Trong ảnh là tượng chú chó Bim ở thành phố Voronezh-Nga, dựng năm 1998, ở cổng Nhà hát múa rối.
Trên thế giới, Bim là “nhân vật” đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết được dựng tượng.
Đó là cuốn tiểu thuyết ” Con Bim trắng tai đen” của nhà văn người Voronezh, Gavrill Troepolskji (1905-1995). Ra đời từ năm 1971, cuốn sách đã nhanh chóng nổi tiếng, được tái bản nhiều lần và dịch ra hơn 20 thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt). Cùng năm, tác giả được trao Giải thưởng nhà nước Liên xô.
Năm 1977, đạo diễn Stanislav Rostotskji đã chuyển thể tiểu thuyết này thành bộ phim cùng tên. Bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá và được đề cử giải Oscar cho hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất”. Báo chí cũng viết rằng khi xem đến đoạn đoàn tàu dừng lại để cứu Bim khỏi kẹt đường ray, khán giả Mỹ đã đứng dậy vỗ tay hồi lâu.
Phim cũng đoạt giải Phim hay nhất năm do tạp chí Màn ảnh Xô viết trao tặng.
Ngôi sao của điện ảnh Xô-viết Viacheslav Tikhonov (sĩ quan tình báo Shtirlits trong 17 khoảnh khắc mùa xuân) vào vai ông chủ của Bim, Ivan Ivanovich -một cựu chiến binh vệ quốc, một nhà báo, nhà văn. Với vai diễn này Tikhonov cùng với đạo diễn, quay phim được nhận giải thưởng Lenin năm 1980. Cũng bõ công đạo diễn, khi phải chờ Tikhonov những 3 năm để ông diễn xong trong “17 khoảnh khắc mùa xuân”.
“Vào vai” Bim có 2 chú chó dòng Setter Scotland, là Stepka và Dendi. Stẹpka đóng hầu hết cả phim, chỉ “nhờ” Dendi thế vai ở cảnh bị kẹt chân vào thanh ghi đường sắt. Stepka diễn quá giỏi, đến nỗi đạo diễn phải thốt lên”Dường như nó đã đọc quá kỹ kịch bản”.
Stepka được chủ cho Hãng phim thanh thiếu nhi Gorky thuê 1 năm rưỡi để đóng phim. Khi đạo diễn chọn Stepka vào phim, việc lớn nhất là Tikhonov phải “làm quen” với chú chó đã lớn này. Tikhonov đã dành nhiều thời gian đi dạo, thậm chí đi săn với Stepka và nhanh chóng được Stepka coi như người chủ thực sự của mình. Do vậy trong phim, chúng ta thấy tình cảm quyến luyến thật sự giữa chú chó Bim và ông nhà văn già Ivan Ivanich.
Trong phim có nhiều nhân vật “xấu”, đối xử tệ với Bim, mà điển hình là mụ béo trong cùng khu nhà với ông nhà văn già. Nhân vật này không có tên trong phim, chỉ đơn giản là “bà cô”. Chính “bà cô” mà Bim đã chịu bao cảnh khổ sở, và cuối cùng vì bà ta mà Bim bị chết tức tưởi trước khi được gặp lại ông chủ sau bao ngày cách xa.
Nữ diễn viên Valentina Vladimirovna vào vai “bà cô” tâm địa độc ác này là một sự bất đắc dĩ, bởi cả đời chỉ vào vai chính diện. Bà kể:
“Sau khi phim ra rạp, bà con hàng xóm gặp tôi thậm chí còn chả chào hỏi gì hết”
Bà cũng nhận được bao nhiêu thư từ khắp Liên Xô gửi về, truy vấn tại sao là phụ nữ mà lại có thể đối xử độc ác với loài chó đến thế. Có lần Valentina Vladimirovna được mời đến trường phổ thông giao lưu, các học sinh đã từ chối không đến dự.
Bà mất trong cô đơn năm 1994, thọ 67 tuổi.
Ông chủ của Bim-diễn viên Viacheslav Tikhonov qua đời năm 2009, hưởng thọ 81 tuổi.
Đã gần 40 năm trôi qua, kể từ ngày đầu tiên “Bim trắng tai đen” đến với khán giả. Nhưng sức sống của tác phẩm văn học, cũng như tác phẩm chuyển thể điện ảnh còn sống mãi.
Tối chủ nhật vừa rồi, mình ngồi cùng các bạn nhỏ nhà mình xem phần 1 “Bim Trắng tai đen” trên VTV1. Cả hai đứa im lặng xem, mắt rơm rớm thương Bim. Sợ đợi tuần nữa xem phần 2 thì cảm xúc không liền mạch, mình cho các bạn xem luôn phần 2 (có trên mạng Youtube, do bà chị quen là Bạch Yến làm phụ đề).
Xem xong, đã khuya, bạn Hồng Hà nhà mình mắt đỏ hoe, nói đứt quãng:’ Nếu con có mặt ở đó, vào lúc đúng thời điểm như ở trong phim, con sẽ tìm mọi cách đón Bim về nhà bố ạ”.
Rồi chúng cứ trằn trọc mãi, không ngủ. Mình lại phải mở Ipad, đọc các trang mạng Nga, dịch cho hai bạn biết thêm những thông tin về bộ phim như đã viết ở phần trên.
Có lẽ cô bé nhà mình sẽ không bao giờ quên được cậu bé Tolik tốt bụng trong phim. Và cũng sẽ nhớ mãi cô sinh viên, bà hàng xóm và bao người đã đối xử tốt với Bim tội nghiệp, trung thành.
Có những bộ phim đem lại cho con cái chúng ta những cảm xúc, suy nghĩ vô cùng tốt đẹp, mà không một lời giáo huấn nào về tình yêu động vật có thể làm thay được. Như “Hachiko”, như “Bim Trắng tai đen”…
Bim Trắng tai đen.
Có phải tên tác phẩm được đặt vậy, theo tên chú chó, là muốn nói về sự “đen” và “trắng” trong cuộc sống con người?
Đã thống kê được một thời, đa số các chú chó ở Liên bang Xô viết được đặt tên là Bim.
Hiện ở Nga và các nước thuộc LX cũ, có nhiều tổ chức cứu trợ động vật mang tên như thế.
Và như thế, Bim-chú chó săn Setter dị biệt bởi màu lông đã từ tác phẩm bước vào cuộc sống thường ngày.
“Bim Trắng tai đen” sẽ còn tiếp tục sống, khi mà con người còn có những phẩm chất cao quý, còn lương tâm, tình yêu và sự tận tâm.
Blogger Phan việt Hùng
nguồn: https://www.facebook.com/phan.v.hung.31/posts/10212629460245392