Những trò ngụy biện – Biến sai thành trái

0
1037
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Những trò ngụy biện - Biến sai thành trái
Tác Giả: Alphabooks biên soạn

Ngụy biện là gì? Chắc ít người trong chúng ta có thể định nghĩa được hai chữ này nhưng chắc chắn rằng chúng ta đều đã từng sử dụng nó trong nhiều mục đích khác nhau. Những Trò Ngụy Biện – Biến Sai Thành Trái là cuốn sách được viết ra viết ra như một chỉ dẫn thực hành dễ đọc và hài hước về ngụy biện cho những ai mong muốn giành chiến thắng trong tranh luận.

Đọc cuốn sách Những Trò Ngụy Biện, bạn sẽ dễ dàng nhận diện 36 ngụy biện thường gặp nhất trong cuộc sống, gồm: 

– Suy luận gièm pha

– Lợi dụng quyền lực

– Ngụy biện cảm tính

– Lập luận cái mới

– Điệp nguyên luận

– Ngụy biện bất khả tri và rất nhiều ngụy biện thú vị khác nữa. 

Bên cạnh đó, Những Trò Ngụy Biện – Biến Sai Thành Trái còn đưa người đọc đến những cách thức tranh luận hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình học cách tranh luận, và trong quá trình thực hành cũng như đánh bóng các ngụy biện, người đọc sẽ biết được cách xác định và xây dựng hệ thống miễn nhiễm trước các ngụy biện kia. Độc giả còn được cung cấp một kho từ vựng để đối thoại với các chính trị gia và những tay bình luận truyền thông. 

Để giúp độc giả dễ tiếp cận, tác giả lựa chọn những ví dụ minh họa thiết thực, gần gũi với đời sống xã hội Việt Nam, được viết bằng giọng văn hóm hỉnh, không kém phần sâu sắc. Với mỗi ngụy biện, chúng tôi đều có những đoạn miêu tả dễ hiểu về bản chất của ngụy biện và các tình huống cụ thể mà ngụy biện đó có thể nảy sinh. 

Có thể biến sai thành trái là một khả năng mà không phải ai cũng có thể làm được. Tuy nhiên, tác hại của những thói ngụy biện này khôn lường. Những phân tích tình huống, đánh giá, ví dụ cụ thể trong Những Trò Ngụy Biện – Biến Sai Thành Trái đem đến cho người đọc một cái nhìn khái quát về những người có thói quen ngụy biện hoặc để chối bỏ trách nhiệm, hoặc để bảo về lý lẽ của mình bằng mọi cách. Cuốn sách cũng đã chỉ ra được tác hại khi chúng ta ngụy biện hoặc không nhìn rõ được sự ngụy biện trong lời nói của đối phương để người đọc có thể nhìn nhận và đánh gãy nó. Một cuốn sách đáng đọc trong thời đại mà mọi thứ đều nhập nhằng, không rõ ràng và rối rắm. 

Bên cạnh việc phân tích những chiêu trò ngụy biện, quyển sách cũng định hướng một vài lối suy luận logic trong những cuộc tranh cãi. Tuy nhiên, do muốn gửi quá nhiều thông điệp cũng như phân tích quá nhiều tình huống trong một chủ đề khiến độc giả ban đầu quá choáng ngợp. Tuy nhiên, để đọc nó và hiểu rõ nó, bạn phải đọc từ từ và suy nghĩ cẩn thận bởi khối lượng thông tin mà cuốn sách mang đến cũng không phải là ít để bạn có thể nắm bắt hết một lần.

Nguồn: baza.vn
 


Phụ lục

VÌ SAO TA CẦN BIẾT VỀ LOGIC?
 

Lý luận hợp lý là nền tảng để chiến thắng mọi cuộc tranh luận, nhưng các ngụy biện lại hủy hoại chúng. Hiểu biết về các ngụy biện rất quan trọng, vừa để tránh được những ngụy biện vô tình hoặc hữu ý bị người khác sử dụng, vừa để chủ động sử dụng chúng với nhiều mục đích khác nhau.

