Nếu cuốn sách quá khó, nó sẽ gây thất thất vọng quá ít thách thức, nó sẽ gây chán nản. Vì vậy, cuốn sách cần phải “vừa sức”. Một cuốn sách “vừa sức” phải thách thức học sinh một chút. Đó là một cuốn sách mà học sinh vừa cảm thấy thú vị vừa cần được hỗ trợ một chút khi đọc văn bản.
Có nhiều cách để xác định mức độ vừa sức của văn bản. Giáo viên có thể cung cấp chọn sách phù hợp với người đọc bằng cách cho học sinh đọc to trong khi giáo viên nghe và ghi lại các lỗi sai. Tỷ lệ lỗi khi đọc là 1/20 từ cho thấy một văn bản dễ đọc, tỷ lệ lỗi là 1/10 cho thấy văn bản ở mức độ cần giảng dạy và tỷ lệ lỗi lớn hơn 1/10 cho thấy một văn bản khó (Fountas & Pinnell, 1999).
Sách dễ đọc
Đọc nhiều cuốn sách dễ sẽ tạo ra sự tự tin và trôi chảy. Các cuốn sách viết theo mẫu, các câu chuyện có thể đoán trước, và quen thuộc giúp học sinh cảm thấy thoải mái và tự tin khi đọc.
Sách dễ đọc cho phép học sinh tập trung vào ý nghĩa và suy nghĩ sâu sắc hơn về các nhân vật cũng như cốt truyện. Tuy nhiên, sách quá dễ đọc sẽ không thúc đẩy sự phát triển trong việc đọc sách.
Đây là lúc cần cung cấp cho con những tài liệu đọc khó hơn. Quan sát các con một cách tỉ mỉ và theo dõi sự tiến bộ của chúng, giáo viên/ phụ huynh sẽ có thông tin để đưa học sinh dần dần tiếp cận các cuốn sách khó đọc hơn. Khi học sinh chuyển sang các cuốn sách “vừa sức”, em ấy sẽ tiếp tục phát triển kỹ năng đọc.
Văn bản cần phải đủ thách thức để học sinh được giải quyết vấn đề hoặc tìm hiểu một chiến thuật mới.
Sách khó đọc
Đôi khi, một học sinh chọn một quyển sách khó là việc chấp nhận được nếu chúng quan tâm đến một chủ đề cụ thể và tìm thấy một cuốn sách khó tập trung vào chủ đề này.
Tuy nhiên, cung cấp cho học sinh một danh mục cố định gồm các cuốn sách quá khó sẽ gây ra nhiều thiệt hại. Học sinh cần hiểu và thích cuốn sách thì mới đọc tốt được. Nhiều sinh viên chọn sách khó đọc để rồi bỏ qua vì thất vọng.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc học tập tốt nhất khi trong đó có nhiều bài học được trình bày không quá 10% tư liệu mới và cung cấp nhiều cơ hội để thực hành (Fountas & Pinnell, 1996).
Sách “vừa sức”
Dành thời gian đọc những cuốn sách “vừa sức” sẽ giúp học sinh trở nên mạnh dạn và độc lập hơn khi đọc sách. Một cuốn sách vừa sức là một cuốn sách mà học sinh thấy thú vị và có thể tự tin đọc hiểu mà không cần nhiều sự hỗ trợ.
Những cuốn sách này cũng làm cho học sinh tiến xa hơn một chút để họ có cơ hội áp dụng các chiến thuật đã học và trải nghiệm vốn từ vựng mới cũng như các thể loại khác nhau (Routman, 2003).
Vậy làm thế nào để xác định đó là một cuốn sách vừa sức, có thể sử dụng các chiến thuật sau:
CÁC CÔNG CỤ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ CHỌN SÁCH
1. Quy tắc “Năm ngón tay”
Quy trình để xem qua một cuốn sách:
– Nhìn vào bìa và đọc các thông tin trên bìa
– Lướt qua các trang và tranh minh họa
– Sử dụng quy tắc năm ngón tay.
Quy tắc “Năm ngón tay” nhắc học sinh đếm ngón tay mỗi khi có một từ khó mà chúng không hiểu trong một cuốn sách cụ thể. Nếu có quá năm từ, cuốn sách có thể là quá khó. Nếu có khoảng ba từ hoặc ít hơn thì nó có thể là “vừa sức” (Readinglady.com, n.d.).
2. Chiến thuật “Goldilocks” (Routman, 2003)
Chiến thuật này có ba mức: Quá khó, Vừa sức và Quá dễ. Các học sinh trả lời một số câu hỏi cho từng mức. Nếu câu trả lời là “có”, cuốn sách có thể phù hợp với mức đó. Phụ huynh và giáo viên nên làm mẫu chiến thuật này cho học sinh giúp chúng hiểu rõ hơn trước khi tự áp dụng nó.
Quá dễ
• Trước đây, con đã đọc cuốn sách này nhiều lần chưa?
• Con có hiểu câu chuyện không?
• Con có biết hầu hết các từ không?
• Con có thể đọc trôi chảy không?
Vừa sức
• Con có biết cuốn sách này không?
• Con có hiểu phần lớn những gì được viết trong sách không?
• Có từ nào trong một trang sách mà con không biết không?
• Trong khi đọc, có chỗ nào con đọc trôi chảy và đọc ngắc ngứ không?
Quá khó
• Có trang sách nào mà trong đó, số từ con không biết nhiều hơn 5 không?
• Con có bối rối vì không hiểu phần lớn diễn biến câu chuyện trong sách không?
• Khi đọc, con có bị ngắc ngứ không?
• Mọi người có bận rộn và không thể giúp con đọc sách không?
Khi học sinh chọn được các cuốn sách phù hợp , đọc các văn bản trong khả năng của mình sẽ giúp chúng hiểu rõ và tìm được ý nghĩa những gì chúng đọc tốt hơn. Vì vậy, tìm được sách có cấp độ phù hợp với học sinh là rất cần thiết.
– Đặng Thanh Hiền dịch –
Nguồn: https://www.sachoimora.vn/blogs/tai-lieu-cho-phu-huynh/cuon-sach-can-phai-vua-suc