BA BƯỚC HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ

0
258

Anh Lê Hoàng, người đã góp phần khai sinh ra đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP Hồ Chí Minh, nói với tôi: “Tôi nghĩ đi nghĩ lại, nói văn hóa đọc thì rộng quá, mơ hồ quá, nên tôi nghĩ cái gốc của nó là thói quen đọc. Cho nên, hội thảo lần này tôi lấy nhan đề: Làm thế nào để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ. Chị viết giúp tôi một bài về chủ đề này nhé”.

Vì sự trăn trở, tâm huyết ấy của anh, mà tôi đã viết bài và quyết định bay vào Sài Gòn tham dự hội thảo lần này, vào đúng dịp Sài Gòn đang nóng như đổ lửa.

Câu hỏi “Làm thế nào để tạo thói quen đọc cho trẻ” hẳn không phải là trăn trở của riêng anh Lê Hoàng, mà là niềm băn khoăn của tất cả những người hiểu rõ giá trị của sách đối với sự phát triển của trẻ.

Rõ ràng, đọc không phải là hành vi bẩm sinh của con người. Vậy thói quen đọc hình thành như thế nào? Thói quen đọc tác động thế nào đến con người? Điều gì khiến cho việc đọc đối với người này là một điều không thể thiếu, song đối với người khác thì lại rất khó khăn? Và liệu ta có thể “lập trình” nên thói quen đọc nói riêng và các thói quen tích cực khác trong cuộc sống nói chung hay không?

Vào những năm 1990, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Massachuset đã tiến hành một thí nghiệm trên chuột. Con chuột đeo một thiết bị đo sóng não, được đặt trước một cái cần gạt, phía trước là một mê cung. Ở một góc trong mê cung, người ta đặt một miếng socola. Con chuột đánh hơi thấy socola, nó phải chạm vào cần gạt và chạy vào mê cung để đi tìm món ăn mà nó yêu thích. Trong những lần đầu, con chuột chật vật chạy qua chạy lại trong mê cung. Người ta nhận thấy não của nó phải hoạt động rất mạnh để có thể tìm được đường. Nhưng khi con chuột đã lặp đi lặp lại hành động này hàng trăm lần, đến mức thành thói quen, thì não của nó dường như không cần hoạt động nữa, con chuột vẫn có thể tìm được miếng socola. 

Thí nghiệm này cho thấy thói quen được điều khiển bởi một bộ phận trong não bộ gọi là hạch nền. Một khi thói quen được hình thành, nó sẽ được khắc sâu vào trong vô thức, tạo nên cơ chế tự động trong não bộ, khiến cho các loài sinh vật có thể tự động thực hiện một hành vi nào đó mà không cần suy nghĩ, nhờ vậy tiết kiệm năng lượng của não bộ và gia tăng tối đa hiệu quả của hoạt động.

Thí nghiệm của nhà thần kinh học Wolfram Schultz, giáo sư trường Đại học Cambridge trên con khỉ Julio cũng cho ta thấy cơ chế bên trong của thói quen. Ông đặt con khỉ Julio trước một cái màn hình máy tính, mỗi khi con khỉ bấm vào bàn phím, màn hình hiện lên, người ta nhỏ vào miệng nó một giọt nước quả. Não bộ của con khỉ hoạt động mạnh lên, chứng tỏ nó rất thích thú với việc được uống nước quả và tiếp tục lặp lại hành động này nhiều lần. Nhưng một lần, sau khi con khỉ bấm nút, màn hình hiện lên, người ta không cung cấp nước quả cho nó nữa, thì con khỉ tỏ ra chán nản, bực bội. Nhờ thí nghiệm này, Schultz phát hiện ra cơ chế vận hành của thói quen mà ông gọi là vòng lặp 3 bước: Sự gợi ý (cue), hoạt động (routine) và phần thưởng (award). Một thói quen bắt đầu từ một sự gợi ý nào đó từ môi trường bên ngoài, sự gợi ý này dẫn đến một hành động, hành động tạo ra một phần thưởng cho não bộ (niềm vui và cảm giác thỏa mãn khi thực hiện hành động). Sự lặp lại của vòng tròn ba bước này trong một thời gian đủ dài, với một tần suất đủ nhiều, sẽ tạo thành cái gọi là thói quen. Schultz cũng chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa sự gợi ý và phần thưởng. Khi Julio đã có thói quen nhấn cần gạt (gợi ý) để có được nước quả (phần thưởng), não bộ của nó tiết ra một hoocmon hưng phấn làm con khỉ cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, khi không có nước quả, một mô hình mới hình thành trong não bộ của nó: sự thèm muốn, do não của Julio đã đoán trước được điều mà nó nhận được khi nhấn cần gạt. Khi chúng ta kết hợp gợi ý với phần thưởng nhất định, sự thèm khát thuộc về tiềm thức xuất hiện trong não và bắt đầu vòng lặp thói quen.