Cuốn “Những trò ngụy biện-Biến sai thành trái” là một cuốn sách viết về logic dí dỏm, dễ hiểu và được nhiều bạn đọc đánh giá cao. Một cuốn sách nên đọc. 

Mời bạn đọc 1 câu chuyện dưới đây được trích ra từ cuốn sách để thấy được sự thú vị của logic học trong đời sống. Logic rất cần thiết, nhưng cuộc sống vốn đa dạng, cũng có nhiều khi chẳng tuân theo logic nào cả :))

LOGIC HỌC TÁN GÁI

Câu chuyện này chúng tôi sưu tầm được trên internet (không rõ tác giả) có tên 
là “Logic học tán gái” được phỏng theo câu chuyện “Tình yêu là một ngụy biện” 
(“Love is a fallacy”) của Max Shulman.

Tôi là kỹ sư Công nghệ thông tin (CNTT) trong lứa tuổi hai mươi mấy: thân thể tráng kiện và tinh thần minh mẫn. Ở trọ chung với tôi là tên bạn nối khố, hai đứa tôi cùng mê một cô bé đang học tại Đại học Bách Khoa tên Hương, cũng theo ngành CNTT.

Dạo ấy phong trào mặc áo da đang lên cao nên thằng bạn chung phòng của tôi mới tậu một cái áo da bò vàng, với ý định dùng nó để cưa cô bé Hương. Phần tôi, tôi tin rằng với cái đầu sắc bén của một kỹ sư, với cái logic khổ luyện trong học đường của tôi, Hương sẽ thấy nó đáng giá gấp bội cái áo da màu vàng nhảm nhí ấy.

Rình rập mãi tôi cũng rủ được Hương đi chơi lần đầu. Thật đúng là sắc đẹp thường tỉ lệ nghịch với trí thông minh… Vì thế tôi quyết định phải dạy cô bạn gái tương lai của tôi logic trước khi tỏ tình. Tôi thì thầm bảo Hương:

– Em có muốn học logic không?
– Logic là gì hở anh?
– Logic là môn khoa học trí tuệ em ạ. Không có logic nói chẳng ai muốn nghe. Biết 
logic rồi có đuổi thì thiên hạ cũng kéo tới nghe mình buôn dưa lê đấy.
– Hay quá, thế anh dạy em logic được không?
– OK, nhưng trước khi học cách Lý Luận Đúng, em phải biết thế nào là Lý Luận Sai 
trước đã.
Từ người ta dùng để gọi những lý luận sai là “Ngụy biện”.
– Vậy anh dạy em ngụy biện trước nhé?

Tôi bắt đầu:

– Cái đầu tiên em phải biết là ngụy biện Thủ tiêu ngoại lệ!
– Là gì thế anh?
– Tức là Thủ tiêu ngoại lệ. Ví dụ nhá: người ta cứ nghĩ cô nào lấy chồng Việt Kiều 
cũng ham tiền, mình phải nói cho họ biết là…
– Đúng thế anh ạ. Gần nhà em có một con bé…
Tôi ngắt lời:
– Thế là sai em ạ: đâu phải ai lấy chồng Việt Kiều cũng là vì tiền. Cũng có người vì 
tình yêu, hay biết đâu họ quen nhau trước khi anh ta xuất ngoại. Đó là chưa kể đâu 
phải Việt Kiều nào cũng giàu hơn người trong nước?
– Ờ nhỉ. Logic vui quá anh nhỉ, anh nói tiếp đi.

– Cái logic sai thứ hai là Khái quát hoá vội vã. Ví dụ nhé: anh có ông bạn buôn thuốc 
lá bên Đức, em cũng có cô bạn buôn thuốc lá bên ấy… Vậy là ai ở Đức cũng buôn 
thuốc lá!
– Đúng đấy anh ạ, con bạn em nó…
– Đúng là đúng thế nào? Tôi bật cười: “Mình biết có hai người bên Đức buôn thuốc lá,
đâu có nghĩa là ai bên ấy cũng đi buôn”.
– Logic hay quá anh ơi, tiếp nữa đi anh.

