TIP DẠY CON: ĐỂ CON KHÔNG SỢ VIẾT VĂN

0
72

(Bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh – Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, người sáng lập Thư viện “Sách ơi mở ra”).

Hôm nay bạn Hải Nam được chính thức viết bài văn đầu tiên trong cuộc đời. Trước đó bạn ấy cũng có viết được vài đoạn, nhưng là tự nghĩ tự viết, không có ai đặt hàng cả. Lần này là nhiệm vụ cô giao, trọng đại hơn hẳn, oai phong hơn hẳn.

Bạn ấy ngồi viết, rất nghiêm túc chăm chú, thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, hình ảnh đẹp đẽ và cảm động tới nỗi  tôi đã đề nghị bạn ấy cho mẹ quay camera. Tôi có thói quen ghi lại những khoảnh khắc “lần đầu tiên” của con: lần đầu tiên con  biết lẫy, lần đầu tiên chập chững biết đi, lần đầu tiên đi học, lần đầu tiên biết đọc… bởi đó là những khoảnh khắc đáng yêu và tuyệt vời nhất trong cuộc đời làm mẹ.

Có lẽ, hầu hết bọn trẻ con đều bắt đầu đi học, bắt đầu viết văn với một tâm thế say mê và háo hức như vậy cả.

Nhưng mà, chẳng mấy chốc, khi lớn hơn một chút, chúng có thể sẽ coi viết văn là một cực hình, chẳng khác nào tra tấn. Tôi chứng kiến có bạn học sinh lớp 8, khi lần đầu bước vào lớp học của tôi và được yêu cầu viết, còn bất lực tới phát khóc. Con đã không thể viết nổi một chữ nào, cảm giác tuyệt vọng  dường như ngay lập tức vây bủa khi con nghe tới từ viết văn. Nhiều bạn nhỏ khác đã thú nhận: con không hiểu sao ở đây thì con viết được mà ở lớp thì con chẳng nghĩ ra cái gì. Nhiều bạn mẹ phải “lừa” mãi mới lôi được bạn ấy đến gặp tôi để chữa bệnh sợ viết. Môn Văn trong nhà trường vốn dĩ là một môn học đẹp đẽ, tràn đầy cảm hứng, vô cùng hữu ích và cần thiết lại bị coi như một con ngáo ộp, nhắc đến là ai cũng chết khiếp. Vốn là một người học chuyên Văn từ nhỏ, rồi học Sư phạm Văn, rồi làm giảng viên khoa Văn, rồi viết Sách giáo khoa Văn, tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm xua tan nỗi oan ức này.

Viết văn vốn dĩ không đáng sợ. Bằng chứng là bạn có thể để ý, những đứa trẻ lần đầu được viết như con tôi, đều đã từng cảm thấy háo hức và vinh dự. Bằng chứng  là trẻ rất có nhu cầu được viết. Chúng viết thư để trêu chọc nhau trong lớp, lén lút viết nhật ký, đăng status trên Facebook, viết bậy ra sách giáo khoa, ra vở ghi. Khi có một cái gì đó thôi thúc bên trong mà lời nói không thể diễn tả được hết, thì trẻ sẽ dùng đến một phương tiện nào đó khác để biểu đạt, có thể là âm thanh, hình ảnh, động tác, nhưng dễ dàng nhất là bằng chữ viết. Khi để đứa trẻ tự do theo đuổi những dòng suy nghĩ của mình, và viết một cách tự do về những tiếng nói đang cất lên bên trong chúng, tôi phát hiện ra rằng mọi đứa trẻ, ngay cả những đứa được coi là tăng động, chậm phát triển cũng có thể có những ý tưởng xuất chúng, những từ ngữ và câu văn đắt giá mà đọc lên, tôi luôn cảm thấy chúng trong vắt và lấp lánh, vô cùng quí giá, không một người lớn nào có thể bì kịp.

Cái gì đã làm thui chột tiềm năng viết trong  những đứa trẻ?

Những đề văn tẻ nhạt theo kiểu: tả một đồ dùng học tập, một con vật nuôi nhà em, tả một bác hàng xóm khiến cho đứa trẻ cảm thấy chán ngấy. Trẻ con thường chán ngấy những thứ quá quen thuộc, vì với những sự vật quá quen thuộc và dễ hiểu, chúng không còn gì để khám phá nữa.

