Sherlock Holmes đã thay đổi thế giới như thế nào

0
1428

Sherlock Holmes đã thay đổi thế giới như thế nào

 

Cộng đồng fan hiện đại sẽ không tồn tại nếu như không có sáng tạo của Conan Doyle.

Năm 1893, nhà văn Sir Arthur Conan Doyle đã đẩy thám tử Sherlock Holmes xuống từ một vách đá. Vách đá trong truyện nằm ở Thụy Sĩ, phía trên thác nước Reichenbach. Nhưng Conan Doyle chỉ cần làm việc “độc ác” này từ nhà với cây bút của mình. “Với trái tim nặng trĩu, tôi đang cầm bút lên viết lời cuối cùng này để ghi lại tài năng thiên phú mang dấu ấn của Ngài Sherlock Holmes bạn tôi” –  người kể chuyện, bác sĩ John Watson nói trong Vụ án cuối cùng (The Final Problem), truyện của Conan Doyle đăng trên tạp chí The Strand vào tháng 12/1893.
 

Tuy nhiên bản thân Conan Doyle dường như lại không xúc động như vậy. “Đã giết Holmes”-  ông viết trong nhật ký. Điều này khiến ai đó có thể tưởng tượng ra hình ảnh Conan Doyle, với mái tóc vuốt bóng ngược ra sau nhập nhòa trong ánh nến, đang mân mê đoạn ria mép của mình với niềm hân hoan. Về sau ông đã nói về nhân vật nổi tiếng của mình như thế này: “Tôi có cảm giác phát ngấy với anh ta giống như cảm giác trước món pa-tê gan ngỗng (paté de foie gras), món tôi từng ăn quá nhiều đến nỗi ngày đó chỉ cần nghe đến tên đã khiến tôi muốn bệnh.”

Phản ứng của công chúng trước cái chết của Holmes không giống như bất cứ hiện tượng văn học nào trước đó.

Vào lúc hoàn tất bản in cuối của Holmes, Conan Doyle có thể đã nghĩ, thế là hết. Nếu vậy, hẳn ông đã không hiểu rõ người hâm mộ – nhất là người hâm mộ Holmes – lại càng không. Phản ứng của công chúng trước cái chết của Holmes không giống như bất cứ hiện tượng văn học nào trước đó. Hơn 20.000 bạn đọc tạp chí Strand đã hủy bỏ đặt tạp chí trong sự tức giận do Holmes ra đi quá đột ngột. Tờ tạp chí suýt chút nữa thì “chết yểu”. Nhân viên ở đây vẫn còn nhắc đến cái chết của Holmes như một “biến cố tồi tệ”.


Sidney Paget là họa sĩ minh họa ban đầu cho những câu chuyện Sherlock Holmes và ông gợi y tầm nhìn này cho thác câu chuyện Reichenbach (Ảnh: Wikipedia)

Người ta kể rằng thanh niên thành phố London lúc bấy giờ đã chùm vải tang lên mũ và cánh tay của họ vào cái tháng mà Holmes chết, dù câu chuyện này chưa có ai xác thực. (Nhiều tín đồ mê Holmes cho rằng câu chuyện có thể chỉ là một sự phóng đại do con trai của Conan Doyle “tuyên truyền” trong các cuộc phỏng vấn.) Những độc giả giận dữ đã viết cho tạp chí trong phẫn nộ: “Đồ cầm thú!” – mở đầu một bức thư viết cho Conan Doyle. Người Mỹ bắt đầu lập ra những câu lạc bộ “Hãy để cho Holmes sống” (Let’s Keep Holmes Alive). Conan Doyle khi bị mắc kẹt bởi chính hành động của mình và phải đối mặt với những cuộc chống đối, đã gọi cái chết là “giết người hợp lý” – nhưng người ta cho rằng có lẽ cái lý đó chỉ là của riêng ông chứ không phải của Moriarty.

Điều này nếu vào những năm 2015 chắc cũng chỉ được coi là bình thường. Nhưng lúc đó, Conan Doyle có đủ lý do để sốc trước làn sóng chỉ trích. Người hâm mộ (fan) chưa từng tỏ ra như vậy. (Thực tế lúc đó họ thậm chí còn chưa được gọi là fan. Thuật ngữ ngắn gọn của fanatic chỉ bắt đầu được sử dụng khi gọi những người đam mê bóng chày Mỹ.) Độc giả vẫn thường chấp nhận những gì diễn ra trong những cuốn sách ưa thích của họ, rồi đọc tiếp cuốn khác. Nhưng giờ họ bắt đầu cá nhân hóa văn hóa đại chúng, mong chờ những tác phẩm ưa thích đáp ứng những kì vọng của họ. Họ dường như thực sự mong chờ có một mối quan hệ tương tác với những tác phẩm họ yêu mến.

