TỰ THÂN THAY ĐỔI LÀ MỘT CÁCH ĐỂ YÊU CON

0
124
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Mẹ luôn đồng hành cùng con
Tác Giả: Dương Văn

TỰ THÂN THAY ĐỔI LÀ MỘT CÁCH ĐỂ YÊU CON

Sau một thời gian dài bị lãng quên, giáo dục gia đình ở Việt Nam trong khoảng hơn một thập kỉ trở lại đây được chú ý trở lại. Sự hình thành của gia đình hạt nhân và lối sống đô thị là những yếu tố tác động tạo ra sức nóng trong mối quan tâm của các bậc cha mẹ đối với giáo dục gia đình.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do chủ yếu.

Lý do chủ yếu nhất, có lẽ nó xuất phát từ sự ý thức về vai trò của giáo dục gia đình khi cha mẹ tham chiếu tình hình của trường học hiện tại với viễn cảnh tương lai của con cái họ. Sự khủng hoảng triền miên không lối thoát của giáo dục trường học đã làm cho phụ huynh ngày một ý thức hơn về vai trò của gia đình đối với sự trưởng thành của con.

Các cuộc hội thảo về giáo dục gia đình được tổ chức thường xuyên hơn và sách vở “nuôi dạy con” được xuất bản rất phong phú.

Tuy nhiên, có rất nhiều cha mẹ cảm thấy lúng túng vì cảm thấy mình đã đọc nhiều sách, tham gia nhiều hội thảo, áp dụng phương pháp nọ phương pháp kia mà con cái của họ không tiến bộ.

Nhiều người cảm thấy việc tiếp cận thông tin hay học hỏi chỉ làm cho bản thân cảm thấy hoang mang, mỏi mệt.

Tâm lý ấy rất dễ hiểu. Hoang mang, mỏi mệt là trạng thái tất yếu trên con đường phụ huynh tìm đến được trạng thái giác ngộ về vai trò của bản thân đối với sự trưởng thành của con.

Quá trình đó tuyệt nhiên không phải là quá trình đơn giản, một sớm một chiều.

Giáo dục không phải là công việc sáng gieo hạt chiều hái quả. Nó cần đến thời gian để kiểm nghiệm.

Và ở đây, có một điều tôi muốn nhấn mạnh, sự ảnh hưởng có tính chất giáo dục từ phía phụ huynh tới con chỉ có thể có được và có được một cách hiệu quả khi chính bên trong bản thân phụ huynh có sự vận động, chuyển hóa về chất. Sự chuyển hóa đó sẽ diễn ra ở thái độ, mối quan tâm, tư duy và cuối cùng thể hiện trong hành động của phụ huynh ở cả trạng thái có ý thức và vô thức.

Nói một cách đơn giản, muốn con thay đổi tích cực, cha mẹ phải nỗ lực thay đổi tích cực. Sự nỗ lực không ngừng của cha mẹ trong tư duy khi vượt thoát khỏi các giáo điều, định kiến; sự bền bỉ vượt khó trong công việc và cuộc sống hàng ngày sẽ tác động đến con.

Tất nhiên, để làm được điều đó, bạn sẽ cần đến cảm hứng, cần đến sự động viên thậm chí là những hình mẫu.

Bạn có thể tìm thấy các hình mẫu đó ngoài đời thực hoặc trong sách vở. Nếu bạn muốn tìm một hình tượng có thực được mô tả trong sách vở, tôi nghĩ Dương Văn, tác giả “Mẹ luôn đồng hành cùng con”, sẽ là một ví dụ gợi nhiều cảm hứng.

Đọc sách của bà, cho dù sách hướng dẫn rất nhiều biện pháp cụ thể để nuôi dạy con được rút ra từ kinh nghiệm nuôi dạy cậu con trai Hạ Dương, tôi lại đặc biệt chú ý đến cuộc đời và những nỗ lực không ngừng để thay đổi bản thân của bà. Đây có lẽ là yếu tố tạo nên thành công của bà và gia đình trong cả sự nghiệp và việc nuôi dạy con.

