(Không biết là may hay không may, buổi trò chuyện diễn ra thực tế cũng không mấy đông để có thể khiến tôi run)
Để nói về việc “Xây dựng nền tảng tự học” – tôi đoán rằng mọi người sẽ kì vọng ở mình với vai của một giáo viên được xem là có kinh nghiệm – 10 năm làm ở trường học và gần 3 năm làm độc lập. Nhưng, hơn hết, tôi luôn xem mình là một người học. Tôi biết ơn việc cuộc đời đã cho mình may mắn chọn làm giáo viên – để thuận lợi cho việc hiểu và tiếp tục học.
Tôi tự hỏi mình “Mình đã học như thế nào?” Quả thật, những năm ngồi trên ghế nhà trường, nếu chọn màu cho bức tranh học tập thì hẳn đó sẽ là màu xám. Chỉ khi đi làm, phải đi “dạy” người khác học, tôi đã tự học lại từ tri thức toán, tiếng việt… tiểu học cho đến triết học, tâm lý học… Bất cứ điều gì tôi thấy thích thú và cần thiết cho bản thân và công việc. Tôi quen biết nhiều bạn bè mà với guồng quay cuộc sống, sau giáo dục phổ thông, họ (buộc phải) từ bỏ học tập. Tiếp tục tự vấn, sống trong không gian màu xám kia, hẳn tôi cũng chán nản “sự học” chứ? Làm sao tôi có thể vượt qua để tiếp tục học? Động lực nghề nghiệp liệu có đủ để tôi thấy “được” chứ không phải “bị” học?
Một người thầy của tôi trước đây nói rằng may mắn của tôi là không bị giáo dục nhà trường tác động. Tôi nghĩ, với tư cách là một đứa trẻ, chắc chắn là tôi không đủ sức để nhảy ra khỏi hẳn những khuôn mẫu, những cuộc ganh đua… Tôi cố tìm lại những chiếc mầm, những đấu tranh bên trong “tôi trước 18 tuổi” – thứ mà thầy tôi đánh giá là các nguồn lực bên ngoài đã chưa chạm tới. Cũng chính những thứ này, tôi quan sát ở học sinh của mình. Tôi, cùng một vài đồng nghiệp trước đây, cùng những người mà tôi đã có cơ hội để chia sẻ, chăm chút để nuôi dưỡng sự học suốt đời cho trẻ hơn là chỉ chăm chú vào các tri thức cụ thể.
Video cuộc trò chuyện Path of Book #1: Tự chủ và tự học trên đường đời
Phiên bản giáo dục phổ biến
Tôi sẽ mô tả cho mọi người phiên bản giáo dục mà ta thường gặp hơn cả. Tôi nói “thường gặp” bởi vì tôi tin và biết rằng còn có những mô hình giáo dục khác nữa.
+Học thuộc đủ các bảng: cộng, nhân, tiểu sử tác giả, thơ, văn…
+Luyện tập cho thành thạo từ viết văn`, giải toán, các cấu trúc tiếng anh…
+Thi đua: Các cuộc thi học sinh giỏi cấp trường, huyện, thành phố, quốc gia
Hoặc Các cuộc thi ở trung tâm học thêm, tổ chức cá nhân, tổ chức giáo dục quốc tế…
+ “Không học thì sau đi quét rác đó con ạ”
“Không học thì làm sao kiếm được tiền”
+ Các hình phạt, mắng mỏ, phạt đòn…
Hoặc ngược lại: Mẹ ơi, nay con được cô thưởng cho sticker
Nếu đạt… thì sẽ được ăn kem, đi siêu thị…
+Phát triển toàn diện
…
Một buổi trò chuyện sẽ không đủ không gian để tôi cùng mọi người có thể đi sâu vào các vấn đề triết lý hay phương pháp của những mô tả trên. Tuy vậy, tất cả những chỗ tôi để “hoặc ngược lại”, để mời mọi người nghĩ về Lý thuyết hành vi được áp dục trong giáo dục. Áp dụng một cách triệt để. Nói nôm na thì thuyết hành vi chính là các hành vi mà người dạy (thầy cô, cha mẹ…) mong đợi ở trẻ em sẽ được hình thành và củng cố bằng các hình thức thưởng phạt. Các hình thức thưởng phạt được khuyến khích sử đa dạng và tinh vi vô cùng. Tôi khen một em học sinh to trước cả lớp “Bạn A đã rất chăm chú lắng nghe…” để nhắm vào những học sinh còn lại mong các em sẽ “chăm chú lắng nghe” như bạn A. Nhóm giáo viên chúng tôi đã từng có những buổi thảo luận sau vào các hình thức thưởng phạt như vậy để làm gì?
