5 tác phẩm văn học thiếu nhi đón hè

0
9

“Tự truyện một con heo”, truyện dài của Lý Lan, cùng các tên sách thiếu nhi mới được NXB Trẻ, Kim Đồng tung dịp hè.

Tự truyện một con heo

Những cuốn truyện thiếu nhi ra mắt dịp hè - 1

Bìa sách “Tự truyện một con heo”. Ảnh: NXB Trẻ

Truyện dài của Lý Lan – nhà văn, dịch giả bộ truyện Harry Potter được đông đảo bạn đọc mến mộ. Tác phẩm kể về cuộc phiêu lưu của Heo từ khi lạc vào một xóm ngoại ô thành phố. Heo không biết xuất thân của mình – quán nhậu ở Làng Nướng, khu vườn nhà bà “Trời đất ơi”, bãi đất hoang hay từ những nhà trọ công nhân. Với bản năng của heo rừng, nó không muốn mình là vật nuôi của ai.

Với tài kể chuyện duyên dáng, chất giọng Nam Bộ, thủ pháp nhân cách hóa, nhà văn Lý Lan dẫn độc giả nhỏ tuổi theo dõi những cuộc chạy trốn “nghẹt thở” của Heo trong thành phố. Nhiều câu chuyện dí dỏm được tạo ra trong cuộc trò chuyện giữa Heo và chó Nô Nô hay Dê Già. Những triết lý về tình yêu, tình bạn, sự trung thành, lòng dũng cảm… được chuyển tải qua cuốn sách.

Kho báu trong thành phố

Sách Kho báu trong thành phố phát hành tháng 6. Ảnh: NXB Trẻ

Sách “Kho báu trong thành phố” phát hành tháng 6. Ảnh: NXB Trẻ

 

Truyện dài của tác giả Nguyễn Khắc Cường chứa đựng nhiều tình yêu thương đối với Sài Gòn – TP HCM. Tác phẩm theo cha con bé Kiến đi tìm kho báu, từ đó những hồi ức về thành phố ở thập niên 1980 hiện ra sống động. Nhiều trò chơi dân gian từng làm mê mệt trẻ em cách đây mấy chục năm như chọi dế, thả thuyền, bắn bi, búng thun… được tác giả mô tả hài hước, chân thực.

Nào cùng nhón chân

Bìa sách Nào cùng nhón chân. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Bìa sách “Nào cùng nhón chân”. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ gồm 15 truyện nói về tình cảm con người: Sự mất kết nối trong gia đình để đứa trẻ phải “chơi với gấu bông”, tình bạn ấu thơ cảm động, tình cảm quê nhà của cậu bé theo cha lên thành phố học, những đứa trẻ phải tự bươn chải… Điều cốt lõi mà tập truyện muốn hướng đến là trẻ em ở những hoàn cảnh khác nhau hiểu nhau hơn, biết cảm thông và chia sẻ. Sách giữ lại những phương ngữ, với ý giúp các bé tìm hiểu và từ đó làm giàu thêm vốn từ tiếng Việt.

Cổ tích của ba

Bìa tản văn Cổ tích của ba. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Bìa tản văn “Cổ tích của ba”. Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

Tập tản văn dành cho thiếu nhi, thiếu niên của nhà văn Phi Tân gồm những câu chuyện về thời thơ ấu, từ chuyện chơi, chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện đi học. Phi Tân vẽ lên những dòng sông, bờ nước, đồng ruộng, ao làng, sân đình, chợ quê… bằng câu chữ mềm mại, với nhiều phương ngữ Huế.

Nhà văn nói: “Tôi đã kể những câu chuyện này với các con mình, để chúng hiểu thêm nguồn cội, nơi ba mình sinh ra và lớn lên, rồi từ ký ức của tôi, các con hẳn sẽ biết yêu thương, gìn giữ những điều mộc mạc, giềng mối xóm làng, thân tộc”.

Ba tập truyện ngắn của Thâm Tâm

Một trong ba tập truyện ngắn cho thiếu nhi của Thâm Tâm phát hành dịp hè. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Một trong ba tập truyện ngắn cho thiếu nhi của Thâm Tâm phát hành hè này. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng

Với sự giúp đỡ của gia đình tác giả và những nhà sưu tầm sách, Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu lại những tác phẩm văn xuôi viết cho thiếu nhi trước Cách mạng tháng Tám của Thâm Tâm. Đó là bộ ba tập truyện ngắn: Con rùa đội vẹt gồm các truyện đồng thoại, Hai cây hoa nhài gồm các truyện cổ tích và Thuồng luồng ở nước tập hợp các truyện dã sử.

Bao trùm sáng tác của Thâm Tâm là màu sắc văn hóa phương Đông. Truyện cổ tích, dã sử và đồng thoại viết cho thiếu nhi của ông vì thế gần gũi, tựa những sáng tác dân gian nhưng lại có nét mới lạ.

Truyện có nhiều tầng ý nghĩa cho các lứa tuổi: Trẻ em cảm nhận câu chuyện ngộ nghĩnh, tiếp thu những kinh nghiệm đời sống, khoa học thường thức và bài học phát triển nhân cách; người lớn suy ngẫm về các triết lý, nhân tình thế thái và giá trị nhân văn của câu chuyện.

Di Ca

Nguồn: https://vnexpress.net/5-tac-pham-van-hoc-thieu-nhi-don-he-4614667.html

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

3 × 4 =