Cách chúng ta cùng nhau đi qua đại dịch
Là cuốn sách đầu tiên của NXB Trẻ phát hành toàn quốc trong năm mới 2022 (ngày 4-1), tập tản văn “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” (25 tác giả) sẽ được NXB Trẻ đóng góp 100% lợi nhuận từ cuốn sách này vào Quỹ Phòng, chống Covid-19. Các tác giả, nhiếp ảnh gia trong sách cũng nhận mức nhuận bút tượng trưng để đồng hành cùng NXB Trẻ, trong đó nhiều người tặng nhuận bút của mình để góp quỹ.
Quá khứ không thể thay đổi, nhưng người ta có thể lựa chọn cách nhớ về. Chưa có khi nào Sài Gòn im lìm như trong những tháng cao điểm dịch, và cũng chưa có khi nào tình người, sự kiên cường của con người lại rực rỡ và lan tỏa mạnh mẽ đến vậy. Tập sách 232 trang này không nhằm gợi bi thương, mà như một lưu dấu về một thời kỳ chưa kịp xa, và dịch bệnh cũng chưa hề qua, để bạn đọc cùng nhìn lại và nắm tay nhau đi tiếp.
Tập sách vinh hạnh được sự góp mặt của 25 tác giả, trong đó có y bác sĩ, doanh nhân, nhà nghiên cứu, vận động viên, nhà văn, nhà báo, nhiếp ảnh gia… Họ chia sẻ những trải nghiệm sống động từ bệnh viện tuyến đầu, về những điều nhân văn, ý nghĩa đã chứng kiến trong mùa cao điểm dịch, những suy nghiệm và cảm hứng cho thời bình thường mới – cũng là cảm xúc của người dân Thành phố trong thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới: buông bỏ những điều buồn phiền, nuôi dưỡng hy vọng, bước tiếp và sống tốt.
Các tác giả tham gia:
Bùi Tiểu Quyên – Cù Mai Công – Đàm Hà Phú – Dương Minh Tuấn – Dương Thụy – Duyên Trường – Gia Bảo – Hồ Quốc Pháp – Huỳnh Thu Thảo – Lê Quang Mỹ – Nguyễn Bá Quỳnh – Nguyễn Khắc Cường – Nguyễn Minh Hảo Hớn – Nguyễn Ngọc Tư – Nguyễn Phi Vân – Nguyễn Thế Anh – Nguyễn Thị Hậu – Nguyễn Thị Thu Thủy – Phong Việt – Quang Trần – Tăng Hà Nam Anh – Trịnh Võ Trung Nghĩa – Trương Hoàng Uyên Phương – Vũ Hương Giang – Vũ Phi Yên
Nhiếp ảnh gia: Ngô Trần Hải An, Minh Hòa, Hải Thành, Kiếng Cận.
LỜI GIỚI THIỆU ĐẦU SÁCH:
Những ngày này, khi cơn bão dữ mang tên Covid đã dần rút khỏi Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, ta đọc lại những ghi chép, tâm sự của người trong cuộc vẫn không khỏi bàng hoàng và rợn ngợp.
Bàng hoàng trước mức độ thảm khốc của trận đại dịch: mười mấy ngàn người đã vĩnh viễn ra đi – trong đó có cả các nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên bị nhiễm bệnh khi làm việc, hơn ngàn đứa trẻ thoắt mồ côi, những gia đình lao đao kiệt quệ, và hàng triệu người vẫn sẽ còn chịu đựng những cơn trầm cảm kéo dài vì dư chấn của bệnh hay vì những gì mình đã chứng kiến…
Và rợn ngợp, vì sự hy sinh, lòng can đảm và tình yêu thương mà người Việt Nam dành cho nhau, cũng như nghĩa cử của thế giới dành cho Việt Nam. Các y bác sĩ và nhân viên y tế nhiều tháng liền không thấy ánh mặt trời, quay cuồng bên giường bệnh nhân; các chiến sĩ tăng gấp nhiều lần khối lượng công việc hàng ngày; các đoàn thể, ban quản lý khu phố, tổ chức tình nguyện… hoạt động không mệt mỏi để kết nối và chia sẻ những tấm lòng, với vô vàn công việc có tên lẫn không tên; và hàng triệu người dang tay đùm bọc lẫn nhau, từ chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh đến vận chuyển hàng hóa, bệnh nhân, từ cho nhau bình oxy, viên thuốc, hộp sữa, ký gạo, bó rau… đến lời động viên, để cùng đi qua những tháng ngày khốc liệt. Trong căng thẳng, những âm thanh huyền dịu đã cất lên, xoa dịu tổn thương, mất mát, và để không ai thấy mình cô độc trong trận chiến này.
