Franz Kafka: Tượng đài của sự tinh túy và dị biệt

0
588

Franz Kafka: Tượng đài của sự tinh túy và dị biệt
 
       Gần 100 năm sau khi Kafka qua đời, hậu thế vẫn dùng những mỹ từ đẹp nhất để ca ngợi ông. Văn chương của ông giống như một lâu đài kì bí kích thích người đọc khám phá và thán phục.

Franz Kafka sinh năm 1883, trong một gia đình người Do Thái tại Praha, khi ấy là một phần của Đế quốc Áo-Hung. Ông học chuyên ngành luật tại Đại học Karl ở Praha và hứa hẹn sẽ trở thành một luật sư danh tiếng. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1906, chàng thanh niên trẻ gốc Do thái vào làm việc trong ngành bảo hiểm trong hơn 10 năm.

Khoảng thời gian làm việc trong các công ty bảo hiểm chuyên giải quyết các vụ việc liên quan đến tai nạn lao động khiến Franz Kafka có điều kiện tiếp xúc với nhiều công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ông thấy xót xa cho số phận cùng cực của họ, qua đó nhận thấy những mặt trái sự phát triển nền công nghiệp nặng một cách chóng mặt ở châu Âu.

Trong cuộc sống cá nhân, Kafka cũng gặp không ít trở ngại. Hai cha con ông thường xuyên mâu thuẫn. Cha của Franz Kafka là Hermann Kafka – một người đàn ông cao lớn và dữ dằn. Trong khi đó, nhà văn vốn là một cậu bé nhút nhát. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của Kafka. Chủ đề cốt lõi trong tác phẩm của ông là mâu thuẫn cha con, sự ghẻ lạnh, sự dã man về thể xác và tâm lý, cùng những cuộc truy tìm kì bí, đáng sợ mang màu sắc giả tưởng.Franz Kafka sống trong một thời kỳ xã hội đầy biến động. Nhất là khi các phong trào đàn áp người Do thái diễn ra mạnh mẽ vào đầu thế kỉ 20. Khi còn nhỏ, cậu bé Franz đã rất kinh hãi khi thấy ngôi nhà của những người hàng xóm bị kẻ lạ mặt đến đập phá tới mức chỉ còn là một đống gạch vụn. Gia đình nhà văn may mắn thoát nạn vì họ “Kafka” nghe không giống như họ của người Do thái.

Ở giai đoạn đầu viết lách “nhà tiên tri bé nhỏ người Do Thái” đã gặp không ít kho khăn và khủng hoảng. Ông không hài lòng với những sáng tác của mình và đã đốt bỏ rất nhiều truyện ngắn. Sau khi tám truyện ngắn của ông được in trên tạp chí Hyperion, vào năm 1908, với tựa chung Trầm tư, các tác phẩm của Kafka mới được các nhà phê bình chú ý, đồng thời ông thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng.

Một trong những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Kafka là việc ông đã gặp gỡ và kết bạn với nhà văn, nhà báo Max Brod. Không chỉ là một người bạn, Max Brod còn là một người hâm mộ tài năng của Franz Kafka. Trước khi qua đời vào năm 1924, Kafka đã giao lại toàn bộ bản thảo của mình cho Max Brod và dặn Max Brod hãy tiêu hủy chúng. Nhưng Max Brod đã không làm vậy.

Các tiểu thuyết nổi tiếng của Kafka lần lượt được xuất bản sau khi ông qua đời, trong đó cóVụ án (1925) Lâu đài (1926) và Amerika (1927) – cuốn tiểu thuyết này còn có tên khác là Kẻ mất tích. Trong suốt những năm Chiến Tranh thế giới thứ nhất, do lo sợ những bản thảo của Kafka có thể bị thất lạc hoặc hư hại, Max Brod đã phải mang chúng theo trên đường đi lánh nạn từ Praha sang Palestine.

Franz Kafka còn có đóng góp không nhỏ vào công cuộc hiện đại hóa văn học. Đặc biệt việc áp dụng kỹ thuật “dòng ý thức” trong việc xây dựng và phát triển độc thoại nội tâm của nhân vật. Độc giả Việt Nam biết đến Kafka từ cuối những năm 1960. Đến những năm 1980, các tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy trong chương trình đại học trong nước. Các sáng tác của Kafka không phải là thứ văn sinh ra để đọc vội, đọc chớp nhoáng. Sự kết hợp tuyệt vời của chủ nghĩa hiện sinh cùng dòng văn học phi lý đã mang lại cho các tác phẩm của Kafka nhiều ý tưởng ngầm ẩn, không được phơi bày trên trang giấy.

Đọc tiểu thuyết của ông, đặc biệt là Lâu đài, đòi hỏi độc giả phải vận dụng óc logic, liên tưởng và chuyển hóa biểu tượng. Những áng văn của Kafka, có sứ hút như một mê cung, bước vào trong ta biết mình có thể bị lạc nhưng vẫn không thoát khỏi sự tò mò và cám dỗ.
   
Nguồn : Zing

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

nine − 3 =