Tuy học trường Sư phạm, nhưng những kiến thức về Tâm lý học và Giáo dục học mà tôi được học ở trường Đại học thực sự là không nhiều so với kho tàng tri thức của nhân loại. Biết rõ điều này, với một mối quan tâm sâu sắc và cũng có thể tạm gọi là đam mê với giáo dục, trong vòng hơn 10 năm sau khi ra trường, tôi đã xác định là mình phải tự học. Con đường tự học đó tuy vòng vèo, không bài bản, mất nhiều thời gian và công sức mò mẫm, khiến tôi nhiều khi cảm thấy vô cùng thiếu tự tin khi phát ngôn, vì không danh chính ngôn thuận, nhưng thực sự đã đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm đáng giá và những tri thức bổ ích, và hơn nữa là niềm hạnh phúc của một người tự học. Để bày tỏ niềm biết ơn mà việc tự học mang lại, tôi xin mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân mình, hi vọng rằng nó có thể hữu ích cho những ai mong muốn tìm tòi, học hỏi để không ngừng hoàn thiện bản thân.
1. XÁC ĐỊNH VÙNG QUAN TÂM: Để tự học một điều gì đó, bạn cần biết là mình thực sự quan tâm cái gì, đâu là chủ đề mà bạn tha thiết muốn tìm hiểu. Tri thức của nhân loại là rất rộng lớn, nếu bạn không biết đâu là tri thức mà mình thực sự quan tâm để có thể đào sâu tìm hiểu, thì bạn sẽ bị choáng ngợp trong tri thức đó, hoặc mỗi hôm theo đuổi một thứ, nhưng khó có thể đào sâu, hoặc bạn sẽ lãng phí thời gian vào những thông tin vô bổ. Vì thế, để có thể tự học, bạn cần xác định cho mình một vùng quan tâm, một điểm trụ, và càng ngày càng phải thu hẹp mối quan tâm của mình lại để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề. Ban đầu, khi tìm hiểu về tâm lý giáo dục, tôi quan tâm đến giáo dục nói chung. Mối quan tâm này khiến cho tôi dành phần lớn thời gian, thay vì đọc báo lá cải, tập trung vào đọc các tài liệu nghiên cứu về giáo dục. Sau khi đã tự học được những tri thức nền, tôi bắt đầu thu hẹp hơn nữa mối quan tâm của mình, tôi quan tâm tới những tư tưởng giáo dục hướng con người tới sự hòa hợp với mọi sự sống trong vũ trụ. Từ điểm trụ này, tôi bắt đầu đọc rộng ra, sâu hơn các trước tác kinh điển của Rousseau, Montessori, Gardner, Dewey… Cho đến lúc, tôi cảm thấy muốn đào sâu hơn nữa cái gọi là sự sống, tôi bắt đầu đọc lan sang triết học, tôn giáo- cái soi tỏ ý niệm sự sống từ một góc độ khác, khái quát hơn, thấu suốt hơn, và ở đó, tôi bắt đầu đọc những lí giải từ góc độ triết học, khoa học và tôn giáo về sự sống và cái chết, về sự tiếp nối của linh hồn sau khi chết, về sự tái sinh, về bản chất năng lượng của mọi tồn tại… Bằng cách xác định vùng quan tâm, không ngừng mở rộng và đào sâu vùng quan tâm của mình, tôi bắt đầu thưởng thức tri thức như một con tằm gặm nhấm lá dâu, từng chút từng chút một.