Hơn 100 ngày qua sẽ là ký ức không thể nào phai mờ với những ai đã chứng kiến, đã đi qua. Những vết sẹo sẽ còn hằn rất sâu trong lòng chúng ta, dù nỗi bỏng rát sẽ dịu đi theo thời gian. Nhiều bài học lớn sẽ được rút ra từ đây. Và chúng ta sẽ mãi mãi yêu thương nhau, như đã từng, để cùng xây dựng một thế giới bình yên như nguyện ước.
Tập sách nhỏ này, được góp lời từ những người đã âm thầm nắm tay nhau đi qua đại dịch, xin được ghi lại đôi điều về một mùa hoa nở trong bão dữ như thế.
Xin trân trọng cảm ơn các y bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ, tình nguyện viên đã cống hiến bằng mười sức mình, để đưa Thành phố đi qua những ngày khốc liệt.
Xin trân trọng cảm ơn những con người đẹp như hoa, quý như ngọc đã dũng cảm gánh vác trách nhiệm cùng xã hội, và cho nhau rất nhiều yêu thương.
Cảm ơn mọi người đã sát cánh bên nhau. Và xin dành một phút tưởng nhớ những con người đã ra đi mãi mãi trong đại dịch.
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
DANH SÁCH BÀI VIẾT TRONG SÁCH:
CHÚNG TA ĐÃ VƯỢT QUA NHƯ THẾ NÀO – ĐÀM HÀ PHÚ
CHÚNG TA ĐÃ ĐI QUA NHỮNG NGÀY ĐÁNG SỐNG NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI – NGUYỄN MINH HẢO HỚN
GHI CHÉP VỤN NHỮNG NGÀY GIÃN CÁCH – NGUYỄN THỊ HẬU
VIẾT TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN – DƯƠNG MINH TUẤN
SÀI GÒN ĐANG GIÃN CÁCH – LÒNG NGƯỜI KHÔNG GIĂNG DÂY – CÙ MAI CÔNG
LUÔN HY VỌNG – NGUYỄN THẾ ANH
Ô CỬA SỔ PHÍA TÂY THÀNH PHỐ – BÙI TIỂU QUYÊN
NHỮNG NGÀY VỘI VÃ – DƯƠNG MINH TUẤN
YÊU LẮM, THƯƠNG LẮM, VÀ MONG LẮM – NGUYỄN THỊ THU THỦY
MONG NHỚ TIẾNG CƯỜI – HỒ QUỐC PHÁP
LẠI NHỚ NHỮNG NGÀY HUYÊN NÁO… – PHONG VIỆT
HÃY ĐỂ TÌNH THƯƠNG XÓA HẾT RANH GIỚI – LÊ QUANG MỸ
KHOÁC ÁO BLOUSE VÀ LÊN ĐƯỜNG – TĂNG HÀ NAM ANH
CHỈ CÓ BÂY GIỜ, HIỆN TẠI, LÚC NÀY – TRƯƠNG HOÀNG UYÊN PHƯƠNG
MÓN QUÀ CUỘC SỐNG – VŨ HƯƠNG GIANG
VIẾT CHO NGÀY MỚI… – HUỲNH THU THẢO
NƠI BẮT ĐẦU CỦA NHỮNG HOÀNG HÔN – NGUYỄN PHI VÂN
NẮNG TRÀN QUA CỬA – GIA BẢO
TỪ ĐIỂN RIÊNG, MÙA HÈ 2021 – NGUYỄN NGỌC TƯ
KIÊN TRÌ DẤN THÊM BƯỚC NỮA – QUANG TRẦN
WHAT AM I NOT SEEING? – VŨ PHI YÊN
THÁNG BẢY – NGUYỄN KHẮC CƯỜNG
DỊCH COVID-19 VÀ BÀI HỌC: KIẾN THỨC NHÂN LOẠI KHÔNG BAO GIỜ CŨ – NGUYỄN BÁ QUỲNH
HẾT RAU RỒI EM CÓ LẤY ANH KHÔNG? – DƯƠNG THỤY
TỪ SÀI GÒN CHỌN NHỚ CHUYỆN MUÔN PHƯƠNG – TRỊNH VÕ TRUNG NGHĨA
CÔ-VI ĐẠI DỊCH KÝ – DUYÊN TRƯỜNG
Một số trích đoạn:
Đàm Hà Phú (Doanh nhân – Tác giả Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ): “Có những người bạn, mà tôi biết rõ là không phải giàu có dư dả gì, vẫn sẵn lòng góp mười tấn gạo cho chúng tôi đi phát cho bà con. Có người hễ khi có chút tiền thì gửi vài trăm ký rau xanh, mấy gói đồ khô… Khi đi phát, tôi chứng kiến những người nhận quà tiếp tục san sẻ phần quà nhỏ nhoi đó cho những hàng xóm còn khó khăn hơn mình. Thấy thiệt sự chứ không phải “cảnh trên tivi”. Dịch bệnh càng kéo dài tôi mới nhận ra người mình giàu có quá, họ giàu lòng thương, họ giàu sẻ chia, họ giàu nhơn ái. Rồi chúng ta sẽ vượt qua những ngày này, và kể lại với con cháu, cách mà chúng ta đã vượt qua nó, không phải bằng thuốc hay vaccine, mà bằng cách chúng ta đã dìu nhau như thế nào, chúng ta đã chia sẻ với đồng bào ra sao, mỗi ngày.Không thể quên những điều buồn, nhưng mà tôi chọn nhớ những điều thương. Sài Gòn đang đứng dậy, một sáng mai, sáu rưỡi, nhịp sống lại sôi réo khắp nơi.”