Nhìn vào tiểu sử tóm lược của bà ở vào thời điểm cuốn sách ra đời (2007) bạn đọc hiển nhiên sẽ trầm trồ ngưỡng mộ:

– Đã từng du học Anh để học tập và nghiên cứu phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em

– Trở thành hội viên Trung Quốc đầu tiên của Hiệp hội giáo viên quốc tế giảng dạy tiếng Anh cho thiếu nhi.

– Bộ sách tiếng Anh cho trẻ em do bà chủ biên được sử dụng trong giảng dạy liên tục 10 năm ở các trường mầm non trên toàn Trung Quốc.

– Phương pháp dạy tiếng Anh trực quan cho trẻ em của bà được đưa vào danh sách mười cách dạy ngoại ngữ của Trung Quốc đương đại.

– Môn học Phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em do bà giảng dạy được bình chọn là môn học tiêu biểu cấp quốc gia của Bộ giáo dục Trung Quốc.

– Sáng lập và lãnh đạo Học viện Anh tài Sơn Đông, một trường đại học dân lập với 20. 000 sinh viên…

– Con trai Hạ Dương của bà hiện là Nghiên cứu sinh tại đại học Cambridge.

Nhìn vào đây nhiều người nghĩ bà là người may mắn hoặc sinh ra trong gia đình có điều kiện tốt. Nhưng sự thật ngược lại, để có được những thứ trên bà đã nỗ lực không ngừng để thay đổi số phận.

Bà đã tự tổng kết ngắn gọn cuộc đời mình trong sách: “Từ một cô công nhân dệt may, tôi đã trở thành tiến sĩ, giáo sư, người sáng lập ra học viện dân lập với hơn 20. 000 sinh viên”.

Tôi đặc biệt ấn tượng với những gì bà kể lại về sự nỗ lực của bản thân trên con đường học tập. Xin trích lại đây những đoạn mô tả đầy sinh động đó.

“Trong thung lũng nọ, một đêm tối đen như mực, mưa gió, sấm chớp đầy trời, một cô gái 17 tuổi vai đeo ba lô, một mình đi qua nghĩa địa để tham gia lớp học bổ túc trên huyện chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Cô gái ra sức bấm móng tay vào cổ tay mình, để cảm giác đau đớn xóa đi nỗi sợ hãi trong lòng. Đó chính là tôi-cô thợ may ngoài giờ làm việc, vì ước mơ trở thành sinh viên đại học mà miệt mài phấn đấu…Sau khi tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Nhất Trung-Đức Châu, tôi được cử đến làm việc tại một xưởng may với mấy chục công nhân và mấy chục chiếc máy khâu”.

“Tối đến tôi đi ngủ sớm, nhờ nhân viên phục vụ gọi tôi dậy vào lức ba giờ sáng hôm sau. Lúc ấy đang giữa đông, ngoài hành lang rét căm căm, mình tôi ngồi đọc sách dưới ánh đèn lờ mờ, cô phục vụ tốt bụng phá lệ cho tôi vào phòng trực ban ngồi học. Học đến sáu giờ sáng, tôi lại cùng đồng nghiệp ra xe để đi làm”

“Tôi đọc sách trong thư viện của trường, buổi trưa thư viện đóng cửa, tôi liền năn nỉ các cô nhân viên khóa trái tôi trong phòng. Đói thì ăn tạm cái màn thầu cứng ngắc, mệt thì ngả lưng xuống ghế chơp mắt một lát, tỉnh dậy lại học tiếp. Lúc ấy, vì việc học mà tôi hiếm khi được ăn bữa cơm nóng hay được ngủ trọn được mấy tiếng đồng hồ, nói gì đến chuyện giải trí và trang điểm”.

Cho dù người phụ nữ thành công trong công việc và được giải phóng đến đâu, vai trò nuôi dạy con của họ trong gia đình vẫn rất lớn và không thể thay thế. Bà Dương Văn ý thức sâu sắc về điều đó, vì thế trong vai trò một người mẹ, bà luôn nỗ lực để thay đổi bản thân.

