SÁCH HỌC THUẬT TRONG NƯỚC THÁNG 3 NĂM 2022: VÌ SAO LẠI LÀM TRIẾT HỌC?, TÌM HIỂU XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN, NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CHAMPA…

0
24

“Triết học”, một thuật ngữ, một môn học thú vị nhưng cũng là sự khiếp đảm của bao thế hệ sinh viên Việt Nam. Với “Vì sao lại làm triết học”, hi vọng bạn đọc có thể nhìn ra một con đường rõ ràng hơn trên con đường dạy, học triết của mình.

Lịch sử vẫn là chủ đề thường thấy trong các điểm sách học thuật. Trong điểm sách học thuật tháng 3, ta sẽ được tham khảo các nghiên cứu tài liệu về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam xưa.

Nói về đạo làm quan, cụ thể là cái nạn hối lộ, tham nhũng vốn là vấn đề hiếm khi được khai thác sẽ được xuất hiện trong điểm sách học thuật tháng 3 năm 2022. Ngoài ra, còn có nhiều cuốn sách khác mời các bạn cùng tìm hiểu phía dưới

1. VÌ SAO LẠI LÀM TRIẾT HỌC? – Jean-François Lyotard; Phạm Anh Tuấn dịch

Trích: Sách Thật 

Hành triết không phải là ham muốn sự minh triết, hành triết là ham muốn đối với sự ham muốn. Thay vì tìm kiếm sự minh triết, đó là một sự tìm kiếm điên rồ, các bạn và cả chính tôi cũng vậy, nên tìm kiếm vì sao mình tìm kiếm Jean-François Lyotard, “Vì sao lại làm triết học?”

Bốn bài giảng của Jean-François Lyotard cho các bạn trẻ dự bị đại học không đơn thuần là các bài giảng về triết học, mà còn là đề xuất một số nẻo đường vào triết học.

Tập bài giảng mỏng này ngay từ khi ra mắt đã chứa đựng trong đó những ý tưởng để sau đó đã vỡ ra thành những chủ đề gắn liền với tên tuổi Jean-FrançoisLyotard như một nhà tư tưởng thuộc thế hệ các “nhà triết học mới” rất độc đáo của nước Pháp: những trí thức mộng mơ nhiều, dấn thân hết lòng, và vỡ mộng, đổ vỡ cũng không ít. Mỗi người có một lối viết riêng, không thể lẫn lộn. Hai khái niệm “hậu-hiện đại” (post – moderne) và “tranh chấp” (différend) gắn liền với tên tuổi Jean-François Lyotard không chỉ có ảnh hưởng to lớn trong triết học, trong các môn khoa học xã hội và nhân văn, văn chương nghệ thuật mà cả trong ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày

Ảnh:  Sách Thật

2. CHUYỆN CŨ Ở SỐC – TRĂNG (Tập 2) –  Vương Hồng Sển

Trích: NXB Trẻ

Tiếp tục mạch hồi ức về vùng đất Sốc – Trăng của học giả Vương Hồng sển (tập 1 đã được xuất bản năm 2020), chúng ta sẽ được thưởng thức những câu chuyện sống động về vùng đất này từ năm 1945 cho đến 1947. Thông qua những câu chuyện riêng được ghi nhớ chính xác đến từng chi tiết về ngày giờ, địa danh, nhân vật… tác giả cho tái hiện khung cảnh Sốc Trăng nói riêng, miền Nam nói chung trong những năm tháng đáng nhớ. Một chính quyền non trẻ vận hành ra sao trong thời buổi đất nước vừa giành được độc lập. Vì Sốc Trăng là một tỉnh khá đặc biệt, vừa xa xôi, vừa có những cộng đồng dân cư đặc thù nên những câu chuyện ở đây cũng không giống bất cứ đâu. 

Chuyện cũ ở Sốc-Trăng (tập 2) không chỉ hấp dẫn bởi các dữ kiện lịch sử của  những ngày chuyển giao quyền lực được kể một cách chân thật và dí dỏm mà còn được lồng vào những mẩu chuyện đầy mê hoặc, như chuyện về thanh gươm báu của một vị tướng Nhật Bản một khi tuốt ra là phải vấy máu hoặc chuyện người dân địa phương phải lội bưng lội đồng giữa đêm khuya hòng chạy trốn giặc Thổ đang tràn vô cướp bóc…

ẢNh: NXB Trẻ

3. TÌM HIỂU XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI LÝ – TRẦN – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học

Trích: Mai Ha Books

Cuốn sách “Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý – Trần” do MaiHaBooks liên kết cùng Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 2022, là một công trình chuyên khảo đặc sắc với 17 chuyên luận của tập thể các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa thuộc nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau.