Nguyễn Phi Vân (diễn giả, tác giả, cố vấn doanh nghiệp):
“Thôi anh phải đi đây, không chờ được nữa…”
Anh nói với tôi như thế, rồi đi. Mọi trật tự đến đi trên thế gian này vô lý đến thế ư? Cuốn sách thiếu vài trang, tin nhắn thiếu vài dòng tâm sự. Vài ba lần nghĩ về nhau có đủ để mình tha thứ cho dòng chảy cuộc đời chia con người về ngả gió đường mây. Cuộc sống cuối cùng là điểm dừng hay thật ra chỉ bắt đầu từ buổi chiều nay, khi ta nhận ra mình đã mất. Khi hiện hữu vô hình và chiều mưa không hiểu có phải là sự thật. Khi vô lý có khi là điểm khởi đầu. Khi con người dừng lại, hốt hoảng nhận ra loài người có thể mất nhau. Nếu biết sẽ mất nhau, người đời rồi có thay đổi sự khởi đầu và hành trình vừa kết thúc? Đời có nhẹ đi những sân hận dỗi hờn và nặng thêm những yêu thương, chăm chút? Loài người có trân quý hiện tại này và thôi hớt hải chạy về phía những vì sao?”
Nguyễn Ngọc Tư (nhà văn)
“Quyển từ điển riêng của bạn từ lâu đã nghèo nàn, giờ thêm nhiều trang trắng. Không còn rạp chiếu phim, nhà sách, cả quán nước cũng phù phiếm xa vời. Có lần thử điền vào mớ từ mà lúc này mọi người đang truyền tay nhau, những chánh niệm, tỉnh thức nhưng bạn vội gạch đè, biết còn lâu mình mới đủ thấu hiểu chúng. Như vô thường vậy, bạn tưởng đã thông tỏ rồi, sao lại thất thần khi thấy khói lên từ nhà hỏa táng. Nắm tro chắc phải chờ người nhận vì thân quyến còn mắc kẹt sau những sợi dây giăng. Trắc ẩn thì cực hạn, nhưng bất lực cũng theo đó mà thít chặt, bóp nghẹt. Bạn nhận ra mớ từ vừa mất đi của mình bé mọn vô phương, ngoài kia nhiều người chỉ có đói, kiệt quệ, vô vọng, tang thương trong cái mùa hè thê lương này.
Nhiều từ được định nghĩa lại. Công viên là nơi tụ tập của gió, của thảm lá ngày càng dày. Hẹn hò đồng nghĩa với bất định, bỏ lỡ. Trong ngữ lưu tháng Bảy, nếu ta nói hẹn cuối năm gặp nhau, người bạn sẽ hiểu rằng có thể tháng Chạp năm sau. Hoặc chỉ là một kiểu giao đãi bâng quơ thuận miệng, cuộc gặp đó không bao giờ xảy ra. Hạnh phúc, cái từ mà bạn ngờ vực nó không có thực, một khuya nghe tiếng xe cứu thương xé toang tịch mịch, bạn nghĩ thật may mình còn nghe được dư chấn của cơn chuột rút trên bó cơ đau. Sẽ có người đơn giản hơn, hạnh phúc là món trứng chiên có ít lá hành, là được tặng một đòn bánh tét, được về quê cách chỗ trọ năm chục cây số. Cái đơn vị đo khoảng cách, mùa hè này, mất sạch độ chính xác. Có người đi cả tháng mới hết một chục ki lô mét đường, hoặc ở khoảng cách có thể nhìn thấy bằng mắt thường, ta sẽ không bao giờ tới được.”
