Mỗi người trong chúng ta đều sở hữu những mầm mống của tiềm năng – một năng lực thầm lặng, ẩn sâu bên trong, chờ đợi cơ hội để bùng nổ. Nhưng tiềm năng, dù mạnh mẽ đến đâu, cũng chỉ là một lời hứa chưa được thực hiện. Nó cần được đánh thức, cần môi trường thích hợp và cả sự kiên trì bền bỉ để hóa thành tài năng thực sự. Chúng ta thường tự đặt câu hỏi: Tại sao có những người sinh ra tưởng chừng bình thường nhưng lại đạt được những thành tựu phi thường? Câu trả lời không nằm ở tài năng thiên bẩm, mà ở cách họ không ngừng vượt qua giới hạn bản thân, khai phá và phát triển tiềm năng sẵn có. Đây chính là hành trình mà cuốn sách Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng dẫn dắt chúng ta khám phá. Một hành trình vượt khỏi vòng an toàn, phá bỏ rào cản tâm lý để đưa tiềm năng tiến hóa thành những thành công cụ thể và bền vững. Vậy làm sao để thực hiện được điều đó?
I. Giới thiệu chung
1. Giới thiệu tác giả cuốn sách:
Adam Grant, sinh ngày 13/8/1981 tại West Bloomfield, Michigan, là một trong những nhà tâm lý học tổ chức hàng đầu thế giới hiện nay. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Harvard và hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Michigan, nơi ông chuyên về tâm lý học tổ chức. Không chỉ nổi tiếng là một nhà nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Wharton, Adam Grant còn được biết đến như một tác giả bán chạy trên New York Times, một diễn giả tài năng và là người sáng tạo nội dung cho podcast WorkLife của TED.
Adam Grant là tác giả bán chạy số một theo đánh giá của New York Times, với những tựa sách đã bán hàng triệu bản và được dịch sang 45 ngôn ngữ như Think Again ( Dám nghĩ lạ), Give and Take ( Cho và nhận), Originals ( Tư duy ngược dịch chuyển thế giới)…và Hidden Potential ( Biếm tiềm năng thành tài năng) là cuốn sách mới nhất. Những cuốn sách của ông luôn có mặt trong danh sách những cuốn sách hay nhất trong năm trên Amazon, Apple, tạp chí Financial Times và Wall Street Journal.
2. Giới thiệu cuốn sách Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng:
Trong cuộc sống, chúng ta thường dành những lời ca tụng cho những người sớm bộc lộ tài năng nổi bật, những cá nhân xuất chúng tỏa sáng ngay từ khi còn trẻ. Nhưng ít ai nhận ra rằng, tài năng chỉ là một phần của bức tranh lớn. Những tiềm năng đang ẩn mình, lặng lẽ chờ được khai phá trong những con người bình thường, đôi khi lại là nguồn sức mạnh to lớn nhất.
Cuốn sách Biến tiềm năng thành tài năng của Adam Grant chính là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa tiềm năng ấy. Không chỉ là một tác phẩm truyền cảm hứng, cuốn sách này còn mang đến một lộ trình rõ ràng, giúp bạn hiểu và tận dụng sức mạnh bên trong mình để biến những điều tưởng chừng bình dị thành những thành tựu phi thường. Dù bạn đang tìm kiếm động lực hay muốn tìm ra cách để phát triển bản thân, cuốn sách này sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng trên hành trình ấy.
Biến tiềm năng thành tài năng không đơn thuần là một cuốn sách phát triển cá nhân, mà còn là một tấm bản đồ dẫn lối cho những ai đang lạc lối, giúp họ khám phá những khả năng tiềm ẩn, vượt qua nỗi sợ hãi thất bại, và từng bước xây dựng một cuộc sống ý nghĩa hơn. Đây là cuốn sách dành cho những người luôn khao khát thay đổi, tìm kiếm động lực để khai phá bản thân, và mong muốn để lại dấu ấn đặc biệt trong thế giới này.
