Thử nghĩ mấy điều cần thiết về văn hóa đọc

0
594

Thử nghĩ mấy điều cần thiết về văn hóa đọc

van-hoa-doc

Một tác phẩm văn học, dù là thơ hay văn, sau khi đã được giới thiệu là đã “giao trọn quyền” cho người đọc! Ai muốn khen hay chê hoặc thích hay không thích thì cũng chỉ tùy thuộc vào cảm quan của mỗi người mà thôi, không ai có quyền “chen vào” việc rất riêng tư này của họ cảỞ đây chỉ xin nói đến những bạn đọc bình thường và những nhà thơ nhà văn ưa đọc sách, chứ không nói đến quý nhà nghiên cứu phê bình chính thống. Tuy vậy, trong phạm vi của bài ghi nhận ngắn này, tôi muốn thử nghĩ về mấy điều  cần thiết” để cho việc đọc và việc cảm nhận tác phẩm văn học được trong sáng, thấu đáo và chính xác, như một sự chia sẻ trong sinh hoạt văn học…

Sau rất nhiều phen được “chứng kiến” và nghe kể lại về sự “bất đồng ý kiến” giữa những người đọc với nhau hoặc có khi là giữa người đọc với tác giả làm mất hòa khí cần thiết cho một sự “thưởng ngoạn văn học” đúng nghĩa, nhiều lúc còn xảy ra sự “thù oán” và “trả đũa” lẫn nhau, tôi đã suy nghĩ về “mấy điều cần thiết” này khá lâu, nhưng chỉ để cho riêng mình biết và gìn giữ mà thôi.

Gần đây, trong một buổi “trà dư tửu hậu” với vài người bạn văn, qua những trao đổi chân tình, tôi nhận thấy cũng nên chính thức góp ý về vấn đề nhỏ này, với hy vọng sẽ góp phần tạo được một chút gì ấm áp, trong lành cho sinh hoạt văn hóa đọc cả ngày nay và mai sau…

Vài điều cần thiết ấy là:

1
Không Nên Có Định Kiến: Định kiến là ý kiến, suy nghĩ đã có sẵn trong đầu từ lúc nào rồi – nó thật mơ hồ, khiếm khuyết và rất chủ quan! Chưa hề mở trang sách ra đọc hoặc mới chỉ đọc lướt qua, đã vội nói ngay ra cái định kiến cũ mèm và đầy chủ quan về một tác phẩm nào đó rồi! Tất nhiên đó là những định kiến thiếu vô tư và không chính xác. Cái định kiến nguy hại ấy, kéo theo sự cố chấp và bảo thủ của người có định kiến, sẽ khiến người có định kiến không muốn bất kỳ ai góp ý với mình, nhất là khi những điều góp ý lại không đồng tình với họ, không ủng hộ họ. Cái “tật” này tuy nhỏ, nhưng sẽ làm hỏng nhiều việc lớn!

Tiếc thay, phần nhiều những định kiến lại chỉ bám rễ vào những việc nằm ngoài tác phẩm và ngoài phạm vi văn học như bè nhóm, nghề nghiệp, sinh hoạt tình cảm riêng tư, vấn đề vật chất… do những lời thị phi đầy ác ý, do sự đố kỵ cá nhân, hay dựa vào những nhận định riêng tư nông cạn không có cơ sở luận chứng, không thật, của chính mình mang lại. Tôi đã có lần tình cờ đọc được một “tờ rơi” có lời rằng: “… Ông ấy làm nghề sửa ổ khóa làm chìa đã gần 30 năm nay ai cũng biết, mà cũng gọi là nhà văn, cũng được mời làm biên tập, được… thật buồn cười!”. Và, cũng nghe một người bạn mới tập tễnh viết văn làm thơ, nhưng lại muốn làm “xếp sòng”, lên tiếng “phán” về một tác giả khác như sau: “… làm nghề dạy học mà sao lại viết về những người đàn bà hư hỏng, về cái xấu ác quá vậy… thật không có tư cách, đạo đức gì hết trơn…!”. Thực ra, định kiến không giúp được gì cho ý định tìm hiểu văn chương văn học của bất kỳ ai; vì không ai có thể giải thích cho một người có định kiến về việc giá trị của một tác phẩm văn học không phụ thuộc vào hoàn cảnh hay cách mưu sinh của tác giả; cũng như không phải cứ viết về cái hư hỏng, cái xấu ác là thiếu tư cách đạo đức, vì còn phải tìm hiểu xem tác giả nói với dụng ý gì.

2

Không Nên Có Tâm Kiêu Mạn: Sự tự cao – tự cho mình là giỏi hơn thiên hạ – luôn nghĩ những gì mình nói mình làm đều đúng, đều là chân lý chẳng hạn, là rất nguy hại! Người nghệ sĩ thường bị xã hội gán cho thuộc tính “cái rốn của vũ trụ” hay “nhìn đời bằng nửa con mắt” cũng chẳng phải là không có lý do, mặc dù điều đó chỉ phù hợp với một thiểu số rất nhỏ! Người có tâm kiêu mạn trước hết là làm thiệt hại cho bản thân mình! Với người có tâm kiêu mạn thì sẽ chẳng có sự tiến bộ, và thường là cũng chẳng có khả năng sáng tạo nào ra trò! Không có lợi cho chính bản thân mình đã đành, nhưng người có tâm kiêu mạn sẽ còn quấy nhiễu người khác bởi sự thô thiển và kiêu ngạo của mình!