Với cấu trúc ba phần: Phần thứ nhất nghiên cứu về hình thái kinh tế; Phần thứ hai nghiên cứu về thể chế chính trị và kết cấu đẳng cấp; Phần thứ ba nghiên cứu về văn hóa – tư tưởng, cuốn sách đã thâu tóm toàn diện các khía cạnh nghiên cứu về xã hội Đại Việt thời Lý – Trần

Đây là một công trình nghiên cứu tiêu biểu về lịch sử Việt Nam cổ trung đại, thể hiện mối quan tâm sâu sắc của giới sử học Việt Nam trong thập niên 70, 80 của thế kỷ XX trên bình diện gắn các vấn đề lịch sử dân tộc với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nhằm phục vụ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh: Mai Ha Books

4. NHỮNG VẤN ĐỀ LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA CHAMPA – Đỗ Trường Giang – Đổng Thành Danh – Bá Minh Truyền (Đồng chủ biên)

Trích: Mai Ha Books

Ấn phẩm “Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa”, với mong muốn trở thành công trình đầu tiên trong series các công trình nghiên cứu về Champa được dự kiến biên soạn và xuất bản trong các năm tiếp theo.

Nội dung cuốn sách được chia thành ba phần chính, bao quát các vấn đề về lịch sử, văn hóa và di sản của Champa cũng như cộng đồng người Chăm hiện nay.

Phần thứ nhất, Những vấn đề lịch sử Champa, bao gồm các bài viết về lịch sử Champa nhìn từ tư liệu khảo cổ học, bia ký và thư tịch cổ. Các tác giả đã đề cập tới một số vấn đề quan trọng trong lịch sử Champa cũng như vai trò của các thành cổ Champa, sự hưng thịnh và suy vong của nagara/trung tâm chính trị qua các thời kỳ.

Phần thứ hai, Những vấn đề văn hóa và tôn giáo, bao gồm các bài viết về sự du nhập và phát triển của các tôn giáo ở Champa, các vấn đề văn hóa nổi bật của cộng đồng người Chăm hiện nay.

Phần thứ ba, Di sản và phát triển, bao gồm các bài viết thảo luận về vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của văn hóa Champa bao gồm di sản vật thể (thành lũy, đền tháp cổ) và phi vật thể (lễ hội).

Ấn phẩm “Những vấn đề lịch sử và văn hóa Champa” là kết quả của quá trình trao đổi học thuật lâu dài, làm việc trách nhiệm và phối hợp hiệu quả giữa các nhà nghiên cứu Champa trẻ của Việt Nam ở cả ba miền đất nước.

Ảnh: Mai Ha Books

5. NAM KỲ VÀ CƯ DÂN: CÁC TỈNH MIỀN TÂY – J. C. Baurac;  Huỳnh Ngọc Linh dịch

Trích: OmegaPlusBook

Bác sĩ thuộc địa hạng nhất J.C. Baurac với bộ sách lừng danh về Nam kỳ, nay chính thức có bản Việt ngữ để độc giả và các nhà nghiên cứu sử dụng, tham khảo, trích dẫn…NAM KỲ VÀ CƯ DÂN: CÁC TỈNH MIỀN TÂY

Với thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam kỳ với lý do chuyên môn nghề nghiệp là bác sĩ, được tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người An Nam lẫn người Pháp, ông đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử… Các yếu tố này góp phần giúp tác giả Baurac xây dựng được 2 tập sách đồ sộ về Nam kỳ cuối thế kỷ XIX, với dày đặc thông tin và kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam kỳ, những điều thiết tưởng vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày hôm nay.

Tập đầu tiên của bộ Nam kỳ và cư dân (tên tiếng Pháp: La Cochinchine et ses habitants), bố cục của cuốn sách được chia thành hai phần: 

– Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam kỳ (Nam kỳ lục tỉnh xưa) ở các khía cạnh tổng quan: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động-thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng… của Nam kỳ 

– Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc. Đa phần hành trình của tác giả là đi dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt của Tây Nam kỳ, do vậy, những gì đã thấy được đã khích lệ ông mày mò tìm hiểu dữ liệu hành chính và đọc thêm nhiều tài liệu của các tác giả khác

