[Tóm Tắt & Review Sách] “Tâm Trí Logic”: Thứ Thực Sự “Điều Khiển” Chúng Ta

0
138
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Tâm Trí Logic
Tác Giả: Albert Rutherford

Con người chúng ta là sinh vật bậc cao nhất trên Trái Đất khi có khả năng tư duy và phán đoán, suy nghĩ để đưa ra hành động phù hợp nhất với hành cảnh, trường hợp nhất định chứ không dựa nhiều vào bản năng. Trong quá trình lớn lên, trưởng thành, mỗi người đều không ngừng tiếp thu những kiến thức, học hỏi từ những sai lầm của chính mình, những điều nhìn nhận được và ghi nhớ thông qua học tập chủ động và cả bị động. Bởi vậy mà trong cuốn “Tâm Trí Logic” đã đưa ra cho độc giả những lối đi cực kỳ hiệu quả và được áp dụng tối ưu trong rất nhiều trường hợp. Đó là “Tư duy logic dựa trên phân tích dữ liệu” hay “Phân tích vấn đề bằng tư duy thiết kế”,… 

Chúng ta luôn nhận mình là những người lý tính, sống và hành động theo suy luận và logic rõ ràng và rành mạch. Nhưng cũng chính bản thân mình là người đôi khi không kiềm chế được cảm xúc khi nó đạt đỉnh điểm, để nó chi phối lời nói và có lúc tổn thương người khác bằng chính những tiêu cực và tổn thương đó. Vậy nên chúng ta vẫn luôn cùng sự mâu thuẫn ấy mà trưởng thành, mà dần kìm nén chính con người thật của mình. Tuy nhiên có một tâm lý khá thú vị đó chính là hiểu được lý do tại sao mình lại có cảm xúc đó, giải thích được nó đến từ đâu thì thực sự có thể điều khiển được chính suy nghĩ, tâm trạng mà không bị dẫn dắt bởi cảm xúc kia nữa. 

Hay ở một khía cạnh khác là giải quyết vấn đề, nếu trước đây, khi còn là một đứa trẻ, ta có thiên hướng lựa chọn theo cách mà bản thân thích, khiến mình cảm thấy thoải mái còn hiện tại, khi đã trưởng thành hơn, có cách nhìn nhận và giá trị quan phát triển hơn, cảm xúc hay sở thích chỉ là một phần rất nhỏ trong quyết định đấy, và phần lớn thuộc về lợi ích.

“Xã hội ngày nay càng phát triển và lớn mạnh, chúng ta càng có sẵn nhiều nguồn lực – giải trí, sự kết nối, các mối quan hệ, tri thức,… và hơn thế nữa.” 

Đôi nét về tác giả


Albert Rutherford (03/01/1879 – 10/08/1941) – Chuyên gia về tư duy phản biện. Ông là một chuyên gia tâm lý học, một nhà nghiên cứu tư duy hệ thống và tư duy phản biện người Mỹ. Ông dành gần như trọn sự nghiệp của mình để nghiên cứu khoa học liên quan đến tư duy của não bộ. Và những ảnh hưởng tích cực của việc hình thành lối tư duy phản biện. Cách làm thế nào để rèn luyện tư duy phản biện và tư duy hệ thống ở mỗi cá nhân. Vì vậy, những đóng góp của ông được đông đảo độc giả và khán giả đón nhận trên khắp thế giới.

Về sự nghiệp viết lách, Albert Rutherford chuyên tâm xuất bản nhiều cuốn sách về tâm lý học và tư duy. Trong đó có những cuốn sách bán chạy trên Amazon, New York Times,… Đó cũng là ước mơ mà ông ấp ủ bấy lâu nay đã thành hiện thực. Albert Rutherford cũng trở thành một huấn luyện viên về tư duy phản biện và diễn giả được yêu thích tại Mỹ.

Khi không bận rộn với những hội thảo, khóa học hay viết lách. Albert Rutherford dành thời gian cùng gia đình, câu cá, đọc các báo cáo khoa học mới nhất. Thậm chí ông cũng giả vờ mình am hiểu vài thứ về rượu. Albert Rutherford tin chắc vào lời của Benjamin Franklin: “Đầu tư vào kiến ​​thức luôn mang lại lợi ích tốt nhất”.

