết: “Thi, Thư có thể lại được xem thấy là vì có nhiều người cất giữ”. Vương Sung trong Luận hoành –Thư giải biên cũng nói: “Tần tuy vô đạo, nhưng không đốt sạch sách của chư tử, sách của chư tử vẫn còn lưu lại khá đầy đủ”. Hai nhận định trên đây có thể thấy, chí ít đến đời Hán những bộ phận tinh hoa của sách cổ như Thi, Thư, sách của chư tử đều vẫn còn tồn tại đầy đủ.

Mặt khác, do ở trong cung đình đều có lưu lại các một bộ tất cả các loại sách cổ, chỉ cần Tần Thủy Hoàng không đốt có thể tin rằng những sách này vẫn còn được lưu lại nguyên vẹn ở đó. Nhưng cũng có rất nhiều sách mai một không còn tông tích, người đời sau vĩnh viễn không còn được thấy nữa. Điều này chúng ta phải đặc biệt cảm ơn vị Tây Sở bá vương mà người đời luôn gọi là anh hùng Hạng Vũ.

Chúng ta đều biết Hạng Vũ không thích đọc sách, tính khí rất ngang ngược. Khi ông ta mang quân tấn công Hàm Dương, đầu tiên là giết hại dân trong thành, sau đó là vơ vét tiền bạc và gái đẹp cuối cùng cho một mồi lửa đốt sạch cung điện nhà Tần. Sử sách còn chép: “lửa cháy ba tháng không ngừng”. Những sách quý mà Tần Thủy Hoàng còn lưu giữ trong cung điện cũng vì thế mà bị cháy rụi. Thật đáng tiếc, pháp chế từ Đường, Ngu, Tam Đại cho đến những lời dạy bảo của các bậc thánh hiền đời xưa cuối cùng chỉ còn là một đống tro tàn.

Vì thế chúng ta có thể không khách khí mà nói rằng: Việc đốt sách không phải tội của Lý Tư, càng không phải tội của Tần Thủy Hoàng, đó là tội của Hạng Vũ vậy.

Nếu chỉ căn cứ vào hai chữ đốt sách, thì với lệnh đốt sách của Tần Thủy Hoàng, người ta sẽ nghĩ đến những tổn thất nặng nề. Nhưng khả năng thực tế không hoàn toàn giống như người ta tưởng tượng. Trong Hán thư – Nghệ văn chí có chép 677 loại trước tác trong đó có khoảng 524 loại, ước khoảng 77% đến nay không còn tồn tại. Sự thực này nói lên một điều rằng, mấy thế kỷ từ Hán về sau, đặc biệt là trước khi kỹ thuật in ấn lưu hành, việc làm hư hại sách cũng rất lớn, thậm chí còn vượt xa cả việc đốt sách dưới triều Tần Thủy Hoàng. Vì thế có thể tưởng tượng, nếu không có sự kiện đốt sách mà truyền tới đời sau thì cũng không thể lưu lại được bao nhiêu sách cả.

Thêm nữa việc đốt sách mà Lý Tư đề ra không phải là lần đầu tiên. Trước đó, Mạnh Tử có nói rằng: “Các chư hầu ghét lễ nhà Chu đã hỏng rồi mà tất cả đều bỏ những điển tịch đó đi”. Sách Hàn Phi Tử có chép: “Vua thương dạy Hiếu công đốt Thi, Thư mà nghiêm pháp lệnh”.

Đó là trước đời Tần Thủy Hoàng. Đến các đời sau, việc đốt sách càng không phải hiếm.

Ngưu Hoằng, đời Tùy có viết Thượng biểu thỉnh khai hiến thư chi lộ từng nói đến 5 lần trong lịch sử văn tịch bị thiêu đốt:

Thời Tần Thủy Hoàng, ra lệnh đốt sách. Đó là lần hủy sách đầu tiên. Cuối đời Hán Vương Mãng, khởi binh ở Trường An, sách trong cung thất đều đem đốt sạch. Đó là lần hủy sách thứ hai. Hiếu Hiến Đế dời đô, khiến dân nổi loạn, sách viết vào lụa đều đem làm màn trướng cả. Khi dời đô về Tây, tải hơn 70 xe nhưng gặp khi Tây Kinh đại loạn, đã bị đốt sạch. Đó là lần hủy diệt sách thứ ba. Lưu, Thạch xâm lược, kinh đô hoa lệ cũng bị thiêu rụi, triều chương quốc điển đều bị chôn vùi. Đó là lần hủy sách thứ tư. Quân Chu vào đất Sính, Tiêu Dịch thu toàn bộ sách, cho đến điển tịch công tư của Văn Đức, hơn 7 vạn quyển, đều đem đốt ở ngoài thành, mười phần chỉ còn một hai. Đó là lần hủy diệt sách thứ năm.

