Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bàn chuyện “học như siêu nhân”

0
48

GDVN- Có khả năng học nhanh, tư duy nhanh luôn là lợi thế cho bạn khi ứng tuyển vào bất kỳ tổ chức nào và chúng sẽ khiến bạn tự hào.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 142 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Bài viết này Giáo sư giới thiệu những điều thú vị trong cuốn sách “Học như siêu nhân, Tư duy như quái kiệt (để có bộ não của thế kỷ XXI)” của tác giả Ian Gilbert.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ian Gilbert sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Detroit, Michigan, Hoa Kỳ. Anh lớn lên ở Southfield, Michigan, nơi anh theo học tại trường trung học Southfield-Lathrup.

Ông lấy bằng cử nhân của Đại học Bang Michigan và Tiến sĩ Luật từ Trường Luật Đại học Bang Wayne, và là thành viên của Đoàn Luật sư Bang Michigan. Sách của Ian Gilbert phù hợp với người học ở mọi lứa tuổi.

Cuốn “Học như siêu nhân, Tư duy như quái kiệt (để có bộ não của thế kỷ XXI)” được Nhà xuất bản Thanh Hóa phát hành với bản dịch của Diễm Ly.

– Với Học siêu tốc, bạn có thể thành công vượt quá mức kỳ vọng hiện tại và năng lực tiềm năng của bạn.

– Học siêu tốc không đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian. Cũng không đòi hỏi bạn phải có nền tảng kiến thức của một chuyên gia hay phải là thiên tài để tận dụng và thực hành các kỹ năng ở cấp độ cao.

– Chỉ có một yêu cầu duy nhất là bạn phải cam kết tự cải thiện. Những kỹ năng bạn sẽ phát triển có thể được sử dụng bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.

– Có khả năng học nhanh, tư duy nhanh luôn là lợi thế cho bạn khi ứng tuyển vào bất kỳ tổ chức nào và chúng sẽ khiến bạn tự hào.

– Bộ não chúng ta có khoảng 1000 tỷ tế bào hoạt động. Nó thật sự rất khổng lồ, siêu việt nếu bạn để ý. Bạn có thể dễ dàng mất đi 1 triệu tế bào não một ngày và phải sống 2739 năm mới có thể dùng hết.

– Con người có tất cả 10 loại trí thông minh, trong đó có ba loại chủ đạo. 10 trí thông minh là về: ngôn ngữ; logic/toán học; nghệ thuật/thị giác; âm nhạc; hướng ngoại; hướng nội; thể chất/vận động; hướng về thiên nhiên; cảm xúc; sinh tồn.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh ngôn ngữ bạn hoàn toàn có thể tự học bằng cách đọc sách và xây dựng được kỹ năng từ việc xem CD hoặc video.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh toán học bạn hãy đặt ra những thử thách ngắn hạn hoặc thử làm những bài kiểm tra trí nhớ.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh âm nhạc hãy để âm nhạc khiến bạn đủ thư giãn để thật sự tập trung vào việc đang làm.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh thị giác bạn hãy tạo ra những bài thuyết trình có minh họa và hãy học ở nơi sáng sủa để các giác quan của bạn phát huy tối đa hiệu quả.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh hướng ngoại hãy tham gia các nhóm công tác xã hội để thảo luận và chia sẻ suy nghĩ của bạn.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh hướng nội hãy tìm nơi học trong yên tĩnh và hãy chọn chỗ ngồi phía trên trong lớp học.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh vận động hãy di động trong thời gian giải lao khi tự học, trong lớp học nên ngồi ở phía sau.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh thiên nhiên hãy hòa mình vào nơi bạn yêu thích trong trí tưởng tượng để tìm thấy những gì bạn cần.

 Nếu bạn thuộc loại trí thông minh cảm xúc hãy học cách nhận ra phản ứng của cơ thể trước những hành động và kết hợp với điều gì đó tích cực trong quá trình học.

