Bi kịch hồn nhiên trong truyện cổ Andersen

0
375

Bi kịch hồn nhiên trong truyện cổ Andersen

Người ta gọi ông là “người kể chuyện cổ tích”. Còn ông tự nhận mình “giống như người dân miền núi đục vào vách đá những bậc thang” để “chậm chạp và khó nhọc tìm lấy một chỗ đứng của mình trong văn học”[1]. Ông là thiên tài kể chuyện Hans Christian Andersen (1805-1875).

 

Andersen đã có một cuộc đời sáng tạo vĩ đại: ông là nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch, nhà thơ, và đặc biệt là nhà viết truyện cổ tích. Sinh thời, ông làm bạn với V. Hugo, H. Balzac, C. Dicken, H. Heine… Sinh trong nghèo khó ở thành phố cổ Ôđenzê nước Đan Mạch, làm con của một người thợ giày bần hàn, tuổi thơ chìm đắm trong những câu chuyện cổ tích do người cha và các cụ già trong khu dưỡng lao kể lại, những năm tháng ngây thơ sống trong các trò chơi tưởng tượng, tâm lý và vóc dáng có nhiều nét kỳ quặc, bị khinh rẻ và sống trong niềm tủi nhục…, Andersen đã trở thành ông vua chuyện cổ mà tên tuổi bay khắp thế giới.

 

Bo Gronbech trong tham luận “Tại sao chúng ta nghiên cứu Andersen?” (Hội thảo Andersen và Thế giới – Andersen and The World, 1993) đã nêu lên 9 nguyên nhân cần phải tìm hiểu Andersen như sau: 1-Cuộc đời nhà văn, 2- Tâm lý kỳ lạ, 3-Thơ ca, 4-Sáng tạo cổ tích, 5-Nghệ thuật cảm thụ, 6-Ý niệm tôn giáo và triết lý nhân sinh trong truyện cổ, 7-Việc biên tập, 8-Ảnh hưởng của Andersen đến văn hóa Đan Mạch, 9-Dịch thuật truyện cổ Andersen và phê bình tác phẩm Andersen ở nước ngoài. Ở mục Sáng tạo cổ tích, Gronbech đặt ra câu hỏi về “bí ẩn kể chuyện” của Andersen khi trộn lẫn những nhân vật–con người và nhân vật-sự vật với nhau. Và ở mục Ý niệm tôn giáo và triết lý nhân sinh trong truyện cổ, Gronbech cũng kêu gọi chúng ta hãy đọc Andersen không chỉ dưới ánh sáng Thiên Chúa giáo, mà dưới chủ âm triết lý chung cuộc về đời sống con người mà Andersen thể hiện. Gợi ý này giúp chúng tôi nghĩ đến một luận điểm nhỏ: phải chăng, có một lớp nghĩa mang nội dung bi kịch trong truyện cổ Andersen thông qua sự trộn lẫn nhân vật-con người và nhân vật-sự vật, và bi kịch ấy, trong dáng dấp truyện cổ tích, sẽ mang màu sắc hồn nhiên?

 

I. Bi kịch chọn lựa:

 

Chúng ta bắt đầu với câu chuyện Nàng tiên cá.

 

Nàng tiên cá khi có được tình yêu với con người (là chàng hoàng tử) thì bị rơi vào thế phải đánh đổi: đánh đổi tiếng hát, giọng nói, và cao hơn là đánh đổi số phận của chính mình, đánh đổi sự tồn tại để có được một linh hồn bất diệt. Nàng có hai lần phải chọn lựa. Lần thứ nhất, khi đến gặp mù phù thủy, nàng buộc phải chọn lựa giữa việc hy sinh tiếng hát, giọng nói để biến thành người và được gặp hoàng tử yêu dấu. Nàng đã chọn sự hy sinh. Lần thứ hai, khi buộc phải giết chết hoàng tử trước lúc mặt trời mọc để sống ba trăm năm đời cá thay vì sống trong tích tắc của kiếp người. Nàng đã chọn kiếp người. Cuộc đời nàng tiên cá đã phải chọn lựa những thứ như sau: được làm người, được yêu như người, và được chết như con người. Dấu hiệu duy nhất để nhận biết điều ấy là đôi chân trần đau nhói trong mỗi bước đi. Những chọn lựa của nàng tiên cá suy cho cùng đều là những quyết định bi kịch. Cái nàng đạt được và cái nàng hy sinh đều hệ trọng như nhau. Nàng phải chọn trong đau đớn giữa cái phù vân và cái vĩnh cửu, giữa thân phận bọt sóng vô tri và kiếp người đầy mất mát. Cái là phù vân lại mang hình bóng vĩnh cửu (bọt sóng), cái tưởng là vĩnh cửu lại quá đỗi phù vân (làm người).

