Nguyễn Thanh Việt: Về nỗi hoài nghi và sự vô dụng

Cách đây gần 20 năm, tôi đến Los Angeles vào một ngày tháng 06. Tôi đã nhận bằng tiến sĩ từ Đại học UC Berkeley hồi tháng 05, và tròn 26 tuổi vào tháng 02. Mùa hè năm đó, tôi tìm được một căn hộ nhỏ ở Silver Lake và bắt đầu chuẩn bị cho sự nghiệp giáo sư tại USC. Tôi nhìn lại bản thân mình với sự sửng sốt và cảm thông, bởi có rất nhiều điều tôi không biết vào năm 26 tuổi. Sự ngây thơ đã bảo vệ tôi khi tôi ngồi xuống viết trên chiếc bàn bếp nhỏ của mình, và giữa mùa hè nóng nực đầu tiên ở Los Angeles, tôi đã bắt đầu một tuyển tập truyện ngắn. Nếu tôi biết rằng mình sẽ mất 17 năm để hoàn thành tập truyện đó, và thêm 3 năm nữa để xuất bản nó, có lẽ tôi đã chẳng bao giờ bắt đầu.

Nhưng đôi khi việc không biết gì — không phải luôn luôn, nhưng đôi khi — cũng có ích như sự hiểu biết. Thiếu kiến thức sẽ có ích khi chúng ta nhận thức được nó. Trong trường hợp của tôi, như lời một cựu Bộ trưởng Quốc phòng, tôi biết rằng tôi không biết điều gì, và tôi biết rằng tôi muốn biết điều đó, nhưng tôi không biết làm thế nào để biết được nó. Tôi biết rằng tôi muốn viết tiểu thuyết, và tôi biết rằng tôi muốn tạo ra kiến thức mang tính đổi mới, nhưng tôi không biết cách nào để thực hiện những điều ấy. Tôi cũng biết rằng đại học không khuyến khích sự thiếu hiểu biết, hoặc thú nhận rằng thiếu hiểu biết, vậy nên tôi giữ sự thiếu hiểu biết ấy cho chính bản thân và vờ rằng tôi biết mình đang làm gì.

Hành động giả vờ đó đã giúp tôi được bổ nhiệm làm giáo sư chính thức, sáu năm sau đó. Để được công nhận, tôi đã làm những gì tôi biết cách làm. Tôi trở thành một chuyên gia học thuật và đã viết một cuốn sách chuyên ngành, tôi được thuê viết nó bởi tôi là học giả. Với sự ngây thơ, tôi đã tự nhủ rằng khi viết xong cuốn sách học thuật và được hưởng quyền tự do của một giáo sư, tôi sẽ viết tiểu thuyết. Phải mất vài năm để hoàn thành tập truyện ngắn đó, sau đó nó sẽ được bán, và xuất bản, và giành giải thưởng, và tôi sẽ nổi tiếng. Tôi hiểu một cách mơ hồ, nhưng không thực sự hiểu, rằng tôi cần phải viết bao nhiêu, rằng nó sẽ phá hủy tôi như thế nào trên tư cách một chuyên gia, ảnh hưởng thế nào đến nỗi đau của riêng tôi, nhưng cuối cùng là khiến tôi giỏi hơn trên cương vị một nhà văn và một học giả.

Tôi biết rằng tôi muốn viết tiểu thuyết, và tôi biết rằng tôi muốn tạo ra kiến thức mang tính đổi mới, nhưng tôi không biết cách nào để thực hiện những điều ấy.

Trong chín năm tiếp theo, tôi biết được nỗi đau khi sáng tác tập truyện chết tiệt ấy. Tôi không biết mình đang làm gì, và tôi cũng không biết rằng, khi đối diện với màn hình máy tính và bức tường trắng dần ngả màu, tôi đã trở thành một nhà văn. Trở thành một nhà văn chỉ là vấn đề tích lũy kỹ năng, nhưng quan trọng không kém, nó cũng là vấn đề về tinh thần và thói quen của tâm trí. Nó là sự sẵn sàng để ngồi trến ghế hàng ngàn giờ, chỉ thi thoảng nhận sự thừa nhận nhỏ nhoi, chịu đựng nỗi đau viết lách vì có niềm tin rằng theo cách nào đó, bất chấp sự thiếu hiểu biết của tôi, một sự chuyển đổi đang diễn ra.
Đó là đức tin, và đức tin sẽ không phải là đức tin nếu nó không khó khăn, nếu nó không phải là một bài kiểm tra, nếu nó không phải là sự thiếu hiểu biết đầy bướng bỉnh, tin vào một điều gì đó không thể dự đoán hay chứng minh bằng bất kỳ chỉ số khoa học nào.

