Thế chiến thứ Hai
Tác giả: Antony Beevor
Dịch giả: Trịnh Huy Ninh, Trịnh Ngọc Minh
Số trang: 1200 (gồm 1.168 trang ruột + 32 trang phụ lục hình ảnh)
Khổ: 16×24 cm | Bìa cứng, áo ôm
Giá bìa: 699.000 VNĐ
Nhà xuất bản Hà Nội và Omega Plus ấn hành
Các sử gia đã không ngừng trở đi trở lại với Thế chiến thứ hai: có lẽ đó là một thời khắc hệ trọng mà chúng ta sẽ phải mãi quay lại để tìm kiếm sự thật về những gì đã xảy ra, nhưng hơn hết, là sự thật về chính mình trong tất cả những điều đã xảy ra…
Thế kỷ XX nhân loại trải qua một cuộc chiến thảm khốc mà đến nay vết thương của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới. Chiến tranh thế giới thứ hai hay Thế chiến thứ hai bắt đầu từ năm 1939 và kết thúc năm 1945 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia. Các quốc gia tham chiến đã dồn toàn bộ nguồn lực kinh tế, quân sự, khoa học, công nghiệp trong mọi nỗ lực tham chiến. Những vụ thảm sát kinh hoàng, những cuộc tấn công đẫm máu… Và rồi hậu quả của nó là khôn lường khi theo nhiều nguồn thống kê số người thiệt mạng lên tới 70 – 80 triệu người, hàng trăm triệu người dân bị mất nhà cửa. Nền kinh tế các quốc gia sụp đổ, phần lớn các hạ tầng công nghiệp bị phá hủy. Sau tất cả, nỗi đau chiến tranh vẫn còn nhức nhối trong nhiều thế hệ ở nhiều quốc gia.
Antony Beevor là một trong những nhà sử học hàng đầu thế giới về Thế chiến thứ hai với các đầu sách đoạt nhiều giải thưởng là Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945). Với tác phẩm The Second World War (Thế chiến thứ hai), ông tập trung vào một sự kiện đẫm máu và bi thảm nhất của thế kỷ XX: toàn bộ cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai.
Thế chiến thứ hai được đánh giá là biên niên sử toàn diện về cuộc xung đột tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Tác phẩm đầy nhức nhối này đưa chúng ta vào một đoạn thời gian đẫm máu, khốc liệt và để lại nhiều hệ lụy nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler vào ngày 1 tháng 9 năm 1939 đến ngày V-J tức ngày 14 tháng 8 năm 1945 và hậu quả mà toàn bộ cuộc đại chiến này để lại. Qua những trang sách, Beevor mô tả cuộc xung đột và phạm vi toàn cầu của nó: ở mọi ngóc ngách trên thế giới, mọi diễn biến, tình hình và nước đi chiến lược của các bên.
Là một người lính đã từng từng tham gia phục vụ quân đội Anh và Đức, Antony Beevor đã tái hiện dựng tương đối toàn cảnh về bức tranh Chiến tranh thế giới thứ hai qua cuốn sách Thế chiến thứ hai. Như một phóng viên chiến trường, những cảnh quay về cuộc chiến từ tất cả các bên tham chiến được ông khắc họa chân thực đến khốc liệt, đau thương và ám ảnh. Điểm đặc biệt của Beevor là ngòi bút của ông hướng vào những con người, những câu chuyện cụ thể đã cấu thành cuộc chiến đó; bằng sự đồ sộ, chi tiết và khách quan, đa chiều của tư liệu, bao gồm tư liệu lưu trữ cùng các phỏng vấn, ghi chép lời, câu chuyện của những chứng nhân… và để chính cho tư liệu đó lên tiếng; cho độc giả có cái nhìn toàn diện, chi tiết và dễ hình dung về cuộc chiến này.
Được viết một cách ly kỳ và được nghiên cứu một cách xuất sắc, Thế chiến thứ hai như một bản tường thuật vĩ đại và đầy khiêu khích của Antony Beevor. Tác phẩm này cũng vô tình khẳng định thêm lần nữa rằng tác giả của nó thực sự là một trong những nhà sử học quân sự hạng nhất.