Fan cuồng nhiệt
Chính những độc giả cuồng nhiệt của Sherlock Holmes đã góp phần tạo nên hình thức hiện đại của cái gọi là cộng đồng fan (fandom). Thú vị là, sức ảnh hưởng mãnh liệt của Holmes vẫn còn tiếp tục đến ngày nay, khi từ đó đã sinh ra vô số những tác phẩm mô phỏng như sê-ri truyền hình Elementary của Mỹ hay Sherlock của BBC (sê-ri mới quay trở lại với món quà đặc biệt vào ngày đầu năm mới, khi cho Sherlock và Watson hiện đại quay về thời Victoria).

Vì Holmes, Conan Doyle đã, như một nhà sử học từng viết, “nổi tiếng như Nữ hoàng Victoria”.

Holmes lần đầu xuất hiện năm 1887, trong truyện ngắn Chiếc nhẫn tình cờ (A study in Scarlet). Ngay từ đầu ông đã trở nên nổi tiếng – nổi tiếng đến mức Conan Doyle sớm hối hận vì đã tạo ra ông, vì những câu chuyện về Holmes gần như hoàn toàn lấn át những tác phẩm Conan Doyle xem trọng, ví dụ như tiểu thuyết lịch sử Micah Clarke. Độc giả xếp hàng dài ở quầy báo The Strand trong ngày phát hành mỗi khi có truyện mới về Holmes được đăng.  Vì Holmes, Conan Doyle đã, như một nhà sử học từng viết, “nổi tiếng như Nữ hoàng Victoria”.

Người hâm mộ Holmes thực ra chủ yếu là tầng lớp trung lưu mới nổi, nhóm người mà khẩu vị văn chương thường bị các nhà phê bình “sang trọng” dè bỉu là tầm thường, trong tận hơn một thế kỉ sau đó. Họ là những người chẳng bao giờ “chạm đến” được các buổi hòa nhạc, những người phải chờ mua phiên bản rẻ của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng. Nhà sử học David Payne đã miêu tả họ như “phần lớn những người dưới trung lưu và trung trung lưu của đô thị, những người không có trí tuệ, không học trường công, chỉ biết làm việc, và ngày càng tăng – giai cấp đại chúng hiện đại đầu tiên.” The Strand đã nhắm đến họ bằng thứ mà ngày nay chúng ta phải công nhận là thú vị và tinh túy (high-concept) – truyện kì bí và khoa học viễn tưởng – từ những cây viết như HG Well và Jules Verne.

Nhu cầu đọc Holmes dường như không bao giờ là đủ. The Strand sẵn sàng trả công xứng đáng cho Conan Doyle để đổi lấy bất cứ thứ gì về Holmes. Nhưng ông không có ý định dành cả cuộc đời còn lại để tạo ra và giải quyết những vụ án tưởng tượng. Ông chỉ định kiếm thêm để hỗ trợ cho thứ nghệ thuật thực sự mình theo đuổi, những tiểu thuyết chứa đầy những ý tưởng và tuyên bố chính trị mà ông xem trọng.

Năm 1903, ông đã tiến thêm một bước bằng việc hồi sinh cho Holmes với lời giải thích là chỉ có Moriarty chết bên thác nước.

Năm 1893, khi Conan Doyle 34 tuổi, ông cảm thấy Holmes đã quá đủ và muốn trở thành Sir Walter Scott (tiểu thuyết gia lịch sử). Vì vậy ông để Giáo sư Moriarty độc ác đẩy Holmes xuống thác nước. Phải mất 8 năm, nhưng dù sao, đến 1901, áp lực dư luận quá nặng nề cũng đã khiến Conan Doyle phải viết một câu chuyện mới, Con chó săn của dòng họ Baskervilles (The Hound of the Baskervilles), nói về Holmes trước khi chết. Năm 1903, trong Bí mật ngôi nhà trống (The Adventure of the Empty House), ông đã tiến thêm một bước và hồi sinh Holmes với lời giải thích rằng chỉ có Moriarty là chết tại thác nước, còn Holmes chỉ giả chết. Người hâm mộ vô cùng phấn khởi.