Những yêu cầu cứng nhắc theo kiểu: mở bài phải giới thiệu nhà em có nuôi một…, thân bài phải tả đủ cả mắt mũi mồm miệng nhìn từ xa nhìn từ gần, kết bài bắt buộc phải là em rất yêu…  chỉ khiến cho chúng cảm thấy bức bối. Thế giới hiện ra trước mắt chúng không theo những trật tự logic xám xịt đó, mà vô cùng nhiều màu vẻ. Sao có thể nhốt tất cả những cảm xúc, trải nghiệm của vô vàn những đứa trẻ khác nhau đó vào một cái khuôn duy nhất.

Việc chữa bài quá chăm chỉ của người lớn kiểu như câu này con sai rồi, thiếu chủ ngữ, từ này dùng dở quá, sao đề bài yêu cầu viết cái này mà con lại viết về cái kia… có thể vạch nên những đường cấm trong suy nghĩ của trẻ. Những đường cấm này ngày càng dày lên, ngày càng chằng chịt, khiến đứa trẻ không còn dám bước chân, vì đâu đâu cũng có những biển cấm.

Việc bắt con phải viết thật sạch, giữ vở thật đẹp, không được gạch xóa, không được vẽ vời lại càng là một cực hình tra tấn. Dòng suy nghĩ vốn chạy nhanh hơn tay viết, khi cơ tay của trẻ vẫn còn yếu, khi trẻ vẫn còn phải lóng ngóng đánh vật với giấy bút đã khiến cho trẻ khó có thể ghi chép được một cách đẹp đẽ tất cả những gì chúng nghĩ trong đầu. Nếu yêu cầu các nhà văn thiên tài phải viết trên giấy ô li, thẳng hàng, sạch đẹp, tôi chắc chắn chẳng mấy ai có thể tạo nên những kiệt tác.

Vậy cái gì tác động tới năng lực viết của trẻ và làm thế nào để giải thoát cho trẻ khỏi nỗi sợ viết văn, giúp con có thể tự do biểu đạt một cách linh hoạt những gì chúng nghĩ?

Tôi cho rằng năng lực viết của trẻ chịu sự tác động của các yếu tố chính:

– Vốn từ vựng

– Kiến thức (bao gồm cả những kiến thức được học ở nhà trường, trong sách vở lẫn những tri thức mà trẻ thu nhận được trong quá trình trải nghiệm cuộc sống)

– Động lực: những cảm xúc tích cực như sự tự tin, cảm giác khao khát muốn đạt tới mục tiêu, cảm hứng…

– Kĩ năng: việc nhận biết các qui trình viết  và vận dụng một cách thành thục những chiến lược viết như xây dựng ý tưởng, triển khai ý tưởng, sắp xếp ý tưởng, sửa chữa…

– Sự hiểu biết về thể loại văn bản

Để cải thiện năng lực viết của trẻ, phải tác động tới tất cả những yếu tố này, trong suốt một quá trình dài. Bởi phần lớn các yếu tố này không được hình thành một cách tức thời, mà cần có thời gian, cần có sự tích lũy về lượng đủ lớn, nên sự tiến bộ trong năng lực viết của trẻ thường diễn ra chậm chạp, khó nhận biết và vì thế đòi hỏi người lớn phải hết sức kiên nhẫn.

Dưới đây là một số kinh nghiệm mà tôi đúc kết được trong thực tế dạy viết cho trẻ, hi vọng sẽ có ích cho các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh:

