TRIẾT GIA VÀ THI SĨ (BÀI VIẾT VỀ NHÀ THƠ BÙI GIÁNG)

0
271

TRIẾT GIA VÀ THI SĨ 
(Bài viết về nhà thơ Bùi Giáng)


Trong “Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện”[1], nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau: “Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ”. Thế nào là “trên cơ bản”? Tôi không muốn hiểu câu nhận định trên đây theo nghĩa thông thường của sự phân loại, đánh giá về văn nghiệp của một tác giả: Bùi Giáng trước hết và trên hết, hay, tựu trung, là một nhà thơ, nói khác đi, phần có chân giá trị là sự nghiệp thi ca của ông, còn các phần còn lại là thứ yếu, không “cơ bản”. Thật ra, trong khối lượng đồ sộ và đa tạp của Bùi Giáng “văn xuôi”, dù khó tính đến mấy, ta vẫn có thể chắt lọc ra không ít những trang tuyệt bút từ các Giảng luận văn học (Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan đến Phan Văn Trị/Tôn Thọ Tường và Tản Đà), các tùy bút văn chương, các nghị luận triết học, đó là chưa kể một số bản dịch thành công khá đặc biệt. Trong chừng mực nào đó, chúng có giá trị tự tại, độc lập với việc có hoặc không có “Bùi Giáng nhà thơ”. Vì thế, tôi muốn thử hiểu nhận định trên đây theo một cách khác: dù là văn xuôi hay thơ, Bùi Giáng vẫn “trên cơ bản, là nhà thơ”, theo nghĩa: Bùi Giáng có ý thức sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa rộng như là “ngôn ngữ thi ca”. Chính điều này tạo nên nét riêng biệt, độc sáng của thi văn Bùi Giáng, và đồng thời mời gọi ta hãy đến với Bùi Giáng theo cách hiểu ấy.

Như ai cũng dễ nhận ra, và như chính Bùi Giáng đã thừa nhận, bút pháp và thơ của Bùi Giáng thoạt đầu xuất phát từ cội nguồn Thơ Mới. Nhưng, do một sự tương ứng sâu thẳm nào đó và cũng là một cơ duyên, việc Bùi Giáng tiếp cận và tiếp thu tư tưởng, nhất là triết học về nghệ thuật, của Heidegger, theo chúng tôi, là một trường hợp khá hy hữu: nó thanh tân, trọn vẹn và chung thủy đến lạ thường. Sự gặp gỡ này còn có sự hiện diện của một nhân vật thứ ba có ý nghĩa quyết định: thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin. Heidegger là triết gia, Hölderlin là thi sĩ, sống cách nhau ngót hơn một thế kỷ, nhưng thật lạ lùng khi Heidegger từng nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không còn có thể phân biệt mình với Hölderlin được nữa[2]! Tự nhận mình đồng nhất với một người khác, nhưng không ai nghĩ rằng Heidegger tự “đánh mất mình” trong mối quan hệ lạ thường ấy. Ta cũng có thể nói hệt như thế về mối quan hệ tay ba: Heidegger – Hölderlin – Bùi Giáng! Trong bài tham luận ngắn này, chúng tôi muốn lưu ý đến mối quan hệ lạ thường này như một nỗ lực góp phần soi sáng quan niệm sống, sáng tác và suy tưởng của Bùi Giáng.

1. Triết gia – thi sĩ:

Quyển “Giảng giải về Thơ Hölderlin” của Heidegger[3] (tập 4 trong Toàn tập) chỉ ngót 200 trang, nhưng đã được Bùi Giáng dịch và diễn giải hơn 1000 trang, chia làm hai tập: “Lời Cố quận” và “Lễ Hội Tháng Ba”. Có thể nói đây là công trình văn xuôi quan trọng nhất và cũng phức tạp, sâu sắc nhất của Bùi Giáng. Theo một cách nói quen thuộc, chính ở đây, Bùi Giáng đã đi từ “tự phát” đến “tự giác” trong quan niệm sống và sáng tác văn chương.