Đồng thời, tôi cũng thử thách bản thân mình trên cương vị một học giả. Tôi bắt đầu viết một cuốn sách học thuật khác. Nó sẽ phát triển song song với tiểu thuyết của tôi, và nếu tôi biết rằng cuốn sách về những ký ức của chiến tranh Việt Nam phải tốn 14 năm để xuất bản, có lẽ tôi đã chọn một chủ đề khác. Một lý do cho việc mất quá nhiều thời gian là bởi cuốn sách đi sâu tìm hiểu về văn học, điện ảnh, các viện bảo tàng, đài tưởng niệm, chính trị, triết học và lịch sử. Nhưng thách thức to lớn hơn đối với tôi là tôi muốn cuốn sách vừa là một tác phẩm sáng tạo, vừa là một công trình phân tích khoa học, giống như tôi muốn tiểu thuyết của mình vừa phân tích lại vừa sáng tạo. Nhưng tôi không biết làm thế nào, và chẳng ai có thể dạy cho tôi điều ấy.

Tôi đã phải kiên trì ngồi trên ghế hàng giờ trong suốt 20 năm trước khi có thể tiếp cập được với cách kết hợp phân tích khoa học và sáng tạo.
Tôi kể câu chuyện về sự thiếu hiểu biết và ngây thơ của mình, về những đấu tranh và hoài nghi, bởi vì hầu hết độc giả chỉ biết đến sản phẩm cuối cùng trong nỗ lực của một nhà văn hoặc học giả. Sản phẩm cuối cùng, cuốn sách, xuất hiện với đầy tự tin và tri thức. Sự tự tin và tri thức, và các “thước đo” đánh giá và tiến bộ mà đã chúng ta đã quá quen nhờ cuộc sống ở trường học, các tập đoàn và bộ máy quan liêu che khuất cách thức hoạt động đầy bí ẩn, trực quan và chậm – đôi khi rất chậm – của nghệ thuật và tri thức. Ở một giai đoạn mà yêu cầu về năng suất và đo lường đầu ra đang gia tăng trong trường đại học – và thực tế là ở mọi nơi – điều quan trọng là phải nhận thức được rằng có rất nhiều trong công trình/tác phẩm của chúng ta, dù chúng ta thuộc lĩnh vực nào, cũng đều không thể được định lượng hay thúc đẩy.

Trong trường hợp của tôi, một người nào đó có thể thấy rằng tôi đã xuất bản ba cuốn sách trong ba năm qua và nghĩ rằng tôi làm việc rất nhanh chóng và dồi dào, mà không nhận ra rằng phải mất 20 năm chậm chạp – rất chậm chạp – để suy nghĩ và lao động đầy gian khổ thì mới tạo ra được những cuốn sách ấy. Điều có giá trị trong thế giới nghệ thuật và nhân văn của tôi là chúng tạo ra không gian cho loại tư duy chậm chạp này. Ý tôi muốn nói ở đây là chúng ta đánh giá nghệ thuật và nhân văn không đơn thuần vì khả năng vật chất và phần thưởng mà chúng có thể mang lại, giống như giải Pulitzer. Thay vào đó, chúng ta nên đánh giá nghệ thuật và nhân văn vì tính bí ẩn và trực giác của chúng đã giúp những khoảnh khắc mặc khải và đổi mới có thể trở thành sự thật.

Tôi đã mạo hiểm khi nghiên cứu những điều mà một số người có thể nghĩ là vô dụng.

