Hiện nay, những thông tin sai lệch, trong đó có cả lầm tưởng về hạnh phúc xuất hiện nhan nhản trong các thông điệp mà chúng ta tiếp nhận từ xã hội: từ quảng cáo, phương tiện truyền thông cho đến những câu chuyện kể, những dòng chia sẻ trên mạng xã hội…Cuốn sách Khai mở hạnh phúc của Emma Hepburn không chỉ bóc tách những ngộ nhận phổ biến của người đọc về hạnh phúc, mà còn giúp người đọc nhìn lại chính mình: ta đang thật sự sống hạnh phúc, hay chỉ đang cố gắng bắt kịp những khuôn mẫu hạnh phúc lệch lạc, thậm chí là độc hại?
Giới thiệu tác giả
Bác sĩ Emma Hepburn là một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về tâm lý học thần kinh, có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đam mê của cô là đưa tâm lý học và thông tin sức khỏe tâm thần thực chứng vượt ra khỏi phạm vi phòng khám, đến với nhiều đối tượng hơn và khuyến khích mọi người chủ động chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình.
Những tác phẩm có hình minh họa của cô đã được một số tổ chức sử dụng, bao gồm, The American Association for the Prevention of Suicide (Hoa Kỳ), The Royal Society of Public Health and the Samaritans (Ấn Độ). Tài khoản @thepsychologymum trên Instagram của cô có 148 ngàn người theo dõi, đã giành được giải thưởng Bronze Lovie (Best of European Internet) cũng như giải Peoples’ Choice Lovie cho hoạt động truyền thông xã hội, được vào danh sách rút gọn cho giải Media Awards.
Giới thiệu tác phẩm
Với kinh nghiệm của một bác sĩ tâm lý và một trái tim hiểu đời, bác sĩ Emma Hepburn không đưa ra công thức cứng nhắc nào về hạnh phúc. Khai mở hạnh phúc (A toolkit for happiness) bao gồm các hình minh họa dễ thương, hình tượng chiếc bánh kẹp, tác giả cung cấp cho chúng ta bộ công cụ dễ sử dụng và dễ tiếp cận để cải thiện cảm xúc, để có được hạnh phúc lâu dài và bền vững.
Emma sử dụng hình ảnh chiếc bánh kẹp để độc giả dễ hình dung các bước xây dựng hạnh phúc trong đời. Bánh kẹp là thứ chúng ta vẫn làm và ăn mỗi ngày, cũng giống như hạnh phúc. Phần đế bánh đại diện cho nền móng của hạnh phúc, đó là những hoạt động tự chăm sóc cơ bản, ăn ngủ đúng cách, kiểm soát căng thẳng,… Lớp bánh kẹp trên cùng đại diện cho niềm tin của chúng ta về hạnh phúc. Niềm tin rất quan trọng, nó có thể giúp ta hạnh phúc mỗi ngày hoặc trở thành một rào cản. Và phần khiến chúng ta vui vẻ chính là lớp nhân kẹp ở giữa, nó đem lại cho bạn niềm vui, sự thích thú và cảm giác dễ chịu, nó đem lại cho bạn ý nghĩa và mục đích sống. Thành phần lớp nhân bánh của mỗi người mỗi khác, không ai giống ai, mối cá nhân phải lựa chọn và kiểm tra để tìm ra cách kết hợp hương vị sao cho tốt nhất, phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh, điểm mạnh, điểm yếu và khả năng của bạn. Nhưng không phải lúc nào ta cũng chọn được những thành phần đúng để có được một hương vị hài hòa, vì vậy cần liên tục xem xét và điều chỉnh để có được sự cân bằng. Hạnh phúc khi đó chính là những phần thưởng nho nhỏ mà bạn thu thập được trong hành trình sống mỗi ngày.