  1. Gia tăng sự tích lũy từ vựng bằng con đường đọc sách: nghiên cứu của Nagy và Herman vào năm 1987 cho thấy, trẻ đọc sách 20 phút một ngày sẽ tích lũy được 1.800.000 từ một năm và thường đạt kết quả loại A trong trường học, trẻ đọc 5 phút một ngày sẽ tích lũy được 282.000 từ một năm và thường đạt kết quả loại B, trẻ chỉ đọc 1 phút một ngày chỉ tích lũy được một lượng rất ít ỏi là 8000 từ vựng một năm và chỉ đạt kết quả loại C. Giả thuyết đầu vào của Stephen Kreshen cũng chứng minh là năng lực nói và viết của con người phụ thuộc chặt chẽ vào lượng ngôn ngữ đầu vào mà con người hấp thu được qua các kênh nghe, xem, đọc, trong đó đọc là kênh quan trọng nhất. Qua trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy tất cả những em học sinh viết văn tốt nhất là những em yêu thích đọc sách, dành nhiều thời gian cho việc đọc hơn là việc làm đi làm lại các bài tập hoặc theo đuổi các lớp luyện thi.
  2. Tăng cường sự trải nghiệm đời sống của trẻ: việc đi nhiều, tiếp xúc với nhiều cảnh huống khác nhau trong đời sống, giao lưu với nhiều bạn bè, giao tiếp với nhiều người khác nhau… sẽ giúp gia tăng khả năng quan sát và cảm nhận cuộc sống, làm giàu cảm xúc, mở rộng kho tri thức của trẻ.  Đó sẽ chính là những chất liệu quí giá cho việc viết.
  3. Tạo một môi trường ngôn ngữ an toàn, tin cậy, thân thiện: rào cản tâm lý chính là lý do quan trọng nhất dẫn tới hội chứng sợ viết văn của đại đa số trẻ em hiện nay. Bạn có thể gỡ bỏ rào cản tâm lý này bằng cách: tôn trọng các ý tưởng của trẻ, dù các ý tưởng đó khác biệt, ngô nghê, tôn trọng ngôn ngữ của trẻ, dù ngôn ngữ đó còn vụng về, mắc nhiều lỗi ngữ pháp và chính tả, lắng nghe và thấu hiểu và chấp nhận logic trình bày của trẻ vì mỗi đứa trẻ có một trải nghiệm cuộc sống và góc nhìn rất khác nhau, ghi nhận ngay lập tức khi trẻ có những tiến bộ dù nhỏ so với chính chúng ngày hôm qua, đưa ra giải pháp thay thế cho việc diễn đạt, trình bày của trẻ, kiên nhẫn chấp nhận những sai lầm và ngây ngô, vụng dại trong những bước đi đầu tiên.
  4. Lựa chọn những chủ đề và nhiệm vụ phù hợp với trẻ: Chủ đề bài viết phải là những gì nằm trong vùng phát triển gần của trẻ. Vygotsky, nhà tâm lý học nổi tiếng người Nga cho rằng, vùng phát triển gần là khoảng trung gian giữa trình độ hiện tại của học sinh và tiềm năng của học sinh trong tương lai. Giáo dục tốt nhất là phải tìm cách mở rộng vùng phát triển gần bằng cách gia tăng độ khó của các nhiệm vụ. Theo quan điểm này, các chủ đề viết của trẻ vừa phải không nằm ngoài những gì trẻ quan tâm, thấy hứng thú, nhưng cũng phải chứa đựng những điểm mà trẻ chưa biết rõ, để khơi dậy trí tò mò, thúc đẩy niềm ham hiểu biết. Ví dụ, nếu yêu cầu trẻ miêu tả một cái bút chì, thì chủ đề này nằm trong vùng nhận thức hiện tại của trẻ, hầu hết đứa trẻ đều biết rõ đặc điểm của cái bút chì và điều này khiến chúng cảm thấy chán nản, không có hứng thú viết. Nhưng nếu thay đổi chủ đề một chút, tạo ra những nhiệm vụ thách thức hơn, thì trẻ có thể hào hứng thực hiện. Ví dụ như: thử tưởng tượng một ngày nọ cái bút chì bị bỏ rơi trong một khu rừng, và ở đó nó được gặp rất nhiều cây cối và phát hiện ra những thân cây khổng lồ đó vốn từng là họ hàng với mình, mình cũng đã từng sinh ra từ một khu rừng nào đó. Hãy hóa thân thành một cái cây và miêu tả lại cái bút chì vào khoảnh khắc nó vừa mới bị bỏ lại khu rừng. Thế nào, giờ đây, bài văn đã hấp dẫn hơn rồi phải không?