Và với sự áp dụng thuyết hành vi triệt để trong giáo dục như mô tả trên, rất đáng để chúng ta đặt câu hỏi:
Ta sẽ học vì điều gì? Vì sợ? Vì thích được khen? Vì phần thưởng?
Động lực học tập nên là gì?
Cơ hội bao nhiêu trong cảm xúc lo sợ/hung phấn ta có thể nhận ra vẻ đẹp của ngôn từ, hay sự hữu dụng của một bài tập thể lực…
Còn lại bao nhiêu thời gian trong guồng quay giáo dục đó cho ta “lắng” lại để hiểu mình muốn gì? Mình băn khoăn điều gì? Cái gì mình không thích?…
Suy ngẫm từ trải nghiệm
Gần đây tôi đọc nhiều Montessori, bà có gợi ý một điều đáng suy ngẫm: Khi ta làm giáo dục, điều ta làm là cố gắng để ít sai hơn. Mất cả trăm năm để có thể tạo ra một thay đổi lớn mang tính hệ thống. Nhưng con/cháu/học sinh của chúng ta lớn lên mỗi ngày. Ta có thể làm gì để “ít sai hơn”. Hay, có thể bổ sung vào những chỗ “khuyết thiếu” cho một nền giáo dục đại chúng? Hay, cũng để thử tạo hạt mầm cho việc đa dạng hình thức giáo dục…
>> Đọc thêm về chủ đề giáo dục:
- Sự lỡ hẹn của Giáo dục Montessori – Book Hunter
- Hệ tư tưởng cấp tiến về giáo dục tại gia: hành trình của John Holt từ phê phán trường học tới biện hộ cho giáo dục tại gia – Book Hunter
- Ivan Illich: xóa bỏ trường học, cộng sinh và học tập suốt đời – Book Hunter
Sự tò mò và câu hỏi
Hình ảnh một đứa trẻ thường được nổi bật bởi việc Tò mò về mọi thứ. Hàng vạn câu hỏi về thế giới. Rồi khi lớn lên, ta sẽ thấy những con người dần quy phục trước các luật lệ, khuôn mẫu. Tôi muốn gợi ý việc nuôi dưỡng sự tò mò đó. Có lúc nó sẽ sôi nổi bộc lộ ra ngoài. Theo thời gian, có lúc nó ẩn tàng. Có lúc nó là về thế giới xung quanh. Lại có lúc nó quay vào bên trong. Nhưng, nếu nó luôn như ngọn lửa, khi cháy dữ dội, khi âm ỉ, khi bập bùng… nó sẽ duy trì sự học tập suốt đời.
Nhưng, đừng nghĩ về hành động hay làm một cái gì đó vội. Trước tiên, chúng ta bắt đầu từ việc quan sát câu hỏi của con/cháu/trẻ em xung quanh mình. Ta sẽ biết trẻ đang quan tâm tới điều gì.
Có một khóa học sinh mà tôi nhận dạy 2 lớp cùng khối 4. Một lớp luôn hứng thú với các câu hỏi Tại sao, các em sẽ nghĩ mọi cách lý giải, tìm các cách làm khác nhau mà hết giờ vẫn muốn tiếp tục không chuyển nội dung. Tôi nhìn ánh mắt của những em phát biểu cũng như cả các em chăm chú lắng nghe. Nhưng ở lớp còn lại, các em sẽ đáp lại tôi bằng sự im lặng với câu hỏi đó, sự sôi nổi chỉ xuất hiện khi được hỏi “làm như thế nào”. Các em sẽ thích được giao bài tập thực hành. Và dù cùng một chương trình, tôi luôn phải điều chỉnh giáo án để phù hợp với mỗi lớp trên những quan sát đó.