Tôi được nghe kể, một nhà văn trẻ (nhưng cũng đã trên 50) khi được bạn bè hỏi “Trong giới viết văn ở Việt Nam, ông thích tác giả nào nhất?” đã trả lời rằng không có ai cả. Với câu hỏi “Còn những nhà văn nước ngoài thì sao?” người ấy cười cười: “Chỉ đọc được vài người thôi!”. Và, người kể lại cũng cho biết thêm, chưa hề nghe nhà văn ấy mở miệng khen ai nếu không ở vào vùng ảnh hưởng của ông ta! Lại được nghe chính nhà thơ nọ tự hào khoe rằng mỗi ngày đã“sáng tác”được từ năm đến mười bài thơ và hiện có trên ngàn bài thơ được đăng rải rác trên các trang blogs, web, và các báo chuyên ngành có trang Văn nghệ nên thu nhập khá cao! Nhà thơ nói: “Tôi gởi thơ đi khắp nơi có thể như người ta sạ lúa vậy!”. Thật đáng nể!

3

Phải Có Trí Tuệ và Trái Tim Đam Mê: Sự hiểu biết tường tận về điều mình đọc hay viết luôn là kim chỉ nam cho những cảm nhận giá trị sau này về một tác phẩm nào đó. Trí tuệ, gồm cả kiến thức và những kinh nghiệm, không phải là điều kiện duy nhất, nhưng sẽ giúp người đọc nhận ra một cách vô tư và đúng đắn về chân giá trị của một tác phẩm, và cũng là cho chính tác phẩm của mình nếu có. Nên tỉnh giác với mớ kiến thức tự mình tôn vinh cho mình để thật sự có một trí tuệ sáng suốt dựa trên những điều được số đông nhìn nhận và đã thể hiện là có giá trị nhân văn lâu dài. Nếu chưa đủ điều kiện để tiếp thu tác phẩm một cách rốt ráo toàn vẹn, thì cũng nên đừng vội “phán xét”, mà tốt hơn là nên yên lặng đọc và học…

Chúng ta chưa đủ tài năng để “làm việc lớn” thì hãy nên “làm việc nhỏ” (mà có thể mang lại lợi lạc cho số đông!). Trình độ một học sinh tiểu học chưa thể “phán xét” thơ Bùi Giáng hay Thanh Tâm Tuyền một cách chuẩn mực được. Cũng như học chưa qua cấp hai mà đọc “Buông Xả Và Thanh Thản “ của Martin Heidegger (Hoài Khanh dịch) thì làm sao hiểu hết những cuộc “đối thoại triết học” của ba vị khoa học gia, học giả và giáo sư? Nói một các bình thường, nôm na là “trình độ nào, nhận xét ấy” cho nên việc không để cho lòng đố kỵ, thái độ cố chấp, phe nhóm tinh thần hẹp hòi chen vào các sinh hoạt văn học là rất cần thiết! Có như vậy mới hy vọng có một sinh hoạt văn học đúng nghĩa và mang lại lợi ích cho nhiều người! Ngoài tri thức căn bản cần thiết, không chỉ người viết mà ngay cả người đọc cũng cần có Trái Tim yêu thương đời sống, đam mê với văn học nữa! Hình như đây là chất… gien bẩm sinh mà người ta gọi là “thiên phú”?

4

Hãy Nuôi Dưỡng Tâm Tùy Hỷ: Điều sau cùng tôi nghĩ đến là “Tâm Tùy Hỷ” của người đọc (cũng như của người viết). Tâm tùy hỷ vốn là cái Tâm vô cùng cần thiết trong đời sống thường nhật; nó giúp con người sẵn sàng chia sẻ niềm vui với người khác và chia sẻ với niềm vui của người khác. Chính trong sự chia sẻ đó mà niềm vui chung của nhau được nhân lên rất nhiều. Cái tâm ấy xét ra cũng rất cần trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Do vậy rất cần nên “lắng nghecảm thông và chia sẻ” khi đọc. Cần chia vui và chúc mừng khi đọc được một bài thơ hay, một đoạn văn có tính nhân văn cao quý, có sự chia sẻ chân tình qua tác phẩm của người viết! Ta chưa đủ điều kiện để viết (hay để sống, và làm) được như họ thì cũng nên xem sự “thành công” của họ như của chính chúng ta vậy! Sự “tùy hỷ” này chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta và cho mọi người!

Vài điều chân thật xin được giãi bày – rất mong được chia sẻ! ■

Nguồn: MANG VIÊN LONG/http://vanhoaphatgiaoblog.com/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

fifteen − three =