Sau nhiều năm quan sát việc đọc của chính bản thân mình cũng như của hàng nghìn trẻ em, tôi nhận ra ta hoàn toàn có thể “lập trình” thói quen đọc cho trẻ, dựa trên vòng lặp ba bước như sau:

1. Thử nghiệm để tìm ra phần thưởng của trẻ: Phần thưởng ở đây không đơn giản chỉ là vật chất, mà là một phần thưởng của não bộ, cảm giác hưng phấn và thỏa mãn mà não bộ nhận được khi thực hiện một hành động đọc. Phần thưởng có thể đến từ bên ngoài như một lời khen ngợi (hôm nay con đọc nhanh thật đấy), một sự trao quyền (con đọc diễn cảm quá, con có thể đọc sách cho em bé nghe hàng ngày được không), một món quà (mình sẽ đi hiệu sách để mua thêm sách mới nhé). Phần thưởng có thể đến từ bên trong khi đứa trẻ cảm thấy cuốn sách rất hay, thích thú khi phát hiện ra một thông tin mới nào đó trong khi đọc, hài lòng khi nhận thấy mình có khả năng hiểu được ngay cả những đoạn khó. Mỗi đứa trẻ có những nhu cầu, mong đợi và mối quan tâm, sở thích khác nhau, vì thế, phần thưởng của đứa này chưa chắc đã hấp dẫn đối với đứa kia. Chính vì lí do này, người lớn cần quan sát, phân tích và kiên trì thử nghiệm để tìm ra một phần thưởng phù hợp nhất với trẻ.

2. Tạo một môi trường sẵn sàng cho việc đọc và cô lập các kích thích từ môi trường bên ngoài: Nếu muốn trẻ tập trung vào việc đọc, hãy tạo nên một môi trường chỉ “gợi ý” một hoạt động duy nhất là đọc: tắt hết ti vi và các thiết bị điện tử, dọn dẹp hết các đồ chơi trong phòng, đặt những cuốn sách ở gần tầm với của trẻ sao cho bìa hướng ra phía ngoài và thu hút sự chú ý của trẻ.

3. Dành thời gian cố định trong ngày và trong tuần để việc đọc có thể lặp đi lặp lại trong một thời gian dài: lý tưởng nhất là thiết lập một thời gian cố định trong ngày mà tất cả mọi thành viên trong gia đình đều tập trung duy nhất vào việc đọc (ví dụ như 20 phút trước giờ đi ngủ), một lịch cố định hàng tuần đi thư viện hoặc hiệu sách để nạp thêm sách mới.

Phần thưởng sẽ kích thích động lực đọc bên trong của trẻ. Môi trường đọc bên ngoài có tác dụng vẫy gọi trẻ đến với sách. Và sự lặp lại chính là yếu tố khiến cho hành vi đọc trở thành thói quen. Khi hành động đọc liên tục được củng cố đến mức trở thành bền vững, ăn sâu vào trong tiềm thức, nó sẽ phát huy tác dụng. Đứa trẻ sẽ tự động đọc mà không cần nhắc nhở. Việc đọc cũng sẽ diễn ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, đứa trẻ không mất quá nhiều công sức cho nó mà vẫn có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Đây chính là cảnh giới lãng mạn nhất tất cả chúng ta đều mong đợi.

Thứ xúc tác quan trọng nhất của toàn bộ quá trình này chính là việc nhận thức rõ tác dụng lâu dài của việc đọc đối với trẻ để coi đó là một ưu tiên, thay vì dành thời gian ưu tiên cho việc luyện thi, và đặc biệt là tình yêu thương vô điều kiện và sự hiểu biết sâu sắc về đứa trẻ của mình. Thiếu hai xúc tác này, có lẽ, không ai đủ kiên nhẫn và tận tâm để duy trì vòng lặp ba bước đó.

Nhưng tôi tin, tất cả những ông bố bà mẹ thông minh và những thầy cô giáo tâm huyết sẽ kiên trì theo đuổi con đường này. Trong hội thảo ở Sài Gòn, rất nhiều cô giáo tâm huyết đã tranh thủ từng khe hẹp của thời gian để cho học sinh mình đọc, tìm đủ mọi cách để tạo động lực và môi trường đọc cho trẻ. Cô Chinh Phạm, một hiệu trưởng trường tiểu học ở Bình Dương nói với tôi rằng: chỉ cần mình kiên trì tạo thói quen đọc cho trẻ trong vòng mười năm thôi đầu tiên đó thôi, em tin là chúng ta sẽ tạo nên một thế hệ trẻ con rất khác.

Và tôi cũng tin vào điều đó, như cô.

Nguyễn ngọc Minh, Giảng viên ĐHSP Hà nội, Sáng lập viên Sách ơi Mở ra

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

15 − seven =