– Nếu bạn thuộc loại trí thông minh sinh tồn hãy đặt nhiều câu hỏi mà bạn thấy cần, hãy ở cạnh những người bạn đồng hành và chia sẻ với họ.

– Hãy tìm xem trong 10 loại trí thông minh bạn trội nhất 3 loại nào?

– MASTER là một thuật nhớ và là viết tắt của các chữ sau đây:

* Mind (Tâm trí) – Viết ra giấy điều bạn hy vọng khi học được điều gì? Tự nhận thức sẽ đạt được gì về chủ đề này? Tìm động lực đúng đắn.

* Acquire (Tiếp thụ) – Học tốt các lớp chính khóa. Sau đó tìm người để hỏi (sẽ thu được hàng loạt kỹ năng mới). Có thể hỏi tại các diễn đàn. Tìm nguồn thông tin tốt nhất.

* Search (Tìm tòi) – Tự tìm tòi để trả lời các câu hỏi Tại sao? Tìm tòi ý nghĩa của chuyện ta đang học. Tìm hiểu ý nghĩa thật sự của điều học hỏi.

*Trigger (Khởi động) – Nhắm mắt lại và nghĩ về ký ức để tăng cảm xúc, sau đó thả lỏng người và mở mắt ra. Ghi nhớ điều này trong thời gian bao lâu?

* Exhibit (Trình bày) – Thể hiện sự am hiểu chủ đề và khả năng chia sẻ cảm xúc. Có thể làm video đăng trên YouTube hay đăng bài trên blog. Định thể hiện khả năng của bạn với ai?

* Reflect (Suy ngẫm) – Nghĩ xem điều vừa học có hiệu quả hay không. Tự trình bày lại những yếu tố then chốt. Sau từng thời gian xem lại các ghi chú về điều đã học được. Bạn đã học tốt như thế nào, có thể làm gì để có kết quả tốt hơn?

– Kỹ thuật đọc có hiệu quả: Hãy đọc như là nhận diện thông qua việc đọc. Hãy giảm tốc độ đọc cho đến khi tin rằng mình đang đọc. Đọc các từ (nước ngoài) thành từng âm chứ không từng chữ. Khi không biết chắc cách phát âm hãy đọc to từ đó. Từ không hiểu thì tra ở từ điển hay trên mạng. Khả năng đọc hiểu tăng dần, không bỏ lỡ những phần quan trọng. Đưa việc đọc lướt vào kế hoạch đọc hàng ngày.

– Kỹ năng nhớ siêu việt: Cách hay nhất để xây dựng trí nhớ là kết hợp lặp lại và tưởng tượng. Vừa xây dựng trí nhớ vừa nâng cao hiểu biết, ví dụ chọn 10 nhà khoa học lỗi lạc của thế kỷ XX để hiểu tóm tắt về họ (Albert Einstein, Marie Curie, Sigmund Freud, Max Planck, Niels Bohr, Jonas Salk, Ivan Pavlov, Enrico Fermi, Robert Goddard, Francis Crick và James Watson). Đi chậm một vòng qua từng địa điểm trong nhà, mỗi nơi nhớ về một nhà khoa học. Thử vài lần sẽ thấy mình nhớ nhanh như thế nào.

– Kỹ thuật siêu nhớ PEG: Lập một danh sách 10 thứ cần nhớ, ví dụ 10 thứ bổ dưỡng (ngũ cốc, cá dầu, quả việt quất, cà chua, vitamin B, nho đen, hạt bí, bông cải xanh, lá xô thơm, quế). Sau đó móc với từng thứ có thể liên tưởng. Ví dụ vẽ ra giấy: Súng (bắn ra các hạt ngũ cốc); Giầy (vẽ cá dầu đi giầy); Cây (treo các hạt việt quất trông như cam); Cửa (có tay cầm là quả cà chua); Tổ ong (cung cấp vitamin B); Cái gậy (trên đó mọc các quả nho đen); Thiên đường (thánh Michael ngồi ở cổng thiên đường ăn một gói hạt bí); Cổng làng (phủ kín bông cải xanh); Rượu nho (một hiền triết ngồi ở vườn lá xô thơm tay cầm chai rượu vang); Gà mái (một gà mái kiếm ăn ở gốc cây quế). Từ 10 chữ nhớ rồi nhớ thêm 10 chữ mới.