Quang Trần (Vận động viên marathon, nhà vô địch giả Vietnam Mountain Marathon 100km năm 2020): “Những người chạy marathon đa phần sẽ chọn những khó khăn nghịch cảnh làm điểm tựa. Tôi nhận thấy rằng trong đợt giãn cách này, những người bạn của mình dường như “nghiện” chạy hơn. Tuy bị “giam mình” trong nhà nhưng họ vẫn luôn lạc quan và còn tập luyện nhiều hơn trước. Có anh bạn của tôi đã chạy liên tục 160km trên máy chạy bộ trong hơn 19h đồng hồ, một số khác thì chạy 160km trong căn phòng có chiều dài chỉ vỏn vẹn 4 mét. Chạy như vậy cả ngày! Bởi đôi khi chạy là cách giúp chúng ta giải tỏa những căng thẳng và làm tan biến những nỗi lo âu, sợ hãi. Có một thống kê nói rằng, ở Mỹ chạy bộ phát triển rực rỡ nhất là lúc đất nước họ rơi vào những cuộc khủng hoảng như sau chiến tranh Việt Nam, sau chiến tranh vùng Vịnh, và sau sự kiện 11/09/2001. Chạy để có sức khỏe tốt hơn, và chạy còn là cách rèn luyện tính kiên trì, tự lực của mỗi người, để có thể ứng phó vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.
Khi đã trên đường chạy, tôi chạy. Mỗi lần dấn tới thêm một bước nữa.”
Dương Thụy (nhà văn): “Một số độc giả lúc này viết email cho tôi, nhắc đến chi tiết nhân vật Tuấn (trong Yêu em bằng mắt giữ em bằng tim”) bị Covid và xuống tinh thần, khiến nhân vật Phương phải nhắn tin mỗi ngày động viên, đàn cho anh nghe và cầu nguyện mong anh khỏi bệnh. Độc giả hỏi khi tôi viết về chi tiết đó trong truyện, tôi có tưởng tượng nổi tới một ngày Sài Gòn phải gồng mình chống dịch như hiện tại không. Thật sự, chắc không chỉ mình tôi, mà hầu hết người Sài Gòn đều không thể ngờ có lúc mình phải trải qua một giai đoạn đại dịch quá thảm khốc.
Đỉnh điểm, từ ngày 23.8.2021, người Sài Gòn không được ra đường kể cả để đi chợ mua hàng thiết yếu. Các “chú bộ đội” nhận nhiệm vụ đi chợ giùm. Tôi thường bật cười khi bạn bè gởi những tấm hình đùa giỡn về hiện tượng này. Các chú bộ đội được miêu tả là cao to lực lưỡng, gõ cửa nhà nào là các thiếu nữ Sài thành sung sướng đón chào. Hình ảnh các chú bộ đội thả thính “Hết rau rồi em có lấy anh không?” làm tôi cười được vài giây.
Sài Gòn tang thương vì đại dịch khiến tôi nhận ra không phải chỉ những người nghèo khó là khốn khổ nhất trong đại dịch, những người nước ngoài sống cô độc tại Sài Gòn cũng có nỗi khổ riêng của mình. Cảm giác cô đơn, sợ hãi, nghĩ rằng mình có thể bị nhiễm và bỏ mạng tại xứ người trong khi gia đình ở quá xa khiến họ rất khủng hoảng. Như nhân vật Tuấn (trong Yêu em bằng mắt Giữ em bằng tim), họ sợ hãi nghĩ tới cảnh hũ tro của mình không biết sẽ giao cho ai nếu họ là kẻ xấu số vì Covid.”
Nguyễn Minh Hảo Hớn (Trưởng khoa Mũi Xoang – BV Tai Mũi Họng TpHCM): “Những ngày ở Khu Điều trị Covid, tôi càng cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống và tình người ấm áp lan toả. Các y bác sĩ, nhân viên y tế và bà con khó khăn đã luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia của tất cả mọi người. Có những người chưa bao giờ gặp mặt, nhưng sẵn sàng nấu hàng trăm suất cơm ngon lành, nóng hổi mỗi ngày dành tặng tuyến đầu; Có người đóng góp những ngày lương để mua khẩu trang, mua máy trợ thở, tặng cho bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân; Có người dành số tiền tích cóp xây nhà để mua rau củ, thịt trứng hỗ trợ người nghèo tại cách khu cách ly. Biết bao tấm gương thầm lặng, biết bao người đã quên bản thân mình. Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn nhất và cũng đã sống những ngày đáng sống nhất trong cuộc đời mình. Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng tình người sẽ còn mãi mãi”
Nguyễn Thị Hậu (Tiến sĩ Sử học): “Sài Gòn còn thở được bao lâu nếu hàng hóa, nông sản – “nguồn oxy” cho thành phố bị ngừng lại ở ranh giới địa phương khác, thậm chí ở ranh giới một quận khác? Sài Gòn còn “sống” được bao lâu khi hàng triệu con người đã góp phần tạo nên “lá phổi” mạnh mẽ của thành phố đã bị thiếu hụt “dưỡng khí” hàng chục ngày qua, dù người Sài Gòn luôn nhường nhịn chia sẻ cho nhau. Những đoàn người vẫn tiếp tục rời thành phố trở về quê nhà nơi miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc… vì gần hai tháng qua họ đã đuối sức lắm rồi.”