 

            Truyện Cái bóng kể cho chúng ta một sự chọn lựa khác. Người đàn ông trong truyện (một nhà khoa học) có hai lần chọn lựa, nhưng đều kín đáo, đến nỗi nhà văn cũng không nỡ nói cho chúng ta biết nhân vật đã quyết định chọn lựa từ lúc nào. Chỉ biết rằng, có một lần, người đàn ông ấy thấy mình mất bóng. Quyết định chọn con đường cho phép chiếc bóng ra đi mà không biết, người đàn ông trở nên đơn độc khủng khiếp khi không còn bóng nữa. Cái bóng ấy sau những chuyến phiêu lưu li kỳ bỗng dưng quay lại với địa vị con người thật. Nó giàu có, sang trọng, và thậm chí còn muốn lấy vợ. Người đàn ông chọn lựa lần thứ hai, chấp nhận đổi thân phận mình làm bóng, và cái bóng làm chủ lấy nhà khoa học. Buổi tiệc cưới tưng bừng của chiếc bóng ở cuối truyện được đặt bên cạnh cái chết âm thầm của con người thật. Câu chuyện cổ tích tưởng chừng ngộ nghĩnh này chất chứa một sự đánh đổi bi thảm của con người trong xã hội hiện đại. Andersen đã sử dụng những chi tiết thần kỳ nhằm mang đến cho chúng ta một ẩn dụ mới về sự bất lực của con người trong việc chăm bón cho hào quang phù phiếm. Nhà khoa học viết về Chân Thiện Mỹ đã chết. Nhưng chiếc bóng của ông ta thì vẫn sống, lấy vợ, giàu có, và giả vờ thương xót con người thật đã mất kia. Bi kịch này có lẽ vẫn âm thầm xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta, khi nỗi sợ mất bóng là ám ảnh lớn nhất trong đời.

 

Truyện Một bà mẹ lại dẫn chúng ta đến thế giới của tình mẫu tử. Người mẹ tội nghiệp ấy cũng phải có ba lần chọn lựa khi mất đứa con thân yêu. Lần thứ nhất, người mẹ khóc để đôi mắt trong veo của bà rơi xuống đáy hồ, khi ấy bà được hồ dẫn đường đến ngôi nhà của Thần Chết. Lần thứ hai, người mẹ phải trao mớ tóc đen của mình cho bà cụ đổi lấy mớ tóc bạc để được chỉ đường đến khu vườn kính của Thần Chết, nơi có những bông hoa tượng trưng cho kiếp người. Cái gì đã dắt người mẹ đi xa đến thế, đánh đổi nhiều đến thế, đó là tình mẫu tử, là việc tìm lại đứa con thân yêu. Nhưng trong khu vườn, với đôi mắt trong veo được trao trả lại, người mẹ đã nhìn thấy bao nhiêu thân phận sung sướng và bất hạnh trong những bông hoa. Và bà quyết định: để cho con được chết. Lựa chọn cuối cùng này của người mẹ là dấu chỉ cho chúng ta đọc được ý nghĩa bên trong của câu chuyện cổ tích. Người mẹ không muốn con mình thức dậy vì bà không thể biết được cuộc đời thực sự của đứa con sẽ là khổ đau hay hạnh phúc; bà không thể biết nếu con mình sống lại thì cái sống ấy liệu có làm người khác phải mất con như bà không, có phải trả giá không. Vì không biết nên bà chấp nhận cho Thần Chết mang con mình đi xa. Chúng ta, cũng như bà mẹ, không biết kết cuộc mà Andersen dành cho người mẹ đau khổ đó là đúng hay không đúng. Cái chết từ đầu câu chuyện vẫn chỉ là cái chết cho đến cuối câu chuyện, dù người mẹ đã phải mù lòa đi hay già cỗi đi vì đau thương. Chúng ta bị chọn lựa cho cái chết, còn ý nghĩa cái chết ấy vẫn là điều không thể biết.

