THU QUỲNH
Tôi rất hãnh diện được lệ thuộc vào kiệt tác “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của giáo sư Lê Thành Khôi. Và ước rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những cuốn sách để người yêu sách chúng tôi được lệ thuộc!
Ngay từ những dòng đầu tiên này, cho phép tôi được thú nhận: Tôi không phải là một người đọc đam mê lịch sử nước nhà, cũng chẳng quá vồn vã với những tài liệu sử học, thậm chí còn có phần bị ám ảnh bởi những ấn tượng chẳng lấy gì làm tốt đẹp lắm với nhiều cuốn giáo khoa và tài liệu phục vụ công tác giảng dạy môn lịch sử khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi thế, khi ôm cuốn “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” (L’Histoire du Việt-Nam des origines à 1858) về nhà thì quyết định này của tôi được xuất phát từ ba nguyên nhân khá là đơn giản.
Thứ nhất, tôi bị cuốn hút bởi dòng chữ tựa đề của một bức tranh cổ viết không giống với chính tả hiện đại, được đặt ở vị trí dễ nhận thấy nhất trên trang bìa: “ĐINH . TIÊN . HOÀNG. TẬP . CHẬN . MẤY CHẺ MỤC ĐỒNG”. Dòng chữ này cho tôi thấy cơ hội được tìm hiểu về tiếng Việt thủa ban đầu, giai đoạn La tinh hóa chữ Nôm thành chữ quốc ngữ.
Nguyên nhân thứ hai có lẽ nhạt nhẽo hơn. Tôi tò mò muốn được khám phá tác phẩm của một giáo sư sử học mà với vốn kiến thức thiển cận của mình, tôi chỉ mới biết đến tên tuổi của ông khi ông được trao giải thưởng Phan Châu Trinh vào năm 2013.
Và cuối cùng, tôi chọn cuốn sách này vì tôi đã âm thầm ngưỡng mộ thứ ngôn ngữ dịch thuật của dịch giả Nguyễn Nghị từ khi đọc cuốn “Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII-XVII”.
Để rồi, ngay từ khi mở những trang đầu, đôi tay, đôi mắt tôi không thể rời khỏi cuốn sách như thể đã bị niệm thần chú “khắc nhập”. Và càng đọc, tôi càng cảm thấy mình giống một người lùn tình cờ lạc vào một mỏ vàng vô tận.
Đọc xong những trang cuối cùng, tôi lên mạng tìm thêm thông tin về cuốn sách, mới biết được rằng: cuốn sách được ca ngợi bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất, được đánh giá là một kiệt tác về lịch sử ở cả Việt Nam và thế giới. Xét ở vị trí một người đọc như tôi, nếu khen cuốn sách hay thì khác nào “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Bởi vậy, tôi chỉ xin phép được trình bày một vài cảm nhận rất riêng tư mà “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” mang đến cho tôi.
Ấn tương đầu tiên là lượng kiến thức khổng lồ mà tác giả đã chuyển tải vô cùng tài tình với cách sắp xếp, bố cục không thể khoa học hơn. Đề cập đến cả một thời kỳ dài dằng dặc, từ thủa bình minh lịch sử cho đến giữa thế kỷ XX, chỉ trong hơn 600 trang sách khổ 17x25cm nhưng có thể khẳng định là tác giả đã làm thỏa mãn nhu cầu thông tin của mọi đối tượng độc giả, từ những công chúng bình thường nhất đến cả những nhà nghiên cứu lịch sử khắt khe nhất. Dù là nhắc đến thời điểm nào trong cả quá trình lịch sử này, ta cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách này những thông tin không thể đầy đủ hơn về mọi mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa nghệ thuật, phong tục tập quán, tôn giáo, con người và cả những biến chuyển của điều kiện tự nhiên như địa chất, khí hậu… Và phần nào cũng được kể lại một cách hết sức cuốn hút và tự nhiên, giản dị và hàm súc. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa thể ngừng băn khoăn: Làm thế nào mà tác giả có thể chuyển cả kho sự kiện lịch sử đồ sộ, phức tạp, rối rắm ấy thành một cuốn sách gọn ghẽ đến thế? Hẳn phải là chuyện của phép màu!
Tôi có cảm giác rằng một hậu sinh như tôi có phần vô lễ khi nói đến sự nghiêm túc ở giáo sư Lê Thành Khôi. Bởi vì, qua cuốn sách này, tôi quá trân trọng và ngưỡng mộ tinh thần làm việc nghiêm túc của nhà sử học đáng kính ấy. Để có được một tác phẩm giá trị như “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX”, ông đã đầu tư đến vô tận công sức, thời gian, trí tuệ, sự kiên nhẫn… Chỉ cần thông qua phần chú giải và phụ lục của sách thì một độc giả vô tâm đến đâu cũng dễ dàng nhận thấy số lượng tài liệu khổng lồ mà ông đã tìm hiểu, nghiên cứu để phục vụ cho sự ra đời đứa con tinh thần của mình. Nói không ngoa thì số tài liệu tham khảo đó đủ để tập hợp thành một thư viện giá trị.
