Thành công là điều mà bất cứ ai cũng khao khát có được. Khi nghĩ tới người thành công hầu hết chúng ta đều hình dung ra những con người tài năng, hoàn hảo và dường như không có lấy một khiếm khuyết. Nhưng Dale Carnegie – người được mệnh danh là “ Nhà Thành công học” – cha đẻ của Đắc nhân tâm lại không nghĩ như vậy. Trong cuốn sách “Đá cuội hay kim cương” (Thuộc bộ sách “Cùng Dale Carnegie tiến tới thành công” gồm 4 cuốn: Đừng chỉ là hi vọng, Đá cuội hay kim cương, Đứng dậy lần nữa, Nói không với nghịch cảnh), Dale Carnegie lại tin rằng người thành công không phải là người hoàn hảo nhất mà là người có khiếm khuyết nhưng biết thay đổi để khắc phục khiếm khuyết đó.
Tại sao lại như vậy?
Chắc hẳn ít nhiều người trong chúng ta đều đã nghe câu chuyện Vòng tròn hoàn mĩ. Truyện kể rằng một ngày vòng tròn hoàn mĩ tỉnh dậy nó phát hiện mình bị khuyết một chỗ. Vậy là từ nay nó không thể tự hào về sự tròn trịa của mình nữa. Nó buồn rầu lăn đi tìm miếng khuyết. Vì bị khuyết nên nó chỉ có thể lăn rất chậm. Lúc này nó mới nhìn ngắm thế giới xung quanh và nhận ra biết bao điều tươi đẹp, nó còn có thể trò chuyện với những người bạn trên đường đi. Đây là những điều mà trước đây nó chưa từng làm vì khi tròn trịa nó lăn rất nhanh, nó bỏ lại phía sau rất nhiều thứ.
Hóa ra vẻ tròn trịa mà vòng tròn tưởng là hoàn mĩ bấy lâu nay lại chính là khiếm khuyết lớn nhất. Vì sự hoàn mĩ ấy nó không thể nhận ra cảnh đẹp xung quanh, không có niềm vui kết bạn với mọi người.
Con người chúng ta cũng vậy, đôi khi vì nghĩ mình hoàn hảo mà thôi cố gắng, không nỗ lực nữa và vì thế bỏ lỡ thành công. Nhưng bạn biết không, thành công lại khởi đầu từ những khiếm khuyết.
Cổ nhân có câu “Nhân bất thập toàn”, con người vốn bất toàn, không ai sinh ra là hoàn hảo cả. Sẽ ra sao nếu một người nghĩ mình hoàn hảo? Đó là điều nguy hại nhất đối với bản thân anh ta bởi khi nghĩ mình không có khiếm khuyết anh ta sẽ mất đi động lực cố gắng mỗi ngày, sẽ không có mục tiêu sống và tất nhiên không thể chạm tay tới thành công.
Rõ ràng đối với chúng ta mà nói khiếm khuyết là một ân huệ, bởi vì con người không ai hoàn hảo cả. Nếu chúng ta hoàn hảo nghĩa là chúng ta không còn không gian để phát triển, tiến bộ nữa, cho nên tồn tại khuyết điểm có nghĩa là chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, còn có chỗ thiếu sót có nghĩa là chúng ta có thể nỗ lực nhiều hơn nữa.
Khiếm khuyết không phải là trở ngại ngăn bạn đến với thành công mà chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của mỗi người.
Nhận ra khiếm khuyết của bản thân mình là chúng ta đã hiểu được mình, nhận thức được khả năng của mình. Để được thế giới công nhận, mỗi người phải tự khẳng định được mình. Làm được điều đó không gì ngoài cách xây dựng cho mình một tâm thái lạc quan, tích cực, tự tin.
Những câu chuyện nhỏ trong “Đá cuội và kim cương” sẽ giúp mỗi người chúng ta điều chỉnh tâm trạng, từ đó hình thành thái độ nhân sinh tích cực, vui vẻ, tràn đầy năng lượng. Và khi nhiệt tình, tích cực, lạc quan sửa đổi những khiếm khuyết của mình trong cuộc sống thì có điều gì mà chúng ta không làm được? Cuốn sách cô đọng, văn phong giản dị mà sâu sắc đã đúc kết triết lí thành công của Dale Carnegie – tác giả cuốn “Đắc nhân tâm”, cuốn sách đã thay đổi hàng triệu người.
“Đá cuội hay kim cương” cùng với 3 cuốn sách còn lại trong bộ sách “Cùng Dale Carnegie tiến tới thành công”: Đừng chỉ là hi vọng, Đứng dậy lần nữa và Nói không với nghịch cảnh đã mang đến nhiều góc nhìn khác nhau về thành công và những bước giúp chúng ta tạo dựng thành công của chính mình.
Thành công không phải là một đích đến, thành công là một hành trình dài. Hành trình ngàn dặm nào cũng bắt đầu từ một bước chân, để thành công hãy bắt đầu thay đổi từ những điều nhỏ nhất.
Hãy chấp nhận khiếm khuyết của bản thân, hãy dũng cảm thử sức, phát huy hết tiềm năng, chắc chắn bạn sẽ làm được điều mình muốn!