II. Tóm tắt cuốn sách
1) Những đóa hồng vươn lên từ khối bê tông
Có một câu hỏi luôn khiến chúng ta suy ngẫm: điều gì làm nên thành công của một con người? Phải chăng đó là tài năng thiên bẩm, xuất phát từ nền tảng vững chắc mà họ may mắn sở hữu? Hay thành công là kết quả của nỗ lực không ngừng để vượt qua những giới hạn? Hình ảnh “những đóa hồng vươn lên từ khối bê tông” được Adam Grant sử dụng để kể về một đội cờ vua nhỏ bé ở Mỹ năm 1991 là minh chứng sống động cho câu trả lời. Những đứa trẻ không hề nổi trội, đến từ hoàn cảnh nghèo khó, đã đánh bại các kỳ thủ danh tiếng và khẳng định rằng tiềm năng không chỉ tồn tại ở nơi dễ thấy, mà còn ẩn giấu ở những con người thường bị xã hội bỏ qua.
Câu chuyện ấy bắt đầu từ một thanh niên nhập cư người Jamaica, người đã chọn tin tưởng vào khả năng của những đứa trẻ da màu sống tại khu vực khó khăn. Anh không chỉ dạy chúng chơi cờ vua mà còn gieo niềm tin rằng sự thông minh không phân biệt sắc tộc hay điều kiện xuất phát. Anh tìm thấy vẻ đẹp nơi mà người khác chẳng buồn nhìn, và bằng cách giúp các em rèn luyện từng kỹ năng nhỏ, anh biến những “hạt giống tiềm năng” thành “đóa hoa tài năng” rực rỡ.
“ Chỉ trong hai năm, những đứa trẻ nghèo khó ở Harlem đã đi được cả một hành trình dài từ cấp độ người chơi nhập môn đến danh hiệu vô địch quốc gia. Nhưng điều ngạc nhiên lớn nhất không phải là việc đội ở dưới cơ chiến thắng, mà là nguyên nhân giúp họ có thể chiến thắng. Những kỹ năng mà các em đã mài giũa rốt cuộc không chỉ đem lại danh hiệu cờ vua mà còn nhiều thứ khác nữa.”
Tuy nhiên, Adam Grant không chỉ nhấn mạnh vào chiến thắng hay thành tích mà đội cờ vua ấy đạt được. Thứ mà ông muốn làm nổi bật là hành trình mài giũa các kỹ năng – những kỹ năng không chỉ giới hạn trong bàn cờ mà còn trở thành hành trang quý giá giúp các em thành công trong cuộc sống. Một trong số đó chính là “kỹ năng nhân cách” – điều mà tác giả cho rằng có thể được xây dựng qua thời gian, thay vì chỉ dựa vào những tố chất vốn có từ khi sinh ra.
“ Ai cũng đều có những tiềm năng còn chưa được khai mở. Cuốn sách này sẽ nói về cách mở khóa tiềm năng của con người. Chúng ta có niềm tin phổ biến rằng những tố chất vĩ đại của con người vốn là bẩm sinh chứ chẳng phải thứ được trau dồi. Niềm tin đó khiến chúng ta tôn vinh học sinh có năng khiếu ở trường, những vận động viên thể thao có tài năng thiên phú hoặc những thần đồng âm nhạc. Nhưng bạn không cần phải là thần đồng thì mới có thể đạt được những điều vĩ đại. Mục tiêu của tôi là soi lối để tất cả chúng ta đều có thể vươn đến những thành tựu lớn lao hơn.”
Theo Adam Grant, tiềm năng không được đo bằng điểm xuất phát của bạn mà bởi bạn đi xa được đến đâu. Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua giới hạn bản thân mới là yếu tố mở khóa tiềm năng thật sự.
2) Kỹ năng nhân cách – yếu tố đầu tiên
Trong phần đầu của Biến tiềm năng thành tài năng, Adam Grant đã tập trung vào khái niệm kỹ năng nhân cách – những phẩm chất đặc biệt không phải bẩm sinh mà được trau dồi qua thời gian. Đây là nền tảng giúp mỗi người vượt qua khó khăn, vượt xa những giới hạn ban đầu để vươn tới những tầm cao mới. Theo Grant, các kỹ năng nhân cách bao gồm lòng can đảm để rời khỏi vùng an toàn, khả năng chịu đựng thất bại mà không nản lòng, năng lực tiếp nhận và áp dụng thông tin một cách đúng đắn, cùng sự chấp nhận rằng sự hoàn hảo không phải là đích đến duy nhất. Đây không chỉ là những yếu tố giúp cá nhân phát triển mà còn là bệ phóng để khai mở tiềm năng ẩn sâu bên trong mỗi người.