Với “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX”, giáo sư Lê Thành Khôi còn cho thấy tài năng của ông đã vượt xa tầm của một nhà sử học và xứng đáng được tôn vinh là nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Trong tác phẩm của ông, các sự kiện lịch sử không bao giờ phải đứng đơn độc mà chúng thường được nhìn nhận dưới một góc nhìn tổng quan, liên hợp cùng các yếu tố như con người, tín ngưỡng, tình cảm, điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội và tự nhiên, tính cách dân tộc… Điều đó cho thấy ở ông tầm nhìn rộng mở và tinh tế, vượt trước thời đại của một nhà khoa học. Điều đó cũng giúp bạn đọc như tôi có được góc nhìn trọn vẹn hơn về lịch sử – một vấn đề vô cùng quan trọng.
Văn phong trác tuyệt – đó cũng là một đặc điểm của cuốn sách khiến tôi rung động mạnh mẽ. Xưa nay, các nhà sử học thường đề cao tính chính xác và khách quan nên sách sử học thường loại bỏ hết các yếu tố thuộc về cảm xúc, từ đó khiến văn phong của sách sử cũng chịu không ít tổn hại. Nhưng ở giáo sư Lê Thành Khôi thì lại hoàn toàn khác.
Này nhé, “…Du khách đi qua châu thổ này có cảm giác về một sự nhạt nhẽo vô tận. Tuy nhiên, đây đó, cũng có một vài quả đồi đá phiến nổi lên đơn độc trông như những hòn đảo ngoài biển khơi…”
Hay, “… ở đây, nhà ở rộng mênh mông, dài như tiếng sóng vỗ…
Đây nữa, “… Thực ra, Việt Nam đã không sao chép nguyên si guồng máy nhà nước Trung Hoa mà thích nghi guồng máy này vào bối cảnh riêng của mình và chế độ chư hầu hoàn toàn chỉ có trên danh nghĩa. Đây không phải là một tình trạng lệ thuộc chính trị thực sự, mà là một sự ngưỡng mộ đối với nền văn hóa Trung Hoa cũng như một thái độ ngoại giao với cường quốc lớn nhất Viễn Đông…”
Và đây nữa, “… Khi tiếng gà gáy cất lên, đoàn quân của bóng đêm đã tản mát trong thiên nhiên. Người nông dân đã chôn súng và cầm lại cán cày. Cây lúa mọc lên chuẩn bị cho các mùa gặt mới”
Còn rất nhiều, rất nhiều những câu viết như với hình thái thể hiện tương tự trong cuốn sách hơn 600 trang. Vâng, có ai nghĩ đó là những câu viết trong một cuốn sách sử Việt? Vâng, hấp dẫn, giàu hình ảnh, đẫm cảm xúc, đậm hơi thở cuộc sống… chứ không khô khan, cứng nhắc, công thức hóa với các thông tin nối tiếp thong tin như đa phần các cuốn sách sử từng xuất bản ở Việt Nam. Ông đã làm cho tôi thay đổi hẳn góc nhìn về cách viết sử, đọc sử và cảm sử. (Tất nhiên, để có được những trang sách như vậy, công sức và trí tuệ của dịch giả Nguyễn Nghĩa bỏ ra cũng không hề nhỏ để có thể giữ gìn được linh hồn và văn phong mà tác giả gửi vào tác phẩm.
Bao giờ những cuốn sách như thế này mới được thay thế cho những cuốn giáo khoa nhàm chán trong nhà trường? Dám chắc làm được vâỵ thì các giáo viên dạy sử sẽ đỡ tốn hơi, hại phổi, mỏi tay nên thước xuống mặt bàn vì lũ trò lười không yêu sử nước nhà. Một thực tế đau lòng là cuốn sách này đã là tài liệu giảng dạy cho sinh viên ở nhiều trường đại học trên nước Pháp và nhiều nước khác trên thế giới. Còn ở Việt Nam, đến bây giờ, “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” mới được dịch và xuất bản lần đầu tiên.
Không muốn dài dòng hơn nữa nên tôi tạm kết thúc sự kính ngưỡng mà tôi dành cho tác giả và cuốn sách tại đây. Điều duy nhất khiến tôi thấy cuốn sách chưa hoàn hảo lại thuộc về phần nhà xuất bản. Đó là phần trình bày Bảng niên biểu lịch sử Việt Nam thuộc phần Phụ lục sách khiến độc giả có phần khó theo dõi. Giá như toàn bộ nội dung này được đầu tư in trên một khổ giấy đặc biệt để tất cả thông tin nằm trên một mặt giấy thì việc theo dõi, tra cứu của độc giả sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn tâm sự của một nhà dân tộc học xuất sắc người Pháp đã quá cố – ông Georges Condominas: “Cũng như nhiều người nghiên cứu Việt Nam, tôi đã sử dụng, trong gần ba mươi năm, quyển Le Việt-Nam, Histoire et civilisation của Lê Thành Khôi do Editionds de Minuit xuất bản năm 1955. Nhưng sau đó tôi gần như hoàn toàn lệ thuộc vào kiệt tác của ông mà nhiều người đã ca ngợi : L’Histoire du Việt-Nam des origines à 1858, do Sud-Est Asie xuất bản năm 1982”.
Vâng, tôi cũng vậy, tôi rất hãnh diện được lệ thuộc vào kiệt tác “Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” của giáo sư Lê Thành Khôi. Và ước rằng, sẽ có nhiều hơn nữa những cuốn sách để người yêu sách chúng tôi được lệ thuộc!
Nguồn: http://buzznews.vn/goc-nhin/uoc-co-nhieu-hon-nhung-cuon-sach-the-nay-de-toi-duoc-le-thuoc-21867.html