Nếu sách điện tử rồi đây sẽ áp đảo được sách in, thì nó vẫn không đủ lý do để tống khứ sách in ra khỏi ngôi nhà và thói quen của chúng ta. Vì thế e-book sẽ không thể giết chết sách in.
Bìa cuốn sách “Đừng mơ từ bỏ sách giấy”.
Nhà báo Jean – Philippe de Tonnac đã viết như vậy trong Lời nói đầu cuốn sách “Đừng mơ từ bỏ sách giấy”, mà ông chính là người dẫn truyện cho cuộc đàm luận thú vị giữa hai học giả hàng đầu thế giới hiện nay – Jean-Claude Carrière và Umberto Eco – về tương lai của sách trong thời đại kỹ thuật số.
Cuốn sách đến tay độc giả Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả Hoàng Mai Anh, được công ty Sao Bắc Media xuất bản, với sự tài trợ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Viện Pháp.
Các cuộc chuyện trò được chia thành 15 phần, mỗi phần xoay quanh một chủ đề, nhưng không hề giáo điều, lý thuyết sách vở. Ngược lại, hai con người đam mê văn học cuồng nhiệt dẫn dắt chúng ta vào một vũ điệu Farandole say đắm mà mỗi vòng lại khiến chúng ta bất ngờ, vui vẻ và được biết thêm nhiều điều.
Sách in có lịch sử riêng. Từ sách giấy cói đến tệp văn bản điện tử, chúng ta đi qua năm nghìn năm lịch sử của sách thông qua cuộc đối thoại vừa uyên bác vừa hài hước, vừa bác học vừa chủ quan, vừa biện chứng vừa chứa đựng các giai thoại, gây tò mò và rất hấp dẫn. Các tác giả dẫn chúng ta đi khắp các thời đại và địa danh, người thực xen lẫn với nhân vật hư cấu, phân tích niềm đam mê của nhà sưu tập, lý giải nguyên nhân vì sao một thời đại nào đó lại sản sinh ra những kiệt tác, cách vận hành của trí nhớ và cách phân loại tủ sách…
“Lũ gà mất cả thế kỷ để học cách không chạy qua đường”, “Chúng ta có được kiến thức về quá khứ nhờ những kẻ đần độn, ngu xuẩn hoặc các địch thủ”, hay “làm gì với thư viện của mình sau khi chết”… những tựa đề rất thú vị, hay ho, tưởng như không liên quan nhưng lại rất gắn kết với chủ đề chính của cuốn sách – sách in sẽ không chết.
Là những người yêu sách, chuyên sưu tập sách cổ và hiếm, nghiên cứu và săn lùng các bản in cổ, kinh nghiệm của bản thân khiến Jean-Claude Carrière và Umberto Eco cho rằng sách, cũng giống như bánh xe, nhưng là một dạng “bánh xe của tri thức và của trí tưởng tượng” mà các cuộc cách mạng công nghệ đáng gờm đã và đang diễn ra sẽ không bao giờ ngăn chặn được.
Mỗi độc giả khi theo dõi cuộc đàm luận này, đều có thể gật gù hay phản đối những lập luận của hai vị học giả, và tự tìm ra đáp án của riêng mình: liệu sách in có chết hay không?
Nếu bạn quan tâm đến số phận của sách in, chắc chắn bạn nên đọc “Đừng mơ từ bỏ sách giấy”.