Trên nền tảng này, tác giả giới thiệu cho người đọc những lầm tưởng về hạnh phúc, đồng thời ở mỗi chương đều có những công cụ thiết thực để hỗ trợ bạn trong ngày dông bão, đặc biệt là các bài tập cụ thể nhằm kích thích tư duy, nâng đỡ sức khỏe tinh thần trong đời sống hằng ngày. Khai mở hạnh phúc giúp chúng ta nuôi dưỡng những thói quen tích cực, tránh xa những thiên kiến tiêu cực, nhận thức linh hoạt, hiểu rõ cảm xúc của mình và tiến bước trên con đường hướng đến một phiên bản hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn. Và hãy nhớ rằng: Hạnh phúc không phải là một đích đến hay một cảm xúc cụ thể nào đó, hạnh phúc là một quá trình.
Vùng Đất Hạnh Phúc liệu có tồn tại?
Vùng Đất Hạnh Phúc, một còn có thể giải thích là một đích đến cụ thể trong hành trình của mỗi người. Ở nơi đó, họ sẽ luôn luôn cảm thấy hạnh phúc. Quan niệm đó thậm chí còn được củng cố ngay việc những câu chuyện cổ tích kết thúc với câu “Họ sống với nhau hạnh phúc mãi mãi về sau”. Trong đời thực, mỗi người thường có một “vùng đất hạnh phúc” riêng, ví dụ như khi “Thăng chức”, “trúng số”, “giàu có”… Thế nhưng, tác giả đã chứng minh điều ngược lại, bắt đầu bằng một câu khẳng định chắc nịch ở ngay đầu cuốn sách: Vùng Đất Hạnh Phúc vốn không tồn tại.
“Bạn sẽ nhận ra một chủ đề chung trong những gì xã hội nói với chúng ta: Hãy phẫn đầu nhiều hơn, cổ gãng cải thiện, làm việc nhiều hơn, trở nên nổi trội hơn, tim cách tự hoàn thành ước nguyện và tự hoàn thiện bản thân. Điều này đưa chúng ta đến với cái gọi là máy chạy niềm vui. Khi nỗ lực, ta không ngừng vươn đên mục tiêu tiếp theo, hoặc tìm cách cải thiện bản thân, tin rằng mình như hiện tại là chưa đủ. Chúng ta cũng thường nghĩ rằng mình sẽ không hạnh phúc nếu chưa đến được nơi nào đó, chưa có tiền bạc, danh vọng hay bất cứ thứ gì tương tự. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng việc đạt được những mục tiêu này thường không mang lại niềm hạnh phúc mà chúng ta mong muốn (hãy nhớ lại sự thích nghi với niềm vui), và thế là cuối cùng ta bị trói buộc vào máy chạy niềm vui, phải liên tục chạy tới mục tiêu tiếp theo mà không bao giờ tạm ngưng để biết trân trọng những gì ta thực sự có và những gì đã đạt được.”
Dù cho ta cảm thấy vui thích trước những giá trị vật chất, đó chỉ được coi là hạnh phúc tạm thời. Khi hạnh phúc được xem là điểm đến thay vì hành trình, cuộc sống của chúng ta sẽ rất mệt mỏi và uổng phí bởi vì hành trình thường rất dài, còn giây phút tận hưởng ở vạch đích lại khá ngắn ngủi chóng vánh. Hạnh phúc không nằm ở chỗ ta đạt được gì, mà ở cách ta cảm nhận và trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại, hay nói một cách đơn giản nhất, hạnh phúc là một hành trình vô tận, không phải điểm đến. Giữ gìn và kéo dài hạnh phúc cũng là cách chúng ta tìm kiếm và gìn giữ ý nghĩa tồn tại của chính mình.