Hölderlin (1770-1843) là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của nước Đức, bạn đồng học và có ảnh hưởng sâu đậm đến hai khuôn mặt lớn của triết học Đức: Schelling và Hegel. Đáng chú ý: Hölderlin cũng có định mệnh tương tự Bùi Giáng: hơn 30 năm cuối đời sống trong trạng thái “điên tam đảo tứ”! Ta biết rằng Heidegger có những bài giảng đầu tiên về Hölderlin vào những năm 1934-35 (ngay trước khi soạn luận văn nổi tiếng: “Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật”[4]). Ông tiếp tục bàn về Hölderlin cho tới 1946, được tập hợp lại thành sáu luận văn trong tác phẩm vừa kể. Bùi Giáng nhận định: “Mười năm sau Sein und Zeit[Tồn tại và Thời gian, 1927, tác phẩm chính của Heidegger], Hölderlin xuất hiện trên hầu hết những cuốn sách của Heidegger mỗi phen tư tưởng của Heidegger bước tới điểm quyết định”. “Riêng cuốn sách Giảng giải về thơ Hölderlin này mang một ý nghĩa trầm trọng và sâu xa như thế nào trên con đường tư tưởng của Heidegger, thành tựu một cái gì cho Tư tưởng Tây phương, chuẩn bị cho một cuộc hội thoại lặng lẽ mênh mông nào khác, những người theo dõi Heidegger ắt đã từng nhận thấy”. “Người nào đã đọc kỹ từ lâu cuốn sách dị thường ấy của ông Heidegger, ắt đã rõ nguyên do lối sắp đặt thứ tự các bài giảng… Và cũng không ngạc nhiên gì nhiều trước lối dịch và giảng dường như kỳ dị của dịch giả”. Bùi Giáng viết tiếp: “Nhan đề ấy nói gì? Có thể hiểu cưỡng bức theo hai cách:

1. Cuộc tiếp cận (của chúng ta với) Hölderlin
2. Cuộc tiếp cận của Hölderlin

Theo nghĩa thứ hai là thế nào? Hölderlin tiếp cận cái gì? Ấy là: tiếp cận Uyên Nguyên, đi về cận lập với Uyên Nguyên. Sao gọi là Uyên Nguyên? Theo nghĩa thứ nhất: chúng ta tiếp cận? Đi về tiếp cận? Nhưng Hölderlin không phải là một cá nhân. Nguồn thơ thi dựng của ông là một nguồn Thi nhiên hi hữu. Hölderlin là Nguồn Thơ ấy. Vậy thì tiếp cận Hölderlin là tiếp cận nguồn thơ ấy. Nhưng tại sao tiếp cận mà không tắm mình vào? Vì đó là Uyên Nguyên và trong khi chúng ta dò dẫm trên bước tiến lại gần, thì Uyên Nguyên cũng đi về với chúng ta trong thể lệ riêng biệt: gần gũi mà xa xôi”[5]

Đàng sau cách diễn đạt bay bổng nhưng khá tối tăm ấy là diễn trình tư tưởng của Heidegger được Bùi Giáng theo dõi sát sao và thể nhập trọn vẹn. Có thể chia sự “tiếp cận” của Heidegger với thơ Hölderlin làm hai thời kỳ: thời kỳ sớm từ 1934 đến 1939 và thời kỳ muộn là 1939-1946, với sự khác biệt quan trọng.

Thời kỳ sớm nổi bật với hai luận văn: “Hölderlin và bản chất của thi ca” (Bùi Giáng dịch và giảng trong Lời Cố quận, An Tiêm, 1972, tr. 146-242) và “Siêu hình học nhập môn” (được Bùi Giáng dịch và giảng một phần trong Trăng Châu Thổ (Quế Sơn, Võ Tánh, 1969, tr. 207-308).