Dương Minh Tuấn (bác sĩ BV Bạch Mai vào hỗ trợ tại BV dã chiến số 10, TpHCM, hiện anh đang tình nguyện đi công tác tại vùng sâu tỉnh Quảng Bình trong một dự án của Bộ Y Tế):
“…Cô Diệu với cô Huyền là hai chị em ruột, cùng vào cấp cứu một hồi, mà cô Huyền nặng hơn phải chuyển đi rồi, cô Diệu cải thiện tốt hơn được ở lại.
– Con thấy cô không nói chuyện với cô Huyền mấy nhỉ?
– Chuyện gia đình thôi con, giận nhau không nói chuyện cả mấy năm nay rồi. Cô cũng tính làm lành mà bả cố chấp lắm thôi nên mình chỉ biết im lặng.
– Trời chị em ruột mà giận gì giận dữ vậy cô? Có gì bỏ qua được bỏ qua cho nhau.
– Đấy cô cũng nói vậy với bả, chết đi rồi có mang cục tức theo được đâu mà cứ ôm khư khư làm chi cho mệt không biết. Bả sang kia thấy tình hình cũng khả quan hơn rồi hả? Để sau bữa này về cô thử bắt chuyện tiếp coi sao!
– Dạ vậy cô lên phòng nghỉ ngơi đi.
Cô Diệu vẫn chưa biết tin cô Huyền đã mất chiều qua, và chiều nay xe đang chuẩn bị lăn bánh đưa chị gái cô ra đài hóa thân. Cũng chẳng ai dám nói cô nghe sợ cô xúc động rồi buồn rồi stress, rồi bao công sức điều trị lại bỏ sông bỏ bể.
Hàng bao nhiêu bí mật và đau đớn ấy anh em bảo nhau cũng phải vác theo hết cả.”
Cù Mai Công (Nhà báo): “Sài Gòn đang giãn cách, lòng người không giăng dây”
“Chợ giăng, mẹ đừng lo
Hẻm giăng, em đừng sợ
Còn đây tiệm vui vẻ
Còn đây quán nụ cười
Còn đây những lòng người
Mở tình, không giãn cách
Em ngại chi cái vạch
Chút thôi, một suất cơm
Chị ơi, bịch gạo ngon
Anh ơi, ổ bánh nóng
Sài Gòn cùng nhau sống
Cứ lấy nhé, rồi đi
Cứ lấy nhé, rồi về
Gởi trái tim ở lại.
Để Sài Gòn mãi mãi,
Không của ai, riêng ai!”
Nguyễn Thế Anh (Bác sĩ – Giảng viên học viên Y dược học cổ truyền Việt Nam – trong đoàn vào hỗ trợ Sài Gòn chống dịch): “Mình thương các em và dân Sài Gòn thương cả đoàn mình. Ngoài phần ăn từ đội hậu cần của Học viện, có nhiều anh chị nghe nói đoàn từ Hà Nội vào đã gửi bánh, sữa… và nhiều đồ khác, lại thường xuyên hỏi xem có cần gì nữa không. Một câu hỏi nữa mà người dân hay hỏi bọn mình là: “Đi xa lâu thế có nhớ nhà không?” Nhớ chứ! Có cô cậu sinh viên chưa từng đi xa nhà, khi gọi điện về cho gia đình xong mếu máo chực khóc. Có những câu hỏi mà gia đình các em luôn luôn lặp lại, dù gọi điện bao nhiêu lần: “Con có khỏe không?” “Công việc bận không?” “Ăn cơm chưa?”… và ngược lại, các em mỗi khi rảnh cũng dõi theo tin dịch xem nhà mình có bình an không. Đôi khi mình cũng muốn động viên các em, nhưng chỉ có thể nói “cố lên”, chứ không nói “sắp được về”. Bởi khi đi cả đoàn đã xác định công việc còn cần thì còn ở lại, không hẹn ngày về!”
Hồ Quốc Pháp (bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 2, Tp.HCM):
“Mỗi một người trong chúng tôi khi đến đây, ai cũng mang trong mình một câu chuyện, hoàn cảnh riêng. Thường thì chiếc điện thoại là cầu nối duy nhất giữa chúng tôi với gia đình.
Tối nọ, đang ngồi nói chuyện điện thoại, tôi nhìn sang thấy mắt chị A. ngấn lệ:
“Nó giận chị em ạ, giờ chị gọi về nó không nghe máy”.
“Nó” đây là con trai chị, mới vài tuổi.
Chị kể tiếp: “Đợt rồi chị về được hai hôm, nghĩ là sau đó trở lại làm bình thường, được ở nhà với thằng bé, nhưng rồi lại tiếp tục lên đường chống dịch tập trung. Mấy bữa nay, chồng chị bảo từ lúc chị đi chống dịch lần hai, nó buồn và ít ăn, cứ nhìn ra cửa chờ mẹ. Mỗi lần gọi về, chị không cầm lòng được”.
