NGUYỄN VĂN VĨNH- ÔNG TỔ NGHỀ DỊCH THUẬT QUỐC NGỮ

0
717

Công lao của ông Nguyễn văn Vĩnh cả với tư cách là một người đặt nền móng cho ngành dịch thuật và là một dịch giả gạo cội đối với công cuộc khai dân trí và truyền bá quốc ngữ là rất to lớn.

Kết quả hình ảnh cho nguyễn văn vĩnh

Nguyễn văn Vĩnh không phải là người Việt đầu tiên làm báo nhưng khi ông mất, làng báo Việt suy tôn ông là ông tổ nghề báo. Ông cũng không phải là người Việt đầu tiên dịch sách nhưng ông cũng hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu ông tổ nghề dịch thời hiện đại vì những đóng góp to lớn của ông với nền dịch thuật nước nhà bằng chữ quốc ngữ.

Ông sinh ngày 15/6/1882 tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, Hà nội. Tám tuổi, ông đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp mới mở ở đình Yên Phụ để đỡ gánh nặng cho gia đình. Học sinh là những ông tú tài nho học thất thế quay ra học tiếng Pháp để làm thông ngôn. Bằng cách học lỏm, ông cũng nói được và viết được tiếng Pháp, lại còn thông thạo hơn nhiều học sinh lớn tuổi khác. Hiệu trưởng là ông D’Argence thấy vậy cho cậu thử thi tốt nghiệp. Lớp học có 40 học sinh, cậu đỗ thứ 12 khi mới 11 tuổi và được đặc cách nhận vào học chính thức, được hưởng học bổng, để theo học khóa tiếp theo. Nguyễn Văn Vĩnh được là học sinh chính thức lớp thông ngôn tập sự ngạch tòa sứ khóa 1893-1895 và đã đỗ thủ khoa năm 14 tuổi, được tuyển đi làm thông ngôn ở tòa sứ Lao Cai. Năm 1897, ông về làm việc ở cảng Hải phòng và học thêm được tiếng Anh, tiếng Trung đủ để làm việc thông dịch chỉ trong vòng 3 tháng. Cũng thời gian này ông bắt đầu làm cộng tác viên cho tờ Courrier d’Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương). Ông là người bẩm sinh có khiếu về ngoại ngữ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc truyền bá văn hóa và tư tưởng từ các nước văn minh, ông đã đứng ra vận động thành lập Hội dịch sách “để dịch ra tiếng bản-quốc các sách hay của Đại pháp và của nước Tầu…. chúng tôi tin rằng: sự dịch sách có ích lợi cho dân ta lắm…” (Đăng Cổ Tùng Báo, 810, 25–7–1907). Ngày 26-6-1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội, ông đã diễn thuyết trước hơn 300 người Hà Nội và các tỉnh về họp để lập Hội dịch sách, trích đoạn như sau:

“Ở thế gian này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn minh, là cũng có văn chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền bá hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách truyền tư tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư tưởng truyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được (…)

(…) Có như thế thì tôi thiết tưởng bây giờ mà muốn cho trí dân Annam chóng mở mang ra, thì phải có sách bằng tiếng nôm. Nhưng trong nước ta bây giờ, chưa có ai có tài mà làm được nên quyển sách để dạy dân. Dẫu có học chữ ngoại quốc, mà hiểu được một vài ý hay nữa, mà có làm ra sách mới, thì vị tất đã có ai xem, vì cách tư tưởng của mình xưa nay, huyến hồ viển vông, bây giờ nghe những nhẽ mới cũng khó vỡ. Vậy trước khi xem được những sách bắt chước ngoại quốc mà làm ra, thì dân phải đã biết qua những ý nguyên ấy. Sau nữa lại còn một nhẽ rằng: người ta không ai chịu ai, một người có làm ra quyển sách bây giờ, những người xem cũng không để vào tai, vì mình đã quen xưa nay chỉ học sách của thánh. Có họa bây giờ, những người học được các sách hay của ngoại quốc, mà cố đem tiếng bản quốc dịch ra rõ được ít nào hay chút ấy, thì người ta xem đến, dẫu không biết được hết nghĩa, nhưng cũng vỡ được đại khái, khi đã có nhiều người nghe phang phác được cái tư tưởng của người ta, rồi lúc bấy giờ có mượn những tư tưởng ấy mà làm ra sách nôm thì ta mới có nhiều người hiểu.