Ở thời kỳ này, Heidegger xem Hölderlin là một thi sĩ quan trọng, nhưng không quan trọng với tư cách thi sĩ, mà như là triết gia-thi sĩ, nói khác đi, tuy Hölderlin làm thơ, nhưng nội dung của nó không phân biệt với triết gia. Thật ra, những đại thi hào Tây phương như Homer, Sophockles, Virgil, Dante, Shakespeare và Goethe thực hiện bản chất của thi ca còn phong phú hơn cả Hölderlin, nhưng tại sao Heidegger lại tập trung vào Hölderlin? Lý do là vì, theo ông, Hölderlin là nhà thơ làm thơ về thi ca. Ông gọi Hölderlin là “thi sĩ của những thi sĩ”[6] không theo nghĩa tôn vinh về đẳng cấp mà chỉ vì Hölderlin là nhà thơ của bản thân thi ca. Hölderlin đã viết những câu thơ về bản thân thi ca như thế nào, trong chừng mực là một thứ “siêu-thi ca” mang đầy đủ tư cách của một nhà tư tưởng? Xin điểm lại ngắn gọn năm điểm:

–         Hai điểm đầu tiên có vẻ mâu thuẫn với nhau. Hölderlin gọi thi ca là công việc “hồn nhiên thơ dại nhất”[7], nhưng đồng thời cũng là công việc “nguy hiểm nhất”[8]. Vì lẽ thi ca nảy sinh trong ngôn ngữ, nên câu hỏi có thể đặt lại là: ai làm chủ ngôn ngữ và ngôn ngữ hiểm nguy theo nghĩa nào? Theo Heidegger, ngôn ngữ là cái gì quá “thân thiết” với con người, nó có thể “thôi miên” ta ở vẻ ngoài khiến ta dễ bỏ qua căn cơ, nền tảng. Sự hàm hồ của ngôn ngữ làm cho cái không bản chất trở thành bản chất, đồng thời biến bản chất thành cái gì nông nổi, bì phu. Đối diện với hiểm nguy ấy, Hölderlin đã trả giá bằng sự điên loạn của mình, một sự cố không thể điều trị hay cứu chữa bằng y học. “Điên loạn là số phận của Hölderlin, vì “những hoa trái đầu mùa bao giờ cũng thuộc về phần của thần linh” và Hölderlin là “hoa trái bi kịch nhất trong lịch sử nước Đức”. Phải chăng ta cũng có thể nói như thế về Bùi Giáng?

–         Điểm thứ ba: con người chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ bao giờ cũng hiện hữu trong đối thoại, trong “nói” và “nghe”. Đó là đặc trưng của con người, bởi chỉ con người mới mang thời tính, tức tìm thấy chính mình ngay trong lòng sự vật khi chúng được từng bước khai mở bằng một cách nào đó. Ngôn ngữ là nơi ta thể nghiệm: hoặc có thể đi sâu vào được vùng ẩn mật, khép kín của thực tại khôn dò, hoặc chỉ phải dừng lại ở bề mặt của sự hiện diện thô sơ.

–         Điểm thứ tư là từ chính lời thơ của Hölderlin: “những gì bền vững là do thi sĩ thiết lập nên”[9]. Những gì tưởng như vững bền, thường trụ trong thế gian đều cần được “thiết lập nên, nếu không, chúng sẽ bị chìm lấp, lẫn lộn trong mớ hổn mang”. Để sự vật hiển hiện ra cho ta, ta phải đứng vào vùng ánh sáng thích hợp. Như thế, con người không chỉ thụ động ngồi nhìn sự vật chung quanh, rồi gọi tên chúng. Ngược lại, chính thi sĩ đặt tên cho chúng, và chỉ có việc đặt tên này mới thiết lập nên sự vật. Sự vật và bản thân Tồn tại không bao giờ phơi bày mà phải được sáng tạo và thiết lập. Thi sĩ có vai trò trung tâm trong sự hiện hữu của con người[10].