Hồ Ứng Lân đời Minh trong Thiếu thất sơn phòng bút tùng, ngoài năm lần hủy sách mà Ngưu Hoằng đã đề cập đến còn đưa ra năm lần hủy sách lớn nữa trong lịch sử kể từ sau đời Tùy thành mười lần hủy sách.

Đến đời Mãn Thanh, những vụ án liên quan đến văn chương rất nhiều, gặp xui không chỉ là sách mà còn bao gồm cả người viết và người cất giữ sách nữa. Chỉ cần một từ phạm húy người học trò sẽ bị lăng trì, tùng xẻo, tru di tam tộc, chết rồi còn bị phá quan tài đánh thi thể, đem xương đốt thành tro. “Thương Hiệt sáng tạo ra chữ mà quỷ thần khóc”, chẳng biết có phải quỷ thần đã nhìn thấy từ trước kiếp nạn thời Mãn Thanh hay không mà kêu khóc thảm thiết như vậy?

Án văn tự nổi lên vào thời kỳ của vua Càn Long, kéo dài suốt mấy trăm năm, thời gian càng dài, sự tàn phá càng ghê gớm, liên lụy càng nhiều, tội trạng càng bi thảm, cường độ rất mạnh thực là không tiền khoáng hậu.

Chỉ tính án văn tự trong thời Càn Long từ 1772 đến 1788, trong 2320 loại sách cấm và 345 loại sách bị tiêu hủy chỉ có 476 loại may mắn còn được lưu giữ, tức là không đến 18%. Cũng phải nhớ rằng những con số thiệt hại này là trong thời kỳ mà kỹ thuật in ấn đã rất phát triển.

Ngoài việc triều Mãn Thanh cấm sách, cũng cho tu sửa rất nhiều sách. Bộ Tứ khố toàn thư là một ví dụ. Nhưng nó cũng có những tì vết không nhỏ.

Đối với vấn đề này, Lỗ Tấn từng bình: “Chỉ cần nhìn thủ đoạn của hai triều Ung Chính và Càn Long đối với trước tác của Trung Quốc có thể khiến người ta kinh sợ. Đốt toàn bộ, đốt một phần, cắt bỏ vẫn chưa đáng nói, đáng sợ nhất là thay đổi nội dung của các văn tịch đời trước. Khi Càn Long biên soạn bộ Tứ khố toàn thư, rất nhiều người ca ngợi là tạo nên công nghiệp một đời, nhưng họ không những đảo loạn cách thức của văn tịch cổ mà còn sửa cả nội dung của sách cổ. Sau đó, họ không chỉ lưu giữ trong cung mà còn phát hành rộng rãi khiến cho sĩ tử trong thiên hạ đều đọc. Khiến người đời vĩnh viễn không thấy được khuôn mặt thực của những tác giả của Trung Quốc”. Vì thế có lời than rằng: “Đời Thanh biên soạn Tứ khố toàn thư làm sách cổ bị mất vậy”.

Nếu so với lệnh đốt sách của Tần Thủy Hoàng đây há chẳng phải là một tầng bậc cao hơn của việc hủy diệt sách hay sao?

Tuy nhiên, vạch tội của người khác hoàn toàn không khiến cho anh trở thành thánh nhân. Mặc dù việc đốt sách không phải do một mình Tần Thủy Hoàng làm nhưng nó không giúp ông ta tránh khỏi tội danh này. Việc đốt sách của Tần Thủy Hoàng mở đầu cho việc chính quyền chuyên chế phong kiến trắng trợn giết chết tự do tư tưởng quần chúng. Nó không chỉ có hậu quả nghiêm trọng đương thời mà còn ảnh hưởng rất sâu sắc đến tâm lý của người đời sau. Đó là điều không thể phủ nhận.

