Vài năm gần đây, việc dạy cho trẻ con biết “suy tư” và khuyến khích trí tưởng tượng của các em là mục tiêu của giáo dục gia đình.
Trước hết đọc bài viết này:
“Một hôm gió to, thầy Delalou, thầy giáo dạy triết ở trường trung học ở số 11 phải chạy để không bị lỡ xe. Trong lúc vội, thầy sơ ý đánh rơi một quyển sách nhỏ từ túi áo khoác.Hai bạn nhỏ Léo và Josephine cùng học lớp năm, nhặt được. Đó là một cuốn sách khổ vuông, sờn mép, nhan đề: “Yêu sự thông thái: triết học nhập môn”.
Ở trang đầu tiên, hai bạn nhỏ đọc được một từ gốc Hy Lạp, có nghĩa là “yêu sự thông thái”. Và theo chi tiết được thầy Dalalou gạch đậm màu vàng bên dưới, triết học phương Tây bắt nguồn từ Hy Lạp và các thuộc địa Hy Lạp ở vùng Tiểu Á (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và Nam Ý và thế kỷ VI trước Công nguyên. “Tức là cách đây 2.600 năm”, giỏi số học nên Léo tính nhẩm ra ngay.
Trong sách, triết gia được định nghĩa là người ngạc nhiên về mọi thứ. Triết lý, trước tiên đó là tự hỏi mình: Ý nghĩa cuộc đời mình là gì? Thế giới tồn tại để làm gì?Cái thiện là gì?Cái ác là gì? Ta có thực sự tự do không? Con người khác loài vật ở điểm nào?…
… Tư duy như triết gia, đó là suy tư về căn nguyên của sự vật và về bản chất đích thực của chúng.
Hai bạn nhỏ say sưa xem sách của thầy Delalou, quyển sách đã khích lệ các bạn nhìn sự vật xung quanh dưới một con mắt khác”.
Đó là nội dung của bài viết đầu tiên trong cuốn Tư duy như một triết gia của bộ sách Nhập môn triết học do Sophie Boizard và Laurent Audouin biên soạn, Sơn Khê chuyển ngữ, NXB Kim Đồng ấn hành tháng 4/2016.
Vài năm gần đây, việc dạy cho trẻ con biết “suy tư” và khuyến khích trí tưởng tượng của các em là mục tiêu của giáo dục gia đình. Không phải tự nhiên mà có rất nhiều cuốn sách triết học cho trẻ em ra đời.
Năm 2011, bộ sách Thú vui tư duy do Myriam Revault d’Allonnes đã được NXB Tri Thức ấn hành với sự tham gia của nhiều người dịch, giáo sư Phạm Toàn hiệu đính. Mỗi cuốn khoảng 80 trang, khổ 12cm x 20cm được in trên giấy trắng, hình màu sinh động và dễ hiểu.
Bộ Triết học cho trẻ em của tác giả Jana Mohr Lone đã in được ba cuốn do Bùi Trần Ca Dao chuyển ngữ xuất bản từ năm 2016 đến nay.
Bộ sách Triết học kỳ thú do NXB Thế Giới xuất bản tháng 5/2017, đã được giới thiệu: “Là bộ sách triết học ở mức độ nhập môn được chia làm các lĩnh vực chính: siêu hình học, nhận thức luận và luân lý học (sau sẽ còn có logic và mỹ học nữa). Tớ thì quy đổi những lĩnh vực ấy thành các câu hỏi đơn giản: “Đây là gì?” (siêu hình học), “Chúng mình biết gì?” (nhận thức luận) và “Việc này có nên làm không, có tác dụng gì?” (luân lý học)”.
Dạy cho trẻ nhìn cuộc sống bằng trí tưởng tượng, bằng cách đặt câu hỏi tại sao, bằng những “suy tư” về những gì con thấy, đó là giúp cho chúng nhận ra thực chất của chính mình và cuộc sống, dễ dàng cho trẻ gia nhập cuộc đời với ý thức rõ rệt về mối tương quan giữa sự hiện hữu của trẻ với thế giới chung quanh. Đó chính là mục đích của giáo dục nhân văn.
Hầu hết các phụ huynh đều nhớ đến việc làm sao để cho trẻ tự lập từ ngày còn bé, bởi vì họ biết, nếu trẻ không tự lập, chính phụ huynh sẽ khổ. Lúc đầu, ông bà, cha mẹ cảm thấy hoan hỉ muốn làm tất cả để chiều con cháu mình. Về sau, chính họ cũng cảm thấy phiền muộn khi “nó không biết làm gì cả”. Đó là một sự hối hận muộn màng. Cũng như dạy một đứa trẻ biết suy nghĩ, về sau, đứa trẻ sẽ trưởng thành và đối mặt với cuộc đời này bằng bản lĩnh và nghị lực được rèn luyện từ nhỏ.
Dạy triết học cho trẻ em, không có gì khó cả. Thử cầm một cuốn sách trong số sách đã nhắc ở trên, đọc và quay sang hỏi con mình… Ngay lập tức, bạn đã có hai triết gia trong nhà, bàn về một vấn đề mà cả hai đều cần phải tư duy. Và đó đâu phải là điều quá cao xa hay chuyện trên trời, như lâu nay chúng ta vẫn thành kiến với hai chữ “triết học”.
Thái Thảo (theo TGTT)