Nhìn cách chị nói về con trai, tôi biết chị đang rất nhớ đứa nhỏ, nhưng tôi cũng biết chỉ chốc lát thôi, guồng quay liên tục hết việc này đến việc kia sẽ khiến chị không còn nhiều thời gian nghĩ về gia đình.”
Phong Việt (Nhà thơ): “Chúng ta, chắc ai cũng từng có đôi lần, trong những ngày mỏi mệt, thầm mong đường phố ngoài kia bỗng chốc lặng thinh. Vì chúng ta, ở nơi này, cần được nghe tiếng gió qua vòm cây, tiếng chim hót bên hiên nhà hay tiếng nói chân thành từ bên trong con người mình cất tiếng… Nhiều khi chúng ta muốn bỏ phố về rừng chỉ đơn giản là chán ghét sự xô bồ của thành phố. Những ồn ào và vội vã cứ như cơn mưa trút xuống từng ngày không ngừng nghỉ, nhấn chìm tất cả bình yên mà chúng ta muốn níu giữ. Thậm chí có lúc chỉ là một giấc ngủ nướng trong một sớm mai chẳng tha thiết gì… Thế rồi, thành phố giãn cách vì đại dịch. Cứ ngỡ đâu chỉ là một tuần hay mười ngày như bao lần. Nhưng rồi, một tuần lại một tuần nữa, thêm một tuần nữa… Phố vắng ban ngày đã đành còn có cả giờ giới nghiêm khi trời sụp tối… Lòng người hôm nào chỉ mong đừng bị ai quấy rầy kể cả những thanh âm chung quanh, giờ bỗng nhiên hoang mang vì có quá nhiều ngày im vắng. Buổi sáng thức dậy, pha một tách café mà nghe rõ tiếng viên đá va vào thành ly khi khuấy chiếc muỗng. Cảm nhận được cả những sột soạt của trang sách khi mình lật sang. Không cần phải cố lắng nghe vẫn rất vang giọng trẻ con nhà bên cười đùa với ai đó…”
Lê Quang Mỹ (Bác sĩ phẫu thuật thần kinh trẻ em, BV Nhi Đồng 2, TpHCM): “Đã chuẩn bị tinh thần đến vậy rồi mà khi nhận nhiệm vụ thiết lập khu cách ly tại ký túc xá đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (khi đó để cách ly F1), chúng tôi vẫn… choáng. Đoàn đến nơi vào lúc 11g, được thông báo 13g sẽ đón… hơn 1000 người vào. Nghĩa là chỉ có hai tiếng chuẩn bị, trong tay có hai tòa nhà, 200 phòng trống, 800-1000 giường. Chỉ thế. Hoàn toàn chưa có bất cứ gì để phục vụ việc ăn ở điều trị. Mới kịp đặt phòng làm việc, chỗ ăn ở, máy tính, máy in… là đã thấy từng đoàn người cách ly đổ dồn vào sân trong cái nắng ban trưa.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thật sự không nhớ nổi mình và nhóm đồng nghiệp đã trải qua tuần đầu tiên đó như thế nào. Ngày đầu tiên, chỉ riêng việc tiếp nhận người bệnh, chúng tôi làm thông từ 13 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Không kịp cả đăng ký phần ăn cho bộ phận hậu cần, cũng không kịp ăn, đâu đó tìm được ít mì gói, ăn vội rồi làm tiếp. Nhưng không em nào trong đội than thở. Tôi vẫn còn nhớ nụ cười của tụi nó, nói “mệt nhưng mà ‘chơi’ tiếp vô tư anh ơi.”
Tăng Hà Nam Anh (Giám đốc trung tâm Chấn thương chỉnh hình – BV đa khoa Tâm Anh): “Covid 19 không làm giảm đi các loại bệnh tật khác. Số bệnh nhân cần được điều trị các bệnh lý khác vẫn hiện hữu. Sự khó khăn khi đi khám bệnh, sự quá tải ở các bệnh viện công, sự sợ hãi căn bệnh truyền nhiễm khiến nhiều bệnh nhân phải cố thủ ở nhà chịu trận. Ngày càng nhiều bệnh viện khác đã mở đường dây điện thoại nóng để khám online miễn phí giúp bệnh nhân tiếp cận với bác sĩ. Thông qua phương tiện nghe, nhìn, với kinh nghiệm nghề nghiệp và trái tim hết lòng vì người bệnh, các bác sĩ ở các bệnh viện đã giúp cho nhiều bệnh nhân thoát khỏi cơn đau, thoát khỏi nỗi ám ảnh bệnh tật, ổn định tâm lý và tinh thần. Rất nhiều bệnh nhân đã được hướng dẫn đến bệnh viện kịp thời khi có các triệu chứng bệnh nặng.