Grant nhấn mạnh một sự thật quan trọng: thành công không chỉ đến từ việc học hỏi mà còn từ việc dám đối diện với cảm giác khó chịu và thất bại. Trong cuốn sách, ông khẳng định rằng những người dám mắc sai lầm thường có cơ hội phát triển lớn hơn. Qua những ví dụ thực tế, tác giả đưa người đọc vào câu chuyện của một võ sĩ quyền anh tự học để trở thành kiến trúc sư, hay một người phụ nữ vượt qua hoàn cảnh khó khăn nhờ khả năng tiếp thu kiến thức phi thường. Những nhân vật này không phải thiên tài bẩm sinh, nhưng họ đã chứng minh rằng tài năng có thể được rèn luyện thông qua sự bền bỉ, kiên trì và tư duy tích cực.
“ Khi chúng ta nói thành công và hạnh phúc là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc sống, tôi tự hỏi tại sao nhân cách lại không được xếp hạng cao hơn trong danh sách. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả chúng ta đầu tư thời gian cho kỹ năng nhân cách cũng nhiều như cho kỹ năng nghề nghiệp? Hãy tưởng tượng nước Mỹ sẽ như thế nào nếu Tuyên ngôn Độc lập trao cho mọi công dân quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu nhân cách.
Sau khi nghiên cứu những kỹ năng nhân cách giúp giải phóng tiềm năng, tôi đã xác định được những dạng thức cụ thể nào của tính chủ động lòng quyết tâm và tính kỷ luật là đóng vai trò quan trọng. Để đi một chặng đường dài đòi hỏi ta phải có lòng Can đảm tìm ra được đúng những điều khiến bản thân cảm thấy không thoải mái, có khả năng tiếp thu những thông tin đúng đắn và sự sẵn sàng chấp nhận những điều không hoàn hảo phù hợp với mình.”
Điểm đặc biệt trong cách Grant tiếp cận vấn đề là ông không chỉ tập trung vào kỹ năng hay thành công, mà còn nhấn mạnh ý nghĩa của quá trình phát triển. Ông cho rằng phát triển kỹ năng nhân cách không chỉ là hành trình hướng tới sự xuất sắc, mà bản thân quá trình ấy đã là một thành tựu đáng ghi nhận. Sự bền bỉ, tư duy phát triển, và ý chí vượt lên chính mình không chỉ giúp ta cải thiện hiệu suất mà còn định hình con người mà ta muốn trở thành. Đây chính là sự khác biệt giữa tham vọng (chỉ tập trung vào kết quả) và khát vọng (đặt mục tiêu trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân).
“Nếu đợi cho đến khi sẵn sàng rồi mới đón nhận thử thách, có thể chúng ta sẽ không bao giờ theo đuổi được bất kỳ điều gì. Bởi lẽ, cái ngày chúng ta thức dậy và đột nhiên cảm thấy sẵn sàng có lẽ không bao giờ đến. Nhưng dẫu sao ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện bước nhảy vọt.”
Grant còn đưa ra một góc nhìn mới mẻ khi khẳng định rằng xã hội thường ưu ái những người có tài năng thiên bẩm, nhưng ông lại cho rằng sự phát triển thông qua học hỏi và rèn luyện mới thực sự là điều quan trọng. Tác giả kêu gọi người đọc thay đổi quan niệm: tài năng không phải điều cố định, mà có thể được trau dồi và phát triển nếu ta chấp nhận thử thách bản thân. Những câu chuyện đầy cảm hứng trong sách là minh chứng rõ ràng rằng, thay vì phụ thuộc vào xuất phát điểm, chính cách ta đi xa bao nhiêu trên hành trình ấy mới là điều đáng kể.
