Xuất bản truyện ngắn chưa từng công bố của Ernest Hemingway
“A Room on the Garden Side” (tạm dịch Căn phòng cạnh vườn), được viết vào năm 1956, trong khách sạn Ritz quen thuộc, nơi Ernest Hemingway hay lui tới khi ở Paris.
Truyện ngắn có nhiều nét tương đồng với chủ đề sáng tác xuyên suốt của Ernest Hemingway: Thành phố Paris, ám ảnh thời chiến và những trận chiếm đóng cuối cùng của Đức Quốc xã.
Truyện ngắn mới phát hiện của Hemingway được đăng trên tạp chí Strand. |
Bối cảnh chính tại khách sạn Ritz, đó là đêm cuối cùng của Robert ở Paris, anh cùng những người lính khác dùng rượu vang. Khi ngà ngà say, họ bắt đầu bình thơ của Baudelaire, tranh luận về buôn bán vũ khí chiến tranh dơ bẩn và khai thác thuộc địa của các nước phương Tây núp dưới chiêu bài khai hóa.
“Tôi đã làm mọi thứ hết sức để có thể cứu mạng sống của những người bị kéo vào cuộc chiến mà họ không mong muốn”, Robert tiếp, “Tôi phải bắt đầu việc đó bằng cách trở thành người lính bộ binh thuần thục, tuân phục nó để dần dà tôi có thể điều khiển nó, phục vụ cho những điều lợi ích mà tôi ngầm mong muốn… Trên con đường chinh chiến, tôi có niềm yêu mến bất ngờ với Pháp và Tây Ban Nha, hai đất nước sát cạnh bên, láng giềng quê hương tôi.
Ngoài ra tôi cũng có tình cảm thân tình với những đất nước khác mà tôi đi qua, nhưng biết làm sao được, sau cùng, tôi vẫn đang chinh chiến phụng sự cho một đất nước đi gây nợ với những nước khác”.
Nếu đọc nhiều truyện khác của Hemingway, bạn sẽ nhận thấy sự yêu mến đặc biệt của ông với khách sạn Ritz. Nó từng xuất hiện trong truyện The Sun Also Rises. “Khi tôi mơ về thế giới bên kia trên thiên đàng, tôi luôn biết nó sẽ giống với những gì đã từng diễn ra ở Ritz, Paris”, Hemingway đã nói như vậy trong một ghi chép sau này.
A Room on the Garden Side và nhiều ghi chép rời rạc của nhà văn Hemingway được cất giữ trong một căn phòng trong thư viện và bảo tàng John F. Kennedy ở thành phố Massachusetts.
Sau 62 năm chìm lắng dưới đáy của bí mật, truyện được xuất bản lần đầu tiên trong ấn bản mùa hè của tạp chí Strand, tạp chí văn học có truyền thống công bố các di cảo của các tác gia lớn trước đây như Raymond Chandler, John Steinbeck và HG Wells.
“Hemingway biến Paris, thành phố yêu thích nhất của mình trở thành một nhân vật sống động xuyên suốt trong các tác phẩm sau này. Trên đống hoang tàn của thành phố sau chiến tranh, ông vỗ về và xoa dịu đi những cơn đau mà nơi ấy phải gánh chịu”, Andrew F Gulli , tổng biên tập của tờ Strand đã viết trong lời giới thiệu khi xuất bản truyện ngắn này.
Hemingway đoạt giải Nobel văn chương năm 1954 |
“Câu chuyện thể hiện bút pháp và phong cách đặc trưng trong cách viết của Hemingway”, Kirk Curnutt, thành viên hiệp hội nghiên cứu Hemingway cho biết. A Room on the Garden Side vọng lên một câu hỏi: Liệu toàn bộ di sản văn hóa Paris có thể phục hồi sau cơn cuồng phong đen tối của Đức Quốc xã hay không?
Chiến tranh là một đề tài ngân dài trong suy nghĩ của Hemingway, ông đã làm nhiều công việc trong chiến tranh, ngoài phóng viên chiến trường ở thế chiến thứ hai, có dạo ông còn làm tài xế cho xe cứu thương ở thế chiến thứ nhất. Những trải nghiệm quý báu đó luôn ám ảnh ông, thúc giục ông viết nên A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí), Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai…
Ông cũng chính là phóng viên viết bài tường thuật về sự chiếm đóng và rút quân của Đức Quốc xã vào tháng 8 năm 1944 cho tạp chí Collier.
Hengmingway đã để lại nhiều công trình và ghi chép khi ông tự sát vào năm 1961, vài tuần trước ngày sinh nhật tuổi 62. (Truyền thống gia đình của Hemingway cũng đã chứng kiến rất nhiều vụ tự sát. Người ta cho hay có lẽ gia đình ông có chứng bệnh di truyền haemochromatosis, một biến dạng của bệnh tiểu đường. Họ có sự dư thừa về tập trung sắt trong máu gây tổn thương tuyến tụy, từ đó gây ra sự suy nhược hay bất ổn trong não bộ).
Sau khi ông mất, các di cảo lần lượt được xuất bản, đầu tiên là quyển hồi ký về những ngày ông ở Paris năm 1920, xuất bản năm 1964, Novel Island in the Stream, The Garden of Eden được xuất bản năm 1970 và 1986, và tác phẩm phi hư cấu The Dangerous Summer (Hội hè miên man) xuất bản 1985.
Chuông nguyện hồn ai, cuốn tiểu thuyết gây nhiều ám ảnh về chiến tranh của Hemingway |
Thời hoàng kim nhất của Hemingway là mười năm cuối đời khi ông đoạt 2 giải thưởng văn chương lớn nhất của nhân loại, giải Pulitzer năm 1953 và Nobel Văn chương năm 1954, tuy nhiên đó cũng là 10 năm đem tối trong tâm hồn ông.
Hemingway đã viết nhiều truyện ngắn lấy bối cảnh chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1956, ông hoàn thành năm truyện ngắn: Room on the Garden Side, Black Ass at the Cross Roads, Indian Country and the White Army, The Monument. Cho đến nay, chỉ Black Ass at the Cross Roads mới được xuất bản.
Trong một lá thư gửi nhà xuất bản Charles Scribner Jr, Hemingway viết: “Tôi nghĩ rằng đây là những câu chuyện gây sốc, vì nó thuật lại tâm lý bất thường của những người đối phó với một trong những đội quân giết người nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại”. Ông tiếp: “Dù sao, quý ngài luôn có thể xuất bản chúng sau khi tôi đã chết”.
Bài viết của T.S
Nguồn: news.zing.vn