Cuốn sách hơn 1000 trang (ấn bản tiếng Việt) bắt đầu bằng lá thư từ biệt vợ của Georgii Zhukov vào tháng 6.1939, và kết thúc bằng câu chuyện về vợ một nông dân Đức, có quan hệ với một tù binh Pháp được chỉ định đến làm việc tại một nông trại Đức trong khi chồng cô đang ở mặt trận phía Đông, câu chuyện được ghi trong một báo cáo của cảnh sát Pháp vào tháng 6.1945 khi họ bắt được cô đang đi chui trên xe lửa để gặp người yêu. “Chỉ vài dòng mà gợi lên nhiều câu hỏi. Liệu chuyến đi khó khăn của cô có là vô ích, ngay cả dù cô không bị cảnh sát bắt đi nữa? Liệu người yêu của cô có cho cô địa chỉ thật hay không vì biết đâu anh ta đã có gia đình? Và biết đâu anh ta về nhà, một việc chỉ có ít người làm được, để biết rằng vợ anh đã có con với một lính Đức trong lúc anh đi vắng? Tất nhiên đó chỉ là một bi kịch rất nhỏ so với mọi thứ khác xảy ra ở xa hơn về phía đông…”
Cuốn sách phơi bày những câu chuyện cụ thể tàn khốc về Thế chiến thứ hai, dựa trên những gì còn lại mà ta gọi là tư liệu, và cả những chứng nhân mà tác giả tiếp cận được – Rất nhiều cái chết – và xác chết, rất nhiều những câu chuyện man rợ và khủng khiếp, mà có lẽ nhiều người muốn quên đi, mới có thể sống tiếp; nhưng các sử gia sinh ra là để những điều thảm khốc đã xảy ra không bị quên lãng hay trở thành vô nghĩa. Chúng ta luôn đi qua hiện tại với một tấm màn bưng mắt, tấm màn đó là những điều trực tiếp “tai nghe mắt thấy” hạn hẹp của mỗi cá nhân – vì thế mà những thời khắc ta đang trải qua, có thể rất lâu sau này, người ta sẽ còn quay trở lại mãi để khám phá những lớp sự thật dưới đống đổ nát lịch sử.
Và hơn hết, một cuốn sách chân thực và thảm khốc về chiến tranh, chính là lời đặt vấn đề khẩn thiết nhất cho hòa bình!
VỀ TÁC GIẢ
Antony Beevor là sử gia, nhà văn người Anh nổi tiếng, đã từng có thời gian khá dài phục vụ trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, Beevor bắt đầu viết sách, chủ yếu là các tác phẩm nghiên cứu có giá trị về các cuộc chiến nổi tiếng trong lịch sử hiện đại.
Ông là giáo sư thỉnh giảng gạo cội của các bộ môn lịch sử, văn học Hy-La cổ đại và khảo cổ học tại các trường đại học ở Anh. Các tác phẩm viết về các cuộc chiến lớn trong lịch sử loài người đã đưa tên tuổi ông về Việt Nam như:
- Stalingrad: The Fateful Siege: 1942-1943 (Stalingrad: Trận chiến định mệnh), 1998
- Berlin: The Downfall 1945 (Berlin: Cuộc sụp đổ năm 1945), 2002
- The Battle for Spain: The Spainish Civil War 1936-39 (Trận chiến cho Tây Ban Nha: Cuộc nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939), 2006
- The Second World War (Thế chiến thứ hai), 2012
Trong đó 2 quyển đã được Omega Plus xuất bản:
- Stalingrad – trận chiến định mệnh viết về trận chiến Stalingrad, một trận đánh lớn diễn ra giữa Liên Xô và Đức, có vị trí chiến lược đặc biệt, như một bản lề khép mở 2 giai đoạn của Thế chiến hai, có thể xem như bước ngoặt của quân sự thế giới trong thế kỷ XX. Đây cũng là trận đánh ác liệt, với số thương vong lớn nhất, lên đến 2 triệu người.
- Thế chiến thứ hai viết về “một giai đoạn đẫm máu, khốc liệt và để lại nhiều hệ lụy nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler ngày 1 tháng 9 năm 1939 đến ngày 14 tháng 8 năm 1945 và hậu quả mà toàn bộ cuộc chiến này để lại.
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Các tranh luận xoay quanh chủ đề cuộc đại chiến này bắt đầu từ khi nào cứ thế mà nảy sinh, nhưng Thế chiến thứ hai rõ ràng là tập hợp của nhiều xung đột. Tuy hầu hết là quốc gia đối đầu với quốc gia, song cuộc nội chiến ở tầm quốc tế giữa hai bên tả-hữu cũng thấm đẫm và thậm chí còn chi phối nhiều cuộc chiến trong số đó. Vì vậy, cần phải nhìn lại một số điều kiện dẫn đến điều này, khối mâu thuẫn tàn khốc nhất và hủy diệt nhất mà thế giới từng biết tới.”