Con của một người bạn thân của tôi, khoảng 4, 5 tuổi. Trong suốt một chuyến đi, luôn hỏi mọi người “Tại sao thế này, tại sao thế kia…”. Phải thú thật, tôi cũng dần cạn kiệt năng lượng vì phải tiếp chuyện em với 1 mô thức hỏi – đáp “tại sao… ạ” “vì… nhé”. Tôi thử đề xuất em đổi mẫu câu hỏi thành “làm thế nào”. Thật thú vị, em im lặng suy nghĩ. Sau đó, em có những câu hỏi khác đi.
Tôi thấy may mắn vì mình đưa ra các quyết định dựa trên thông tin thu thập được từ việc quan sát các câu hỏi của các em.
Các em không đưa ra câu hỏi từ “hư không”. Nó đều bắt đầu từ các bối cảnh. Là người hướng dẫn các em, chúng ta cần “tạo” ra các bối cảnh – hay thực ra là tận dụng các bối cảnh thành vật liệu để nảy sinh băn khoăn. Từ đó, giúp các em diễn đạt được một câu hỏi đúng với nhu cầu thực sự mà em muốn biết. Tôi có một nhóm các em dưới 15 tuổi gặp nhau hằng tuần để cùng suy tư. Một nhóm mà khi phụ huynh và bạn bè hỏi “dạy/học cái gì” tôi đều không biết kể từ đâu. Tôi bắt đầu với các em bằng một cuốn sách tranh hấp dẫn, cùng nhau đọc và tìm hiểu một số khái niệm khó (cụ thể hôm đó là về cảm xúc”. Tôi dành khoảng 15’ cuối để các em được quyền hỏi và băn khoăn. Không một em nào đưa ra câu hỏi, thậm chí chỉ là 1 nhận định gì đó. Các em ở trường học, vốn quen với việc ĐƯỢC HỎI – TRẢ LỜI hơn là làm người đi hỏi. Sau này, tôi mất một năm, để chuẩn bị cho các em việc chuyển đổi sang vai trò “tôi sẽ là người đi hỏi”. Có thể chúng ta sẽ thấy buồn cười: những đứa trẻ vốn tự nhiên đã hay hỏi ở đâu mất rồi?
Một năm đó, chúng tôi đã làm quen để không thấy ngại nhau. Chúng tôi đọc sách, đi dạo, uống trà, gặp gỡ cô điều dưỡng bệnh viện, cô giáo dạy yoga… Tôi chọn một vài mẩu ngắn trong Hoàng tử bé để các em thử sức lại việc đặt câu hỏi. Có thể tôi đã sai lầm trong việc lựa chọn phương pháp làm mẫu. Nhưng khi đó, với nhóm, tôi xem mình là một người học cùng các em. Tôi bắt đầu bằng câu hỏi “Tại sao”. Chúng tôi đã có 2, 3 buổi sau mà tất cả các em cũng hỏi “tại sao”. Và khi một em trong lớp đưa ra câu hỏi “Ông kế toán kia làm cách nào mà đếm được hết sao trên trời?” nhóm chúng tôi đã thực sự chuyển đổi trạng thái. Với một giáo viên, tôi xem đó là giây phút “Ơ rê ka”.
Nhưng chúng ta lúc nào cũng sống giữa những “bối cảnh”, các em vẫn có thể chẳng nảy sinh bất kỳ thắc mắc gì. Vật liệu hay bối cảnh sẽ không trở thành sự quan tâm của trẻ nếu trẻ không quan sát, không cảm nhận được nó qua các giác quan của mình. Giáo dục giác quan thực ra là lĩnh vực đang rất thiếu vắng trong giáo dục hiện nay. Những thứ tưởng như đương nhiên vận hành.
