Marion được xem là tự truyện của người mẹ Nora Fraisse viết về cái chết của con gái mình, là nạn nhân của bạo lực học đường.
Nhưng điều khiến cha mẹ Marion phẫn nộ sau cái chết của con, chính là sự tàn nhẫn đến từ việc sợ hãi bị liên luỵ của hiệu trưởng trường Marion học. Sau đó là việc thờ ơ của cộng đồng, cả nhà chức trách.Bà Nora cho rằng, Marion tự vẫn là hiện trạng đáng buồn của xã hội Pháp trong giai đoạn mà các giá trị về quyền trẻ em, quyền con người bị bỏ lơ.Thậm chí ngay cả hiệp hội bảo vệ phụ nữ và trẻ em cũng không đánh giá bạo lực học đường là việc nghiêm trọng. Bà Nora viết: “Khi mẹ đi làm, nếu mẹ nói một nữ đồng nghiệp là “con điếm” trong cuộc họp, ban lãnh đạo sẽ triệu tập mẹ ngay và nhận thẻ phạt. Trong khi đó, một đứa trẻ yếu ớt, người ta lại tước phần cứu trợ dành cho nó”.
Đó cũng là điều xảy ra hàng ngày trong xã hội của chúng ta.Cha mẹ gọi bạo lực học đường là “trò trẻ con”. “Trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường”, “chúng là trẻ con mà, chúng nói tầm bậy tầm bạ cho vui thôi mà”, “Trẻ con mà, chấp làm gì”… Thậm chí một đứa con gái tuổi dậy thì về kể cho cha mẹ chuyện bị bọn con trai dòm ngó khi thay đồ vì cái cửa toilet bị hư. Thay vì chúng ta chỉ nói: “Con phải cẩn thận hơn”, lẽ ra cha mẹ phải lên trường phản ánh với ban giám hiệu.
Với tình yêu con vô hạn, bà Nora đã lên tiếng ở bất kỳ đâu về câu chuyện của con gái mình. Bà vạch rõ sự vô cảm của xã hội: “Dẫu không muốn, con đã đóng vai của kẻ giơ đầu chịu báng. Do mất phương hướng, do bị cản trở, do bị cấm đoán, người ta sẽ ném đá đến chết kẻ khác họ, quá đẹp hoặc quá xấu, quá thông minh hoặc quá ngây thơ, quá gầy, quá lớn hoặc quá bé hay có màu da khác họ”.
Cuốn sách này rất cần cho các bậc cha mẹ, thầy cô, và cả những đứa trẻ mới lớn. Nó cho thấy mặt trái của học đường, một xã hội thu nhỏ mà lứa tuổi phổ thông cơ sở dễ rơi vào những cảm xúc tiêu cực khi bị bạo lực về tinh thần cũng như thể xác. Bà Nora viết: “Chúng ta không nên bỏ mặc lũ trẻ cô độc khi đối diện với bọn quấy rối, đối diện với sự hèn hạ của đám bạn cùng lớp. Không nên đợi đến khi có cái chết xảy ra rồi mới nhúc nhích”.
Để trẻ em được sống chung với tuổi thần tiên, cần có cả cộng đồng chung tay xây đắp. Đừng bỏ mặc con mình cho nhà trường và xã hội.
Thái Thảo (theo TGTT)