– Thế chiến thứ hai, trích “Dẫn nhập”
“Thật khó để cho rằng một cuộc chiến tàn bạo đến mức khó tin như vậy lại có thể kết thúc mà không có sự trả thù tàn khốc nào. Bạo lực tập thể, như nhà thơ Ba Lan Czesław Miłosz đã chỉ ra, hủy diệt cả ý nghĩ về một loài người nói chung và mọi lẽ công bằng tự nhiên. ‘Giết người trở nên chuyện bình thường trong thời chiến,’ Miłosz viết, ‘và thậm chí còn được coi là hợp pháp nếu nó được thực hiện nhân danh kháng chiến. Cướp bóc cũng trở nên bình thường, cũng như giả dối và ngụy tạo. Người ta đã biết cách ngủ trong những âm thanh từng đánh thức cả khu: tiếng súng máy, tiếng kêu rên của người sắp chết, tiếng chửi rủa của cảnh sát lôi người hàng xóm đi.’”
– Trích chương “Những thành phố của người chết”
“Trong Thế chiến thứ hai, phải gánh chịu nhiều nhất ở châu Âu là những người bị kẹt giữa hai thế lực chuyên chế và những người “đã chết như hậu quả từ tác động của hai hệ thống”. Từ năm 1933, đã có mười bốn triệu người chết ở Ukraine, Belorussia, Ba Lan, các nước Baltic và các nước Balkan. Một đại đa số trong 5,4 triệu người Do Thái đã bị Quốc xã giết trong thắng lợi giả hiệu của Hitler là đến từ vùng này.
Thế chiến thứ hai, với quy mô toàn cầu của nó là thảm họa do con người gây ra lớn nhất trong lịch sử. Con số thống kê người chết – dù là sáu mươi hay bảy mươi triệu – đều vượt xa những gì ta có thể hình dung. Con số khổng lồ đó tê tái đến nguy hiểm, như Vasily Grossman thấy. Theo ông, nghĩa vụ của những người sống sót là cố gắng coi hàng triệu hồn ma trong các ngôi mộ tập thể như các cá thể, không phải những kẻ vô danh trong các xếp loại nực cười vì kiểu vô nhân hóa như thế chính là thứ mà những kẻ tội đồ đã cố đạt được.
Ngoài số người đã chết còn có vô số người khác tật nguyền cả về tâm lý lẫn thể xác. Ở Liên Xô, các “samovar” mất chi bị thu gom khỏi các phố. Đó là số phận với sự hiểu ngầm như không còn là người, là thứ mà mỗi người lính Hồng quân sợ hơn cả cái chết. Những người què quặt là một sự gợi nhớ khó chịu rằng có cả một nỗi khổ nằm giữa người hi sinh anh hùng và người sống sót anh hùng tham gia duyệt binh với huân chương trên ngực vào mỗi dịp kỷ niệm.
Mang danh là “cuộc chiến tranh tốt”, Thế chiến thứ hai ám ảnh các thế hệ kế tiếp hơn hẳn bất kỳ cuộc xung đột nào khác trong lịch sử. Nó gợi lên những cảm xúc lẫn lộn vì nó có thể không bao giờ đúng với danh hiệu đó […]. Và mặc dù nó đã kết thúc trong thất bại tan tác cho Quốc xã và phát xít Nhật nhưng chiến thắng rõ ràng đã không đưa đến hòa bình thế giới […].
Một số người cho rằng Thế chiến thứ hai còn có ảnh hưởng bao trùm gần bảy thập kỷ sau khi kết thúc, như vô số sách, phim ảnh và kịch cho thấy, trong khi các bảo tàng vẫn tiếp tục cho ra sản phẩm hồi tưởng. Hiện tượng này không có gì là bất ngờ, giá như chỉ vì bản chất của cái ác dường như luôn đem đến sức quyến rũ không dứt. Lựa chọn đạo đức là yếu tố nền tảng trong bi kịch của con người vì nó nằm ngay giữa trái tim của chính loài người.
Không một giai đoạn nào khác trong lịch sử đem lại một nguồn phong phú như vậy để nghiên cứu các mâu thuẫn, bi kịch của cá nhân và đông đảo mọi người, sự thối nát của chính trị quyền lực, thói đạo đức giả tư tưởng, thói hám danh của các chỉ huy, sự phản bội, ngang trái, sự xả thân, sự tàn ác khó tin và lòng trắc ẩn khó ngờ. Tóm lại, Thế chiến thứ hai thách thức cách khái quát cùng với cách phân loại con người mà Grossman hết sức phủ nhận.