 

Đôi nét về cuốn sách


“Tâm Trí Logic” là cuốn sách tôi mới được đọc gần đây, nội dung khá đặc biệt so với những cuốn sách trước tôi từng đọc. Vì đây là một tác phẩm cực kỳ được chau chuốt trong từng luận điểm và dẫn chứng được đưa ra. Cách tác giả dẫn dắt và chứng minh cho chúng ta thấy rằng những phương pháp mà con người có thể dựa theo công thức chuẩn để đưa ra quyết định hay có hành vi cho phù hợp bởi:” Rất nhiều các quyết định của chúng ta trong cuộc sống dường như được đưa ra ngẫu nhiên hoặc dựa vào các ý nghĩ bất chợt. Nhưng kể cả những hành động phi lý nhất cũng có công thức”. Bởi vậy mà những phạm trù như tâm lý học thường không phải đơn giản là nghiên cứu những hành vi, sự bộc lộ của cảm xúc mà còn là quá trình hình thành, khởi tạo, nguyên nhân của những cảm xúc đó, dù là tiêu cực, tăm tối nhất hay là phức tạo, méo mó nhất ở những tên tội phạm. Và thường những tổn thương về tâm lý hay hành động bạo lực phạm pháp, đều nảy ra từ những hạt mầm của bất hạnh, của một tâm hồn không được yêu thương và những vết sẹo trong tuổi thơ hoặc sự bạo hành cả thể chất lẫn tinh thần. 

Và trong phần Sự thật về trực giác, tác giả có đề cập đến rằng:” Chúng ta thường nói về “trực giác” là những cảm giác ruột gan, quyết định bốc đồng để đi tới một lựa chọn vào phút cuối – khiến chúng ta cho rằng điều mình cảm nhận là đúng”. Với khá nhiều người, trong đó có tôi, việc lắng nghe những thứ thuộc về giác quan thứ tám là một phạm trù không phải đùa, thực sự phần lớn là khi tôi tự mình cảm nhận rõ ràng cảm xúc của một điều gì đó chuẩn bị xảy đến và khiến tôi bất an và nghĩ đến viễn cảnh tồi tệ nhất khi nó trở thành hiện thực thì không còn là điều hiếm thấy. Huống hồ người ta còn hay nói với nhau rằng giác quan thứ sáu của phụ nữ là kỳ quan thứ tám của vũ trụ. Tuy nhiên không phải đây là lý do khiến chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào những cảm xúc đó. Bởi đôi khi thường là cách chúng ta nhìn nhận, những lo lắng và sợ hãi đã tác động trực tiếp lên đó và khiến ta có những đánh giá không quá khách quan như ta vẫn nghĩ. 

Đây cũng là lý do tại sao cuốn sách khá ngắn gọn nhưng lại cô đọng và rất cần thiết với một người độc giả như tôi. Và nó được trình bày theo hệ thống chương như sau:

  • Chương một: Sự phi lý về con người
  • Chương hai: Giống loài máy móc
  • Chương ba: Khi máy móc dạy con người
  • Chương bốn: Cách tự lập ra một thời gian biểu tối ưu
  • Chương năm: Dự đoán, Dopamine, máy móc và con người
  • Chương sáu: Tự thiết kế thuật toán
  • Chương bảy: Thuật toán cho vấn đề trì hoãn
  • Chương tám: Áp dụng thuật toán về vấn đề suy nghĩ quá nhiều

Người ta thường nói khi mang cảm xúc vào các quyết định là không hiệu quả, là thiên vị, là bản năng. Tuy nhiên ở đây, tác giả khẳng định “Chúng ta thường cho rằng sử dụng logic để quyết định và sử dụng cảm xúc để quyết định là hai cách thức độc lập, nhưng thực tế chúng lại song hành cùng nhau. Kinh tế học hành vi và Tâm lý học đã khám phá ra rằng, gần như là không thể đi đến một quyết định nào đó mà không dựa trên cảm xúc hoặc thành kiến. Bộ não thường sẽ dựa vào trái tim để giúp đưa ra quyết định một cách nhanh chóng”. Đúng sự thật là khi ta đã áp dụng hết kiến thức, kỹ năng thậm chí là những kinh nghiệm đã có trước đây để lựa chọn thì ta vẫn không thể hài lòng với đáp án ấy. Bởi trong đó thiếu đi một phần yêu thích và sự tin tưởng của bản thân vào những lựa chọn đó sẽ khiến bản thân cảm thấy xứng đáng. Nhất là những chuyện liên quan đến tình cảm thì điều này càng rõ ràng hơn. Giả dụ như bạn biết nếu bước chân vào mối quan hệ ấy, nhất định có những hạnh phúc, vui vẻ và động lực nhưng cũng không thể phủ nhận những điều tiêu cực, những điều đối phương khiến mình tổn thương và thất vọng, thậm chí kết thúc của đoạn tình cảm ấy không phải là điều tốt đẹp như ta hằng mong nhưng trái tim lại bảo, vốn dĩ tình cảm là thứ chỉ cần bản thân bạn thấy xứng đáng thì đi cùng nhau một đoạn đường cũng là những trải nghiệm đẹp của thanh xuân rồi. Có thể chúng ta sẽ tổn thương, sẽ khóc, sẽ nhớ những ngày tháng bên nhau vui vẻ nhưng cũng có thể cần rất nhiều thời gian để chữa lành sau đó. Tuy nhiên lại là thứ mà thời điểm đó bạn mong muốn nhất, là thứ mà cho dù có quay lại, vẫn lựa chọn như vậy và không hối hận. 