Nói đến đốt sách, người ta ai cũng nghĩ đến sự kiện luôn được người ta gắn liền với nó: chôn Nho. Trên thực tế việc chôn Nho diễn ra sau sự kiện đốt sách, tức khoảng năm Doanh Chính thứ 35. Nguyên nhân của sự việc này như sau:

701fa7a2nd1d26f13e1a8&690

3. Nguồn gốc của việc “chôn Nho”

Sự việc phải được bắt đầu từ 6 năm trước đó, Tần Thủy Hoàng rất mê lên núi tìm tiên nhân và thuốc bất tử. Khắp nơi lôi kéo và thu hút các đạo sĩ, tặng nhiều vàng bạc, cho nhiều tiền của để đi tìm hỏi tiên nhân xin thuốc trường sinh bất lão cho mình. Trước sau mấy lần tìm hỏi đều thất bại. Nhưng Tần Thủy Hoàng không hề ngã lòng, việc cung cấp tiền bạc về quy mô và số lượng lại càng lớn hơn trước.

Vì thế trong giới đạo sĩ mới lưu truyền với nhau một tin đồn rằng: Đó là chỗ Hoàng đế ngu dốt, tiền nhiều, mau mau mà đến. Một thời gian sau, các đạo sĩ khắp thiên hạ tập trung tại Hàm Dương. Tần Thủy Hoàng ngược lại cũng rất có thiện tâm, bất cứ ai đến đều không từ chối, chỉ cần đạo sĩ đưa ra ý kiến ngay lập tức có thể ban cho một khoản tiền lớn. Thực tâm Tần Thủy Hoàng biết rằng những đạo sĩ đến từ tứ xứ này phân nửa đều là những tên lừa đảo nhưng điều đó không thành vấn đề. Ông ta cũng không cần tiếc những đồng tiền đó. Đường xây dần cũng thành xa, ta cứ làm mãi cũng có ngày thu được thành quả. Đó phải chăng là cách nghĩ của Tần Thủy Hoàng?

Sáu năm trôi qua, thần tiên và thuốc trường sinh vẫn chưa thấy đâu. Những kẻ đạo sĩ tránh sao khỏi chột dạ. Cứ là đạo sĩ, bất kể tốt xấu tất cả đều được Tần Thủy Hoàng đối đãi như thượng khách. Những kẻ đạo sĩ cũng không phải là ngu dốt, tất nhiên không dám thừa nhận rằng trên thế giới không hề có tiên nhân và thuốc trường sinh bất tử, chỉ vì đạo sĩ nói quá nhiều nên mới thành ra có vậy thôi. Các đạo sĩ này đương nhiên không muốn đập vỡ bát cơm của mình, họ muốn tiếp tục chức phận không vốn mà nghìn lời đó, vì thế họ tính đến kế hoãn binh, tìm cách đổ trách nhiệm thất bại cho Tần Thủy Hoàng.

Một đạo sĩ là Lưu Sinh nói với Tần Thủy Hoàng rằng, thần nhiều lần đi cầu thần tiên và thuốc trường sinh bất tử không được chính là vì có ác thần quấy phá. Bệ hạ nên quên thân phận Hoàng đế, hóa trang thành một thường dân mới mong có thể tránh được sự quấy phá đó. Tránh được sự ác thần thì tự nhiên chân nhân tự đến. Ngoài ra, bệ hạ cũng không được xử lý việc quốc gia, không được tiếp xúc các đại thần nếu không thì không thể điềm đạm, an tĩnh khiến cho bậc chân nhân thần tiên không thích. Nơi ở của bệ hạ cũng không được để cho bất cứ ai biết. Bệ hạ làm được những việc đó thì nhất định sẽ có được thuốc trường sinh bất tử.

Những lời của Lư Sinh thực chất là để tạo ra lối thoát cho mình. Yêu cầu Tần Thủy Hoàng phải từ bỏ quyền lực, xa rời việc nước, cắt đứt với thế tục. Những yêu cầu này có phần hơi quá ngặt nghèo để có thể tuân theo. Theo cách nghĩ của Lư Sinh thì Tần Thủy Hoàng sẽ thấy khó mà tự lui, không muốn hợp tác, như thế việc cầu tiên cũng sẽ bị bỏ quên. Đáng tiếc Tần Thủy Hoàng như bị tẩu hỏa nhập ma, tin vào lời nói của Lư Sinh. Để trở thành một vị tiên bất tử, cái giá đó cũng không là gì.