Vì nhẽ ấy, cho nên chúng tôi định lập ra Hội dịch sách này.

Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiển nhiên rồi, tất có người rạch ròi muốn biết nghĩa thâm trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bấy giờ dịch kỹ mới có người hiểu. Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng: mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau.

“Các quan bây giờ mà giúp vào lập thành cho cái Hội này, thì cái công đức các quan thực là to nữa. Thực là đúc một quả chuông to, vì chuông này, đánh một tiếng rồi kêu mãi, mà có tiếng chuông này rồi mới nảy ra trăm nghìn tiếng khác liên thanh, tai hậu thế lúc nào cũng được nghe tiếng hay. (…).

“(…) Còn nên dùng chữ nôm hay chữ quốc ngữ, thì chắc các quan cũng nghĩ như chúng tôi: nước Nam có muốn hòng một mai tiếng nói có thể nhiều tiếng ra, tiếng nhiều vần thêm bớt vô cùng, thì phải dùng một lối chữ có vần. Có nhiều ông đã nghĩ ra một lối chữ mới, cũng chắp nét diệu lắm, nhưng hễ còn dùng chữ một-vần-một, thì muôn đời tiếng nói không rộng ra được. Cũng may! Dù khéo thế nào mặc lòng, một thứ chữ một người đặt ra không ai chịu theo. Vả chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện. Như lối chữ quốc ngữ, thì có 25 chữ, sắp lại tiện mà chóng lắm. Còn như cái chữ nôm của mình ngày xưa, thì thực nên bỏ. Chữ phải có mẹo mực, chớ một chữ mà đọc nhiều cách viết nhiều cách được, thì khó học lắm.

“Bây giờ ta nên xét xem dịch thì nên dịch sách gì trước.

“Điều ấy phải để tùy ý những người dịch, vì những người đã có thể dịch được, tất học thức đã rộng, dân Annam đương cần học gì tất cũng đã biết, bây giờ chắc hẳn những điều cao kiến lắm, dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ chọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít, cách trí, bác vật, hóa học, toán học, cơ khí học, thương mãi học là điều cốt nhất.

“Lẽ tất nhiên trong hội các quan cũng nhiều người ngoại thư cũng đã rộng, bây giờ dịch những sách phổ thông thì cũng khí chán, nên xin thế nào cũng có dịch một hai điều cao kiến như kinh tế học, chính trị học. (…)

“(…) Còn như sách nho, vốn đạo Nho là gốc cách ăn ở, gốc phong tục nước mình, ta nên giữ lấy, vì trước khi bỏ một đạo hãng phải có sẵn đạo khác hay hơn mà thế vào đã! Vả sửa lại thì sửa chớ việc chi phải bỏ đạo Nho là đạo thực hay: kìa như sách nho đã có mấy nghìn năm nay mà xem những ý mới Âu châu bây giờ cũng nhiều ý không ra ngoài tứ thư ngũ kinh. Sách thì hay nhưng học không hay cũng chỉ vì vụng học. Giá bây giờ dịch ra tiếng nôm, mỗi bài chính văn lại lấy nhời nhẽ nôm mình mà bàn cho kháp vào thực sự thì có nhẽ hay. (…)

“(…) Những số tiền đóng, thì chúng tôi đã tính chiếu theo số 1000 hội viên. Hễ được số ấy, thì có thể mỗi tháng in được cho mỗi ông một quyển nhỏ độ 120 trang, khổ Tân dân tùng báo, giấy cũng vậy.

“Nhược bằng không được số ấy, thì hội hãng sẽ in thạch bản, xem tạm vài tháng, đến khi có đủ số hội viên sẽ in bản sắt.

“Việc này lại còn có ích một chút nữa, là người Annam bây giờ nhiều ông muốn mở nhà in, nhưng trước khi mở một cái nhà in, phải chắc có việc làm đều, tháng nào cũng có, mới mở được. Giá hội này của ta thành, rồi về sau lại mở được vài cái nhật báo nữa, thì nghề in có nhẽ mở mang ra được to”.