Cảm nhận cá nhân về cuốn sách

  1. Sự phi lý của con người 

  • Sự thật về trực giác 

Với sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật hiện đại, các nghiên cứu và công nghệ ngày nay có thể tìm hiểu sâu về cấu tạo và cách thức hoạt động của cả bộ não và trái tim thì nó cũng là một mớ hỗn độn bao gồm nhiều mạng lưới cảm xúc và lý trí chồng chéo lẫn nhau. Điều đó cũng có nghĩa là dù trong suy nghĩ hay những mặt khác của hành vi con người cảm xúc là một phần của sự lựa chọn chứ không phải là chúng ta lựa chọn có cần cảm xúc hay không.

Ở một vài trường hợp cụ thể, khi cần đến việc đưa ra quyết định một cách nhanh chóng thì ở đó, không phải là một hành vi bốc đồng mà phần lớn khi đấy não bộ bị bắt ép phải phân tích để đưa ra lời giải nhanh chóng và tăng tốc cho quá trình phân tích ấy. Có thể chính bản thân mình nói rằng đó là quyết định ở phút chót, là may rủi, là “nhân phẩm” nhưng ở một khía cạnh khác, nói một cách khách quan, đây là thứ mà chính chúng ta mong muốn nhất, ẩn sâu trong tiềm thức và ở thời điểm đó, nó trỗi dậy mạnh mẽ nhất và thiên quyết tất cả các yếu tố còn lại để bản thân ta tin tưởng vào điều đó. 

  • Bộ não ở chế độ hoạt động hiệu quả

Theo những nhận định của tác giả, chúng ta của hiện tại, có quá nhiều từ khi ngủ dậy tới khi lên giường đi ngủ kết thúc một ngày, hầu như mỗi người đều yêu cầu bản thân quyết định gần như mỗi giây mỗi phút trong ngày. Với những yêu cầu, kì vọng quá cao vào chính mình, vô hình ép buộc phải làm điều này, hoàn thành thứ khác mà tạo cho mình sự lo lắng, bất an khi không hoàn thành được nó. Đây không chỉ là một thói quen không tốt cho thân thể mà cả với bộ não nữa. “Bộ não của chúng ta chính là một nhà kho dự trữ thông tin rộng lớn. Và khi chủ nhân cần một file nào đó, quá nhiều việc phải làm để tìm nó trong đống hỗn loạn. Thay vào đó, người nhân viên khổ sở lấy bừa một file ở két tủ gần nhất. Nó có thể chính xác không phải file chủ nhân yêu cầu, nhưng cũng tạm đủ để được coi là đã hoàn thành mục việc đó. Có thể chỉ là một kết quả đạt điểm B+ hoặc C+ thôi, nhưng cũng đủ dùng để người nhân viên thoát trách nhiệm.” Qua đó mà ta cũng thấy được những trải nghiệm, kinh nghiệm và kiến thức của bản thân mỗi người là không giống nhau nên khi những tệp dữ liệu ngay từ đầu vào đã không cùng một khuôn mẫu, vậy thì chẳng có lý do gì để những hướng giải quyết đưa ra ở đầu ra bắt buộc phải theo một chuẩn mực nào đó để được xem là tốt cho họ. 

Bộ não chúng ta hoạt động rất thông minh để tối ưu hóa hiệu suất của nó. Bởi càng nhiều kỹ năng được chuyển sang tự động lái (autopilot) như vậy, chúng ta càng có thể thực hiện nhiều ý tưởng và hoạt động phức tạp hơn. Giống như việc khi chúng ta tiết kiệm năng lượng ở từng vấn đề nhỏ, chúng ta có thể đổ thêm nhiên liệu ở các mảng mục đích quan trọng hơn, như từng bước cần làm để tiến xa hơn trong sự nghiệp, quyết định các mối quan hệ nào xứng đáng được giữ lại trong cuộc sống, hoặc cân nhắc về các mục đích và động lực của cuộc sống.