Tần Thủy Hoàng thực sự rất có thành ý. Đầu tiên ông ta bỏ cách xưng hô “trẫm” của hoàng đế, tự gọi mình là chân nhân. Sau đó chấp nhận kiến nghị của Lư Sinh, sẽ ra ở trong một hành cung cách Hàm Dương hai trăm dặm được nối với Hàm Dương bởi một con đường lát gạch. Những người theo hầu nơi đó mà dám tiết lộ sẽ bị tội chết.

Đối với việc xử lý việc triều chính, vẫn sẽ được tiến hành trong nội cung tại Hàm Dương chỉ có điều Tần Thủy Hoàng sẽ không xuất hiện trong buổi nghị triều. Quần thần tâu trình thì nói với ngai vàng không của Hoàng đế, giống như một vở diễn kịch vậy.

Một ngày, Tần Thủy Hoàng đến Lương Sơn cung, nhìn thấy đoàn xe ngựa của thừa tướng Lý Tư rất đông, trong lòng cảm thấy không vui. Có người nói chuyện này với Lý Tư, Lý Tư vì thế mới dùng xe nhẹ và bớt người tùy tùng đi. Sau đó Tần Thủy Hoàng biết được rất giận dữ nói: “Trong số đó có người tiết lộ lời của ta”, mới ra lệnh tìm người tiết lộ nhưng không tìm được. Vì thế Tần Thủy Hoàng mới truyền lệnh cho bắt toàn bộ những người hôm đó theo hầu mình, ra lệnh giết sạch. Sau đó không còn ai dám lộ hành tung của Tần Thủy Hoàng ra bên ngoài nữa.

Hành động đó cho thấy Tần Thủy Hoàng quyết tâm trở thành tiên nhân. Ngay cả đối với thừa tướng Lý Tư mà ông ta coi là chiến hữu thân cận nhất ông ta cũng không ngại dở mặt có thể thấy ông ta đối với việc thành tiên là rất có thành ý và cũng rất cố chấp.

Tần Thủy Hoàng ngày mê muội, áp lực đối với các đạo sĩ càng lớn. Nếu như một ngày Tần Thủy Hoàng biết rằng ông ta bị lừa thì ông ta sẽ báo thù như thế nào đây. Cần biết rằng Tần Thủy Hoàng không phải là ông vua ngu dốt như trong câu chuyện Áo mới của hoàng đế, ông ta tuyệt đối không chịu ăn quả đắng như vậy.

Những đạo sĩ “tiên tri tiên giác” này, bắt đầu thấy lo sợ cho ngày cáo chung của mình. Lần lừa bịp này qua được, liệu còn có lần sau không? Lại lừa dối một lần nữa sớm muộn cũng lộ chuyện mà một khi lộ chắc chắn là lớn chuyện. Phú quý thì đáng quý nhưng tính mệnh còn quý hơn, ba mươi sáu kế, chạy mới là thượng sách.


86e6f0a0jw1e46s8yqd1kj20hs0c0gn9

4. Bị chôn không phải Nho mà là đạo sĩ

Những đạo sĩ chạy đầu tiên là Lư Sinh và Hầu Sinh. Nhưng trước khi lên đường cao chạy xa bay hai người còn có một màn thảo luận kỹ thuật chỉ ra kết luận rằng việc cầu tiên của Tần Thủy Hoàng là không thể trở thành hiện thực. Mà đoạn nghị luận này cũng không bị sử sách bỏ qua:

Lư Sinh và Hầu Sinh gặp nhau bàn mưu rằng: “Thủy Hoàng trời sinh đã nóng nảy cố chấp, tự cho mình là đúng, dẹp chư hầu, an thiên hạ, đắc ý nên tự cho rằng từ xưa tới nay không có ai được như mình. Tiến sĩ tuy có hơn 70 người nhưng cũng chỉ là cho đủ số, phí hoài không dùng đến. Thừa tướng cho đến các đại thần đều nhận những việc đã xong, hoàn toàn dựa vào ý bề trên. Trên thì lấy việc giết người làm vui, thiên hạ sợ tội mà thích bổng lộc cũng không dám tận trung. Trên ít nghe mà kiêu ngạo, bề dưới sợ chỉ tìm cách lừa bịp cho mọi việc dễ dàng. Pháp luật nước Tần, không cần hỏi đủ các bên, không cần tra xét, ngay lập tức có thể ban tội chết. Các hiền sĩ cũng sợ kị húy không dám cất lời. Tất cả mọi việc lớn nhỏ trong thiên hạ đều được quyết định bởi một người. Mỗi ngày phê biểu, xem tấu nặng đến 120 cân, không lúc nào được nghỉ ngơi. Tham quyền thế đến như vậy, làm sao mà cầu tiên dược cho đặng”.