 

Có thể nói, những mong ước trong truyện cổ Andersen đều thiết tha và hệ trọng. Nhưng các nhân vật khi đạt được lại hiếm khi trọn vẹn niềm vui. Truyện của ông thường không kết thúc trong khúc khải hoàn hoặc sự viên mãn, rằng từ đó trở đi, những nhân vật ấy sẽ được hạnh phúc mãi mãi. Andersen đã làm ngược lại; cái đạt được không phải là phần thưởng tuyệt đối cho đức hạnh hoặc tài năng, hoặc sự khốn khó. Cái đạt được vẫn nằm trong chiếc bóng khổng lồ của định mệnh. Và nỗi buồn vẫn tràn ngập, cho dù mơ ước đã thành. 

 

II. Bi kịch trò chơi:

 

            Andersen có nhiều câu chuyện cổ mà nhân vật là những đồ vật, động vật. Cách sử dụng nhân vật như thế rất gần với loại truyện ngụ ngôn như truyện kể của Edôp hoặc ngụ ngôn La-phông-ten. Nhưng tính chất ngụ ngôn của Andersen lại có thêm màu sắc của tiểu thuyết, thể hiện ở chất đời thường tỏa khắp mọi chi tiết, kể cả những chi tiết kỳ lạ. Chúng ta đọc thấy trong truyện Andersen lời khuyên chí tình của các con vật, nghe lời kể của đồng silinh bạc, chiêm nghiệm đời anh bù nhìn tuyết, con quay và cái bóng, chiếc kim thô, gã cổ cồn, con bọ chét, con chấu chấu, con nhảy, rồi xúc động với anh lính chì, con chim và hoa cúc trắng… Nhân vật đồ vật và động vật trong truyện Andersen như một kiểu mặt nạ. Ở đó, nhà văn tha hồ cho nhân vật của mình bị hành hạ, bị bóc trần, bị thua cuộc… mà vẫn cứ là những chiếc mặt nạ, những trò chơi của tuổi thơ…

 

Chúng ta sẽ đọc truyện cổ Andersen theo tính chất bi kịch của nó qua hai lớp nghĩa:

 

+ Lớp ngụ ngôn : xuất phát từ các nhân vật trò chơi. Đặc điểm này đáp ứng yêu cầu cho trẻ thơ vì trẻ vốn yêu thích chơi đùa và đóng giả.  Andersen đã cố ý tạo ra kiểu truyện mang nghĩa kép: trò chơi và những giáo huấn tinh tế. Truyện có nhiều cách ngôn mang tín hiệu ngụ ngôn như câu nói lặp lại ba lần của chàng Ruydi: “Nếu nghĩ mình không ngã thì sẽ không bao giờ ngã”(Nữ thần Băng giá), hoặc câu “khi ở trên cao thì người ta có thể mỉm cười”(Một chuyện đau lòng, hay “có kiên tâm chờ đợi thì cuối cùng bao giờ vẫn được người ta đánh giá đúng với giá trị thực tế của mình” (Đồng silinh bạc)…

 

+ Lớp tiểu thuyết: đó là lời kể về những cái thường nhật, thường trực. Hình ảnh về một thế giới tầm thường, giả tạo, và liên tục trở nên phù phiếm đi song hành với những ước mơ cao khiết, những biến cố kỳ dị, những thử thách và chết chóc chỉ có trong thần thoại hay cổ tích khiến cho truyện cổ Andersen mang tính đa thanh. Hình vóc là truyện cổ mà dư vang lại thuộc về tiểu thuyết. Nhân vật tưởng là mang mặt nạ ngụ ngôn, nhưng tình huống và bi kịch của chúng lại trùng khớp với mọi biến cố tiểu thuyết hiện đại.