“Khi nói đến “ý nghĩa”, ý chúng ta là gì? Đó là “lý do” của bạn – đó là điều khiến bạn cảm thấy cuộc sống đáng giá và mang lại cho bạn mục đích. Đó không phải là đại hành trình tìm kiếm tham vọng của cuộc đời, mà chỉ là những điều nhỏ nhặt mang lại ý nghĩa cho cuộc sống hằng ngày. Đôi khi, nó đơn giản là tập trung vào lý do tại sao một công việc nào đó lại có ý nghĩa với bạn, hoặc nghĩ về cách bạn có thể làm tăng thêm những điều có ý nghĩa trong cuộc sống. Ý nghĩa thường được hiểu là giá trị. Đây là những điều quan trọng đối với bạn, là một hướng đi trong đời để bạn xây dựng các mục tiêu xung quanh. Việc kiên định sống theo những gì quan trọng với mình đã được chứng minh là sẽ giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn. Hiểu được ý nghĩa của bản thân có thể giúp bạn quyết định nên theo đuổi những mục tiêu nào và nên đưa thành phần nào vào chiếc bánh kẹp hạnh phúc của mình.”
Hạnh phúc là vĩnh viễn không có khổ đau?
Hạnh phúc – khổ đau là cặp tính từ đối lập, nhưng không thể phân định chúng nằm ở phía tích cực hay tiêu cực. Có một sự thật thú vị là chúng ta có nhiều từ để gọi các cảm xúc tiêu cực hơn cảm xúc tích cực. Nhưng dù có nhiều cách để gọi, ta lại có xu hướng ít nói về cảm xúc tiêu cực, thậm chí là tránh né hoặc đẩy chúng ra xa. Nhưng sẽ ra sao nếu có một ngày con người không còn cảm xúc tiêu cực? Việc cố gắng để trở nên tích cực còn khiến chúng ta dễ rơi vào trạng thái “ tích cực độc hại” – trạng thái “tôn sùng” sự tích cực một cách quá đà nhằm vô hiệu hóa những cảm xúc tiêu cực như chán nản, buồn bã, thất vọng…
“Chắc gì tức giận và buồn bã là những cảm xúc tiêu cực? Đôi khi sự tức giận lại là đồng minh tốt nhất khi nó dẫn đường cho tôi đến với những điều khiến tôi thực sự muộn phiền và cần giải quyết. Còn về nỗi buồn, đôi khi cuộc sống có thể thật buồn, nhưng quan trọng là bạn phải nhận ra và công nhận điều này. Giờ hãy xem xét hạnh phúc, bạn có chắc đó là một cảm xúc tích cực? Tôi nhớ có một giai đoạn trong đời, mỗi món đồ mới mua đều mang lại cho tôi sự vui thích ngắn hạn, còn khoản nợ tích tụ lại không khiến tôi hạnh phúc chút nào. Mặt khác, những việc khiến ta lập tức cảm thấy thật vớ vẩn (trong trường hợp của tôi là tập thể dục) lại giúp ta vui vẻ về dài hạn. Vì vậy, cảm xúc tiêu cực không phải lúc nào cũng xấu và những cảm xúc tích cực không phải lúc nào cũng giúp ta hạnh phúc.”
Cảm xúc là một phần không thể thiếu trong cấu trúc con người. Chúng không chỉ đơn thuần là niềm vui hay nỗi buồn mà là vô vàn trạng thái giao thoa, đôi khi mâu thuẫn, đôi khi trộn lẫn đến mức chính ta cũng không gọi tên được. Nhưng bất kể hình hài nào, cảm xúc luôn mang một vai trò không thể thay thế: chúng giúp ta sống, cảm, phản ứng và kết nối. Khi ta cố gắng phủ nhận một cảm xúc tiêu cực, đồng nghĩa với việc ta đang chối từ chính mình. Và chính hành vi này mới thật sự khiến ta kiệt sức, xa rời hạnh phúc. Những người đã từng trải qua khổ đau mới có thể cảm nhận trọn vẹn giá trị của hạnh phúc. Sự tức giận, buồn bã và chông chênh là những gam màu trầm giúp bức tranh cảm xúc trở nên sống động và rực rỡ hơn. Tác giả muốn chúng ta bày tỏ lòng trắc ẩn với mọi cảm xúc bên trong mình, vì cảm xúc nào cũng có chức năng riêng và là một phần tất yếu trong con người ta.