Ảnh: Omega+

6. TỪ THỤ YẾU QUY – BÀN VỀ NẠN HỐI LỘ VÀ ĐỨC THANH LIÊM CỦA NGƯỜI LÀM QUAN – Đặng Huy Trứ

Trích: NXB Sự Thật

Không thể nhận (từ) và Có thể nhận (thụ) – đó là hai nội dung tạo nên cuốn sách. Đối với nội dung Không thể nhận, tác giả đưa ra 104 kiểu hối lộ quan chức diễn ra trên mọi mặt của đời sống bao gồm các lĩnh vực: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… dưới các hình thức và thủ đoạn không khác nhiều khi so sánh với tệ nạn hối lộ – tham nhũng đang hoành hành trong xã hội hiện tại. Trong 104 kiểu hối lộ không thể nhận ấy, mỗi kiểu đều có dẫn giải, phân tích và dẫn chứng cụ thể.

Đối với nội dung Có thể nhận, tác giả chỉ nêu 5 trường hợp. Ở đây tác giả phân tích cụ thể vì sao có thể nhận: trường hợp thứ nhất là lễ tết hằng năm đã thành tục lệ, chỉ dùng tới sản phẩm của địa phương; ba trường hợp tiếp theo là việc tạ ơn khi được giúp đỡ một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp mà thu được món lợi chính đáng, hoặc được tai qua nạn khỏi hoặc được thành tựu trên đường sự nghiệp; trường hợp thứ năm là quà biếu nhân việc vui buồn. Sau mỗi phần, tác giả còn kèm theo hai đề mục là Tổng luận và Suy rộng ra để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan và những yêu cầu của việc trị gia. Từ thụ yếu quy là những chỉ dẫn rất rõ ràng giúp người làm quan chân chính nhận ra những chiêu thức của kẻ hối lộ đồng thời là những lời nhắc mang tính cảnh tỉnh đối với những người làm quan. Những người làm công tác cán bộ cũng có thể tìm thấy ở đây những kinh nghiệm quý báu cho công việc của mình về cần, kiệm, liêm chính, về cách nhìn người, từ đó có được sức đề kháng cần thiết trước những món lợi trước mắt, nhìn rõ những hậu họa về sau; có được sự dũng cảm cần thiết trong đấu  tranh với những tệ nạn chốn công quyền và đặc biệt là có được sự nhạy cảm và tỉnh táo cần thiết trong đánh giá đội ngũ cán bộ với những diễn biến phức tạp trong suy nghĩ và hành động của họ.

Cuốn sách này là bản được cô đúc, thâu tóm phần quan trọng nhất của bộ sách nguyên bản – một công trình đồ sộ có giá trị vượt thời gian của Đặng Huy Trứ, một vị quan thanh liêm có tiếng triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX. Từ thụ yếu quy dù đã được ra đời cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, nhưng đến nay vẫn còn giá trị rất thiết thực, có ý nghĩa thời sự, đặc biệt là khi nạn hối lộ, tham nhũng đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Ảnh: NXB Sự Thật

7. QUYỀN LỰC –  Bertrand Russell; Nguyễn Vương Chấn , Đàm Xuân Cận dịch

Trích: Nhã Nam

Bertrand Russell là một trong những trí thức nổi tiếng nhất của thế giới, tiếng nói của ông mang một quyền lực đạo đức, thậm chí cả khi ông đã vào tuổi 90. Không chỉ giới hạn trong những tác phẩm triết học hoặc toán học, lòng yêu thương con người đã khiến ông viết rất nhiều về những vấn đề xã hội mà cuốn QUYỀN LỰC là một trong số đó.

Trong QUYỀN LỰC, Russell cho thấy con người đối với con người không hơn gì ác thú rừng sâu. Những bạo động, âm mưu, thanh toán đã xô đẩy con người vào những bi kịch đầy ắp hận thù, lo âu, nước mắt, máu và hối hận. Nhưng chỉ một trận chiến vừa qua đi là con người lại mưu toan, sửa soạn cho những trận chiến kế tiếp. Lịch sử nhân loại cận đại và hiện đại đã cho thấy nhiều cơn cuống bão như muốn hủy diệt bao công trình văn minh con người đã dày công xây đắp.

Ngay sau khi xuất bản, tác phẩm đã gây chấn động với những ý kiến mới mẻ, táo bạo vượt trước thời đại rất xa. Russell đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự tiến hóa của ý niệm quyền lực theo suốt dòng lịch sử, trên quan điểm nhân bản, đứng về đám đông nhân loại đang gào thét đòi hỏi công lý, đòi con người phải đối xử nhân đạo với chính con người.