  5. Hướng dẫn trẻ các chiến thuật viết hiệu quả: chiến thuật viết là những kĩ thuật viết được sử dụng một cách chủ động nhằm đạt tới một mục tiêu nào đó. Giống như một cầu thủ bóng đá, muốn chiến thắng, cần phải có chiến thuật, một người viết thông minh sẽ hiểu rõ với từng thể loại văn bản, mình cần có một chiến thuật viết rất khác nhau, với từng thời gian viết khác nhau, mình cần có những chiến thuật viết khác nhau, với những nhiệm vụ và mục tiêu khác nhau, mình cần có chiến thuật viết khác nhau. Giống như ông bầu Pak Hang Seul, biết rõ khi nào mình cần tung cầu thủ nào vào sân, người viết thông minh sẽ biết rõ trước khi viết mình cần chuẩn bị điều gì, trong khi viết mình cần làm những gì, sau khi viết mình cần sửa chữa ra sao, có bao nhiêu cách để miêu tả, bao nhiêu cách để kế một câu chuyện hấp dẫn, bao nhiêu cách để kết thúc một cách giàu ý nghĩa, bao nhiêu cách để tạo nên sự cuốn hút với người đọc, bao nhiêu cách để sắp xếp các ý tưởng. Điều này rất khác với việc đưa cho trẻ một công thức mở bài nhất định con phải làm thế này, kết thúc nhất định con phải làm thế kia. Cần chỉ ra rằng có vô vàn kĩ thuật viết khác nhau, và con phải biết cách sử dụng các kĩ thuật ấy một cách chủ động, sáng tạo, để phục vụ ý đồ của riêng con, biểu đạt suy nghĩ của riêng con, tạo nên một dấu ấn của riêng con trong bài viết của mình.
  6. Cho trẻ tự do sáng tạo trên nhiều chất liệu, với nhiều phương tiện khác nhau, nhằm tới những mục đích thiết thực trong cuộc sống: việc viết không nhất thiết phải diễn ra trên một cuốn vở ô li ngay hàng thẳng lối, con có thể viết trên một tờ giấy màu được cắt thành hình chiếc lá, con có thể tự tạo ra một cuốn sách của riêng mình, con có thể viết một bức thư rồi tự tay đem nó tới bưu điện gửi, con có thể tạo ra một poster hay broucher quảng cáo, con có thể viết status trên facebook hay lồng tiếng cho một bộ phim… Trong cuộc sống, chúng ta đâu có suốt đời chỉ viết trên tờ giấy kẻ ô li. Hãy để cho trẻ hiểu rằng việc viết có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống, rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy  ắp những văn bản, và viết chính là một cách để chúng ta kết nối, giao tiếp thật hiệu quả với thế giới rộng lớn xung quanh.
  7. Quên các kì thi đi và hãy tự tin rằng, khi con đã có năng lực viết, thì con chắc chắn sẽ vượt qua được các kì thi: tôi luôn từ chối dạy luyện thi, vì luôn nghĩ rằng giá trị của môn Văn nhiều hơn rất nhiều so với mục đích thi cử. Thông qua môn học này, ta hoàn toàn có thể dạy cho con có một tâm hồn bay bổng, một vốn ngôn ngữ dồi dào, một trí tưởng tượng phong phú, một tư duy logic sắc bén, một khả năng cảm thụ thẩm mỹ tinh tế, một vốn tri thức rộng lớn về thế giới xung quanh. Môn học này hoàn toàn có thể tác động một cách vô cùng sâu sắc đến con người bên trong mỗi đứa trẻ. Trong khi đó, những đề thi luẩn quẩn, nhạt nhẽo và những áp lực vô bổ từ các kì thi chỉ làm thui chột những năng lực phong phú đó của đứa trẻ. Đồng thời, qua thực tiễn của mình, tôi hoàn toàn tin chắc rằng, những đứa trẻ phàm đã có một tâm hồn tinh tế, ngôn ngữ phong phú, tư duy sắc bén, được tích lũy và hun đúc trong một quá trình dài do học văn đúng cách, theo một tinh thần khoa học và khai phóng, chắc chắn sẽ dễ dàng vượt qua các kì thi, dù là khó nhất. Thực tế là phần lớn các em học sinh mà tôi có điều kiện hướng dẫn trong một thời gian đủ dài đều đạt điểm rất cao trong các kì thi chuyên, tuy đây chẳng phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá sự tiến bộ của các em. Hà cớ gì lại phải bắt đứa trẻ đang tràn đầy sự háo hức đối với tri thức phải nhai đi nhai lại mãi một vài bài văn tẻ nhạt và sáo rỗng?

Các thầy cô giáo và các phụ huynh thân yêu của tôi, nếu như đứa trẻ của các bạn nói rằng: con sợ văn lắm, con ghét viết văn, thì đó là do lỗi của bạn đấy. 

MÔN VĂN KHÔNG CÓ LỖI. 

ĐỨA TRẺ CỦA BẠN CŨNG KHÔNG CÓ LỖI.

NGUỒN: https://www.sachoimora.vn/blogs/blog-tip-cho-bo-me/tip-day-con-de-con-khong-so-viet-van

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

five + ten =