ĐỌC TÁC PHẨM “TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU HÀNH XỬ CẢM TÍNH” của Richard H.Thaler

0
685
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Tất Cả Chúng Ta Đều Hành Xử Cảm Tính
Tác Giả: Richard H. Thaler

Richard H.Thaler, nhà kinh tế học Mỹ, chuyên gia hàng đầu ngành kinh tế học hành vi, ngành kinh tế học mới hình thành hơn ba thập niên qua, vừa mới được trao giải Nobel Kinh tế năm 2017. Nhân dịp này TBKTSG xin giới thiệu bài viết của dịch giả Vũ Tiến Phúc, tóm tắt nội dung cuốn sách Misbehaving : The Making of Behavioral Economics của Richard H.Thaler xuất bản ở Mỹ năm 2015 (*). Cuốn sách này được Nhà Xuất bản Trẻ xuất bản năm 2016 với tựa là: “Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính: Sự hình thành kinh tế học hành vi” do Vũ Tiến Phúc dịch.

“Richard H.Thaler đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về nhân tố trung tâm trong kinh tế học – đó là những con người hay mắc sai lầm dễ dự đoán. Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính là một cuốn sách thú vị, với những câu chuyện thực tế hài hước, mang một ngành kinh tế mới mẻ đến gần gũi hơn với độc giả phổ thông. Cuốn sách này sẽ thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về kinh tế học, về bản thân chúng ta cũng như cách ta nhìn thế giới”, đó là những lời giới thiệu của Nhà Xuất bản Trẻ về tác giả và cuốn sách nói trên.

Còn Daniel Kahneman, nhà tâm lý học hàng đầu thế giới, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, tác giả cuốn Thinking, Fast and Slow, đồng thời là người thầy của Richard H.Thaler, đã nhận xét: “Thaler là thiên tài có đầu óc sáng tạo, anh không chỉ là người đã khai sinh ra ngành kinh tế học hành vi mà còn là người kể chuyện lão luyện và cực kỳ vui tính. Tất cả những tài năng ấy được phơi bày hết trong cuốn sách tuyệt vời này”.

Với tư cách dịch giả, tôi chỉ nêu những điều mình tâm đắc nhất về tác phẩm cũng như bản thân tác giả:

– Tác giả chịu ảnh hưởng sâu sắc các tư duy khoa học của Vilfredo Pareto, nhấn mạnh tầm quan trọng của tâm lý học đối với mọi ngành khoa học xã hội và đặc biệt là triết lý khoa học của Thomas Kuhn: “Sự khám phá bắt đầu từ nhận thức về tính chất bất thường, tức là sự thừa nhận rằng thực tế khách quan khác với những kỳ vọng được dẫn dụ bởi mô thức đang chi phối khoa học chuẩn mực” (trang 231).

Hơn nữa Richard H.Thaler thừa nhận tầm quan trọng của nguyên lý “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Ông nói: “Thời gian và trí tuệ của con người là hữu hạn. Do vậy, họ phải dùng quy tắc “Ngón tay cái” đơn giản là – dựa vào suy nghiệm để đưa ra các phán đoán” (trang 40-41).

– Như Richard H.Thaler đã tự sự, ngay khi còn là nghiên cứu sinh, ông đã thấy có nhiều điều trong thực tế không phù hợp với lý thuyết kinh tế học chính thống. Sau đó ông đã lập thành “bảng danh sách” những điều bất thường đó để chứng minh rằng con người thực luôn hành xử rất khác với “con người kinh tế” mà ông gọi là “Econ”. Chẳng hạn, con người chịu ảnh hưởng của hiệu ứng quyền sở hữu (endowment effect), luôn tính toán cảm tính (mental accounting), họ đối xử với tiền bạc, với chi phí chìm, chi phí cơ hội… và các khái niệm kinh tế chuẩn tắc khác không giống như trong lý thuyết kinh tế truyền thống. Do không tính đến yếu tố con người thực nên lý thuyết kinh tế truyền thống mắc nhiều sai lầm, không dự đoán được cuộc khủng hoảng kinh tế, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008.

Richard H.Thaler đã tự rút ra ba bài học thành công như sau (trang 471-474):

1- Quan sát: bắt đầu bằng quan sát đơn giản cho thấy con ngươi hành xử cảm tính, họ không hành xử giống các Econ (như bảng danh sách đã nêu).