Ảnh: Nhã Nam

8. VIỆT KIỆU THƯ – Lý Văn Phượng; Châu Hải Đường dịch

Trích: Tao Đàn

Trong các tác phẩm, các bài viết nghiên cứu liên quan đến lịch sử trung đại Việt Nam, đã không ít lần chúng ta bắt gặp tên sách Việt Kiệu thư của Lý Văn Phượng và ít nhiều nội dung của nó được các tác giả dẫn cứ, đặc biệt là các tư liệu liên quan đến chiếu thư, sắc chỉ của nhà Minh trong cuộc xâm lược Việt Nam đầu thế kỷ 15. Duyên do biên soạn cuốn sách chính tác giả đã nói trong lời tựa đầu sách, rằng: “những sự dựng đặt hưng phế ở An Nam, ghi chép tản mát trong các sách vở, những kẻ bàn nghị có khi khảo cứu chẳng được đầy đủ, vì vậy Phượng tôi, nhân khi chính sự thư nhàn bèn thu thập lấy mà chú giải sắp xếp lại…”

Khi Lý Văn Phượng biên soạn sách này thì bộ Minh sử còn chưa biên soạn, do vậy có thể nói đó là phần ông phải sưu lục từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, các ghi chép, truyện ký của cá nhân, có thể kể ra như: Bình định An Nam lục của Khâu Tuấn; Hà trung tiết truyện trong Hiệu tần tập của Triệu Bật, Thông nghị đại phu Công bộ Hữu thị lang Dần Am La công Giản mộ bi của Vương Anh… Đặc biệt, có nhiều sắc chỉ của nhà Minh cho các tướng trong thời kỳ chiến tranh xâm lược Đại Việt chỉ có thể tìm thấy trong Việt Kiệu thư. Có thể nói, đó chính là những tư liệu mà như các nhà nghiên cứu trước đã nhận định rằng “có thể bổ sung thêm cho chính sử”. Trong số đó, phải kể đến gần 100 bản chiếu, sắc từ đời Hồng Vũ đến Gia Tĩnh đã cho ta thấy nhiều thông tin độc đặc, qua đó có thể thấy sự chuẩn bị, thái độ của nhà Minh cũng như bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược nước ta đầu thế kỷ 15, mà chính sử Trung Quốc vẫn cho là “giúp Trần diệt Hồ”. Nhiều mật chỉ của Minh Thành tổ đã bộc lộ rõ ý đồ tàn phá hủy diệt đối với văn hóa và con người Đại Việt khi ấy. Tuy ẩn dưới những vỏ bọc ngôn từ thế nào thì bản chất xâm lược và hủy diệt của cuộc chiến tranh ấy với đất nước, con người, văn hóa Đại Việt cũng không thể che dấu.  

Trong cuốn sách xuất bản lần này, chúng tôi bước đầu giới thiệu tới bạn đọc tám quyển Việt Kiệu thư từ Quyển I đến Quyển VIII, là những cuốn có nhiều tư liệu về lịch sử, địa lý hơn cả. Còn các quyển từ 9 đến 20, chủ yếu gồm thư sớ, văn thơ… chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sau. Đồng thời, để cung cấp tư liệu cho các bạn có nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu, ngoài bản khảo dịch ra tiếng Việt, chúng tôi cũng có xuất bản đồng thời cả một bản sách khác nguyên văn chữ Hán, trên cơ sở hai bản “Bình Nhai” và “Xương Bình” nói trên, trong đó có chú thích chi tiết các điểm sai khác giữa hai bản, những chỗ sửa chữa, bổ sung hay bỏ bớt, cũng như các công việc khảo đính khác.

Ảnh: Tao Đàn

Cảm ơn các bạn đã theo dõi bản tin tri thức do nhóm Book Hunter thực hiện.

Điểm tin: Trần Cúc

Do nhân lực có hạn, nên Book Hunter có thể sẽ tổng hợp thiếu sót các tin tức. Chúng tôi rất mong các bạn có thể cùng chia sẻ tin tức về các hoạt động xuất bản, sự kiện học thuật, hoạt động nghiên cứu… trong và ngoài nước, để Bản tin tri thức đa chiều hơn và đầy đủ hơn.

Nguồn: https://bookhunterclub.com/sach-hoc-thuat-trong-nuoc-thang-3-nam-2022-vi-sao-lai-lam-triet-hoc-tim-hieu-xa-hoi-viet-nam-thoi-ly-tran-nhung-van-de-lich-su-va-van-hoa-champa/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

1 × two =