Không chỉ thiếu hụt vật tư thiết bị y tế, nhân lực mà máu cũng thiếu. Thiếu hụt máu nghĩa là nguy cơ bệnh nhân tử vong tăng lên. Và cũng như mọi khi, những nhân viên y tế ở các bệnh viện lặng lẽ xếp hàng để hiến những giọt máu của mình cho bệnh nhân. Bản thân người viết cũng đã nhận nhiều cuộc gọi của nhân viên mình với lí do đi trễ vì “em đang chờ hiến xong bịch máu sẽ về bệnh viện làm việc liền”.
Trương Hoàng Uyên Phương (biên tập viên): “Covid gõ cửa nhà mình không báo trước, như hàng chục ngàn mái nhà khác những ngày này. Cơn sốt hầm hập, cổ họng ran rát, vài cái ngoáy mũi, và rồi cửa nhà được giăng dây trắng đỏ, tấm bảng đỏ chữ vàng được gắn lên, thông báo có người đang cách ly tại nhà. Bữa ăn gia đình xúc cả cơm canh thịt vào bốn cái tô tản ra bốn góc. Khẩu trang thành vật liền thân. Người đến đâu bình xịt cồn theo đó. Điện thoại dồn dập đổ. Máy đo nhiệt độ cứ lóe đỏ ré lên tích-tích tích-tích.
Tất cả hòa vào nhau, trở nên nhòe nhoẹt. Thời gian nén lại đến cực độ, tất cả chỉ còn vỏn vẹn ở bây giờ, hiện tại, lúc này. Có khi chợt lướt qua mạng xã hội, thấy bao nhiêu là “Mai mốt hết dịch sẽ. . .” (ăn bún bò, bún đậu, đi Đà Lạt, đi bơi, ngồi quán cà phê,. . . ) mình cảm giác như cái mai mốt đó chẳng còn liên quan gì tới mình nữa. Những mái nhà bị giăng dây không thấy ngày mai, không thấy được cả một vài giờ tới. Những mái nhà đó bị kẹt trong “lúc này”. Vì sắp tới, ngày mai, hay tương lai, có thể ba mẹ mình, người bên cạnh mình sẽ không còn ở nơi này nữa. Vì Covid đâu có cho mọi người nói lời tạm biệt nhau. Sách vở thường bảo mọi người hãy sống trong hiện tại, người bị Covid lạc trong một hiện tại triền miên, thăm thẳm.
Hiện tại là. . .
Cái dinh dính của khẩu trang trên khuôn mặt nhẫy mồ hôi.
Tiếng thở khò khè của mẹ, giữa đêm, mặt cúi xuống quầng sáng từ màn hình điện thoại đang hiển thị đồng hồ đếm ngược, mình đếm đi đếm lại, đếm hoài đếm nữa, vẫn thấy nhịp thở tới hơn 30 lần một phút.
Mùi sả ấm từ nồi nước xông quyện mùi cồn lành lạnh ngòn ngọt.
Trán ba nóng hổi, áo ba ướt mồ hôi dưới tay mình.
Quãng đường vắng ngắt sau khi chiếc xe cấp cứu của y tế phường chở ba mình đi mất hút.”
Vũ Phi Yên (tiến sĩ bác sĩ tâm lý): “Loài người ấy mà, bạn biết không, hùng mạnh vô cùng. Khi loài Sapiens này đã nảy ra ý muốn làm một việc gì rồi thì… Hãy xem chúng ta đã biến đổi bề mặt của hành tinh này như thế nào, đã sống sót qua những hoàn cảnh ngặt nghèo ra sao, đã liên tiếp tự khiến chính mình phải ngạc nhiên bằng cách liên tục biến những phép màu trong tâm trí chính ta trước kia thành hiện thực đến mức độ mà dường như ngày nay đó trở thành lẽ thường.
Bây giờ, nếu loài Sapiens ấy ngồi nghỉ một lúc, tạm ngưng không quậy phá nữa, tự nhủ “Ta đã tạo ra cái gì thế này? Thôi đủ rồi, nhé. Muốn xé muốn cắt muốn chia rẽ muốn đốt muốn quăng bom gì gì thì cũng đã làm quá tốt rồi, chứng tỏ mình thế đủ rồi. Giờ rách tung cả, thương tích đầy, đau quá, nóng, đói… LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀM KHÁC ĐI? Làm cách nào để mở, vá, băng bó, kết nối?
Cái loài Sapiens này, bạn nghĩ lần này nó có làm được không?”