(Nguyễn Văn Vĩnh. Trích trong Đăng cổ tùng báo số 813 và 814)

Tóm tắt lại, các ý tưởng căn bản trong bài diễn thuyết trên như sau:

  • Cần phải làm sách để truyền bá văn minh
  • Dịch tác phẩm nước ngoài là để khai mở tâm trí, làm mẫu, tạo cảm hứng cho người Việt noi theo mà tự sáng tác 
  • Ban đầu trình độ dịch thuật còn hạn chế thì chú trọng dịch nghĩa, hoàn thiện sau, không câu nệ, như thế mới có nhiều tác phẩm
  • Dịch thuật có giá trị lan tỏa, tác động lâu dài
  • Dịch sách gì tùy theo nhu cầu người đọc và cả trình độ người dịch, mới vào nghề thì dịch kiến thức phổ thông, trình độ cao thì dịch kinh tế, triết học
  • Cách tân nhưng không vì thế mà lọai bỏ sách chữ Nho, vẫn nên dịch và luận giải vì nó vẫn chứa đựng những giá trị tư tưởng vượt thời gian
  • Dịch thuật phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của in ấn, phát hành.

Có thể nói là nhận thức và ý tưởng hoạch định đường hướng phát triển ngành dịch thuật của ông vào thời điểm đó thật là sáng suốt, tiên phong và có giá trị đặt nền móng cho dịch thuật nước nhà. Thời ấy dịch giả chưa nhiều, vốn Tây học còn ít, công việc thì mới mẻ, họ chỉ có tấm lòng cầu học, cầu hiểu biết, muốn dân trí được nâng cao, đổi mới.

Về chủ trương phát triển dịch thuật, Nguyễn Văn Vĩnh còn đưa vấn đề này lên báo Đông-Dương tạp-chí năm 1913: “Bản quán định đem hết những bài luận hay về các công nghệ, về việc buôn bán, dịch ra quốc văn cho người Annam được tận hưởng”.

Chưa tìm thấy tài liệu nói rõ hơn về các hoạt động hoạt động của Hội Dịch sách. Nhưng vào năm 1919 cùng với Emile Vayrac, Nguyễn Văn Vĩnh mở ban tu-thư ‘Âu-Tây Tư Tưởng/La pensée de l’Occident’ và đã xuất bản nhiều tác phẩm tiếng Pháp dịch ra Việt văn chủ yếu là của Nguyễn Văn Vĩnh.

Công lao của Nguyễn văn Vĩnh với dịch thuật và do đó với công cuộc khai dân trí, truyền bá quốc ngữ là rất lớn. Chỉ nói riêng về văn học nghệ thuật thôi thì cũng đã thấy được tầm vóc ảnh hưởng của những việc ông đã làm qua công cuộc dịch thuật.

Xét về các nước ở châu Á và Đông Nam Á tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa và văn học phương Tây, thì nước ta thuộc diện sớm nhất và biến chuyển nhanh nhất. Thực vậy, chỉ kể một giai đoạn từ 1925-1945, khỏang độ hai chục năm trời, đã nở rộ những trào lưu cùng các loại hình văn học: thơ mới, văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng, kịch nói, kịch thơ, văn triết học, văn chính luận, văn khảo cứu, v.v… mà ở phương Tây, như nền văn học Pháp tiêu biểu, cũng phải đi mất hàng trăm năm. Những loại hình nghệ thuật chữ nghĩa ấy đều được viết bằng chữ quốc ngữ ngày càng chính xác, trong sáng, tế nhị và uyển chuyển. Phép lạ gì làm chúng ta rút ngắn được thời gian như vậy? Nhờ giao lưu văn hóa. Mà cái cầu để nối nhịp giao lưu là công việc dịch thuật.

Ở góc độ là một dịch giả, Nguyễn văn Vĩnh đã để lại nhiều dấu ấn:

1. Chuyển ngữ thơ xuất sắc, giới thiệu thi pháp phương Tây, đóng góp rất quan trọng vào việc tạo ra phong cách và khơi nguồn cho phong trào Thơ mới.

Tiêu biểu là bài ngụ ngôn La Fontaine LA CIGALE ET LA FOURMI (Con ve sầu và con kiến). Ban đầu ông dịch ra thể thơ lục bát. Bảy năm sau, năm 1914, ông dịch lại một lần nữa theo đúng thi pháp nguyên thủy của tác giả. Âm điệu thơ là lạ, vần chân liền hoặc cách quãng, với số chữ so le. Bản dịch bám rất sát nguyên bản, cả từ và điệu. Cho đến nay vẫn chưa có bản dịch nào vượt được bản dịch của ông Vĩnh hồi đầu thế kỷ.