Cuộc sống sau khi chết
Từ đó người hâm mộ Holmes ngày càng “phát cuồng” hơn. Chỉ có khác biệt duy nhất là ngày nay chúng ta đã quen với những siêu cộng đồng hâm mộ (super-fandom) như vậy. Dù thế, sê-ri Sherlock của BBC, trong một thời gian cũng thu hút được những thành phần cuồng nhiệt nhất của cộng đồng fan Holmes. Người hâm mộ phim, trong đó Benedict Cumberbatch đóng vai Holmes hiện đại, thường lui tới cửa hàng sandwich được Sherlock và Watson của ông (Martin Freeman đóng) ưa thích, là Speedy’s Café. Họ đứng đầy các con phố khi đoàn làm phim ghi hình tại đó, đến mức độ làm quá trình sản xuất bị ảnh hưởng. (Gần một nghìn người từng xuất hiện tại địa điểm trên phố Baker này, nơi trong thực tế là phố Gower.)
Tại  Trung Quốc, người hâm mộ “truyền bá” những fan fiction (truyện do fan viết với nhân vật chính là nhân vật của tác phẩm) công phu giả định Sherlock và Watson là một cặp đôi đồng tính. Người hâm mộ tại Nhật thì say mê truyện tranh Sherlock. Nhóm nhạc pop Hàn Quốc SHINee còn cho ra cả một bài hát liên quan. Fan của Cumberbatch còn có tên tiêng là “Cumberbitches”, nổi tiếng với những hành động “ở đẳng cấp Beatles” dành cho thần tượng trong mơ của họ.

Là phim truyền hình, Sherlock đã duy trì được một mối quan hệ “phức tạp” với fan của mình. Thỉnh thoảng các nhà sản xuất lại tung ra một cảnh để làm vui lòng fan – hay như trong tập đầu của phần 3, cả tập đã được xây dựng dựa trên những giả thuyết của fan về cách  Sherlock giả chết, cũng là để liên hệ với Bí ẩn ngôi nhà trống. Nhưng Steven Moffat, nhà đồng sản xuất của phim, lại thường không “đếm xỉa” gì đến fan trong khi Cumberbatch không thoải mái và cho rằng những fan fiction về Sherlock thật vô lý. Chắc họ không biết có nên xem bản thân bộ phim là “fan fiction” dựa vào tác phẩm thời Victoria của Conan Doyle hay không.

Tôi nghĩ Doyle đã khơi mào ý tưởng rằng những người quá thông minh thì thường cũng phải trả cái giá là có một vài rối loạn chức năng xã hội nào đó – Steven Moffat
 

Tất nhiên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Sherlock chỉ là minh chứng cho việc người hâm mộ yêu mến tác phẩm như thế nào. Nhưng điều đáng nói là người hâm hộ Sherlock Holmes đã sẵn sàng chìm đắm vào câu chuyện hư cấu xung quanh vị thám tử tưởng tượng đến hơn 120 năm, trải qua rất nhiều, rất nhiều phiên bản.

Đồng sản xuất Sherlock, Mark Gatiss, kiêm diễn viên đóng vai anh trai của vị thám tử là Mycroft, công nhận rằng Conan Doyle đã tạo ra những nhân vật trường tồn với thời gian: “Tôi nghĩ hơn tất cả, điều khiến mọi người hưởng ứng chính là niềm vui có từ bộ phim, đó cũng là điều thể hiện trong nhiều tác phẩm của Doyle,” – ông trả lời Al Jazeer America. “Năm này qua năm khác với nhiều phiên bản khác nhau và cả phiên bản thời Victoria, mọi người đã phần nào quên rằng những câu chuyện đó thú vị không thể tả! Chúng là những câu chuyện có thể đọc nhanh, vui vẻ ly kì, những cuộc phiêu lưu thót tim và đây chính là thứ mà chúng tôi thực sự, thực sự muốn làm.”

Gatis cũng nhấn mạnh rằng Holmes là một trong những nhân vật thám tử hư cấu nguyên bản – phần lớn những nhân vật phá án sau này đều là bản sao của ông hoặc để đối lại ông: “Từ đó trở đi mọi người đều chịu ảnh hưởng từ hình tượng Sherlock và bác sĩ Watson. Agatha Christie đã làm điều này một cách rõ ràng khi xây dựng nhân vật Poirot với hình dáng thấp và mập mạp , trái ngược với Sherlock cao và gầy. Poirot cần một Watson, vì thế bà tạo ra Đại úy Hastings. Bạn có đi đến đâu thì mẫu số chung vẫn như thế. Tôi nghĩ đó là lý do câu chuyện bất tử.”

“Tôi nghĩ Doyle, ngay từ bên ngoài thế giới của những cuộc phiêu lưu, đã khơi mào ý tưởng rằng những người quá thông minh thì thường cũng phải trả cái giá là có một vài rối loạn chức năng xã hội nào đó, điều mà chúng tôi tận dụng như một thứ có thể dùng để kể chuyện” – Moffat nói. “Holmes là thiên tài, vì vậy ông ấy có chút lạ lùng. Tôi không biết ngoài đời thì thế nào, nhưng chuyện đó xảy ra trong các tác phẩm hư cấu rất nhiều.”

Nói cách khác, đẩy Sherlock Holmes xuống vách đá cũng không có nghĩa là giết được ông. Ông sẽ luôn luôn quay lại, trong thế hệ này rồi lại thế hệ sau. Người hâm một sẽ rất mong chờ điều đó.

Nguồn: Bookaholic
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

3 × 1 =