Điểm sách: Tản mạn, cảm tính, thiếu chuyên nghiệp…

0
430
Điểm sách: Tản mạn, cảm tính, thiếu chuyên nghiệp…
Chỉ viết giới thiệu khi thấy sách hay?
 
Phạm Xuân Nguyên: – Tôi viết điểm sách chủ yếu từ sự đọc của tôi. Có một tỷ lệ nhỏ tôi viết khi được đặt hàng, song những cuốn sách đặt hàng đó tôi đọc thấy được thì mới viết.
 
Đỗ Thu Hà: – Tất nhiên là không. Khoảng 90% tôi viết là do “thôi thúc tự thân”. Có những cuốn sách mà tôi chờ đợi được ra mắt có khi còn hơn cả nhà sách và NXB, nhưChuyện ba người (Tô Hoài), Thơ Trần DầnBiên niên ký chim vặn dây cót (Haruki Murakami)…
 
Hoài Nam: – Chưa bao giờ tôi viết điểm sách theo yêu cầu của người làm sách. Thực ra, cũng chẳng có người làm sách nào từng đề nghị tôi làm việc đó. Dẫu có đề nghị tôi cũng chịu không làm được nếu đó không phải là cuốn sách tôi thích và thấy ở nó có cái để viết. Với tôi, viết về những cuốn sách đúng là một thôi thúc tự thân.
 
