Văn chương Pháp đã gắn liền với biết bao thế hệ độc giả Việt với những tác phẩm đồ sộ, xuất sắc, đã để lại những dấu ấn khó phai.
Pháp là nơi văn học phát triển cực thịnh, là đất nước có nhiều tác giả đạt giải Nobel nhất trên thế giới, với những nhà văn kiệt xuất như: Romain Rolland (1866 – 1944), Anatole France (1844 – 1924), André Gide (1869 – 1951), François Mauriac (1885 – 1970), Albert Camus (1913 – 1960), Jean-Paul Sartre (1905 – 1980), Samuel Beckett (1906 – 1989) năm 1969, Claude Simon (1913 – 2005)…
Văn chương của Pháp dù ở trường phái nào cũng thấm đẫm tình yêu và khao khát.
Tình yêu và sự lãng mạn
Dòng văn học lãng mạn có những đại diện xuất sắc như Alexandre Dumas cha (1802-1870); Victor Hugo (1802-1885)…..
Nhắc đến chủ nghĩa lãng mạn Pháp, Victor Hugo chính là một tác gia nổi bật nhất. Trong hơn 60 năm cầm bút sáng tác, ông đã viết nên 45 tác phẩm với nhiều thể loại, trong đó có hai cuốn tiểu thuyết luôn có trong danh sách những tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại là Những người khốn khổ và Nhà thờ Đức bà Paris.
Những người khốn khổ nổi tiếng thế giới khi vừa ra đời cho tới nay vẫn là tượng đài văn chương. |
Tiểu thuyết Những người khốn khổ nổi tiếng thế giới ngay khi ra đời, và được xem là cuốn sách đồ sộ nhất của Hugo.
Jean Valjean bị đi tù vì ăn trộm một cái bánh mì, và từ ấy trải qua một cuộc đời trốn chạy. Ra khỏi tù sau 19 năm, mang giấy thông hành của một kẻ tù tội, ông bị cả xã hội hắt hủi. Cuộc gặp gỡ với giám mục giám mục Myriel đã khiến cuộc đời Jean Valjean thay đổi.
8 năm sau Valjean, nay mang tên ông Madeleine, đã trở thành một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng thành phố nhỏ nơi ông sinh sống, Valjean phải mang tên giả để tránh sự phát hiện của thanh tra Javert vẫn đang truy tìm ông ráo riết. Cuộc đời của Valjean lại một lần vùi trong bùn đen, khi cảnh sát bắt được một người khác mang tên ông.
Alexandre Dumas (cha) với tiểu thuyết Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo… mang đậm dấu ấn dã sử, với những cuộc phiêu lưu li kì, hấp dẫn.
Trong cuốn tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo, thông qua việc kể lại cuộc đời thăng trầm của Edmond Dantes, tác giả đã thể hiện hình ảnh một chàng bá tước Pháp mang trong mình thù hận, nhưng cũng giàu tình yêu và lòng bao dung.
Hiện thực và khao khát
Cùng với chủ nghĩa lãng mạn, văn học hiện thực của Pháp cũng có rất nhiều những tác phẩm nổi bật.
Balzac chính là đại diện tiêu biểu nhất cho văn học hiện thực kinh điển của Pháp, với những tác phẩm phản ánh toàn diện những bộ mặt thật của xã hội Pháp đương thời.
Tấn trò đời là tác phẩm đồ sộ nhất của Balzac, gồm khoảng 95 tác phẩm được Balzac gộp lại vào năm 1842, gồm 3 phần: khảo cứu phong tục, khảo cứu triết học, và khảo cứu bản chất.
Tấn trò đời đồ sộ với 95 tác phẩm. |
Khảo cứu phong tục, gồm 6 cảnh: Cảnh đời tư (32 tiểu thuyết, đã viết xong 28), Cảnh đời Paris (20 tiểu thuyết, đã viết xong 14), Cảnh đời chính trị (8 tiểu thuyết, đã viết xong 4), Cảnh đời quân sự (23 tiểu thuyết, đã viết xong 2), Cảnh đời nông thôn (5 tiểu thuyết, đã viết xong 3); Khảo cứu triết học (27 tiểu thuyết, đã viết xong 22); Khảo cứu phân tích (5 tiểu thuyết, đã viết xong 1).
Tựa đề Tấn trò đời được Balzac đặt theo tên tác phẩm Vở kịch thần thánh (Divina commedia) của Dante Alighieri (1265-1321). Có lẽ Balzac cố ý chọn cái tên đối lập với tên tác phẩm nổi tiếng của Dante để thể hiện một thiên đường và địa ngục tồn tại cùng nhau ngay trong xã hội này.
Tiểu thuyết của Balzac phản ánh hiện thực xã hội không mấy tốt đẹp, nhưng chính Balzac lại từng khẳng định: “Xã hội đã tự tách ra hoặc xích lại gần hơn với những quy tắc vĩnh cửu, với cái chân thực, cái đẹp, tiểu thuyết phải là một thế giới tốt lành hơn…” (Lời tựa Tấn trò đời).
Đó cũng là phong cách chủ đạo của các tác phẩm hiện thực, khi phô bày sự trần trụi của xã hội để mong cầu đến những điều tốt đẹp hơn.
Ngoài Tấn trò đời, Balzac còn nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như:Miếng da lừa, Lão Goriot, Bước thăng trầm của kĩ nữ…
Maupassant là bậc thầy về truyện ngắn. |
Guy de Maupassant là người đã tiếp nối dòng văn học hiện thực một cách xuất sắc. Ông được xem là bậc thầy của thể loại truyện ngắn hiện đại với hơn 300 truyện ngắn trong đó có rất nhiều truyện xuất sắc.
Trong đó phải kể đến Người đã khuất, Món tư trang, Cái thùng con, Con quỷ, Đi ngựa, Người đàn bà làm nghề độn ghế… Và 6 tiểu thuyết: Une Vie (Một cuộc đời, 1883), Bel Ami (Ông bạn đẹp, 1885), Mon Oriol (Oriol của tôi, 1887), Pierre et Jean (1888),Fort comme la Mort (Mạnh như cái chết, 1889), Notre Coeur (Lòng ta, 1889).
Năm 1888, truyện vừa Viên mỡ bò ra đời, chính là thành công đầu tiên trong sự nghiệp văn chương của Maupassant. Với Viên mỡ bò, Maupatssant đã khẳng định được cái duyên kể chuyện thực sự lôi cuốn của mình. Ông cũng là nhà văn luôn đứng về phía những con người bất hạnh thuộc tầng lớp dưới.
Đây chính là lúc Maupassant giác ngộ sâu sắc nhất những nguyên lý nghệ thuật của Flaubert. Cũng như Flaubert, người thầy của mình, tác phẩm của Maupassant thấm đẫm một cái nhìn bi quan về cuộc sống, trong khi văn phong thì được thể hiện một cách rất nhuần nhị, tự nhiên.
Các nhà văn sáng tác những tác phẩm lãng mạn hay hiện thực của Pháp, dù những cách thể hiện khác nhau, nhưng đều thể hiện những khao khát tạo dựng một nước Pháp đẹp đẽ hơn, chứa đựng tình yêu và sự tự do thực sự.
nguồn: zing.vn