Bài của CTV Nguyễn thế Duyệt
Công nghiệp hoá trước, dân chủ hoá sau – con đường mà Park vạch ra và theo đuổi trong kỷ nguyên cầm quyền của Ông. Từ một quốc gia nghèo, hèn, phụ thuộc và luôn bị đe doạ, nay Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế TOP 10 thế giới, độc lập, ko sợ bị bắt nạt và còn sẵn sàng đe doạ ngược lại.
Với Kỷ nguyên Park Chung Hee, Alphabooks đã giúp tôi thoả trí tò mò bấy lâu cho câu hỏi “Sao Hàn Quốc làm được vậy”. Đọc hàng ngàn trang mà không bị đứt mạch quả không dễ nhưng kiên nhẫn một chút, sự tò mò sẽ được giải thích thoả đáng. Nhiều câu chuyện lịch sử được tỏ tường. Một hình mẫu đáng học hỏi.
Park là ai?
“Nhà kiến tạo quốc gia Vĩ đại” là phần thưởng cao quý nhất mà đa số người dân Hàn Quốc dành cho Ông. Song cũng không ít người nhớ đến Ông như một lãnh đạo độc đoán tàn bạo. Suy nghĩ, đánh giá thế nào về Park, mỗi người dân Hàn Quốc sẽ có cái nhìn Riêng được tôn trọng nhưng Chung 1 điểm không bàn cãi – kỳ tích Sông Hàn có được hôm nay bắt đầu & cơ bản dựa trên nền tảng kỷ nguyên cầm quyền của Tổng thống Park Chung Hee 1963 – 1979 (bị ám sát).
Sinh ra và lớn lên thời kỳ đô hộ của Nhật Bản. Trưởng thành từ một quân nhân, được đào tạo tại Học viện quân sự Hoàng gia Nhật bản. Meiji Ishin – Minh trị Duy tân đã ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự nghiệp chính trị của Ông… và Đại hàn dân quốc. Tư duy “vượt thời đại”, học bài học quý giá từ kẻ thù với trăn trở sao kẻ thù hùng mạnh vậy. Khép lại quá khứ, hướng tới hợp tác, giao thương…và học hỏi cầu thị từ cựu thù Nhật Bản, 30 năm sau Nhật Bản và các nước phương Tây phải kính nể.
Ông làm được gì?
Vào năm 1960, GDP đầu người (79 usd) chỉ bằng một nửa Bắc Triều tiên, nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ, tham nhũng, lạc hậu… Nhưng đau đầu hơn cả là mối đe doạ an ninh quốc gia luôn thường trực bên sườn. Sau cuộc đảo chính năm 1963, xác lập quyền lãnh đạo đất nước, Park đã xây dựng hướng đi chiến lược cho Hàn quốc: tập trung mục tiêu Công nghiệp hoá ngành công nghiệp nặng và công nghiệp hoá chất. Dấn thân, quyết tâm bằng mọi giá thực hiện ý nguyện – xây dựng Hàn quốc trở thành Nước giàu – Quân mạnh.
Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình, Malaysia có Mahathir, Singapore có Lý Quang Diệu, Thổ Nhĩ Kỳ có Ataturk…được coi là những nhà kiến tạo quốc gia. Họ khác nhau và khác với Park nhiều thứ nhưng Những con người vĩ đại đó đều có một điểm chung: yêu nước, có tầm nhìn, dấn thân và “độc đoán” cần thiết vì lợi ích dân tộc. Trong hướng đi, họ cùng đi về phía Nền văn minh phương Tây. Trong kỹ trị, họ đều xuất sắc tạo dựng quyền lực. Chương 9 đặc biệt ấn tượng với tôi khi được thấy bước đi đột phá của Park nhằm cụ thể hoá mục tiêu Phát triển kinh tế đất nước đồng thời tạo lập Trung tâm quyền lực chính trị cho mình – thành lập các Chaebol (tập đoàn công nghiệp) hay còn có thể hiểu là Tài phiệt ngành.
Ấn tượng
Lựa chọn những doanh nhân (cá nhân) tin tưởng, bảo trợ chính trị và độc quyền chính sách ngành cho các Chaebol ra đời. Tồn tại và phát triển dựa trên nguyên tắc “phi chính trị hoá”. Hôm nay, Samsung / Huyndai / Deawoo (tam trụ nền kinh tế) và những cái tên như Kumho / LG / Hanjin / KIA / Lotte v.v đã quá quen thuộc với người tiêu dùng toàn cầu. Theo cách nghĩ của Thomas Friedman, tác giả cuốn The World Is Flat, đây chính là hệ miễn nhiễm của Hàn Quốc trước những nguy cơ, đe doạ. Thật khó hình dung, 1953, chiến tranh Triều Tiên kết thúc khi đó GDP / người chỉ 67 usd; năm 1960 – 7 năm sau – GDP / người chỉ đạt 79 usd; nhưng giai đoạn 16 năm cầm quyền của Park (1963-1979) chỉ số này đã tăng hơn 12 lần. Hôm nay, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 28,000 usd, 50 triệu dân luôn tự hào về một Đại hàn dân quốc.
Cả ngàn trang sách đọng lại về Park: một người dân yêu nước có trí tuệ; một vị tướng dấn thân có độ tàn bạo; một nhà lãnh đạo có tầm nhìn mà không cần đến hệ tư tưởng nào dẫn đường chỉ lối.
Ngưỡng mộ!
Nguyễn thế Duyệt