TRUYỆN TRANH MANG GÓC NHÌN TƯƠI VUI VỀ TẾT

0
26

Cuốn truyện tranh Tết là nhất, nhất là Tết! được phát hành đúng dịp Tết Tân Sửu. Sách được nhiều độc giả nhỏ yêu thích bởi câu chuyện sinh động về Tết cổ truyền cùng niềm vui sum họp gia đình. Họa sĩ Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng) chia sẻ về quá trình sáng tác truyện và thông điệp gửi gắm qua tác phẩm.

Còn gì thú vị hơn khi nghe con trẻ thắc mắc về tập tục ngày Tết

– Ý tưởng câu chuyện “Tết là nhất, nhất là Tết!” đến với Quang Dũng như thế nào?

– Thực ra ban đầu, tôi cũng không nghĩ đến việc sẽ viết một cuốn sách như thế này. Sau thành công của tập truyện tranh Nào ta cùng ăn! năm 2019, đầu 2020, tôi được chị Diệu Thủy, biên tập viên phòng Tu thư của Nhã Nam, liên hệ và gợi ý viết một tập sách với đề tài Tết, có lồng ghép thêm một số yếu tố thời đại như dịch Covid-19.

Mới đầu, tôi cũng khá bối rối. Sau khi giao hẹn một tuần nữa sẽ hồi đáp, trong rất nhiều ý tưởng sơ bộ tôi liệt kê ra, cuối cùng, ý tưởng “hai ông bà cụ từ cõi âm lên dương gian ăn Tết” đã được chọn.

– Câu chuyện hai ông bà cụ từ cõi âm lên dương gian ăn Tết là tình tiết để tăng độ hấp dẫn cho sách, hay còn ngụ ý nào khác?

– Quả thực mới đầu, tình tiết này được lựa chọn chỉ vì nghe nó khá… thú vị và hứa hẹn có nhiều nội dung để khai thác. Dần dần, khi cốt truyện được phát triển thêm, tôi chủ ý đặt ông bà cụ từ cõi âm và những đứa cháu nhỏ ở dương gian như hai tuyến nhân vật song song: Một già một trẻ, một âm một dương, một của quá khứ và một của tương lai, cùng đưa ra những góc nhìn của riêng mình về cách ăn Tết ngày nay.

Với hai góc nhìn này, người đọc lớn và nhỏ tuổi đều tìm thấy thứ gì đó để liên hệ với bản thân.

Họa sĩ Đặng Quang Dũng. Ảnh: Nguyễn Hưng.

– Trong quá trình viết sách này, anh gặp khó khăn gì?

– Sau khi ý tưởng sơ bộ đã được chọn, tôi, biên tập viên Diệu Thủy và các nhân viên khác cùng liệt kê những yếu tố Tết có thể khai thác thành truyện. Sau khoảng một tuần mọi người cùng đóng góp ý tưởng, tôi tổng hợp các ý mình thấy hay. Đồng thời, tôi cũng viết ra một dòng thời gian ngày, tháng của kỳ nghỉ Tết, liệt kê xem có hoạt động gì.

Cái khó khăn trong việc sáng tác tập truyện này là ở chỗ tôi phải bằng cách nào đó “đào” ra được những mẩu chuyện vui liên quan từng ngày ăn Tết. Thật may là giải quyết vấn đề đó cũng không quá khó khăn, khi tôi có hai nhân vật Ly và Chũn, còn gì thú vị hơn khi lắng nghe những thắc mắc của con trẻ về các tập tục ngày Tết.

Ngoài Ly và Chũn, các nhân vật khác cũng được sắp đặt những tính cách rất cụ thể (người bố dễ tính, người mẹ nghiêm khắc, cô chị họ sành điệu ham sống ảo…), lần lượt “tung hứng” để đưa đẩy người đọc từ mẩu truyện này qua mẩu truyện khác, cứ thế đi tới hết tập sách.