Nguyễn Danh Lam: – Chẳng có nhà làm sách nào “yêu cầu” được tôi. Tôi hoàn toàn tự do, không chịu sức ép nào, trong mảng công việc tài tử này của mình. Tuy nhiên, trong vài trường hợp họ cũng có những tác động nhất định. Ví dụ, nhân vừa đọc một cuốn sách tôi thấy hay, nhà xuất bản họ bảo, nếu thấy cuốn ấy hay thì viết giúp một bài, thế là tôi viết. Giá như họ không nói thì chắc tôi đã làm việc khác. Ngược lại, có rất nhiều người trực tiếp nhờ, nhưng đọc xong cuốn sách thì tôi lắc đầu, nếu tự tôi thấy đó là một cuốn sách chẳng có gì để giới thiệu. Tôi đã có hàng chục bài giới thiệu sách do “thôi thúc tự thân”, trên nhiều tờ báo.
Báo chí hoàn toàn có thể làm tốt hơn!
Phạm Xuân Nguyên: – Điểm sách trên báo chí, rộng ra là trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu làm có hệ thống, có phương pháp, có tâm thì sẽ có tác động lớn tới công chúng đọc. Cụ thể là giúp họ chọn được sách và giúp họ nâng cao sự đọc. Báo chí ta làm việc điểm sách còn tản mạn, cảm tính, thiếu chuyên nghiệp.
Đỗ Thu Hà: – Khá nhiều. Nhưng chưa đủ. Báo chí giới thiệu được đến người đọc khá nhiều cuốn sách có giá trị, nhưng còn bỏ sót một khối lượng tương đương. Ấy là do thời gian, sức đọc có hạn, do đất dành cho sách vở trên báo không thể nào nhiều như cho các vấn đề thời sự, dân sinh. Ngoài ra, nhiều bài báo, tờ báo, do quan hệ cá nhân hoặc do lợi nhuận, đã lăng xê một số cuốn sách chưa thật sự xứng đáng. Báo chí hoàn toàn có thể làm tốt hơn bằng cách rạch ròi giữa quảng cáo và điểm sách, dành cho mục đọc sách một vị trí trang trọng hơn trên tờ báo, đồng thời chọn lọc bài vở khắt khe hơn. Được vậy, họ sẽ tạo lòng tin vững chắc hơn nơi bạn đọc.
Nguyễn Danh Lam: –  Có những cuốn sách rất “nặng đô”, chẳng hề dễ đọc, thế nhưng nhờ được nhiều tờ báo giới thiệu, nó cũng bán được tốt hơn. Ngược lại, nhiều cuốn… dở ẹt, cũng do báo giới thiệu, đã trở thành cuốn sách “mốt”. Tôi tin văn hóa đọc đã được “cứu vớt” ít nhiều nhờ những trang điểm sách trên các tờ báo, đặc biệt là những tờ uy tín, có lượng bạn đọc nhiều. Đó là điều đáng quí. Chỉ mong sao, nước ta có nhiều tờ báo khả dĩ sánh vai với The New York Times, The Washington Post, The New Yorker… trong việc giới thiệu văn hóa đọc đến những ai có khả năng và sở thích quan tâm đến nó.
Luôn đọc kỹ trước khi hạ bút viết điểm sách…
Đỗ Thu Hà: – Tôi luôn luôn cố gắng làm như vậy, và đã làm được như vậy trong ít nhất là hơn 50% các bài viết của mình.
Phạm Xuân Nguyên: – Tôi luôn như vậy. Tôi không viết điểm sách khi chưa đọc sách hay đọc chưa kỹ, khi cuốn sách chưa găm vào đầu tôi được một ý tưởng nào đó để làm lõi cho bài viết của mình.
Hoài Nam: – Đương nhiên. Tôi đọc và suy nghĩ về cuốn sách mà tôi sẽ viết về nó; kỹ, theo cách của tôi. Đối với ai đó, “đọc kỹ” là đọc nhiều lần. Tôi chỉ đọc một lần, nhưng trong quá trình đọc một lần ấy, những lúc rời mắt khỏi trang sách là lúc tôi nghĩ về các nhân vật, chi tiết, biến cố, cốt truyện, biểu tượng, cách viết, các mối liên hệ nội và ngoại văn bản v.v… ở tác phẩm. Nếu thấy thực sự “có chuyện”, tôi sẽ viết, và khi viết tôi không quan tâm nhiều lắm tới những thông tin mà người làm sách cung cấp ở bìa bốn và bìa gấp của cuốn sách.
Nguyễn Danh Lam:- Tôi có một kỷ luật: không bao giờ viết điểm sách khi chưa đọc cuốn sách. Thậm chí nếu dù đã đọc rất kỹ một cuốn sách mà không nảy ra cái tứ nào để viết, tôi không viết. Trong quá trình đọc, tôi luôn kẹp trong sách một tờ giấy, cây bút, thấy có ý nào có thể triển khai, tôi gạch đầu dòng. Phải vài chục cái gạch đầu dòng như thế mới viết được vài trăm chữ. Đặc biệt, nếu cuốn sách ấy đã có người viết rồi, tôi cố gắng né hết mức những gì người ta đã viết, tìm một góc khác để nhìn vào nó.
Loạn chuẩn là tốt?
Phạm Xuân Nguyên: –  Cố nhiên, một cuốn sách mà nhiều người viết thì sẽ có mười sự đánh giá, nhận xét khác nhau, tùy theo cách đọc của mỗi người. Trên thực tế, theo quan sát của tôi, không phải cuốn sách nào được nhiều người điểm đều rơi vào tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” cả đâu. Độc giả có thể đọc ở những báo khác nhau những bài khác nhau của những người khác nhau về cùng một cuốn sách mà không thấy “chối” nhau. Hơn nữa, quyền của độc giả là lựa chọn tờ báo nào có người viết điểm sách mà mình tin cậy được, bất luận người đó viết thuận hay trái những người khác về cùng một cuốn sách.
Tôi đã nói ở một câu trả lời trước là nếu các tờ báo có mục điểm sách thường xuyên do một người chuyên giữ thì người đó phải lập được uy tín và thương hiệu cho mình và cho tờ báo, để người đọc tìm mua sách chỉ là theo người đó, báo đó. Thí dụ, một cuốn sách vừa ra đời, dư luận trên các báo khác nhau, có thể trái chiều nữa, độc giả phân vân, họ tìm đến tờ báo có người viết điểm sách mình tin cậy, xem người đó nhận xét thế nào thì họ tin theo người đó. Tôi muốn được làm một người điểm sách như vậy.
Hoài Nam: – Tôi lại thấy tình hình hơi khác: các bài điểm sách lại cứ hao hao giống nhau như thể chúng là những anh chị em đồng chủng đồng huyết. Có hai cách lí giải hiện tượng này: a) các tác giả nhìn nhau mà viết; và b) các tác giả cùng viết theo một khuôn mẫu nào đó có trước. Quan điểm của tôi về chuyện này có thể tóm gọn như sau: nếu mỗi báo điểm sách một khác thì đó là “phúc” chứ không phải là họa, vì ít ra nó cho thấy rằng người viết đã viết về cái mà họ thực sự đọc và có suy nghĩ độc lập về cái đọc ấy! 
Nguyễn Danh Lam: – Theo tôi, để có một cảm nhận “chân xác” về mỗi cuốn sách, tốt nhất độc giả phải tự tìm đọc nó. Thậm chí, với cùng một độc giả, qua từng gia đoạn khác nhau sẽ có những cảm nhận, nhận định… khác nhau về cuốn sách. Mỗi bài điểm sách chỉ là một gợi mở, một ý hướng do người viết bài đưa ra theo cảm quan nặng tính cá nhân. Sự “loạn chuẩn” này không hề mang ý nghĩa tiêu cực, đặc biệt là với văn học hiện đại. Độc giả đừng nệ vào bài điểm sách như kiểu nhìn ngón tay của Phật mà quên mất mặt trăng. Bản thân tôi, sau khi đọc nhiều dòng điểm sách của John Updike trên The New Yorker, về độ lừng danh, đáng tin cậy của nhà văn này thì khỏi phải nói, nhưng tôi vẫn có những cảm nhận khác ông, về cuốn sách mà ông điểm.