“Trắc ẩn có nghĩa là tôn trọng và không phán xét bản thân, đây cũng là một công cụ mà chúng ta có thể sử dụng với niềm tin, cảm xúc và hành vi của mình. Nó giúp ta hiểu, phản hồi một cách hữu ích và điều hướng niềm tin, cảm xúc, hành vi. Lòng trắc ẩn cho phép ta không xem khuyết điểm và thất bại là những chỉ báo cho giá trị của cá nhân, mà chỉ là một phần bình thường của việc làm người. Nó khiến ta không còn theo đuổi sự hoàn hảo, cho phép ta nhận ra rằng mình không thể hoàn hảo, rằng không hoàn hảo mới là bình thường và tất yếu. Nó cho phép chúng ta cảm nhận và trải nghiệm những điều này mà không cần phải chỉ trích bản thân. Nhìn chung, nó chuyển suy nghĩ của chúng ta từ phán xét gay gắt và tự phê bình sang thấu hiểu và ân cần.”
Hạnh phúc chỉ cần trong tâm là đủ?
Một điều mà chúng ta luôn truyền tai nhau rằng hạnh phúc xuất phát từ sâu trong tim, không phải là thứ ta có thể lấy từ bên ngoài. Thực chất, tuyên bố này không sai, nhưng cũng không đủ. Hạnh phúc của chúng ta vẫn có tính độc lập nhất định bởi giá trị cốt lõi của chúng nằm ở cảm giác yên tâm, thư thái trong tâm hồn mỗi người. Thế nhưng, chúng ta đều có thể ngầm hiểu rằng, những điều làm ta vui vẻ, hạnh phúc vẫn hoàn toàn có thể đến từ môi trường.
“Người ta nói tiền không mua được hạnh phúc, và trong chừng mực nào đó, điều này đúng. Tuy nhiên, cũng rất đúng khi nói rằng không đủ tiền là nguyên nhân gây ra bất hạnh. Cái nghèo có thể gây căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến sự viên mãn thông qua nhiều cơ chế. Bối cảnh có thể tác động đến cảm giác viên mãn theo nhiếu cách khác nhau. Nếu chúng ta không cảm thấy an toàn, nếu thế giới của chúng ta quá mất kiểm soát, nếu chúng ta không đáp ứng nổi những nhu cấu cơ bản của mình, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Nói thế không có nghĩa là bạn không thể có những khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng để khỏe mạnh và hạnh phúc về tổng thể, chúng ta cần cảm nhận được mức độ an toàn và yên tâm, cũng như đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình.”
Việc dồn sự tập trung, suy nghĩ vào những thành tích, việc tốt,….cũng chính là giúp bộ não tạo ra một môi trường sống tích cực cho tinh thần chúng ta. Thế nhưng nếu như tất cả mọi thứ xung quanh ta đều tiêu cực, độc hại thì sẽ thế nào? Ví dụ như một ngày của chúng ta sẽ trôi qua thế nào khi ta có những mối quan hệ độc hại, gặp đủ thứ chuyện xui xẻo…Chẳng lẽ ta vẫn phải cố gắng an ủi, lừa dối, thúc ép bản thân phải hạnh phúc?
“Bối cảnh có thể tác động đến cảm giác viên mãn theo nhiêu cách khác nhau. Nếu chúng ta không cảm thấy an toàn, nếu thế giới của chúng ta quá mất kiểm soát, nếu chúng ta không đáp ứng nổi những nhu cầu cơ bản của mình, thì điêu này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Nói thế không có nghĩa là bạn không thể có những khoảnh khắc hạnh phúc, nhưng để khỏe mạnh và hạnh phúc về tổng thể, chúng ta cần cảm nhận được mức độ an toàn và yên tâm, cũng như đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể chỉ nhìn nhận hạnh phúc ở cấp độ cá nhân, như con người vẫn thường làm trong xã hội phương Tây. Chúng ta cần xem xét bối cảnh để có được hạnh phúc ở cấp độ cộng đồng và xã hội, như vậy ta mới cung cấp được cho mọi người phương tiện để đạt được hạnh phúc và sự viên mãn. Nếu bạn cảm thấy bất hạnh trong những hoàn cảnh khó khăn thì cũng chẳng có gì sai cả.”