2.BẮT ĐẦU TỪ SỰ TÒ MÒ: Trong cuốn sách Cách ta nghĩ, J.Dewey, một nhà giáo dục học nổi tiếng người Mỹ đã viết rằng, tò mò chính là động cơ bên trong của việc học. Con người khác với họ hàng của chúng là loài tinh tinh ở chỗ nó là động vật tò mò và có nhu cầu muốn tìm câu trả lời cho những gì mình muốn biết. Sau khi đã xác định vùng tri thức mà mình quan tâm, bạn sẽ bắt đầu đọc, nhưng càng đọc bạn càng thấy mình chưa biết, thậm chí nhiều lúc cảm giác mình như thể đang đi giữa vùng mây mù, có một thứ gì đó cứ lấp lánh mờ tỏ ở phía bên kia, và bạn khao khát muốn thổi bay đám mây, bước sang vùng lấp lánh mời gọi đó. Cảm giác bức bối, khó chịu muốn biết đó thôi thúc bạn học hỏi thêm nữa để thỏa mãn trí tò mò, và cứ như vậy bạn bị những tri thức bên ngoài vẫy gọi, niềm thôi thúc bên trong kéo đi. Trong quá trình tự học, bạn sẽ tự đặt ra vô vàn các câu hỏi, càng đọc nhiều thì các câu hỏi càng tràn về. Các nghiên cứu về thần kinh học chỉ ra rằng, các câu hỏi có một tác động rất mạnh tới bộ não, nó tạo nên một trạng thái căng bức, kéo não bộ ra khỏi sự trì trệ, tạo nên một phản xạ tự động hướng tới câu trả lời, và nhờ vậy làm cho bạn tập trung hơn. Từ kinh nghiệm cá nhân, khi đi sâu tìm hiểu về giáo dục sự sống, một loạt các câu hỏi đặt ra trong đầu tôi: Phải chăng mục tiêu của giáo dục là hướng tới sự trân trọng và bảo tồn sự sống của con người? Liệu có cần dạy đứa trẻ trân trọng các sự sống khác nữa như cây cối, các loài vật xung quanh? Liệu một hòn đá mà ta thường cho là vô tri có sự sống hay không? Đâu là ranh giới giữa sống và không-sống? Rồi từ những câu hỏi này, lại những câu hỏi khác nảy ra ồ ạt trong đầu? Phía bên kia sự sống là cái gì? Điều gì diễn ra sau khi sự sống kết thúc? Nó sẽ tiếp diễn hay chấm dứt? Chấm dứt dưới hình thức nào? Những câu hỏi ngớ ngẩn, tràn đầy tò mò như một đứa trẻ đó đã dẫn tôi đi, lang thang từ chân trời này tới chân trời khác của tri thức, và nhiều khi tôi cảm thấy mình bị cuốn vào đó như bị cuốn vào một dòng thác lũ, say sưa quên hết cả thời gian trôi qua.
3. LẦN THEO CÁC TỪ KHÓA: đối với một người tự học trong thời đại thông tin, thì từ khóa là một vũ khí. Những người có thói quen tự học đều biết rõ sức mạnh của từ khóa. Mỗi từ khóa, đúng như tên gọi của nó, là một chìa khóa mở bung ra một khung cửa, dẫn lối cho ta vào một không gian tri thức mới. Thậm chí tôi cho rằng, học tập chính là một hành trình dài tích lũy các từ khóa. Một khi đã chiếm lĩnh được thấu đáo một từ, ta có thể thu nhỏ lại cả một bầu trời tri thức trong lòng bàn tay. Vì thế, người tự học là người không ngừng gia tăng sự hiểu biết của mình về các từ khóa, không ngừng tích lũy các từ và sử dụng nó như một vũ khí để chiếm lĩnh các từ khóa khác. Quá trình lần theo các từ khóa này cam go, cuốn hút hệt như quá trình một thám tử lần theo manh mối của một vụ án, cho đến lúc mọi từ khóa bắt đầu gặp gỡ và làm bừng sáng một vấn đề mà bấy lâu bạn theo đuổi. Khi tìm hiểu về giáo dục, tôi đặc biệt tò mò về trạng thái say mê và hạnh phúc của cả người dạy và người học, và cho rằng đó là điều cốt lõi nhất của việc dạy. Mối quan tâm và tò mò này trở thành một bộ lọc, khiến cho tôi đặc biệt quan tâm tới những bài viết, nghiên cứu về trạng thái tích cực của con người trong quá trình dạy và học, và tình cờ đọc được một bài viết trên facebook của cô Nguyễn Thanh Thuý, nhặt được một từ khóa là tâm lý học tích cực. Lần theo từ khóa này, tôi bắt đầu nhặt được một từ khóa khác là trạng thái dòng chảy, và rồi, ở một điểm nào đó, các từ khóa này giao nối, chập vào các từ khóa khác, dẫn tôi vòng ngược trở lại với các từ khóa như hạnh phúc, thiền, vốn là những từ khóa mà tôi đã quan tâm từ rất lâu. Tới một thời điểm nào đó, tôi bắt đầu dò tìm ra được Richarson, một từ khóa chỉ tên của nhà nghiên cứu thần kinh học, người đã có những công bố về tác động của thiền lên não bộ, giúp kiểm soát căng thẳng và gia tăng cảm giác hạnh phúc. Cuộc trò chuyện của Richarson với Daniel Goldman, một nhà tâm lý học nổi tiếng về trí tuệ cảm xúc mà tôi vốn rất yêu thích, đã dẫn tôi tới một từ khóa khác: Đạt Lai Lạt Ma, tôi nghe từ khóa này đã lâu nhưng nó chưa lọt vào vùng quan tâm của tôi, song giờ đây tôi bắt đầu phải quay ngược trở lại để đọc lại về cuộc đời và trước tác của vị lạt ma nổi tiếng này, mục đích là để hiểu về cuộc trò chuyện của Richardson và Goldman, hiểu về thiền và não bộ, hiểu về trạng thái hạnh phúc trong học tập. Sự kết nối ngang dọc và chằng chịt của các từ khóa trong thế giới của tri thức thật thú vị, và lần theo những kết nối này, bạn bắt đầu mở rộng tầm nhìn, lần ra những mối liên hệ, chiếm lĩnh tri thức trong tổng thể, có một cái nhìn bao quát về những đường tư tưởng chạy ngang chạy dọc trong vũ trụ tri thức chẳng khác nào sự tuần hoàn, trôi chảy của nước trong vũ trụ, không ngừng biến hóa, hòa nhập, pha loãng, dồn tụ, biến đổi hình thái ở một chặng nào đó trên đường đời của nó.