“Ve sầu kêu ve ve, 
Suốt mùa hè. 
Đến kỳ gió bấc thổi, 
Nguồn cơn thật bối-rối.
Một miếng cũng chẳng còn,
Ruồi bọ không một con.
Vác miệng chịu khúm-núm
Sang chị Kiến hàng-xóm,
Xin cùng chị cho vay,
Giăm ba hạt qua ngày.
– Từ nay sang tháng hạ,
Em lại xin đem trả.
Trước thu, thề Đất Trời!
Xin đủ cả vốn lời” 
(Đông Dương Tạp Chí, 1914)”

Các thể loại thơ nước ta cho đến lúc ấy, thường chỉ quen làm theo lối lục bát hay song thất lục bát truyền thống Việt Nam, hoặc lối Đường luật hay Cổ phong là theo các lối của thơ Trung Quốc. Bây giờ được biết một lối thơ khác hẳn của một nền văn minh khác hẳn. Chính nó là những con suối khơi mạch tạo nên dòng chảy cho con sông thơ mới giai đoạn 1930-1945 của thơ ta sau này.

2. Tài năng trong việc tuyển chọn sách để dịch:

Mọi người cùng thời đều thừa nhận ông Nguyễn Văn Vĩnh là người biết chọn sách hay để dịch. Như tiểu thuyết Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, hoặc truyện Miếng da lừa của Balzac, hoặc bộ truyện Ba người ngự lâm pháo thủ của A.Dumas, rồi Guy-li-ve du ký của Swift.

3. Nhạy bén, bám sát xu hướng thị trường để thỏa mãn thị hiếu độc giả:

Hồi đầu thế kỷ người ta nói, nước Pháp có ba bộ tiểu thuyết hay nhất là Princesse de Clèves (Nữ hoàng xứ Clèves) của bà La Fayette, Gil Blas de Santillane của Lesage, và Manon Lescautcủa Prévost; thì Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch hai bộ Gil Blas de Santillane và Manon Lescaut.

Tìm hiểu các công trình dịch thuật của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Đông Dương tạp chí và Trung Bắc tân văn, ta thấy có sự thay đổi đáng lưu ý. Lúc đầu ông thường thiên về dịch các tác phẩm học thuật tư tưởng của các bậc danh sĩ nổi tiếng nước Pháp như Emile Zola, Pascal. Nhưng dần về sau, ông chuyển sang dịch tiểu thuyết và hài kịch. Có lẽ, ông muốn thu hút nhiều người đọc báo hơn, vì đọc tiểu thuyết và hài kịch thường gây lối cuốn hơn đọc tư tưởng triết học.

4. Có công sớm nhất trong việc giới thiệu loại hình tiểu thuyết phương Tây vào nước ta.

Nhờ vậy sau này nó được mùa sai hoa trĩu quả với những tiểu thuyết tâm lý trữ tình của nhóm Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết hiện thực tả chân của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp… các truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao… Có thể nói tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn của tiểu thuyết và truyện ngắn phương Tây. Trước đó ta chỉ có truyện kể bằng văn vần (Kiều, Phan Trần, Nhị độ mai…) hoặc tiểu thuyết chương hồi theo lối Trung Quốc (như bộ Hoàng Lê nhất thống chí…). Cho nên tiểu thuyết ta bây giờ có thể hoà nhập dễ dàng với nền tiểu thuyết thế giới là nhờ thế.

5. Giới thiệu kịch thơ và tạo cảm hứng cho kịch thơ Việt nam

Vở “Le Tartuffe” (Thằng Táctuýp) là một vở hài kịch bằng thơ có tiếng của Molière, ai cũng nhận là khó dịch, mà ông Vĩnh đã dịch ra văn vần. Thật là táo tợn! Nhưng phải chăng, nhờ thế, nó đã gây hưng phấn sáng tác kịch thơ của các kịch gia Việt Nam sau này.

6. Tham gia dịch tác phẩm Kiều mà người Việt nào cũng biết để truyền bá quốc ngữ

Khi còn làm chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo, ông đã cùng ông Phan Kế Bính dịch truyện Kiều từ chữ nôm ra chữ quốc ngữ, in thành sách rẻ tiền nhằm truyền bá chữ quốc ngữ.