– Sóng não ảnh hưởng lớn đến khả năng học của bạn: Chúng ta hoạt động chủ yếu ở trạng thái sóng beta (30Hz)- ký ức ngắn; Chúng ta dễ dàng tiến vào trạng thái alpha (14Hz) – ký ức lâu dài; Học hỏi nên là hoạt động dựa trên ý thức lẫn tiềm thức, Có thể thay đổi tâm trạng bằng cách nghĩ về người khiến bạn mắc sai lầm nên tức giận, sau đó lại nghĩ về người bạn yêu thương.

Thay đổi tâm trạng khiến bạn tập trung vào những điều tích cực. Giải lao bằng cách tập tự thôi miên trong 5 phút (trong sách có hướng dẫn cách tự thôi miên). Thôi miên giúp hỗ trợ cho việc thư giãn và ghi nhớ.

– Cần thiết lập mục tiêu theo nguyên tắc SMART (Specific – cụ thể, Measurable – đo lường được, Art – nghệ thuật). Nếu đảm bảo mục tiêu phù hợp với cuộc sống và phong cách sống của bản thân thì bạn có cơ hội thành công. Nếu không phù hợp hãy tìm cách điều chỉnh cho trở thành mục tiêu đáng mong đợi. Hãy thường xuyên đặt ra các mục tiêu cụ thể, đo lường được, có thể thực hiện được, thực tiễn và đúng hạn.

– Bộ não con người gồm 3 phần chính: Não trước, Não giữa và Não sau. Chúng ta cần kiểm soát các liên kết và dẫn truyền giữa não trái và não phải, đừng để chúng chống đối nhau. Não trái liên quan đến Ngôn ngữ, Lôgic/Toán, Hướng ngoại, Thể chất/Vận động, Sinh tồn. Não phải liên quan đến Nghệ thuật, Thế giới tự nhiên, Hướng nội, Âm nhạc, Cảm xúc. Là người tư duy bằng não phải bạn là người sáng tạo, giàu trí tưởng tượng và độc lập tư tưởng.

Để kết hợp với não trái bạn có thể chọn một bài hát lạ, đổi theo lời bạn thích rồi tự trích diễn nó, tạo ra một câu chuyện tưởng tượng đầy sáng tạo, kết nối mạnh mẽ giữa hai bán cầu não.

Là người tư duy bằng não trái, hãy dùng bút màu tô nổi bật những điểm có giá trị trong ghi chép, rồi nhớ lại nhịp điệu bài hát thiếu nhi và thay đổi ca từ đi. Để thúc đẩy việc học cần kết hợp cả hai bán cầu não.

– Đừng ngồi không, hãy đứng dậy và làm gì đó: Tích cực hoạt động là một trong những cách tốt nhất để làm thay đổi tâm trạng từ tiêu cực sang tích cực.

– Một cơ thể tráng kiện và tinh thần minh mẫn sẽ giúp bạn trở thành người học hiệu quả.

– Khi việc học trở nên chán ngắt, đừng ngồi trong phòng đọc đi đọc lại một đoạn mà không tiếp thu được gì. Hãy lấy điện thoại đọc lớn và ghi âm giọng đọc của bạn. Đeo tai nghe vào rồi đi bộ, lắng nghe giọng của mình sẽ dễ tiếp thu. Việc di chuyển sẽ giúp máu lưu thông và cung cấp đầy đủ ôxy cần để nuôi não.