Tuy nhiên, nói qua cũng cần nói lại, tôi thấy có một “hiện tượng” không phải không phổ biến trên những trang điểm sách của các báo, thậm chí là báo uy tín, đó là người viết bài điểm sách chưa hề đọc cuốn sách ấy! Tôi đã có lần đọc một bài điểm sách thấy chối quá, liền hỏi trực tiếp tác giả viết bài, và được người này thú nhận, quả thực anh ta chưa đọc cuốn sách ấy. Sự “loạn chuẩn”, xét ở khía cạnh tiêu cực, có thể từ những nguyên nhân như thế này chăng? 

Bơi nông trên lớp vỏ ngôn từ?
Phạm Xuân Nguyên: –  Chữ “hay” ở đây có nhiều mặt. Có thể hay về nội dung, đọc thích – giới thiệu được. Có thể hay về sự mới mẻ của bút pháp, của giọng điệu – giới thiệu được. Có thể hay về tư liệu, về cách nhìn – giới thiệu được… Tóm lại là “sách hay” theo cảm nhận chủ quan của người viết. Nhưng dù điểm sách thì cũng phải có tính chuyên môn, khi anh trình bày những cảm nhận “hay” đó cho người đọc. Lấy thí dụ từ tôi. Bộ tiểu thuyết Dòng đời của Nguyễn Trung dày gần hai nghìn trang, tôi viết bài điểm vì thấy đó là một hướng viết văn xuôi chính trị, thứ đang hiếm và khó trong văn học Việt Nam. Còn tiểu thuyết Ngày hoàng đạo (tên cũ là Đêm thánh nhân) của Nguyễn Đình Chính, tôi thấy không có gì mới mẻ nên không viết.
Hoài Nam: – Chuẩn mực đối với người viết hay là chuẩn mực đối với cuốn sách được viết? Theo tôi cái chuẩn mực đầu tiên quyết định tất cả. Có nó, người viết sẽ tự biết cái “hay” của cuốn sách nằm ở đâu và rốt cuộc thì cái “hay” ấy có đáng để anh ta viết hay không. Công nghệ nào sản phẩm ấy. Cũng là dăm trăm chữ cho một bài điểm sách, nhưng chất lượng giữa các bài hẳn sẽ không như nhau chừng nào còn tồn tại sự cao thấp khác nhau về “hỏa hầu” của những người viết. 
Nguyễn Danh Lam: – Trước hết, đương nhiên, người điểm sách phải có một trình độ “thẩm văn” tốt, đặc biệt là với văn học hiện đại, hậu hiện đại, họ phải đọc được phía sau con chữ của tác giả bằng vốn hiểu biết của mình. Giả dụ, nếu viết về Haruki Murakami mà không biết chút gì về phân tâm học, về chủ nghĩa siêu thực, về những lí thuyết như phân mảnh, đồng hiện… và “hàng tỉ” thứ chìa khóa khác để mở vào văn bản, thì làm sao người giới thiệu có thể chắp bút trước một văn bản đầy thách đố như thế? Và điều gì xảy ra?