– Bây giờ tới ngụy biện Nhân quả. Ví dụ nhá: đừng cho thằng em của em đi chơi theo 
chúng mình. Lần nào nó đi theo cũng mưa. Lý luận thế là sai vì trời mưa chả liên quan
gì tới nó cả.

Thấy Hương tròn xoe mắt thán phục, tôi nã đạn liên tục:
– Tiếp theo là ngụy biện Tiền đề mâu thuẫn: Nếu Thượng Đế làm gì cũng được, thì 
Thượng Đế có thể làm ra một cục đá nặng đến chính Ngài cũng không nâng nổi. Có 
đúng thế không em?
– Được chứ anh, chuyện nhỏ như con thỏ. Ngài có thể…
– Được là được thế nào? Nếu mà làm được thì có nghĩa là có một cục đá thượng đế 
không nâng nổi, mà lúc đầu mình nói là cái gì thượng đế cũng làm được mà.
Tôi nổi hứng nói tiếp, sùi cả bọt mép:
– Tiếng Việt ta gọi là Mâu Thuẫn. Em biết mâu thuẫn là gì không? Mâu là cái giáo. 
Xưa có một anh chàng bán cái mâu, anh nói: Mâu của tôi vô cùng sắc bén, đâm gì 
cũng thủng. Sau đó anh đem bán cái thuẫn, tức là cái khiên, anh lại nói: Thuẫn của tôi 
bền chắc vô cùng, không gì đâm thủng. Có người đi ngang bèn hỏi: thế lấy cái mâu 
của anh đâm vào cái thuẫn thì sao? Anh ta không trả lời được.
Hương nhìn tôi như Tử Cống nhìn Khổng Tử:
– Anh quả là thông thái, nhưng sao càng nghĩ em càng thấy nó kỳ kỳ thế nào ấy…

– Yên lặng nào, để anh giảng tiếp về Ngụy biện lòng trắc ẩn. Ví dụ nhá: có một anh 
chàng kia thi rớt, nên anh ta năn nỉ ban giám hiệu cho anh vào Đại Học, nói rằng mẹ 
anh ta đang ốm nặng, trước khi chết chỉ muốn thấy anh có được mảnh bằng. Cha anh 
ta là một nhà hảo tâm đóng góp rất nhiều cho xã hội, có công với đất nước… Nếu anh 
ta mà không vào được thì chắc mẹ anh ta sẽ đau lòng mà chết…
Hương thút thít khóc:
– Tội quá anh ạ, thôi thì cho anh ta…
Tôi gắt lên:
– Tội là một chuyện, nhưng xứng đáng hay không là chuyện khác. Bộ cứ bố làm việc 
công ích, mẹ đau nặng thì con cái được đặc quyền hay sao? Mà thôi, để anh dạy cái 
Loại suy sai lầm cho em.

– Loại suy sai lầm là sao hở anh?
– Ví dụ như bạn anh, nó nói là “Học sinh đi thi nên cho phép mang theo sách. Luật sư 
ra toà có sách luật, kỹ sư đi làm cũng có sách tra cứu, thế sao học sinh lại không 
được”?
– Em hoàn toàn nhất trí…
– Nhất trí cái con khỉ. Em tư duy lối mòn quá. Luật sư hay kỹ sư thì đi làm, còn học 
sinh đi thi để thầy cô kiểm tra xem họ học và nhớ được những gì mà. Hai việc hoàn 
toàn khác nhau.
– Anh thật là thiên tài, nói đến đâu em hiểu ra đến đấy.

Hứng chí quá, tôi vênh mặt lên:
– Cái ngụy biện tiếp theo là Ngụy biện giả thuyết. Ví dụ như ông thầy dạy Sử, ông ấy 
nói không có Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh thì chắc ta vẫn còn bị 
Bắc trị…
– Đúng đấy anh ạ, hồi ấy vua Lê…
– Đúng cái chỗ nào? Đúng là Ngài có công, nhưng nếu không có Ngài, có thể cũng sẽ 
có người khác đứng lên đánh đuổi quân Thanh mà, mà biết đâu lại lấy lại được Lưỡng
Quảng ấy chứ.
– Ừ nhỉ, cái ông Quang Trung này rách việc…