Bà tâm niệm: “Cha mẹ phải làm gương cho con. Trong gia đình, mọi lời nói, hành động của cha mẹ đều trở thành đối tượng để con trẻ bắt chước . Chính vì vậy, muốn thực hiện tốt vai trò người làm gương, cha mẹ phải không ngừng tu dưỡng bản thân, song song với quá trình nuôi dạy con, còn cần phải tự giáo dục mình”.

Chính vị vậy ngay từ khi con chào đời hai vợ chồng bà đã hạ quyết tâm: “Hai vợ chồng tôi đã dồn hết mọi tình yêu thương và niềm hi vọng cho con. Trước hết, chúng tôi quyết tâm làm một người người cha, người mẹ có trách nhiệm. Chỉ khi được sống trong một gia đình có trách nhiệm, con trẻ mới cảm nhận được sự an toàn trong tương lai. Khi ôm cậu con trai bé bỏng trong lòng, chúng tôi quyết tâm dùng sự nỗ lực của mình để đem lại cho con một gia đình tràn ngập tình yêu thương và ấm cúng”.

Lý giải thành công của mình bà viết: “Tôi thừa nhận, tôi không phải là người thông minh bẩm sinh, nhưng tôi là một người rất nỗ lực”

Đấy có là chân lý giản đơn nhưng cần thiết cho tất cả các bậc phụ huynh.

Tất nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có khả năng trí tuệ và có thể nỗ lực trở thành giáo sư đại học và nuôi con trở thành nghiên cứu sinh đại học Cambridge như Dương Văn.

Cuộc sống muôn màu, mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh và mỗi cá nhân đều có những giá trị riêng không phụ thuộc hoàn toàn và bằng cấp hay địa vị xã hội. Tuy nhiên, cho dù ở hoàn cảnh nào hay thậm chí là nghịch cảnh nào, việc cho con thấy nỗ lực không ngừng của bản thân để thoát ra sự trói buộc của số phận rất quan trọng. Những câu chuyện về những học sinh, thanh niên đạt được thành tích tốt hoặc làm được những điều phi thường trong khi bố mẹ làm những nghề bình thường hoặc gia đình nghèo khó, đang trong nghịch cảnh mà chúng ta nghe, chứng kiến hàng ngày cũng là những ví dụ chứng minh điều đó.

Sau khi xuất bản tại Trung Quốc, cuốn sách đã được tái bản 20 lần, được bình chọn là cuốn sách bán chạy nhất của NXB Trung Tín năm 2007 và cũng là một trong 10 cuốn sách về giáo dục gia đình bán chạy nhất ở Trung Quốc năm 2007. Thông tin ấy nói lên rằng cuốn sách của Dương Văn đã làm cho các bậc phụ huynh Trung Quốc cảm động. Trong sự cảm động ấy chắc chắn có sự đồng cảm với triết lý cha mẹ phải tự thân nỗ lực để làm gương và tạo nguồn cảm hứng cho con.

Để khép lại bài viết này, xin được trích lại ở đây lời khuyên của bà mà tôi nghĩ sẽ vô cùng hữu ích cho chúng ta trong cuộc sống hiện nay:

“Cha mẹ là người có ảnh hưởng sâu sắc đối với con trẻ trong quá trình trưởng thành. Trong quá trình này, rất nhiều kiến thức, khả năng, trí tuệ hay tính cách, phẩm chất đạo đức, tác phong và khuynh hướng của trẻ đều được hình thành dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ. Không ngừng học tập, học tập suốt đời là một thái độ sống. Cùng là đứa trẻ đó, nếu được lớn lên trong gia đình theo mô hình học tập và môi trường không đề cao sự học tập, sau 8-10 năm, lượng thông tin mà trẻ tiếp nhận sẽ khác nhau, thói quen, trí tuệ, trải nghiệm…cũng sẽ khác nhau, số phận con người có thể cũng vì thế mà có sự thay đổi”.

Nguồn: fb Nguyễn Quốc Vương

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

18 + eleven =