2- Thu thập dữ liệu: để thực sự tự thuyết phục bản thân, chưa nói thuyết phục người khác, chúng ta cần có dữ liệu. Như Mark Twain nói: “Không phải điều bạn không biết khiến bạn gặp rắc rối mà chính là cái điều bạn biết chắc rằng nó không phải như vậy”. Con người quá tự tin vì họ không bao giờ bận tâm tập hợp tất cả dữ liệu quá khứ, những phán đoán sai lầm, và rồi họ trở thành nạn nhân của thiên lệch tâm lý – họ chỉ nhìn vào bằng chứng nào thuận theo các giả thiết giả định của họ. Cách phòng ngừa duy nhất chống lại sự tự tin thái quá là tập hợp dữ liệu có thể chứng minh bạn sai.

3- Lên tiếng: nhiều sai sót của tổ chức có thể dễ dàng được ngăn chặn, nếu ai đó mạnh dạn nói cho sếp của mình đang có chuyện gì đó không ổn diễn ra.

Nhờ có “kẻ phản đạo” như Richard H.Thaler mà sau 30 năm thế giới đã sinh ra một ngành khoa học mới mẻ “kinh tế học hành vi” đã, đang và sẽ được ứng dụng ngày càng rộng rãi không chỉ trong các hoạt động kinh tế mà còn trong lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội và chính sách công.

Richard H.Thaler nói, do ông từng bị giáo sư hướng dẫn công khai phê phán “chúng tôi không kỳ vọng nhiều ở anh ta” nên ông khuyên rằng khi “chi phí cơ hội” của bạn thấp, nó đáng để bạn chịu rủi ro và lên tiếng, nhất là khi sự nghiệp mà bạn theo đuổi rất lý thú. Ông còn nói thêm: “Nhưng chúng ta không thể kỳ vọng mọi người chịu rủi ro bằng cách lên tiếng hay bằng cách nào khác nếu làm như vậy họ sẽ bị sa thải. Những nhà lãnh đạo tốt phải tạo ra các môi trường trong đó các nhân viên cảm thấy đưa ra quyết định dựa vào bằng chứng luôn được khen thưởng, bất kể kết quả xảy ra thế nào.

Môi trường tổ chức lý tưởng động viên mọi người quan sát, thu thập dữ liệu và lên tiếng. Các sếp nào tạo ra các môi trường như vậy thì chỉ chịu rủi ro duy nhất một vài vết bầm lên cái tôi của họ. Đây là cái giá rất nhỏ phải trả để tăng cường dòng chảy của các ý tưởng mới và giảm thiểu rủi ro của các thảm họa”.

Richard H.Thaler cũng đã kiên trì, dũng cảm và phấn đấu cả đời mình để theo đuổi chân lý.

Năm 1980, khi ông đưa ra ý tưởng về kinh tế học hành vi, ông gặp phải sự phản bác dữ dội của các bậc “tiền bối công thần”, đó là các nhà kinh tế học bảo thủ, nhưng đều là những nhà khoa học danh tiếng, nhiều người đoạt giải Nobel Kinh tế theo trường phái cổ điển. Họ để ngoài tai mọi đề xuất của ông, coi ông là hạng “con nít ngồi chiếu dưới”, hay “ngựa non háu đá”. Bản thân ông cũng tự coi mình là “kẻ phản đạo chuyên nghiệp”.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả, ông đã dám “thách đấu” lý trí đầy cam go và ngang tàng với các bậc công thần, cha chú kia, cặm cụi thu thập dữ liệu thực tế trong nhiều năm và cuối cùng là can đảm lên tiếng để thuyết phục dư luận về sự đúng đắn của khám phá mới của mình.

Nhờ có “kẻ phản đạo” như ông mà sau 30 năm thế giới đã sinh ra một ngành khoa học mới mẻ “kinh tế học hành vi” đã, đang và sẽ được ứng dụng ngày càng rộng rãi không chỉ trong các hoạt động kinh tế mà còn trong lĩnh vực quản lý kinh tế-xã hội và chính sách công. Và cũng nhờ đó ông vừa mới được trao giải Nobel Kinh tế năm 2017 để vinh danh những đóng góp xứng đáng của ông.

VŨ TIẾN PHÚC – THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

6 − one =