Tới đây thì tôi không còn đủ kiên nhẫn:
– Hương à, cũng khuya rồi, thôi để anh dạy em một cái ngụy biện cuối rồi hôm khác ta
học tiếp. Cái này gọi là Suy luận gièm pha. Ví dụ nhá: tên bạn chung phòng với anh, 
hắn nói “không nên đọc báo viết về CNTT, mấy tay nhà báo biết gì mà viết”.
Hương ngắt lời:
– Nói thế là sai vì đâu cứ phải dân CNTT mới biết CNTT, vả lại nhiều khi nhà báo họ 
có bạn làm CNTT anh nhỉ. Sao bạn anh tư duy lối mòn thế.
Tôi đắc chí:
– Ừ, thằng bạn anh nó lối mòn lắm em ạ.
 

* * * 

Đêm nào cũng thế, chẳng mấy chốc Hương đã sắc bén về logic chẳng kém ai. Đêm 
hôm nay, tôi dẫn nàng ra bờ hồ đi quanh quẩn. Đợi nàng mỏi chân, tôi dìu nàng ngồi 
xuống băng ghế đá thủ thỉ:

– Em à, tối nay anh không nói chuyện logic nữa, anh sẽ nói chuyện hai đứa mình.
Hương ngắt lời:
– Hai đứa mình đã có gì đâu mà nói hở anh?
– Em yêu, sao lại không? Mình đã đi chung với nhau cả tháng rồi, rõ ràng chúng ta rất 
hợp nhau.
– Anh ơi, đừng Khái quát hoá vội vã anh nhá.
– Em nói gì thế?
– Em nói anh Khái quát hoá vội vã. Đi chung với nhau đâu có nghĩa là hợp nhau hả 
anh. Vả lại, cũng mới chỉ có một tháng.

Tôi bật cười:
– Em đùa vui quá. Một tháng là đủ rồi em, đâu cần phải ăn hết cái bánh mới biết cái 
bánh ngon…
– Anh vừa Loại suy sai lầm đấy anh: em đâu phải là cái bánh. Anh so sánh khập 
khiễng quá.

Tôi cảm thấy gáy mình bắt đầu nóng lên:
– Hương à, em là niềm hy vọng của anh, em mà từ chối thì sao anh sống nổi, tội cho 
anh, cái công của anh mấy tháng nay…
– Ngụy biện lòng trắc ẩn anh ơi, tội là một chuyện, có công là một chuyện, xứng đáng 
hay không là chuyện khác.

Tôi thấy nóng bừng cả mặt:
– Em nói quái quỉ gì thế, em muốn logic hả? Được, anh cho em logic. Thế ai dạy em 
logic thế?
– Thì anh chứ còn ai vào đây.
– Tức là em nợ anh, không có anh thì làm sao em biết logic?
– Ngụy biện giả thuyết anh ơi. Không có anh thì có thể sẽ có người khác dạy, mà biết 
đâu lại chả dạy tốt hơn anh đấy chứ. Anh không nhớ Quang Trung Nguyễn Huệ à?

Tôi la lớn lên:
– Hương này, đâu phải cái gì học được cũng nên đem ra áp dụng? Đừng có nói loanh 
quanh nữa.
– Anh nhá, đấy là anh đang ngụy biện Thủ tiêu ngoại lệ đấy.

Đến đây thì tôi không kiềm chế nổi mình nữa:
– Em có thằng nào khác phải không? Thằng nào thế, em cứ nói tuột ra cho xong.

Hương dịu dàng đáp:
– Thì anh bạn chung phòng của anh đấy chứ ai.
– Cái gì? Nó là cái thằng Sở Khanh, anh ở chung với nó mấy năm nay, anh biết nó rõ 
lắm…
– Anh đừng có Suy luận gièm pha thế chứ.

Tôi thở dài:
– Thôi được, anh chịu thua em. Anh bỏ cuộc. Em giỏi lắm, chỉ xin em cho biết tên đó 
có cái gì hơn anh cơ chứ?

Hương mở tròn đôi mắt, thật thà đáp:
– Anh ấy có cái ÁO DA BÒ MÀU VÀNG.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

three × three =