– Ghi chú ngắn các vấn đề chính, dùng gạch đầu dòng và màu sắc khác nhau để biết các nội dung liên quan với nhau. Đọc lại vào lúc ăn sáng hay vào buổi tối.

– Dùng các thẻ nhỏ bỏ túi để học những đề mục quan trọng. Mỗi thẻ ghi không quá 100 từ. Khi phải chờ xe buýt hãy lấy ra xem. Có thể viết câu hỏi một mặt và mặt kia viết câu trả lời.

– Hãy tạo một trang blog và viết với chủ đề bạn chọn. Hỏi xin phản hồi và bạn sẽ nhận được nhiều điều đáng học. Còn có thể quay video bằng điện thoại và đưa lên YouTube. Xem phản hồi vào lúc rảnh rỗi. Bạn sẽ ghi nhớ nhiều hơn bạn nghĩ.

– Chia nhỏ vấn đề để xử lý thông tin. Có thể là kế hoạch cho kỳ nghỉ, có thể là muốn gì trong cuộc đời, có thể là kế hoạch trong ngày, có thể là chia nhỏ số điện thoại thành ba nhóm để dễ nhớ…

– Cách hay nhất để nhớ những gì đã học là kết hợp tất cả thành một câu chuyện. Vẽ lại thành kịch bản với những nét vẽ thô, bạn sẽ học được nhiều điều mới.

– SCAMPER là phương pháp 7 bước để phân tích một sản phẩm hoặc thị trường và phân loại, điều chỉnh, sửa chữa, cải thiện cho đến khi bạn thấy một phiên bản hoàn thiện.

* S (Substitute) Thay thế: Có thể thay thế cái gì?

* C (Combine) Kết hợp: Thứ gì có thể kết hợp với nhau để hoàn thiện hơn? Cái gì có thể tích hợp để sản phẩm có hiệu quả hơn?

*A (Adapt) Đổi mới: Có thể đổi mới sản phẩm thế nào? Cái gì làm nên sự khác biệt?

* M (Modify) Thay đổi: Phóng to hay thu nhỏ sản phẩm? Cái gì khác nữa có thể gia giảm?

* P (Put or other ues) Đổi cách dùng: Có thể dùng làm gì khác nữa?

* E (Eliminate) Loại ra: Có thể loại ra cái gì từ quá trình này (ví dụ thức uống loại bỏ đường cho người ăn kiêng…)

* R (Reverse) Sắp xếp lại: Còn cách nào tốt hơn? Cái gì xảy ra khi lật ngược lại? (Ví dụ về đồng hồ cát)

– Mơ mộng giúp bạn tìm ra giải pháp: Bạn cần khoảng 30 phút yên tĩnh, ngồi ghế có tựa để tâm trí lang thang mà không ngã, có cái đĩa để phát ra tiếng động khi rơi xuống, ngả đầu ra sau, lòng bàn tay đặt lên đầu gối, một tay giữ đĩa.

Xác định mục tiêu rồi nhắm mắt để tâm trí đi lang thang tìm ý tưởng nảy ra trong đầu. Có thể buồn ngủ và để rơi đĩa, tỉnh lại và ghi ý nghĩ nảy sinh. Ghi lại giải pháp mới nghĩ đến (Albert Einstein đã nghĩ ra thuyết tương đối khi mơ được chạy bên cạnh Sao chổi).

– Hoán đổi vị trí: Đặt mình vào vị trí người khác. Walt Disney khi làm phim tự hóa thân vào các nhân vật trẻ con hay bố mẹ chúng. Ông còn khuyến khích đội ngũ của mình đóng giả vai. Phương pháp này giúp nâng cao năng lực sáng tạo của bạn.

– Cắt ghép sẽ khuyến khích sự hỗn độn và ngẫu nhiên trong công việc.