  • Hiệu ứng bầy đàn

Con người chúng ta tồn tại, phát triển và đạt đến đỉnh cao của sự tiến hóa như hiện tại bởi chúng ta là những sinh vật có tính cộng đồng, biết cùng nhau phát triển theo một mục đích lớn và hướng đi lâu dài. Xã hội có ảnh hưởng nhất định đến quyết định của chúng ta. Lựa chọn bởi vì “Ai cũng chọn thế” có vẻ không logic lắm, nhưng khi thấy thứ gì đó đang thịnh hành, chúng ta chắc chắn cũng theo trend. Chúng ta có xu hướng tin tưởng những đánh giá, trải nghiệm của nhiều người đi trước để lại và lặp lại một quy trình tương tự. Đấy cũng là lý do phần lớn mỗi người trong chúng ta đều muốn phát triển theo sự công nhận và chấp thuận của xã hội và tránh những điều đi ngược lại với đám đông, tránh bị tẩy chay. 

2. Khi máy móc dạy con người


“Khi bạn nhìn thế giới thông qua các thuật toán, có vẻ như nó sẽ phức tạp hơn, nhưng thực ra, mọi thứ thực sự đơn giản hơn nhiều. Là con người chúng ta thường suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ với cảm xúc và những trải nghiệm đã có của mình.” Một ví dụ thực tiễn mà gần gũi hơn với độc giả và chính tôi là khi nhớ về quãng thời gian ôn thi đại học, bạn nhận ra rằng ở những môn thuộc nhóm Khoa học tự nhiên: Toán, Lý và Hóa học thì có những công thức là khởi đầu, là lời giản cho rất rất nhiều dạng toán khác nhau. Đề bài có thể biến hóa, các dữ liệu được đưa ra có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng ở một vài bước chuyển đổi, ta lại đưa bài toán về đúng khuôn mẫu quen thuộc, áp dụng đúng công thức đó để tìm ra lời giải chính xác. 

Như chiếc compa vậy, chỉ cần tâm của nó đứng yên ở đó thì quay bao nhiêu vòng vẫn không bị lệch đi tâm điểm của mình. Các phương trình phức tạp nhất cuối cùng đều được rút gọn bằng phép tính gốc giống nhau: Cộng, trừ, nhân, chia. Khi đối mặt với một câu hỏi đại số mới, đáp án không yêu cầu bạn phải phát minh ra các công thức có cách cộng trừ sáng tạo và kỳ công mà chỉ cần chọn hình thức tính toán phù hợp, nhận các giá trị và giải X. Việc này cũng khá tương tự chúng ta áp dụng các thuật toán vào cuộc sống hằng ngày. “Khi bạn nhìn lại những ràng buộc về cảm xúc gắn liền với hầu hết các lựa chọn trong cuộc sống, bạn sẽ thấy rằng thực ra chúng đều có điểm tương đồng.” 

Lời kết

Một cuốn sách hay không phải là một cuốn sách có những từ ngữ được chau chuốt cầu kỳ, tỉ mẩn kiểu bay bổng như một bản giao hưởng mà đó là những bài học, sự gửi gắm chân thành của tác giả thông qua những nghiên cứu, chiêm nghiệm và cảm xúc của người viết để truyền tải trọn vẹn cho độc giả của mình. Cũng như cuốn sách này nói riêng, nó đã chỉ ra cho tôi những điều phức tạp và khó khăn với góc nhìn đơn giản và định hướng giải quyết cực kì thông minh nhưng kém phần tối ưu. Đôi khi khiến tôi tự hoài nghi, suy nghĩ nhiều, suy xét nhiều thứ lại càng làm cho quyết định cuối cùng trở thành kết quả của những thứ rối rắm như tơ vò và có khi nó còn không phải là thứ mà tôi thấy hài lòng nhất. Như cách nhà văn đã kết luận:” Sự bất bình lớn nhất của chúng ta với trì hoãn không phải là hoàn thành nhiều thứ mà là khiến mọi thứ bắt đầu”. Cuộc sống vốn dĩ vận hành theo quy luật của riêng nó, hài hòa với vòng tuần hoàn của vũ trụ, chu trình của tự nhiên, vậy nên chính chúng ta, một phần trong đó, cũng nên mở rộng và cảm nhận những biến đổi theo mà có những tư duy cũng như hành động thuận với ý mình, thuận với tự nhiên, xã hội nhất. Bởi “Phần tiếp theo của sự phản ánh sẽ giúp bạn khám phá cách mỗi lần trì hoãn mục trong danh sách của bạn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cảm xúc của bạn”. 

Tác giả: Ngọc Anh – Bookademy

Hình ảnh: Ngọc Anh

Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-tam-tri-logic-thu-thuc-su-dieu-khien-chung-ta-63f8d11560df2f316d4377bc

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

13 − three =