Nghe nói Lư Sinh và Hầu Sinh bỏ đi, Tần Thủy Hoàng nổi giận đùng đùng. Người khác bỏ trốn có thể không sao, sao lại là hai người này. Phải biết rằng, Tần Thủy Hoàng có thu dụng rất nhiều đạo sĩ nhưng chỉ tin tưởng và hy vọng vào hai ngườ. Phàm là những gì họ yêu cầu Tần Thủy Hoàng đều đáp ứng, phàm những gì họ mong muốn, Tần Thủy Hoàng cũng không để họ thất vọng. Nay hai người cao chạy xa bay, thật chẳng coi Tần Thủy Hoàng là gì.

Thực ra thì cả Hầu Sinh và Lư Sinh đều không biết rằng việc họ chạy trốn để bảo toàn tính mệnh bản thân lại đẩy những người “đồng đội” với họ vẫn còn lưu lại ở Hàm Dương đến chỗ chết. Khi họ vừa chạy chốn được mấy ngày, một tai nạn thảm khốc đã giáng lên đầu những đạo sĩ còn lưu lại ở Hàm Dương.

Tần Thủy Hoàng hạ lệnh, tất cả những đạo sĩ còn ở lại Hàm Dương và cả những đạo sĩ đã dời khỏi Hàm Dương đều bị tầm nã, bắt về quy án, tống giam vào một chỗ. Dưới sự đánh đập tra tấn, các đạo sĩ vì muốn tránh tội đã cáo giác, vu khống lẫn nhau. Sau khi tra xét, có hơn 460 người phạm tội, đều đem chôn sống ở Hàm Dương, làm gương cho thiên hạ.

Sự kiện đó, đời sau gắn với việc đốt sách hợp thành một câu “đốt sách, chôn Nho”. Nhưng nghiên cứu nguồn gốc của nó, có thể nói việc chôn Nho thực chất chỉ là một lần thanh lý toàn thể đối với đội ngũ đạo sĩ mà thôi. Hơn 460 người bị chôn sống này đều là những đạo sĩ chuyên xem sao đoán sô, luyện đan dược, hoàn toàn không phải là học trò hay Nho sĩ. Tư Mã Thiên trong thiên Nho lâm liệt truyện của Sử kýcó nói rõ rằng: “Đến cuối đời Tần, đốt Thi Thư, chôn đạo sĩ”. Có thể thấy, về căn bản không có việc chôn Nho sinh.

Vậy bắt đầu từ khi nào việc chôn đạo sĩ bị hiểu nhầm thành chôn Nho sinh?

5. Khảo cứu về việc “chôn Nho”

Việc chôn Nho lần đầu tiên được đề cập đến là dưới triều Đông Tấn. Mai Di dâng Cổ văn Thượng Thư, trong đó có kèm theo sáng tác của Khổng An Quốc là Thượng Thư Tự. Trong bài tự này có viết: “Đến Tần Thủy Hoàng là người hủy những điển tịch đầu tiên, đốt sách chôn Nho, các học sĩ trong thiên hạ, chạy nạn tan tác. Tổ tiên của ta dùng những sách vở cất giấu trong tường”. Đây là lần đầu tiên việc chôn đạo sĩ được đổi thành chôn Nho sĩ. Sau đó, khi Cổ văn Thượng Thư được xác định là cuốn sách của nhà nước, cách nói chôn Nho cứ được lặp lại như vậy, dần dần trở thành một định luận bất khả tư nghị.

Đối với Cổ văn Thượng Thư do Mai Di dâng lên cho đến bài Thượng Thư tự của Khổng An Quốc, những người đời trước đa phần đều có chỗ nghi ngờ, nhưng mãi đến đời Thanh, người ta mới phát hiện cuốn sách đó là giả. Nhưng mọi chuyện đã đến lúc không thể sửa đổi được nữa.