Tìm một ấn phẩm liên quan ít nhiều đến bản thân, công việc hay sở thích của bạn. Cắt nó ra thành từng từ hay cụm từ, cho vào hộp. Lắc và trút ra, ghép thành câu hay cụm từ không nhất thiết có nghĩa. Đọc to và có thể thấy có sự kết nối sau đó. Cũng có thể lấy thứ gì bạn đã viết. Cắt thành các mẩu nhỏ không quá 3 từ. Cho vào hộp, lắc, trút ra và xếp bất kỳ. Đọc và suy nghĩ, tạo ra cách nhìn mới. Có thể cắt các hình ảnh ở họa báo hay báo ảnh. Cũng cắt, cũng trộn rồi đặt thành câu chuyện với các hình đã cắt nhỏ. Nhiều nhà văn đã tạo ra tác phẩm nổi tiếng bằng cách này .

– Thomas Edison đã không từ bỏ thí nghiệm tạo ra bóng đèn điện, Ông nói: Tôi không thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 1000 cách không hoạt động. Thành công nằm trong tay tôi. James Dyson cũng đã chế tạo 5127 máy hút bụi trước khi phát minh ra máy hút bụi.

– Việc thực hành làm nên sự hoàn hảo, bạn cần phạm sai lầm rồi mới trở nên hoàn thiện hơn. Cần chuyển hướng thực hiện những ý tưởng mới trước khi thành công. Hãy ngừng suy nghĩ về những điều tiêu cực và chỉ nghĩ những điều tích cực.

– Hãy nhìn xung quanh. Bạn có thể rút ra bài học gì từ thiên nhiên và sự tiến hóa. Nhà leo núi nghiệp dư George thấy các quả ngưu bàng khô dính chặt vào lông chó, về nhà soi kính hiển vi thấy những cái móc nhỏ xíu đã dính chặt vào bộ lông. Từ đó mà ông phát minh ra loại khóa dính Velcro.

– Giải pháp hiệu quả nhất cũng chính là giải pháp đơn giản nhất. Có 6 câu hỏi đưa bạn đến điểm nghi vấn của mọi vấn để (Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Thế nào? Tại sao? Ai?). Ví dụ về doanh số: Các câu hỏi là Doanh số sụt giảm nơi đâu? Khi nào? Xảy ra như thế nào? Tại sao xảy ra? Ai chịu trách nhiệm về điều này? Có thể dễ dàng tìm ra chỉ vì có một đối thủ mới mở cửa hàng cạnh tranh cạnh cửa hàng của mình ở trung tâm thành phố.

– Nếu nhìn lên rồi nhìn xuống, bước qua phải rồi qua trái – thay đổi thói quen, bạn sẽ nhìn thấy thế giới theo một cách khác biệt. Từ chỗ nhìn chim bay mà lần lượt các thế hệ tìm ra máy bay ở các tầm kỹ thuật khác nhau. Khi đến những vùng đất mới, với đôi mắt thật sự mở to, rồi bạn sẽ thấy thế giới là một nơi hoàn toàn khác biệt.

– Bạn tin có hiện tượng UFO không? (vật thể bay không xác định) – Nguyên lý Dao cạo Occam thường được sử dụng thường xuyên trong kinh tế học, khoa học và chính trị.

Sử dụng lưỡi dao cạo và bắt đầu loại bỏ trở ngại và khó khăn cho đến khi bạn ngừng lại với một lối đi quang đẵng.

Về chuyện UFO bạn có thể trả lời là chúng có thể tồn tại nhưng không gọi người điều khiển là người ngoài hành tinh. Bạn phải mơ ước trước khi nhận ra điều đó.

– Hãy bắt đầu mỗi ngày như thể đó là ngày khởi đầu chuyến hành trình thú vị.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: https://giaoduc.net.vn/van-hoa/giao-su-nguyen-lan-dung-ban-chuyen-hoc-nhu-sieu-nhan-post218711.gd

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

12 − nine =