Bài của CTV Nguyễn thế Duyệt
Đọc xong đã lâu, nay mới có thời gian cho SỤP ĐỔ lôi cuốn này. Người đọc được khám phá các nền văn minh, hiểu được lý do tại sao nhiều xã hội văn minh cổ đại lại sụp đổ, biến mất, trong khi có những xã hội lại phát triển bền vững.
Mở rộng tầm mắt!
Nước Mỹ hiện nay, xa xưa đã từng tồn tại nền văn minh Anasaki, Cahokia; trung Mỹ có Maya; nam Mỹ có Moche & các XH Tiwanaku; Hy Lạp có Mycenea; Đảo Crete châu Âu có Minoan; châu Phi có Đại Zimbabwe; ĐNA có Angkor Wat; lưu vực sông Ấn có Harappan; và Thái Bình Dương có đảo Phục Sinh.
Lần đầu mục sở thị Angkor Wat, tôi kinh ngạc trước những gì mình thấy với 2 tâm trạng đan xen: một bên là ấn tượng không giải thích nổi tại sao họ có được những thứ này, một bên là sao nền văn minh này lại biến mất. Chắc những ai đã từng đến một trong các công trình vĩ đại của lịch sử này sẽ có ít nhất là những câu hỏi tương tự.
Collapse (Sụp Đổ) của Jared Diamond sẽ giúp mọi người khám phá những bí ẩn. Thú vị hơn, nó còn mang lại những bài học “giá trị” cho những gì ngay trước mắt.
Đã là nền Văn minh rồi, sao lại Sụp Đổ? Jared Diamond đã diễn giải rất công phu với khung 5 điểm khiến một XH suy tàn, sụp đổ:
− Tổn hại môi trường;
− Biến đổi khí hậu;
− Láng giềng thù địch;
− Đối tác thương mại thân thiện;
− Và cách đối phó của XH đối với các vấn đề của mình.
Tổn hại môi trường: chặt cây, đốt nương, khai hoang, săn bắt v.v phục vụ nhu cầu sinh sống, sx nông nghiệp, tôn giáo v.v đến mức chưa / không kịp tái sinh dẫn đến mất mùa, đói kém. Suy tàn là do đó.
Biến đổi khí hậu: bỗng dưng núi lửa phun trào; nắng hạn, mưa lũ, băng tan v.v dẫn đến mất mùa, đói ăn, bệnh tật… Sụp đổ là điều dễ hiểu.
Láng giềng thù địch: nguyên nhân này dễ thấy nhất vì oánh nhau cũng như lòng tham là “bản năng gốc” mà tạo hóa “ban” cho con người. Nhưng đọc kỹ sẽ thấy nó không đơn giản vậy. Một XH văn minh bị sụp đổ còn là do chính nó đến lúc đó bị suy yếu chứ không hẳn chỉ là do kẻ thù mạnh lên kết hợp với sự thù địch. Nền văn minh có chữ viết tượng hình duy nhất tồn tại đến nay ở châu Mỹ là Maya hay như Đế chế La Mã phương Tây sụp đổ là một minh chứng.
Đối tác thương mại thân thiện thì sao: trong thời đại ta đang sống rất dễ hình dung tính phụ thuộc này. Thử hỏi, vì bất cứ lý do gì, mối liên hệ giữa ta với quốc tế bị gián đoạn hay chấm dứt, hiểu điều gì sẽ xảy ra thì sẽ hiểu mức độ mong manh của mối liên hệ này trong các XH cổ đại cách đây mấy ngàn năm.
Cách đối phó của XH đối với các vấn đề: rất nhiều sự kiện thú vị nhưng ấn tượng nhất là câu chuyện về XH vùng Cao nguyên New Guinea và Nhật Bản thời Tokugawa đã ứng phó thành công thế nào trong khi các XH như người Norse ở Greenland lại thất bại và sụp đổ. Thông điệp là, thậm chí ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt, sụp đổ không chắc chắn xảy ra mà phụ thuộc vào lựa chọn của xã hội. Cuối cuốn sách, Jared đã làm giàu thêm cho thông điệp này bởi câu chuyện về sự suy tàn của đế chế Angkor một thời.
Thế giới từ đó đến nay đã phẳng hơn rất nhiều như T.Friedman đã viết trong The World Is Flat. Nhưng rồi President Trump “có vẻ” như đang điều chỉnh sự phẳng hóa đó theo một quan niệm mới trên mong muốn “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” bởi hàng loạt “bức tường” được dựng lên.
Công việc làm ăn như cỗ xe đang bon trên xa lộ. Mọi thứ vẫn ở phía trước cho đến khi ta không chịu trách nhiệm về nó nữa. Đọc sử sao lại có chút suy tư về công việc đời thường là sao?
Sao mà không suy nghĩ được khi lịch sử cho ta thấy người Norse đã thua trong cuộc chiến sinh tồn khi “thà chết như một người cơ đốc giáo còn hơn sống như người Unuit”; hay như khi cùng đối mặt với nguy cơ quân sự áp đảo của Nga trong WWII, thì 1939 Estonia / Latvia / Lithuania đã tự dâng nộp nền độc lập của mình đổi lấy “không có chiến tranh”, trong khi chỉ riêng Phần Lan chiến đấu chống lại cường quyền Nga và đã bảo vệ được nền độc lập. Không may mắn như Phần Lan, Hungary đã chiến đấu năm 1956 nhưng thất bại và mất độc lập.
Quá khó cho một quyết định!
Lịch sử đương đại còn cho ta thấy Anh, Pháp từ bỏ vai trò hàng thế kỷ là những cường quốc hành động độc lập; Nhật Bản của tư tưởng Đại Đông Á đã từ bỏ truyền thống quân sự với các lực lượng vũ trang; Australia hiện đang cân nhắc và đánh giá lại hiện trạng phát triển nông nghiệp kiểu Anh của mình; hay như Jared còn nhấn mạnh việc nước Mỹ đã từ bỏ phần lớn những giá trị pháp luật phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử đồng tính, vai trò thụ động của phụ nữ và kiềm chế tình dục v.v
Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta không thiếu những giây phút, những khoảnh khắc, những tình huống đối diện “những lỗi cố chấp”, “những suy nghĩ đần độn”, “sự bế tắc về tinh thần” mà các nhà tâm lý học gọi chung là “hiệu ứng chi phí ẩn”, Barbara Tuchman. Đúng là đâu đó ta vẫn cảm thấy miễn cưỡng khi từ bỏ một chính sách hay bán đi một tài sản mà chúng ta đã đầu tư rất nhiều.
Cả công trình gần 900 trang được gọi là The New York Times – Best Seller này, Jared muốn chuyển tải nhiều thứ thông qua việc nghiên cứu sự suy tàn, sụp đổ của nhiều XH văn minh cổ đại trong sự đối lập với một vài ví dụ điển hình về thành công. Môi trường, biến đổi khí hậu, láng giềng, quan hệ thương mại và cách ứng xử đối với vấn đề là linh hồn cuốn sách. Mỗi người sẽ có suy ngẫm riêng.
Đọc lịch sử xã hội loài người qua SỤP ĐỔ hóa ra nó cũng có thông điệp rất đời thường rằng: Có lẽ điểm mấu chốt của thành công hay thất bại là phải biết nên duy trì những giá trị cốt lõi nào, nên từ bỏ cái gì và thay thế bằng những giá trị mới khi thời gian thay đổi.
© CTV Nguyễn thế Duyệt