Họ thường né sang một hướng khác, đó là… tóm tắt văn bản bằng những sự kiện lớp ngoài, và đẩy thêm cho đầy bài viết bằng những trích đoạn lấy ra từ bìa gập, bìa 4, hay lời giới thiệu, lời bạt… Thực ra, đây cũng là một hình thức giới thiệu, dừng lại ở mức thông báo cho độc giả rằng hiện trên thị trường đang có một cuốn sách như thế. Nó không phải không có những tác dụng nhất định.

Tình hình chung của văn hóa nước ta là mới võ vẽ tìm đường ra thế giới; ngay cả những người chịu khó đọc nhất cũng mới chỉ vỡ vạc được những nét ABC trong “bảng chữ cái văn hóa nền” của nhân loại, vậy thì đòi hỏi một người viết bài điểm sách phải có đầy đủ “đồ chơi” e có là một việc quá sức? Dù sao, trên cùng một diện tích “đất đai” ấy của một tờ báo, nếu thấy một bài điểm sách dù ít nhiều hời hợt, tôi vẫn nghe lòng mình ấm hơn là những dòng giới thiệu đĩa nhạc mới của một… người mẫu!

Không thấy mình có lỗi!
Đỗ Thu Hà: – Không. Tôi không thấy mình có lỗi gì, vì tôi đã mua sách bằng tiền túi để đọc với một số tiền quá lớn so với thu nhập. Tôi cũng đọc tất cả những cuốn sách được cho/biếu/tặng với một thái độ nghiêm túc – dù có viết được hay không. Tôi cũng chưa bao giờ giới thiệu một cuốn sách nào dưới mức trung bình (dù gu của người đọc rất xa nhau). Thậm chí, với cuốn nào quá hay và phức tạp so với hiểu biết của tôi, tôi chủ động đặt bài chuyên gia để viết về nó – dù tôi không phải BTV và không ai yêu cầu tôi làm thế. Tôi làm hết mức có thể với một nhà báo bình thường như tôi.
Phạm Xuân Nguyên: – Có một phần trách nhiệm. Lý do là đôi lúc tôi trễ nải trong việc viết (tuy đọc thì không trễ nải). Lý do chính là các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là báo hình, chưa dám dành riêng mục điểm sách, giới thiệu sách cho một người có nghề, người này tự đặt cược vào công việc đó uy tín học thuật và trách nhiệm xã hội của mình. Nước ngoài có những nhà “bỉnh bút” có uy tín được giao những vị trí như vậy. Ở ta, người ta còn rụt rè trong việc này.
Hoài Nam: – Đọc, suy cho cùng là việc của mỗi người, rất khó nói rằng ai có phần trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu trong sự xuống cấp của văn hóa đọc hiện nay. Về phía cá nhân, tôi chỉ tâm niệm một điều: phải viết về tác phẩm một cách tử tế nhất trong khả năng mình có.
Nguyễn Danh Lam: –  Nếu ai đó chỉ tôi mà kết tội “Anh có một phần trách nhiệm”, chắc tôi… không dám nhận. Nhưng nếu xét trên nghĩa rộng, bộ mặt văn hóa xã hội là trách nhiệm của những người làm văn hóa, mà chính tôi đang làm công việc văn hóa đó, thì đúng là tôi phải có trách nhiệm! Nhưng tôi tin mình là một trong số những người… ít tội nhất, bởi tôi rất mê đọc và vẫn đang “rủ rê” nhiều người đọc sách, bằng cách này hay cách khác.
Thụ Nhân (Theo VietNamnet)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

three × four =