Tôi nghĩ về tiểu thuyết gia Haruki Murakami, người so sánh việc viết một cuốn tiểu thuyết với hành động đào một cái lỗ thông qua tầng đá sâu để đến được với nguồn nước. Để tiếp cận sự bí ẩn và trực giác đòi hỏi ta phải làm việc siêng năng và nó cũng là một canh bạc, vì chẳng có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ tìm thấy nguồn nước đó. Chúng ta cần các trường đại học và các chính phủ đầu tư vào nghệ thuật và nhân văn để chúng ta có thể dạy cho sinh viên về tầm quan trọng của bí ẩn và trực giác, và sự cần thiết của việc mạo hiểm, đánh cược bằng niềm tin và giá trị của một người. Và chúng ta cần các trường đại học và các chính phủ bảo vệ và nuôi dưỡng nghệ sĩ và học giả – ngay cả khi công việc của họ phải mất hàng thập niên, ngay cả khi họ bị che phủ bởi bóng tối trong khi đang hoàn thành công trình của mình, và ngay cả khi họ không thắng nổi canh bạc.

Tất nhiên, tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên) của tôi đã không còn ở trong bóng tối nhờ có Giải Pulitzer. Nhưng nó cũng có thể đã không thắng giải, và có thể cũng đã chìm vào quên lãng chỉ vì thiếu một giải thưởng, ngay cả khi nội dung cuốn sách không khác gì với lúc nó nhận giải. Vận may của một tiểu thuyết chỉ thay đổi cách mọi người nhìn nhận cuốn sách, chứ không phải thay đổi chính nó. Tôi nghĩ về tất cả các tiểu thuyết khác có thể đã giành giải, và tất cả các tiểu thuyết không giành giải trong những năm khác, vốn dĩ chúng có thể hoặc nên được nhận giải. Nhưng thời gian rồi sẽ cho thấy, một số tiểu thuyết không được công nhận cuối cùng lại chiến thắng trong lịch sử văn học. Vấn đề là các giải thưởng và tất cả những điều mà chúng biểu trưng cho sở thích, nhận xét và định kiến của chúng ta chỉ là tạm thời. Những gì chúng ta không nhận ra trong hiện tại có thể sẽ có giá trị trong tương lai.

Nhận ra được sự thiếu hiểu biết này sẽ dẫn đến lòng khiêm tốn, và đến với nhận thức rằng những gì có vẻ vô dụng, chỉ bởi nó không được khen thưởng và công nhận, một ngày nào đó có thể vô cùng hữu ích. Mặc dù loại công việc tưởng chừng vô dụng này thường xuất hiện trong giới khoa học, gánh nặng “vô dụng” lại càng nặng hơn trên nghệ thuật và nhân văn trong một thế giới ngày càng đề cao tính hữu ích. Cách đây 27 năm, khi tôi chọn học tiếng Anh và dân tộc học ở trường đại học, tôi đã mạo hiểm khi nghiên cứu những thứ mà nhiều người có thể nghĩ là vô dụng. Có lẽ chính cha mẹ tôi, những người bán hàng xuất thân là dân tị nạn, những người chưa bao giờ học đại học và phải làm việc từ 12 đến 14 giờ gần như mỗi ngày trong năm, đã nghĩ rằng sự học của tôi là vô dụng. Nhưng với lòng tin, cha mẹ tôi đã kiềm nén mọi hoài nghi và ủng hộ những nghiên cứu vô ích của tôi. Họ không biết gì về tương lai của tôi, nhưng họ có niềm tin vào tôi.

Đây là điều mà tôi nghĩ nhiều người đang làm việc trong giới nghệ thuật và nhân văn hy vọng nhận được từ các trường đại học, từ chính phủ, đôi khi là từ những sinh viên hoài nghi và cha mẹ họ: hãy kiên nhẫn và tin tưởng nơi chúng tôi khi chúng tôi kiểm tra giới hạn trong sự thiếu hiểu biết của mình, khi chúng tôi theo đuổi những gì có thể là vô dụng, khi chúng tôi đi tìm bí ẩn và trực giác tồn tại trong mỗi người.

Nguyễn Thanh Việt là một trong những nhà phê bình của The LA Times. Ba cuốn sách mà ông xuất bản trong ba năm vừa qua là tập truyện ngắn “The Refugees” (Những người tị nạn, 2017), cuốn sách văn hoá lịch sử “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War” (Không bao giờ chết: Việt Nam và Ký ức Chiến tranh, 2016), và cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer – The Sympathizer (Cảm tình viên, 2015).

Nguồn: bookaholci.vn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

2 × 2 =