Tập trung vào ngoại cảnh không phải là trao quyền định đoạt hạnh phúc của chính mình vào tay người khác hay những yếu tố bên ngoài. Việc thay đổi tư duy là không đủ, hạnh phúc đòi hỏi chúng ta phải hành động, chủ động loại bỏ những yếu tố tiêu cực ra khỏi cuộc sống của mình. Có như vậy, tâm trí chúng ta sẽ càng thêm an yên, cho thấy ta là người sống có trách nhiệm với bản thân. Đồng thời, loại bỏ các yếu tố tiêu cực cho thấy chúng ta đang hướng đến hạnh phúc chung của xã hội.
“Những điều gì trong môi trường của bạn có thể đóng vai trò quan trọng với hạnh phúc theo nhiều cách. Trong khi một số đồ vật có thể gây mất tập trung và hút cạn năng lực của bạn thì những đồ vật khác có thể giúp bạn thư giãn, nhắc nhỏ bạn về những lần hạnh phúc hoặc mang đến những giây phút vui vẻ. Cây cối trong môi trường mang lại cho tôi hạnh phúc vì tôi thấy thư giãn khi ngắm nhìn chúng và thích dành thời gian chăm sóc chúng (nhưng nếu phải chăm nom quá nhiều thì tôi lại bắt đầu cảm thấy quá tải). Hình ảnh cũng có thể gợi lại ký ức về những trải nghiệm và địa điểm tốt đẹp. Hãy nghĩ xem có cách nào tạo ra được những yếu tố hạnh phúc trong ngày của bạn hay không. Khi đưa thêm bất kỳ đồ vật nào vào môi trường, hãy nghĩ xem chúng sẽ (hoặc không) góp phần vào hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày của bạn như thế nào.”
Cảm nhận chung
Nói tóm lại, cuốn sách Khai mở cảm xúc của bác sĩ Emma Hepburn là một cuốn sách đáng đọc dành cho những người dành sự quan tâm lớn đến sức khỏe tinh thần và tìm kiếm hạnh phúc. Qua giọng văn gần gũi, dễ hiểu và những hình minh họa đáng yêu, cuốn sách dẫn dắt người đọc khám phá từng khía cạnh của cảm xúc, cách não chúng ta phản ứng với những gì ta nạp vào người. Nhờ đó, chúng ta sẽ học được cách “lùi lại và quan sát để dẫn dắt cảm xúc, thay vì để chúng đẩy mình đi”.
Giữa một xã hội quá tải thông tin, cuốn sách còn là tấm la bàn chỉ hướng con người đến với hạnh phúc. Thay vì đi vào lối mòn của việc kiếm tìm một đoạn kết hạnh phúc mãi mãi, tác giả khuyến khích chúng ta kiến tạo và tận hưởng hạnh phúc trong những từng khoảnh khắc ngắn ngủi. Bởi hạnh phúc không phải là thứ có thể giữ mãi. Nó cũng là cảm xúc, sẽ đến rồi đi, giống như mọi cảm xúc khác. Khi nắm chắc được điều đó, chúng ta sẽ có một cuộc sống đúng nghĩa hơn khi học được cách trân trọng và bày tỏ lòng trắc ẩn.
Tóm tắt bởi: Ngọc Minh – Bookademy.
Hình ảnh: Bình Minh – Bookademy.
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-khai-mo-hanh-phuc-xoa-bo-nhung-hieu-lam-ve-hanh-phuc-68348622ba25697ffc6a2e7a