Việc ngụy tạo tuy muôn hình vạn trạng song đều thống nhất cùng một tâm trạng đó là hy vọng lấy giả làm thật, lừa bịp thành công người đời. Ví dụ như những người làm tranh giả, sau khi làm giả xong, không sợ khó nhọc, lại tạo ra các ấn chương và đề tựa của các danh gia, để quảng cáo rằng người nổi tiếng này đã từng sở hữu. Người ngụy tạo ra cuốn Cổ văn Thượng Thư chắc chắn cũng có tâm thái cũng là như vậy. Vì thế mới tạo ra Thượng Thư tự, lấy danh tiếng của Khổng An Quốc mà lừa bịp thiên hạ.

Người tạo sách giả đổi chôn đạo sĩ thành chôn Nho, thực chất cũng là để dẫn ra câu “Tổ tiên của ta dùng sách dấu trong tường”, từ đó mà biểu thị rằng Cổ văn Thượng Thư chính là của gia bảo nhà mình. Thực ra mục đích của họ cũng chỉ là như vậy chứ không có ý bôi nhọ gì Tần Thủy Hoàng. Người đời sau cứ dựa vào đó mà khẳng định chắc chắn là chôn Nho, thiết nghĩ là nó nằm ngoài sự suy nghĩ của người tạo sách.

Khi Nho giáo độc tôn, họ cũng vô ý tiếp nhận chính những hiểu lầm này. Một mặt, họ đề cao việc phục cổ, mặt khác họ lại hiểu một cách sâu sắc đạo lý tất cả lịch sử đều là đương đại sử, chỉ cần lịch sử có lợi cho hiện tại, thì chân hay ngụy họ cũng không còn cần thiết nữa.

Từ lý trí, họ hoài nghi về tính xác thực của việc chôn Nho nhưng trên phương diện tình cảm và đặc biệt là lợi ích, họ cam tâm tình nguyện tin rằng việc chôn Nho tất yếu là có.

Từ chôn đạo sĩ đổi thành chôn Nho, đối với họ không nghi ngờ gì là hoàn toàn có lợi hơn. Theo cách đó, Tần Thủy Hoàng sẽ trở thành một điển hình của cái xấu, có thể bị họ thường xuyên nhắc tới với mục đích là nói với các bậc đế vương đương thời rằng: Ngài xem, Tần Thủy Hoàng vì chôn Nho sinh không chỉ sự nghiệp nhanh chóng tan tành mà còn để tiếng xấu đến ngàn năm. Vì thế bệ hạ có anh minh, đừng có dại dột mà làm như ông ta?

Từ chôn đạo sĩ đổi thành chôn Nho có thể thấy là xuất phát từ nhu cầu tình cảm của họ. Nắm trong tay tiếng nói của hệ tư tưởng, tự nhiên có thể tuy phong “liệt sĩ” những người trong tập đoàn của mình. Có những tín đồ tử vì đạo, Nho gia có thể làm tăng thêm sự huy hoàng cho tập đoàn của mình.

Những người của Nho gia cứ như thế sẽ đem việc chôn đạo sĩ kéo lên đầu mình, yên tâm rằng mình là người bị hại, thậm chí còn tìm thấy trong đó một sự an ủi rất lớn. Nếu như anh nói rằng người bị chôn không phải là họ, có thể họ sẽ nổi nóng mà trách mắng anh rằng, sao lại không phải là chôn những Nho sinh chúng tôi, anh xem thường chúng tôi đến thế sao.

Nhưng mà cũng phải nói thẳng ra rằng, vào thời Tần Thủy Hoàng, địa vị của Nho sĩ còn kém xa các đạo sĩ. Nho sinh chỉ biế lấy xưa chê nay mà đạo sĩ thì có thể tìm kiếm cho ông ta thuốc trường sinh bất tử. Nặng nhẹ hai bên có thể nhìn thấy rất rõ. Từ địa vị của Nho sĩ đương thời cũng có thể thấy rằng cơ bản không thể dẫn đến cơn đại nộ của Tần Thủy Hoàng như vậy được. Các Nho sinh có muốn “tử vì đạo” vị tất đã được toại nguyện?

Những gì đã phân tích trên đây, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, chôn Nho thực tế chỉ là tội danh mà người đời sau gán lên Tần Thủy Hoàng nhằm phục vụ cho mục đích chính trị của họ mà thôi

Nguồn https://webqinsmoon.wordpress.com/2014/11/13/dot-sach-chon-nho-toi-dau-phai-o-tan-thuy-hoang-phan-i/

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

fifteen − 2 =