 

Truyện Một cặp tình nhân kể về hai nhân vật: chú Quay và ả Bóng. Trong mối tình trò chơi ngô nghê đậm màu sắc tưởng tượng này, người đọc bắt gặp ba chi tiết như sau: một là lời thề, hay lời hứa, hai là sự đỏng đảnh của ả Bóng, ba là sự từ chối của chú Quay trước một ả Bóng trương phềnh hết thời. Mối tình bắt đầu bằng sự thề thốt và kết thúc trong bạc bẽo ấy ta hoàn toàn có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trong xã hội con người. Cái gì làm cho cặp tình nhân ấy chán chường nhau? Khởi đầu là do…một cú đập bóng của lũ trẻ con. Cái lý do không đâu ấy ta cũng có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Những đổ vỡ phi lý, những đổi thay do thời cuộc, câu chuyện nhân tình thế thái đã được Andersen lồng kín trong mấy trang giấy. Những đứa bé ngây thơ sẽ cười ngặt nghẽo khi nghe Andersen kể về mối tình của hai thứ đồ chơi vô tri kia. Còn người lớn thì ngậm ngùi hơn. Vì cái kết cục bi hài này không thể biết được sẽ đến với ta vào khi nào: “Thế là Quay được sống lại cuộc đời vinh quang. Còn Bóng thì bị quẳng ra ngoài phố. Quay chẳng bao giờ còn nhắc đến mối tình xưa nữa. Khi cu cậu trông thấy cô ả trương phềnh lên vì nước mưa, nom rúm ró và gớm chết, cụ cậu đã lờ đi, không nhận cô ả nữa”.

 

Cũng là thế giới đồ chơi và trò chơi, truyện Chú lính chì dũng cảm bày ra một thế giới hỗn độn với một kết cục buồn: chú lính chì bị quẳng vào lửa và lửa bén cháy cả cô vũ nữ xinh đẹp bằng bìa của chú. Di hài chú lính được chị giúp việc kết lại thành một trái tim nhỏ. Cuộc đời chú lính chì, với niềm đam mê tình ái, can đảm chống chọi giữa dòng rác rưởi, và suýt chết trong bụng con cá măng… chứa đựng tấm lòng trắc ẩn sâu xa của Andersen về những con người bất toàn. Chú lính chì một chân và cô vũ nữ cũng chỉ đứng một chân giữa một đám đồ chơi nhao nhác, đầy tâm địa… là một nét vẽ thiên tài về thế giới khổng lồ của con người. Chú lính chì bị chảy ra trong lửa, nhưng chú vẫn tiếp tục hóa thành một món đồ chơi mới: một trái tim (món đồ chơi của chị giúp việc); như thể đời này sang đời khác, trong vóc hình một món đồ chơi, chú lại tiếp tục dũng cảm sống và chết đi, tiếp tục là câu chuyện trong thế giới đồ chơi. Và tiếp tục những bi kịch mới.

 

Truyện Bù nhìn tuyết có hình bóng một ẩn dụ. Giống như Ruyđi bị biến thành đồ chơi của các âm thần và bị chết theo băng giá, bù nhìn tuyết khi bị tan ra còn trơ cái cán chổi. Thế mà hắn từng có một khởi đầu vinh quang: “Bù nhìn tuyết sinh ra giữa những tiếng reo mừng của lũ trẻ em, giữa tiếng nhạc ngựa kéo xe trượt tuyết và giữa tiếng roi quất của các anh xà ích trẻ tuổi”. Rồi khi mùa xuân đến, mặt trời lên rực rỡ, bù nhìn tuyết biến mất trong quên lãng. Trong suốt quãng đời “bù nhìn” của mình, bù nhìn tuyết đã khao khát biết bao một ngọn lửa sưởi ấm trong nhà, một vầng mặt trời đỏ, mà không biết những thứ ấy sẽ thiêu cháy chính mình. Bởi vì nó không hề ý thức được rằng nó chỉ là một loại đồ chơi phù phiếm, rằng sự phù phiếm và giới hạn của nó không thể dùng để phán xét và tìm kiếm vĩnh cửu.