– Anh có dụng ý gì khi bố cục mỗi trang truyện chia làm 2 khung dọc, mỗi khung dọc lại chia làm 4 ô, có chủ đề rõ ràng?

– Thực ra, không có ý đồ gì quá ghê gớm ở bố cục. Đơn giản vì với khối lượng truyện khá đồ sộ như vậy, tôi làm cách này để có thể “nhét” vừa hai mẩu truyện vào chung một trang sách, giúp giảm số trang xuống còn một nửa để sách không quá dày và nặng, gây khó khăn cho trẻ nhỏ khi đọc.

Ngoài ra, nhờ cách trình bày này mà quả thực cũng có một số mẩu truyện đã được “giãn” ra thành hai cột truyện, giúp người đọc có thời gian “thở” và dễ tiếp thu câu chuyện hơn.

Sách Tết là nhất, nhất là Tết! Ảnh: N.N.

Giữ sự hồn nhiên khi viết truyện về trẻ em

– Sách kể trải nghiệm về quê ăn Tết của hai chị em Ly và Chũn rất sinh động. Với một tác giả thuộc thế hệ 9X, chưa có gia đình, làm sao để có được những tình tiết vừa hài hước vừa chân thực về trẻ em như thế?

– Những tình huống trong chuyến về quê ăn Tết của hai chị em Ly và Chũn có đa dạng nguồn gốc: Từ những ý tưởng được các nhân viên Nhã Nam góp cho, từ những trải nghiệm ăn Tết của chính bản thân tôi, và cả… tưởng tượng ra nữa.

Tôi nghĩ để viết về trẻ em sao cho thật chân thực, gần gũi thì chính tác giả cũng phải giữ được một đầu óc hồn nhiên như vậy. Thật may là tôi lại như thế, có thể tự đặt mình vào góc nhìn của những đứa trẻ để tìm ra những tình huống thú vị, sau đó lại đặt mình vào góc nhìn của người lớn và tìm cách giải thích những thắc mắc đó sao cho thật hợp lý mà vẫn làm hài lòng trí tưởng tượng của trẻ con.

Phần thông tin về phong tục, tập quán, phải tới khi hết chương 2 – Lên đường, tôi mới có ý định đưa vào. Giống những mẩu truyện về nguồn gốc các món ăn trong Nào ta cùng ăn!, những thông tin về phong tục, tập quán ăn Tết này cũng được tổng hợp từ nhiều nguồn, cả từ báo chí, các bài viết, chương trình truyền hình về phong tục và những gì bản thân quan sát được qua các kỳ Tết.

– Ngoài câu chuyện vui vẻ, thông điệp mà Quang Dũng muốn gửi qua tác phẩm là gì?

Tết là dịp đặc biệt để nghỉ ngơi, cùng gia đình quây quần ôn lại chuyện cũ trước khi sang năm mới.

Họa sĩ Quang Dũng

– Tôi không định gửi thông điệp gì quá lớn lao. Khi viết tập sách này, tôi chỉ đơn giản muốn cho người đọc được quay về không khí Tết “ngày xưa” một chút, với những niềm vui thật đơn sơ và giản dị.

Chính vì thế, ngoại trừ nhân vật Hạnh có sử dụng smartphone ra, các phương tiện giải trí như tivi, máy tính gần như không xuất hiện, nhường không gian cho các nhân vật chuyện trò cùng nhau.

Với tôi, Tết là dịp đặc biệt để nghỉ ngơi, cùng gia đình quây quần ôn lại chuyện cũ trước khi sang năm mới.

Những ngày Tết, thời gian như trôi chậm hơn, cuộc sống có vẻ bớt vội vã, xô bồ hơn. Bản thân tôi cũng có thời gian để suy nghĩ nhiều về năm cũ, gạt bớt những muộn phiền và hy vọng về một năm mới với nhiều niềm vui hơn.

Bài viết của Tần Tần

Nguồn: https://zingnews.vn/truyen-tranh-mang-goc-nhin-tuoi-vui-ve-tet-post1184023.html

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

two × 2 =