Nhà thơ Thanh Thảo từng bộc bạch những vần thơ đầy sâu lắng như thế này:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Qua những vần thơ trên gợi nhắc ta về ý chí sắt đá cùng lòng quyết tâm vững chí đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi nước nhà của các thế hệ trẻ Việt Nam trong thời chiến. Vì lý tưởng của non sông, đất nước mà các anh bỏ lại sau lưng tất cả để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Cuộc chiến tranh đã gieo dắt bao đau thương đối với mỗi người để rồi khi đọc cuốn Chân Trần Chí Thép ta như đang tua lại những thước phim chầm chậm nhưng vô cùng chân thực về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Gợi nhắc ta về những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt của những con người “chân trần” nhưng có “chí thép” đã sống và chiến đấu hết mình vì đất nước để làm nên trang sử vàng đại thắng năm 1975.
Giới Thiệu Về Tác Giả
James G. Zumwalt xuất thân trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp, cựu Trung tá Thủy quân Lục chiến James Zumwalt từng chiến đấu tại Việt Nam, tham gia cuộc can thiệp vào Panama năm 1989 và Chiến dịch Bão táp Sa mạc tại vùng Vịnh năm 1990-1991. Ông là con trai của Đô đốc Elmo Ruell Zumwalt, Jr., Tư lệnh Hải quân Mỹ đặc trách lực lượng duyên hải và đường sống thời Chiến tranh Việt Nam. Tư lệnh Elmo Zumwalt, sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, chính là người đã phát động chiến dịch rải chất độc hóa học tại Việt Nam trong suốt một giai đoạn rất dài của cuộc chiến, để lại nhiều di họa cho đất nước Việt Nam cũng như nước Mỹ và chính gia đình ông. Sau quãng đời binh nghiệp, ông James Zumwalt trở thành một diễn giả, tác giả của hàng loạt bài viết về quân sự và chính sách đối ngoại trên các báo và tạp chí nổi tiếng của Mỹ nhu USA Today, The Washington Post, The New York Times, The Washington Times, The LA Times, The Chicago Tribune, The San Diego Union, Parade…
Sơ Lược Về Tác Phẩm
Cuốn sách Chân Trần Chí Thép là một cuốn sách được viết bằng tất thảy trái tim và lòng khát khao muốn đi tìm hiểu sự thật về cuộc Chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách đã đem đến cho chúng ta một lăng kính, một góc nhìn của một người ở bên kia chiến tuyến về con người và trận chiến oanh liệt của Việt Nam trong cuộc kháng chiến với đế quốc Mỹ. Cuốn sách phần nào giúp ta hiểu hơn về ý chí kiên cường, lòng quyết tâm vững chãi của thế hệ cha ông ta. Để rồi chính James G. Zumwalt đã phải bộc bạch rằng: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này – một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”
Chân Trần Chí Thép là một tác phẩm được Công ty First News – Trí Việt dịch sang tiếng việt và được xuất bản bởi Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách có bố cục chia thành 11 phần và 29 câu chuyện sống động, chân thực về cuộc chiến khốc liệt với bom khói lửa đạn nhưng nổi bật trong đó là vẻ đẹp sáng lấp lánh của những người lính Việt cùng một tinh thần thép, ý chí ngút trời. Tác phẩm được ví như “Bản hùng ca mùa xuân 1975”.
Phần mở đầu: Chiến tranh Việt Nam đã để lại một vết hằn không bao giờ phai mờ cho nước Mỹ.
Phần 1: Quân y.
Phần 2: Vận may của người sống sót.
Phần 3: Bi kịch thường dân.
Phần 4: Kiên trì.
Phần 5: Sáng tạo.
Phần 6: Mất tích trên chiến trường.
Phần 7: Văn công.
Phần 8: Điều không mong đợi.
Phần 9: Hiện thân của chí thép.
Phần kết: Không lãng quên.
Những Bài Học Sâu Sắc Từ Cuốn Sách
Khói màu đau thương – nỗi đau của toàn dân tộc
Chiến tranh là đau thương, là mất mát, là những ngày tháng chìm trong sương mù không thể thấy bình minh của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Để rồi trong cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” tác giả còn đau đớn bộc bạch rằng: “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang, khốn khổ, phiêu biệt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt cự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”.