Hai em học sinh gần đây nhất của tôi, khi tôi mời các em kể cho tôi nghe những thắc mắc, câu hỏi của các em trong thời gian gần đây (tuần này, tháng này). Các em viết ra những câu hỏi như: Mai mấy giờ học hả mẹ? Bài tập này làm như nào? Sáng mai ăn gì?…
Tôi mở sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 của cháu trong nhà, vô tình mở đến bài học về đô thị và có câu hỏi: Em cho biết đô thị nơi em sống có tên là gì?
Ở hai câu chuyện trên, ta thấy mẫu câu hỏi nói chung đều là dạng câu hỏi có 1 đáp án đúng, hay cần câu trả lời cung cấp thông tin. Tất nhiên, các câu hỏi này luôn có giá trị nhất định và sự cần thiết. Nhưng, sẽ là nghiêm trọng, nếu việc giáo dục các em thiếu đi những câu hỏi mà không chỉ có 1 đáp án, những câu hỏi gợi mở suy tư sâu. Việc kể tên đô thị hẳn là dễ dàng. Nhưng tôi sẽ thường hỏi thêm các câu kiểu như “Điều gì ở A làm em/con/cháu nghĩ rằng nó là một đô thị”…Kiểu giáo dục hời hợt sẽ hàm chứa phần lớn các câu hỏi – câu trả lời chỉ cung cấp thông tin và ghi nhớ. Những thao tác tư duy khác như phân tích, so sánh, tổng hợp, sáng tạo… sẽ bị lãng quên và biết đâu đấy, không có cơ hội phục hồi khi chúng ta trở thành những người lớn.
Sự vượt khó
Một đứa trẻ với sự tò mò nhiều thứ thì khi bắt đầu một điều gì cũng thường dễ hào hứng, vui vẻ nếu đúng quy luật của nó. Nhưng, kể cả khi ta làm việc mình thích, đam mê, liệu có không bao giờ thấy mệt mỏi, thất vọng, chán nản… Trường học có câu slogan viết rất to “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tôi cho đó là một lựa chọn sai lầm ngay từ đầu chứ không ở chỗ cách thực hiện. Nó tạo ra các ảo tưởng, hiểu sai hay chí ít là không đầy đủ về việc học tập. Với vai trò của 1 giáo viên, những năm trước khi rời trường học, tôi thực sự ‘rùng mình” với những gạch đầu dòng cho giáo viên là phải tạo ra những tiết học vui vẻ, nhiều trò chơi khởi động, nhiều hoạt động ra ngoài trời bất chấp bộ môn bạn dạy là gì…
Thay vì thế, tôi thấy sẽ phù hợp hơn khi mô tả sự yêu thích phải bao gồm cả sự vượt chán, vượt khó… nữa. Điều này cũng phải mãi khi đi dạy học, tôi mới thấm đượm. Ta không làm điều mình thích với sự hừng hực, hăng hái, mà với thái độ điềm tĩnh, kiên định đến cùng. Ta có thể yêu cầu môi trường xung quanh đảm bảo tốt nhất cho việc học. Tôi ghi nhận những yêu cầu của trẻ để thay đổi môi trường học tập, những nhờ cậy giúp đỡ các nguồn lực… ít nhất trên mặt tinh thần.
Và cũng từ mô tả đó, tôi chấp nhận việc chán nản, mệt mỏi, thấy khó… là một phần của tiến trình. Và các em cần được hỗ trợ để “vượt khó”. Một số bố mẹ gặp tôi và phàn nàn về việc con không chịu “đọc sách” như một sự “vô ơn” “lười biếng”… Nỗ lực của tôi cho đến giờ để chia sẻ về việc đọc sách cũng cần vượt khó, cần nhiều sự hỗ trợ của người lớn chứ không chỉ là một hoạt động kiểu “biết đọc là làm được” hay “thú vui giải trí” chưa có nhiều hiệu quả. Tôi luôn muốn nói cho mọi người việc một đứa trẻ phải đặt tên lại cho nhân vật là Hoa, Minh, Thủy… để thay thế cho tên nước ngoài mà em không nhớ được, việc bài tập ở trường là gánh nặng tinh thần và thời gian thế nào, việc các em được khuyến khích được và xem Review sách – phim để có thông tin cho nhanh…
Gần đây, khi 1 học sinh khác của tôi nói “bao giờ bắt đầu đi học cô, em cũng thấy mệt mệt, lười lười. Nhưng khi học rồi, em thấy nó cũng hay và thú vị”… với tôi là một lời khen đáng kể cho cả tôi và em. Hay khi các em nhọc nhằn đọc cả năm mới trả cuốn “Mèo dạy hải âu bay” rồi nói với tôi “Cô ơi, đọc khó nhưng rồi hóa ra nó cũng hay” chúng tôi cùng cười.