Tuy nhiên vẫn có một hiểm họa thực tế là Thế chiến thứ hai trở thành một điểm tham chiếu nhanh cả cho lịch sử hiện đại lẫn tất cả các xung đột nhất thời. Trong một cuộc khủng hoảng, các phóng viên và chính trị gia đều theo bản năng tìm đến những tương đồng với Thế chiến thứ hai, hoặc là bi kịch hóa tính nghiêm trọng của tình thế hoặc cố cảnh báo kiểu Roosevelt hay Churchill.”
– Trích chương “Bom nguyên tử và chinh phục Nhật Bản”
MỤC LỤC SÁCH
Bản đồ…………………………………………………………………………………..10
Lời giới thiệu của nhà xuất bản ………………………………………………….12
Dẫn nhập………………………………………………………………………………15
- Chiến tranh nổ ra……………………………………………………………31
- “Hủy diệt cả gói Ba Lan” …………………………………………………47
- Từ Cuộc chiến Cuội đến Blitzkrieg……………………………………72
- Rồng và mặt trời mọc ……………………………………………………..88
- Na Uy và Đan Mạch……………………………………………………..110
- Đánh sang phía tây………………………………………………………..123
- Pháp sụp đổ …………………………………………………………………152
- Chiến dịch Sư Tử Biển và trận chiến Anh…………………………185
- Những tiếng dội……………………………………………………………211
- Cuộc chiến Balkan của Hitler …………………………………………231
- Châu Phi và Đại Tây Dương…………………………………………..258
- Barbarossa …………………………………………………………………..275
- Rassenkrieg…………………………………………………………………..3048
- Liên minh Lớn……………………………………………………………..322
- Trận Moscow………………………………………………………………..337
- Trân Châu Cảng……………………………………………………………359
- Trung Quốc và Philippines……………………………………………..390
- Chiến tranh khắp thế giới ………………………………………………403
- Wannsee và “quần đảo” SS ……………………………………………..423
- Nhật chiếm đóng và trận Midway……………………………………436
- Thất bại trên sa mạc ………………………………………………………454
- Chiến dịch Blau – mở lại Barbarossa………………………………..475
- Đánh trả trên Thái Bình Dương ……………………………………..499
- Stalingrad …………………………………………………………………….515
- Alamein và Chiến dịch Bó Đuốc……………………………………..542
- Nam Nga và Tunisia………………………………………………………560
- Casablanca, Kharkov và Tunis …………………………………………579
- Châu Âu trong rào kẽm gai…………………………………………….602
- Trận chiến trên Đại Tây Dương và ném bom chiến lược ……631
- Thái Bình Dương, Trung Quốc và Miến Điện…………………..662
- Trận Kursk …………………………………………………………………..676
- Từ Sicily đến Ý……………………………………………………………..701
- Ukraine và Hội nghị Teheran …………………………………………726
- Diệt chủng bằng hơi ngạt……………………………………………….740
- Ý – cú đòn hiểm……………………………………………………………756
- Cuộc tấn công mùa xuân của Xô Viết………………………………778
- Thái Bình Dương, Trung Quốc và Miến Điện…………………..787
- Mùa xuân của những kỳ vọng…………………………………………808
- Bagration và Normandy…………………………………………………833
- Berlin, Warsaw và Paris…………………………………………………..855
- Cuộc tấn công Ichigō và Leyte ………………………………………..877
- Những hi vọng bất thành……………………………………………….898
- Ardennes và Athens……………………………………………………….928
- Từ Vistula đến Oder ……………………………………………………..955
- Đột kích Philippines, Iwo Jima, Okinawa, Tokyo ……………..978
- Yalta, Dresden, Königsberg ………………………………………….1001
- Người Mỹ trên sông Elbe……………………………………………..1020
- Chiến dịch Berlin………………………………………………………..1038
- Những thành phố của người chết ………………………………….1066
- Bom nguyên tử và chinh phục Nhật Bản………………………..1084
Lời cảm ơn………………………………………………………………………….1102
Chú thích …………………………………………………………………………..1105
Mục từ tra cứu…………………………………………………………………….1159
Phụ lục hình ảnh …………………………………………………………………1169
Nguồn tin: Omega+