Không chỉ vậy, chiến tranh còn là cõi chết và sự chia ly đầy đớn đau. Trong cuốn sách Chân Trần Chí Thép đã kể lại câu chuyện đau thương của gia của gia đình bà Bùi Thị Mè với những bi kịch nặng trái trong trái tim của người phụ nữ này khi phải chứng kiến bi kịch gia đình trong chiến tranh. Chính cuộc chiến tranh đã khiến bà Mè mang trong mình nỗi đau mất ba người con và một phần cơ thể của đứa con thứ tư. Còn nỗi đau nào xót xa hơn khi phải chứng kiến các con rời xa mãi vòng tay của mình mãi mãi. Chẳng nỗi đau nào bằng nỗi đau kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Có lẽ nỗi đau của bà Mè chỉ là một phần trong nỗi xót xa của toàn dân tộc Việt Nam phải hứng chịu. Đã biết bao người lính trẻ đã nằm lại mãi mãi với đất rừng lạnh lẽo để vì nền hòa bình của nước nhà. Dẫu chiến tranh đã lùi xa 49 năm nhưng những ám ảnh đau thương mà nó để lại mãi không thể nguôi ngoai trong trái tim của những người con đất Việt. Để rồi khi đọc cuốn sách Chân Trần Chí Thép ta không khỏi xót xa, đau đớn thay trước những câu chuyện về những con người quả cảm, không ngại gian khó một lòng phục vụ đất nước.
Ý chí bất khuất của những người lính cụ Hồ
Hình ảnh những người lính không ngại nguy hiểm xông pha chiến trường để bảo vệ từng tất đất của cha ông để lại đã trở thành một tượng đài bất tử ngàn đời mà mỗi người chúng ta mãi khắc ghi. Những người lính trẻ ấy đã bỏ lại tất cả nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc mà nên đường ra chiến trường để bảo vệ non sông nước nhà. Các anh mang trong mình lòng dũng cảm vô song, ý chí kiên cường bất khuất khi đối diện với đế quốc sừng sỏ lúc bấy giờ là Mỹ. Một bức thư xúc động của một anh người lính trẻ đã được tác giả James G. Zumwalt đưa vào cuốn sách này càng minh chứng rõ nét cho tinh thần sắc đá của những người con đất Việt:
“ Ngày 25-5-1967,
Ba Má kính yêu!
Viết thư này con xin báo tin cho Ba Má rõ là đầu tháng tư năm 1967, con đã làm đơn tình nguyện xin ra bộ đội chiến đấu và đã được chấp thuận. Đáng lý ra con phải viết thư trước cho Ba Má để nói rõ ý định của con, nhưng vì đường sá xa xôi cách trở và thời gian đi qua vùn vụt không thể chờ đợi, nên con định đến đơn vị con sẽ báo tin cho Ba Má rõ luôn thể. Mong Ba Má hiểu và tha lỗi cho con.
Con biết, được tin Bé Năm, rồi đến con ra bộ đội, Ba Má sẽ rất lo, nhứt là Má. Vì có bà mẹ nào, nhứt là một bà mẹ Việt Nam, lại không lo lắng khi con mình xông pha và con cũng tin rằng Ba Má rất tự hào và vừa lòng với việc làm của tụi con.
Xa Ba Má mấy năm nay, lúc nào con cũng nghĩ đến Ba Má, và càng nghĩ đến Ba Má con càng thấy cần phải nỗ lực phục vụ nhiều hơn cho cách cống hiến tất cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng cao cả. Con để Ba Má được vừa lòng và tự hào, vì có những đứa con đã không ngần ngại đã chọn lấy con đường cầm súng giết giặc vì chính con đường này là gay nhứt nhưng cũng vinh quang nhứt. Và cũng chỉ con đường duy nhứt này là hợp lý và mới phát huy hết được khả năng sẵn có của con. Xin ra đơn vị chiến đấu, con không chỉ nghĩ đến giai đoạn đánh Mỹ trước mắt thôi đâu Ba Má ạ. Đường cách mạng còn rất dài, con còn phải đeo đuổi và cống hiến nhiều hơn nữa, không phải chi tuổi thanh xuân mà là cả cuộc đời con. Vì vậy mà ngay từ bây giờ, con nghĩ rằng cần phải tích cực cải tạo rèn luyện bản thân để phục vụ cho giai đoạn hiện tại rất vinh quang và cho cả tương lai đầy hứa hẹn. Mà nơi thử thách, rèn luyện tốt nhứt cho tuổi trẻ chúng con hiện nay chính là chiến trường.