 

III. Và bi kịch hồn nhiên trong truyện cổ Andersen:

 

Không gian cổ tích đã tạo ra một chân trời rộng lớn cho Andersen khi thiết kế các nhân vật và tình huống trong cảm hứng sâu kín về tình đời, tình người. Nhân vật của Andersen thường chơi và bị chơi. Nhưng các chú bé, cô bé chơi đùa kia chỉ là đòn bẩy, là cái bóng để soi sang phía bên kia của các con vật bị biến thành đồ chơi, hoặc những con vật là đồ chơi vì vốn chúng đã như thế. Milan Kundera khi bàn về tiểu thuyết Cervantes đã dùng cụm khái niệm “hiền minh của lưỡng lự”[2]. Chúng ta có thể tìm thấy tính chất hiền minh ấy trong câu chuyện cổ của Andersen. Các nhân vật buộc phải chọn và sống trong đời sống bình thường với những tổn thương tinh thần sâu sắc và phổ biến. “Khi Đông Kisốt bước ra khỏi nhà và không còn đủ sức nhận ra thế giới nữa”[3]. Các nhân vật của Andersen, dù là con người hay con vật, đồ vật, cũng đều mang một sự im lặng nhẫn nại trước mất mát và quên lãng; họ chơi và bị chơi trong một thế giới hỗn loạn, và không thể nhận biết chắc chắn một điều gì, ngoài sự ngây thơ của họ. Họ không thuộc chỉ thuộc về cổ tích, thế giới của trẻ thơ giản dị; họ còn thuộc về tiểu thuyết, thế giới của người lớn đa đoan. Tuy nhiên, ẩn ức bi thảm được khắc họa bằng những cái chết và nỗi oan không lấn át sự sáng tạo hồn nhiên và dồi dào của Andersen. Cảm giác lớn nhất mà người đọc tìm thấy ở Andersen vẫn là niềm yêu sống tuyệt vời, nơi các nhân vật đã có những khoảnh khắc sống đẹp đẽ hết mình cho mọi ước mơ, được sống hồn nhiên cho đến hết tấn bi kịch của mình.

 

Là bi kịch, bởi vì nhân vật của Andersen đã phải chọn lựa quá nhiều trước khát vọng hoàn thiện và sự bất lực tất yếu. Là hồn nhiên, bởi vì mỗi mẫu chuyện của Andersen đều kể về một thế giới quá xa chúng ta, thế giới cổ tích mà những được mất đều chỉ là hồi quang của một cuộc chơi nào đó. Là bi kịch, bởi vì không có nhân vật nào của Andersen mà không có một nỗi mất mát riêng bị giấu đi trong quên lãng…Là hồn nhiên, bởi vì, nước mắt và nụ cười trong truyện cổ Andersen luôn đồng hành, luôn soi bóng trong những câu chuyện dù kết cục chọn lựa là sống hay chết, tốt hay xấu.

 

Trong thế giới tưởng tượng ngộ nghĩnh và trắc ẩn ấy, có bao mảnh đời trôi nổi giữa rủi may, bao nhân cách bị biến dạng, bao tình yêu bị tan nát, bao cái chết oan uổng… Thế giới nhân sinh thật sự luôn có mặt trong mỗi trò chơi nho nhỏ của Andersen, trò chơi mà ông đã phải cặm cụi suốt đời, một cách “chậm chạp và khó nhọc” để sáng tạo ra nó.

 

Và mỗi mẫu chuyện cổ tích trong sáng của Andersen vẫn ánh lên sâu kín bi kịch hồn nhiên của mọi kiếp người.

 

 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10.12.2005
 

Lê Tâm

 


[1] Trích “Người kể chuyện cổ tích”, lời nói đầu của Pautopxki trong tuyển tập “Truyện cổ Anđecxen”, NXB Văn hóa Thông tin, 2004.
[2] Xem “Nghệ thuật tiểu thuyết”, Milan Kundera, Nguyên Ngọc dịch, NXB Đà Nẵng, 1998, tr.11.
[3] Nghệ thuật tiểu thuyết, Sđd, tr. 11.

 

Last Updated ( Thursday, 08 April 2010 02:07 )

Nguồn: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

nineteen − 2 =