4. TÌM KIẾM VÀ ĐỌC SÂU VÀO NHỮNG VĂN BẢN GỐC: Những người tự học thực sự nghiêm túc sẽ không bao giờ chịu dừng lại ở những văn bản phái sinh, mà bằng mọi cách phải chiếm lĩnh các bản gốc. Đây là điều mà tôi đã học được một cách sâu sắc khi làm việc trong bộ môn Lí luận văn học của trường Sư phạm, dưới sự hướng dẫn của những giáo sư mà tôi coi là tấm gương của sự học tập không ngừng nghỉ, vượt qua sức khỏe, tuổi tác, sự trấn áp, những con người mà tôi biết bao khâm phục không chỉ bởi sức mạnh của trí tuệ, mà còn bởi niềm say mê học thuật không bao giờ vơi cạn. Thói quen luôn luôn hoài nghi, nhu cầu tìm đọc những bản gốc, của chính tác giả chứ không phải của một người nào đó về nó đã khiến tôi không muốn dừng lại việc đọc những lời giới thiệu đơn giản và tường minh, mặc dù đọc vào bản gốc những nghiên cứu của các tác giả là một việc không hề đơn giản, với một vốn tiếng Anh tự học, nhiều khi tôi cảm thấy như đang húc đầu vào đá hoặc đi trong hang tối, trầy trật lết từng bước, mỗi bước đi trong bóng tối đó đều đau nhói, mệt nhọc, thậm chí có lúc cảm thấy tuyệt vọng, vô phương hướng. Sau khi đọc những bài giới thiệu về tâm lý học tích cực, về trạng thái dòng chảy trên website của Cánh diều project, tôi bắt đầu nghe những bài nói chuyện của Mihaly Csikszentmihalyi, rồi tiếp đó đọc những cuốn sách mà mình có thể tìm thấy của ông như: “Flow and the Foundations of Positive psychology” , rồi đọc tiếp những ứng dụng của nghiên cứu này trong các lĩnh vực khác như sản xuất game, giáo dục, quản trị… Càng đọc vào bản gốc, càng thấy mình còn dốt nát quá, và muốn đọc thêm đọc thêm nhiều nữa. Bù lại, việc đọc trực tiếp vào bản gốc giúp cho tôi thoát khỏi những cái bóng của người khác, xác lập được góc nhìn, cách hiểu riêng của mình về tri thức đó, tránh được việc nhại lại như một con vẹt những tri thức mà người khác đã truyền đạt, có thể phê phán tri thức một cách tỉnh táo, và hơn hết, là có được niềm vui của việc học những cái khó.
Thực ra, bài tuy đã hơi dài, nhưng câu chuyện tự học chắc chắn không chỉ có thế.
Nếu trong học tập ở nhà trường, đôi khi những áp lực về thành tích, điểm số, việc làm ép ta phải đi ngang về tắt, học vẹt, đạo văn, giả dối, thì trong quá trình tự học, ta hoàn toàn có thể học tập một cách chậm rãi, như một con tằm nhẩn nha ăn lá dâu, và đặc biệt là có quyền được học tập một cách hoàn toàn TỰ DO và TRUNG THỰC. Ta chỉ phải đối diện với chính ta, nhìn thẳng vào sự ngu dốt của bản thân mình, đi theo tiếng gọi thôi thúc của trí tò mò của bản thân mình. Người có thói quen tự học, vì thế, cũng thường trung thực.
Để thích ứng với cuộc sống, dù làm bất cứ nghề gì, bạn cũng phải không ngừng tự học. Người đầu bếp phải không ngừng cập nhật các xu hướng ẩm thực mới, người kinh doanh không ngừng học hỏi về thị trường, quản trị. Người quét rác thành công phải không ngừng ngẫm nghĩ tại sao hôm nay mình quét rác nhanh hơn, sạch hơn so với hôm qua. Và vì vậy, kinh nghiệm tự học có lẽ có ích cho rất nhiều người.
Là một người yêu thích việc học tập, tôi cho rằng việc học, tự nó đã là một niềm vui. Chúng ta không những có thể một mình tận hưởng niềm vui học tập, mà còn có thể lan tỏa niềm vui tự học và niềm hạnh phúc của sự tìm tòi tri thức đó cho nhiều người xung quanh. Vì thế, tôi mong muốn qua bài viết này, được học hỏi thêm những kinh nghiệm tự học của những người bạn ham mê học hỏi khác.
Nguyễn ngọc Minh- Giảng viên ĐHSP Hà nội
bài đăng trên trang facebook cá nhân