Và trên đường chiến đấu, nếu một trường hợp không may nào đó đến với con, con sẽ sẵn sàng nhận lấy và con nghĩ rằng thà để cho những người thân thương tiếc nhưng tự hào vì con chở quyết không để cho Ba Má có một đứa con hèn hạ, anh Hai và các em con có một đứa em, một người anh nhục nhã.
Chưa lúc nào con ra đi đầy tự tin và nhiệt tâm như hiện nay. Ba Má hãy tin tưởng nơi con. Con xin hứa với Ba Má là trong những thư sau, con sẽ báo với Ba Má không những chỉ sức khỏe, ý nghĩ và tình cảm thôi, mà con sẽ báo cho Ba Má rõ thành tích và chiến công của con, của đồng đội và tập thể đơn vị con.
Riêng về con, thể lực của con hiện nay rất dồi dào, đủ sức để đánh giặc nhiều năm nữa. Con đã được bổ sung vào một D bộ binh của T3.
Bé Năm thì hiện đang ở một tiểu đoàn pháo binh của T3, em có viết thư cho con, tiến bộ và phấn khởi lắm.”
Có lẽ, đây chính là lá thư thể hiện niềm khát khao được cống hiến và phụng sự đất nước của một chàng trai tuổi đôi mươi. Ẩn sau những con chữ ấy chính là ý chí quyết tâm muốn ra đi để đánh đuổi thù, đem lại một cuộc sống bình yên cho quê nhà. Có lẽ, đây chỉ là một trong vô vàn những người lính mang trong mình ý chí kiên cường bất khuất như vậy.
Ý chí của quân dân Việt Nam còn được thể hiện qua con đường mòn Hồ Chí Minh – một mạng lưới đường sá, điện thoại và ống dẫn dầu dài hàng ngàn cây số, xuyên qua rừng núi, nhiều khi vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, sang Lào và Campuchia trước khi trở lại Việt Nam; thông qua tuyến đường này, Hà Nội đã lưu chuyển người, trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường dài 3.167 km này đã cho thấy một kỳ tích vĩ đại mà quân dân ta với một ý chí, quyết tâm cao độ để tạo nên.
Trong những năm tháng ấy đã ra đời biết bao vần thơ hay, da diết về tinh thần lạc quan, không sợ cái chết của người lính thể hiện một tinh thần thép không chịu khuất phục trước quân thù:
Thắng Mỹ trận cuối cùng
Ta ra sông giặt áo
Với sức nước nở nang
Với tấm trời cao ráo
Thật mà sao kỳ ảo
Con thuyền ơi, con thuyền!
Giặt áo nào anh em
Hôm nay trời nắng đẹp
Nắng từ bể đông lên
Nước từ nguồn chảy xuống
Quân Nguyên, quân Nam Hán
Ở ngược dòng thời gian
Những cái chết lưu vong
Nói gì trong cát lấm
Phía Tràng Kênh đá ngóng
Phía Thủy Nguyên lúa vời
Chỉ dòng nước trôi thôi
Lòng sông thì vẫn đó
Tấm áo đầy bụi đường
Những tháng năm gian khổ
Giặt nước sông Bạch Ðằng
Gửi dòng sông bụi đỏ
Nhận của sông lịch sử
Ðể không quên, đừng quên
Ðể thấm trong vải mềm
Một dòng sông tâm khảm
Bờ gió và bờ nắng
Hong đều cho áo khô
Thấy trời đất rộng xa
Khi mặc vào tấm áo
Hồn nước non thơm thảo
Như phù sa nhân từ
Làm tươi tốt lòng ta
Tự lòng sông lớn ấy
Gió sau lưng thổi dậy
Nghe Bạch Ðằng đi bên
Giặt áo trên sông Bạch Đằng – Thi Hoàng
Không bao giờ lãng quên – Khúc hùng ca mãi trong tim
Có một bài thơ có nhan đề là “Xin đừng quên”- bài thơ là khúc tưởng niệm tất cả các nạn nhân của cuộc chiến tranh kinh khiếp vốn là hệ quả của một sai lầm tồi tệ trong lịch sử quan hệ Mỹ – Việt.