Nguyễn Khắc Cường (Tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ):
Tia nắng hỏi tôi có khỏe không
tôi vẫn dùng máy thở bầu trời và biết ơn từng chiếc lá
con đường hỏi tôi có nhớ không
tôi gửi lời xin lỗi tiếng còi xe những chiều hối hả
bông hoa hỏi tôi có nghe hương thơm
chiếc khẩu trang sao vẫn theo tôi vào giấc mơ mỗi tối
con chim hỏi tôi có thích bay
tôi đáp ai ở đâu ở yên đó mà luyến tiếc những đám mây
hạt bụi hỏi tôi nghĩ gì về tháng bảy
tôi cúi chào bao la
có những vong hồn mới chết hôm qua
Nguyễn Bá Quỳnh (Phó chủ tịch cấp cao tập đoàn Hitachi Vantara kiêm Tổng giám đốc Hitachi Vantara Vietnam): “Nhìn sơ qua cách tiếp cận thế giới như trên, hẳn chúng ta sẽ đồng ý với nhận định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO rằng Việt Nam đang đi đúng hướng. Vậy thì sự khác biệt giữa Việt Nam & Nhật Bản, đặc biệt là giữa hai thành phố Tokyo (374,000 ca lây nhiễm và 2,838 ca tử vong) và Thành phố Hồ Chí Minh (363,000 ca lây nhiễm, 14,124 ca tử vong) là ở điều gì?
Trích lời một chuyên gia Mỹ từng sang Việt Nam đầu thế kỷ 20: ‘Khác với những quốc gia khác, người Việt luôn biết mình phải làm gì, nhưng thật khó khăn để giúp họ biết làm việc hiệu quả là như thế nào’. Có lẽ chúng ta đang gặp phải tình trạng tương tự: cách thức tổ chức, khả năng làm việc hiệu quả và tinh thần kỷ luật vốn xuất xứ từ văn hóa và nền tảng giáo dục là điều mà chúng ta đang rất thiếu thốn. Và câu hỏi làm thế nào để chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia vẫn đang nhức nhối trong tâm trí mỗi người.”
Duyên Trường (nhà báo) Cô-Vi đại dịch ký (truyện trào phúng)
“Nghề mần tóc đang ngồi khóc/ Nghề mần nail buồn chèo queo/ Người làm sale bụng đói meo/ Nghề dạy gym teo… hết ch*m/ Nghề làm phim chẳng còn phim/ Người lái xe ngồi im re/ Nghề bán xe cũng tè le/ Người ca sĩ giờ ngủ kỹ/ Nghề nội thất buồn chất ngất/ Nghề event ngồi thêu ren/ Nghề thiết kế nghe nói ế/ Người bán vải đang rất oải/ Bất động sản mọi người lãng/ Ngành khách sạn đang lạng quạng/ Ngành ăn uống đang luống cuống/ Ngành kinh doanh chắc gần banh/ Ngành xây dựng cũng đứng khựng/ Ngành du lịch đang mắc dịch/ Còn nhà hàng thì la làng/ Làm phòng trà thì ở nhà/ Marketing hẳn rung rinh/ Nghề nhà giáo chắc húp cháo/ Nghề chụp ảnh đang rất rảnh/ Ngành văn hóa đang phê quá/ Ngành thể thao đang lao đao…”
Và, do thế, lần đầu tiên trong lịch sử, người ta chứng kiến: thi đấu thể thao giả lập; khán đài sân vận động chỉ toàn hình nộm; lễ tốt nghiệp đại học trao bằng cho robot; mừng đám cưới, đám tang, sinh nhật và chúc thọ… qua mạng; lễ Phục sinh trực tuyến, tết Chol Chnam Thmay ở nhà, tháng Ramadan tại gia; đi sở thú, thăm cảnh đẹp, xem bảo tàng, nghe hòa nhạc ngay tại phòng khách!
Thế giới phẳng vốn đang rất “nóng và chật”, nay đột ngột… lặng đi! Biết đến bao giờ?
Gia Bảo (Nhà báo, nhà văn, Phó tổng biên tập báo Khăn Quàng Đỏ): “Đâu ai chọn số phận để sinh ra và cuộc đời này đâu chỉ mình chị cô độc! Trong cái thành phố ngập tràn nắng này, chị luôn vui vẻ chào ngày mới. Chỉ cần có ánh sáng mặt trời là chị thấy mình đang sống. Thế thôi!
Và đúng là có tiếng người lao xao, tiếng bước chân lên cầu thang gỗ. Chị hé cửa, mấy cô cậu thanh niên khẩu trang che nửa mặt, chị nhìn được mỗi đôi mắt lấp lánh cười, cứ như mấy đứa nhỏ ở tầng trệt… Chúng mang lên nào gạo, nào sữa, nào lạp xưởng, bột nêm, cả xà bông và khẩu trang nữa… Chị cười mà nước mắt nóng hổi…
Nắng tràn qua cửa…”
Nguồn: NXB Trẻ