Tư duy phản biện
Vì buổi nói chuyện sẽ diễn ra trong một không gian Café sách và trong chuỗi “Path of Book” của Book Hunter, tôi cũng muốn chia sẻ thêm gợi ý về việc có thể nuôi dưỡng tư duy phản biện cho các em. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, sách không phải là “thần dược”, sách cũng cần chọn lọc. Tuy nhiên, sách dù tốt hay xấu, phù hợp hay không, chúng ta vẫn luôn có thể có cớ để trò chuyện.
Trước đó, tôi muốn xác nhận quan điểm bản thân về tư duy phản biện không theo nghĩa để “chê bai” người khác, dùng ngôn ngữ để lấn át hay thắng thế trong các cuộc thi vẫn đang diễn ra ngoài kia khi bạn bốc thăm được ý kiến nào thì sẽ lý luận bảo vệ cho ý kiến đó dù niềm tin của bạn ở hướng ngược lại hoặc bạn cũng không có sự quan tâm cá nhân nào tới vấn đề đó.
Tôi bắt đầu nuôi dưỡng tư duy phản biện cho các em bằng việc lý giải. Lý giải được những điều mình thích, mình không hài lòng. Lý giải được hành động, cảm xúc của các nhân vật trong sách…
Tất nhiên, lúc bắt đầu, các em thường sẽ có câu trả lời kiểu “bình thường ạ” “không biết ạ”…Nhiều khi các em sẽ lặp lại nhiều đến mức khiến người lớn cũng thấy nản. Các bố mẹ cũng sẽ đồng cảm sự nản lỏng đó với tôi. Từ đó, tôi phải chia nhỏ các câu hỏi hơn, hoặc đưa ra những gợi ý, câu hỏi có không… miễn là để cuộc giao tiếp được tiếp tục. Các em sẽ dần cảm nhận được tôi muốn lắng nghe những lý giải của chính các em. Rồi một ngày, các em sẽ chủ động muốn chia sẻ.
Rất nhiều bố mẹ, bạn bè nói với tôi, để thực hiện một vài điều những điều trên đều thực sự khó quá. Chúng ta dường như phải “thay đổi” bản thân mình trước rồi mới có thể làm điều gì đó cho con. Dường như làm bố mẹ thời bây giờ áp lực hơn bao giờ hết, vừa phải là một chính mình tốt hơn, vừa phải là một cha mẹ tốt hơn. Thời gian còn làm ở trường học, mỗi khi phải làm hội thảo cha mẹ để ngầm giúp họ thành “những nhà giáo dục”, tôi dần trở nên đồng cảm hơn với họ, thấu hiểu được nỗi áy náy mỗi ngày khi họ gần con cái, nỗi lo lắng “mình không đủ tốt”. Và tôi, không thích bắt đầu từ việc “thay đổi chính mình” cho bất kì cuộc trò chuyện, tư vấn nào đối với phụ huynh (với tôi, như một sự phủ nhận bản thân sẽ dẫn tới bi kịch). Thường, tôi sẽ “đùa” mọi người, như dân gian vẫn gợi ý, chọn việc dễ dàng nhất để bắt đầu trước, và một việc thôi đã.
Nguyễn Thị Bích Thủy
Nguồn: https://bookhunter.vn/xay-dung-nen-tang-tu-hoc-truoc-15-tuoi/