“Xin Đừng Quên”
Không vì danh tiếng hay sự tưởng thưởng
Không vì địa vị hay phẩm hàm
Không bị tham vọng dẫn dắt hay mệnh lệnh bắt buộc
Chỉ đơn giản là bởi quyết tâm phụng sự
Những người này đã chịu đắng cay
Đã dám đối mặt với tất cả, và đã chết.
Xin đừng quên… xin đừng quên…
Không lãng quên những người đã hy sinh trong cuộc chiến, chúng ta mới hy vọng tránh lặp lại sai lầm quá khứ tồi tệ kia. Không lãng quên cũng chính là cách để ta trân trọng xương máu của cha ông đã ngã xuống để cho ta có một cuộc sống yên bình như hiện tại. Xin đừng lãng quên đi quá khứ; xin đừng phủ nhận đi những năm tháng đầu đau thương nhưng cũng rất huy hoàng của dân tộc ta. Hãy khắc ghi từng mẩu kí ức nhỏ nhất.
Cảm nhận cá nhân về cuốn sách
Mỗi một trang sách khi tôi đọc lại mang một cung bậc cảm xúc khác nhau thật khó tả. Có những nỗi buồn nặng trĩu vấn vương mãi trong lòng. Đó là nỗi buồn trước những đau thương của dân tộc đã từng trải qua trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Là nỗi thương cảm sâu sắc trước những hy sinh, mất mát của biết bao người, có những gia đình lâm vào cảnh chia ly mãi mãi không thể đoàn tụ, có những người mãi mãi ra đi khi biết bao ước mơ, dự định còn dang dở. Tôi thực sự rất xúc động trước câu chuyện của biết bao con người “chân trần chí thép” – một ý chí kiên cường bền bỉ không ngại hy sinh sự sống để bảo vệ non sông nước nhà.
Đồng thời, khi đọc cuốn sách này lại khiến tôi cảm thấy tự hào và ngưỡng mộ trước những con người quả cảm. Để có được những trang sử vàng, chiến thắng vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của cha ông. Và là một người trẻ – những người tiếp tục vẽ lên mùa xuân cho non sông đất nước tôi luôn nỗ lực cố gắng từng ngày để hoàn thiện chính mình và cống hiến một phần công sức nhỏ bé để dựng xây một Việt Nam sáng tươi. Cuốn sách Chân Trần Chí Thép gợi nhắc cho tôi về trách nhiệm cao cả của những người trẻ hiện nay và như một lần nữa tái hiện nay những hiện thực đầy khắc nghiệt trong cuộc chiến cam go này.
Lời kết
Có lẽ lớp bụi của thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả thế nhưng sẽ chẳng thể nào xóa đi những kí ức đau thương của cả dân tộc Việt Nam trong những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ đó. Và đến nay hơn 49 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc một thế hệ mới đang hăng say trên giảng đường, những tàn tích của cuộc chiến không còn nữa mà thay vào đó là những tòa nhà cao tầng nhộn nhịp. Thế nhưng không một thế hệ nào được bỏ quên quá khứ trong hành trình đi tới, bởi đó là di sản lịch sử của mỗi quốc gia dân tộc.
Gấp lại sách Chân Trần Chí Thép đã khiến tôi có thêm những niềm cảm phục trước những con người quả cảm và cũng nhận thức được sứ mệnh của mình là kế tục những thành quả của cha ông để tiếp tục xây dựng nước nhà ngày càng rạng danh hơn. Và 30/4 chính là một mốc son vẻ vang của toàn dân tộc với sự chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mở ra một kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc ta. Trong những năm tháng ấy đã ra đời biết bao vần thơ hay, da diết về tinh thần lạc quan, không sợ cái chết của người lính
Tóm tắt bởi: Lan Anh – Bookademy
Hình ảnh: Nguyễn Trang
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-chan-tran-chi-thep-khuc-hung-ca-ngan-doi-cua-dan-toc-viet-nam-662b937f6343bf5684bbfe16