–         Và sau cùng, điểm thứ 5, lại từ một câu thơ khác của Hölderlin: “con người sống trên đời như một thi sĩ”[11]. Sống như một thi sĩ là sống giữa lòng những gì thiêng liêng, vừa ẩn giấu, vừa vẫy gọi, mang ta đến gần bản chất của sự vật. Sự hiện hữu được thi sĩ tạo dựng và thiết lập là một quà tặng được ban cho ta, bên ngoài quyền năng của cá nhân mỗi người. Cũng thế, thi ca không chỉ là một trò chơi với những từ ngữ và ngữ pháp đã có sẵn, trái lại, cấu tạo nên bản chất của ngôn ngữ, qua đó, cấu tạo nên cả mối quan hệ của một dân tộc với vận mệnh lịch sử của mình. Thi sĩ không tái tạo cái khả kiến, trái lại, làm cho nó trở nên khả kiến. Đó cũng là ý của Hölderlin khi nói về Oedipus, nhân vật thần thoại đã tự móc mắt mình: “Có lẽ đức vua Oedipus có thừa một con mắt!”. Như Heidegger nhận xét: có lẽ Hölderlin cũng có thừa một con mắt! Hölderlin là thi sĩ của thời đại khốn khó, khi thế giới cũ không còn mà thế giới mới chưa đến. Sự điên loạn của nhà thơ là kết quả của sự canh giữ cô đơn, của việc sáng tạo nên những sự thật mới mẻ, dù không mấy ai hay biết. Như thế, trong thời kỳ này, Heidegger đánh giá cao chất lượng tư tưởng trong thơ Hölderlin: thi sĩ thiết lập nên những nhu cầu thiết yếu và nghiêm trọng, với “sứ mệnh” khôi phục lại những gì đã suy tàn, gãy đổ của một thời vàng son quá khứ (như nền “nghệ thuật lớn” của “hệ hình Hy Lạp”)[12].

Heidegger viết những lời mạnh mẽ: “Công việc của chúng ta là mang lại quyền lực cho Hölderlin”. Nói cách khác, ở đây, thi sĩ và triết gia không còn phân biệt về sứ mệnh; họ chỉ khác nhau ở tính cách và phương tiện: một bên dùng lối ẩn dụ, ít nhiều tối tăm, một bên sử dụng khái niệm minh nhiên, sáng sủa. Hölderlin là quan trọng, nhưng chưa phải với tư cách là nghệ sĩ mà như là triết gia: “đứng trên đỉnh núi cao của thời đại, thấu hiểu quá khứ và dự phóng tương lai”. Ta dễ dàng liên tưởng đến thời kỳ đầu của Bùi Giáng “Mưa Nguồn”, của Bùi Giáng, “Heidegger và tư tưởng hiện đại”…

“Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
Giữa hư vô em giữ nhé ngần này…”

Sau một Nietzsche bơ vơ, “mất quê hương”, Heidegger muốn nhìn thấy nơi Hölderlin hình ảnh và lời kêu gọi của kẻ “quy hồi cố quận”, tìm lại được quê hương đã mất.

2. Thi sĩ – triết gia

Vào thời kỳ muộn, qua việc giảng giải các tụng ca Như trong ngày Lễ hội và Hồi tưởng (Bùi Giáng: Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008), Heidegger cho thấy một bước nhận thức sâu hơn về Hölderlin chung quanh bản chất và trách vụ của thi ca. Lần đầu tiên, Hölderlin đích thực xuất hiện “trên cơ bản là nhà thơ” (wesentlich als ein Dichter/essentially as a poet) vì Heidegger thừa nhận rằng ông đã được Hölderlin “dạy dỗ” về bản chất của thi ca theo ngôn ngữ của cái BỐN (Trời, Đất, Con người và Thần linh).

–         Tụng ca Như trong ngày Lễ hội (1800)[13] là mới mẻ, phong phú khi mô tả sự nghèo nàn tinh thần của thời đại mà Hölderlin gọi là sự thiếu vắng lễ hội. Trong Hồi tưởng[14], ta lắng nghe những nhớ tưởng của thi sĩ về “những giấc mộng vàng” (Bùi Giáng: “Giấc vàng long lanh”) trong những “lễ hội” đã qua. Lễ hội là gì? Là ra khỏi nhịp điệu nhàm chán thường ngày. Là ra khỏi vòng kìm tỏa của sự “hữu ích”, “hữu dụng” để sống đích thực là chính mình. Trong thời đại của khoa học-kỹ thuật-công nghệ, con người bị “đóng khung” (Gestell), khiến cho sự “ưu tư” (Sorge/Care) khó trở thành sự ưu tư đích thực. Thời hiện đại không thể có “lễ hội”, vì ta không còn từ ngữ, không còn ngôn ngữ để làm việc ấy nữa (Bùi Giáng:“Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần”). Đó là cảm thức sâu sắc rằng bản chất cao nhất của thi ca, của người “thi sĩ tương lai” như nói trước đây không thể đạt tới được nữa:

“Đạp thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo Mộ đà cáo chung”
                                                              (
Bùi Giáng)

–         Vậy phải làm gì khi “hệ hình Hy Lạp” của nền “nghệ thuật lớn” cổ đại là bất khả phục hồi, một đi không trở lại? Trong Xây Ở Suy Tư (1951), Heidegger cho rằng: ta không thể làm cho thần linh quay trở lại, mà chỉ còn có thể “chăm lo” (schonen) và “chờ đợi” sự lai đáo ấy. Trong Thi sĩ là gì trong thời khốn khó?, khi bình giảng về tụng ca Bánh và Rượu của Hölderlin, Heidegger thấy cần thiết phải tạo nên một “bầu khí” (Ether) thích hợp để đón đợi và làm chỗ cư lưu cho “thần linh”, bởi “chỉ còn có thần linh mới có thể cứu vớt chúng ta”. “Thần linh” ở đây không được hiểu như là sức mạnh siêu nhiên mà như là những kích thước mới cần được khám phá cho sự hiện hữu của con người. Sự đón đợi ấy là sự chuẩn bị ở trong tư thế lẫn sự chuyển hóa ở trong tâm thức. Heidegger viết: “Là thi sĩ trong thời đại khốn khó có nghĩa là: đón đợi, hát ca, dõi theo sự vẫy gọi của thần linh. Đó là lý do tại sao người thi sĩ trong đêm trường tối tăm của thế giới [Bùi Giáng:“thế dạ”] lại tỏ bày sự linh thánh. Đó là lý do tại sao, trong ngôn ngữ của Hölderlin, đêm trường của thế giới lại là đêm thánh thiêng”[15]. Ta biết rằng, thời hiện đại được gọi là “đêm tối”. Ở thời kỳ đầu, Heidegger đọc Hölderlin qua hình ảnh một đêm trường đầy tối tăm, bế tắc (“Siêu hình học nhập môn”, tr. 46). Bây giờ, đi sâu hơn, hình ảnh mới lại là hình ảnh của “Tửu thần Dionysos ngao du ca hát trong đêm thánh”. Trên con đường Quy hồi cố quận, bây giờ Hölderlin lại trải nghiệm đêm tối như cái gì “thanh sạch”, “hân hoan”, hay, nói như ngôn ngữ Bùi Giáng, trong “hồn ca vũ địa”.  

Tóm lại, khi thử đặt Bùi Giáng vào trong mối quan hệ mật thiết với Heidegger và Hölderlin, qua đó soi sáng phần nào hành trạng, suy tư và sáng tác của ông, ta thấy Bùi Giáng là một trường hợp khá đặc biệt, hiếm có: không chỉ tiếp thu nguồn thi ca, tư tưởng vốn xa lạ theo nghĩa thâm cảm, tri kỷ mà còn tự dấn mình thực hiện trọn vẹn như một biểu trưng“Trút linh hồn dường như thể như thân”“Biết ít, vui nhiều, ấy là tặng vật, cho người phù du”[16]. Bùi Giáng không muốn ai bắt chước mình. Nhưng có lẽ ông muốn mình được đọc, được hiểu như một dấu hiệu của sự TỰ DO trong “thời khốn khó”. Quả thật, Bùi Giáng, “trên cơ bản, là một nhà thơ”.

Bùi Văn Nam Sơn
14.09.2013
(Bài tham luận trong buổi tọa đàm khoa học về Bùi Giáng được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh, ngày 14.09.2013)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

5 × 4 =