7. Ông là người Việt-Nam đầu tiên dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp đăng trên Đông-Dương tạp-chí trước khi in thành sách. Bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh khá đặc biệt vì ngoài việc dịch cả câu, ông còn dịch nghĩa từng chữ và chú thích rõ các điển-tích liên hệ.

8. Khối lượng dịch phẩm kỉ lục:

Những tác phẩm của ông để lại bây giờ theo thống kê của con cháu ông có đến hàng ngàn cuốn sách viết, dịch và bài báo bằng tiếng Việt, tiếng Pháp gồm đủ các thể loại, với nội dung phong phú từ viết tin, dịch thơ, phóng sự, khảo cứu, dịch tiểu thuyết, dịch hài kịch.. . ít ai vượt qua được. Một khối lượng khổng lồ làm ra chỉ trong vòng có 30 năm (1906-1936).

Các dịch phẩm tiêu biểu của ông gồm:

  • Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine)
  • Truyện trẻ con của Perrault (Les contes de Charles Perrault).
  • Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut), tiểu thuyết của Abbé Prévost.
  • Ba người ngự lâm pháo thủ (Les trois mouquetaires), tiểu thuyết của Alexandre Dumas.
  • Những người khốn khổ(Les Misérables), tiểu thuyết của Victor Hugo.
  • Miếng da lừa (La peau de chagrin), tiểu thuyết của Honoré de Balzac.
  • Guy-li-ve du ký (Les voyages de Gulliver), truyện của Jonathan Swift.
  • Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (Les aventures de Télémaque), truyện của Fénélon.
  • Bốn vở kịch nói của Molière: Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois Gentilhomme), Giả đạo đức (Le misanthrope), Bệnh tưởng (Le malade imaginaire),Lão hà tiện (L’avare).
  • Tục ca lệ (Turcaret), kịch của Lesage.
  • Truyện các danh nhân Hy lạp và La Mã (Les vies parallèles des hommes illustrés de la Grèce et de Rome) của Plutarque.
  • Rabelais của Emile Vayrac.
  • Le parfum des humanités (Sử ký thanh hoa) của Emile Vayrac.
  • Chàng Gil Blax xứ Xăngtizan (Gil Blas de Santillane), tiểu thuyết của Lesage.

Ngoài ra còn những bài dịch về Luân lý học (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 15) và triết học yếu lược (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 28) và nhiều dịch phẩm khác.

Nhận xét về dịch giả Nguyễn văn Vĩnh, GS. Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, 1941) viết:

“Về tư tưởng: Ông là người học rộng, biết nhiều, lại có lịch duyệt, thiệp liệp tư tưởng học thuật của Âu Tây, nhưng cũng am hiểu tín ngưỡng phong tục của dân ta, muốn đem những quan niệm phương pháp mới nào hợp thời để truyền bá trong dân chúng, nhưng cũng chịu khó tìm tòi và biểu lộ cái dở, cái xấu cũng như cái hay, cái ý nghĩa của các chế độ, tục lệ xưa…

Về văn từ: Văn ông bình thường giản dị, có tính cách phổ thông, tuy có châm chước theo cú pháp của văn tây mà vẫn giữ được đặc tính của văn ta. Ông lại chịu khó moi móc trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta những từ ngữ có màu mẽ để diễn đạt ý tưởng (cả những ý tưởng mới của Âu Tây) thành ra đọc văn dịch của ông tưởng chừng như đọc văn nguyên tác bằng tiếng Nam vậy. Kể về văn dịch tiểu thuyết thì thực ông là người có biệt tài, ít kẻ sánh kịp vậy”.

Tài liệu tham khảo chính:
http://www.vusta.vn/…/Nguoi-khai-mo-hoat-dong-bao-chi-xuat-…
https://vi.wikipedia.org/…/Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_V%C4%A9n…
https://sites.google.com/…/nguyen-van-vinh-1882-1936-va-nhu…
http://www.chungta.com/…/nguyen_van_vinh_voi_phat_trien_bao…
http://nguyenvanvinh.net/…/DichGiaNguyenVanVinh-HoanTien.htm

Nguyễn Đông (2017)

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

3 × 3 =