Tuy nhiên, Adam Grant không phủ nhận rằng quá trình phát triển cá nhân không thể thiếu sự hỗ trợ. Ông giới thiệu khái niệm “giàn giáo” – những yếu tố nâng đỡ, giúp cá nhân vượt qua trở ngại và phát triển bền vững. Các giàn giáo này có thể là sự cổ vũ từ gia đình, sự hỗ trợ của bạn bè, hay sự hướng dẫn từ một người thầy tận tâm. Chúng tạo nên một môi trường an toàn, nơi con người có thể thử nghiệm, thất bại và học hỏi mà không sợ bị đánh giá. Thậm chí, chính bản thân mỗi người cũng có thể trở thành giàn giáo cho chính mình, bằng cách duy trì thái độ tích cực và không ngừng nỗ lực.
3) Cấu trúc động lực
Phần hai của Biến tiềm năng thành tài năng đưa bạn đọc khám phá cách tạo dựng một hệ thống động lực hiệu quả, giúp thúc đẩy bản thân vượt qua sự trì trệ và kiệt sức. Adam Grant khẳng định rằng, để khai phá tiềm năng tối đa, mỗi người cần xây dựng cho mình một “giàn giáo” – hệ thống hỗ trợ từ cả cá nhân lẫn môi trường bên ngoài. Đây không chỉ là những yếu tố mang tính vật chất hay kỹ thuật mà còn bao gồm các mối quan hệ tích cực, sự hướng dẫn từ cố vấn, đồng nghiệp, hoặc bạn bè, tất cả cùng tạo nên một nền tảng ổn định giúp ta đối mặt với thử thách và liên tục cải thiện.
Một trong những ý tưởng trọng tâm của phần này là sức mạnh của việc “chơi có chủ đích.” Thay vì làm việc không ngừng nghỉ, việc chơi một cách có định hướng sẽ giúp giảm bớt nhàm chán, ngăn ngừa kiệt sức, và làm mới nguồn cảm hứng. Grant chỉ ra rằng, để duy trì động lực dài lâu, chúng ta cần xây dựng những khoảng nghỉ chất lượng và tận dụng chúng như cơ hội để tái tạo năng lượng. Chơi không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn là một chiến lược giúp chúng ta khám phá những ý tưởng mới mẻ và giữ vững tinh thần sáng tạo.
“ Chơi theo cách có chủ đích thường bao gồm việc đưa yếu tố mới lạ và đa dạng vào quá trình luyện tập. Đó có thể là cách bạn học, công cụ bạn sử dụng mục tiêu bạn đặt ra và những người bạn tương tác. Tùy thuộc vào kỹ năng bạn đang cố gắng xây dựng chơi theo cách có chủ đích có thể mang hình thức của một trò chơi, một trò nhập vai hoặc một bài tập ứng biến.”
Grant cũng nhấn mạnh giá trị của việc “đôi khi lùi một bước để tiến hai bước.” Điều này có nghĩa là, không phải lúc nào con đường ngắn nhất cũng là hiệu quả nhất. Đôi khi, sự kiên nhẫn và khả năng thích nghi với những tình huống không như ý lại mở ra cơ hội phát triển vượt bậc. Qua các câu chuyện thực tế, tác giả kể về một nhạc công đã tìm ra cách khắc phục khiếm khuyết vĩnh viễn của mình nhờ một hệ thống hỗ trợ tạm thời, hay một nhóm sĩ quan da đen đầu tiên của Mỹ đã vượt qua định kiến nhờ sự đoàn kết và sự dẫn dắt từ môi trường tích cực. Những ví dụ này minh chứng rằng, với một cấu trúc hỗ trợ mạnh mẽ, ta có thể biến những trở ngại thành bước đệm cho thành công.
“ Thư giãn không phải là lãng phí thời gian – đó là sự đầu tư cho hạnh phúc. Giờ nghỉ không phải là sự xao lãng mà là cơ hội để thiết lập lại sự chú ý và ấp ủ những ý tưởng mới. Vui chơi không phải là một hoạt động phù phiếm – đó là nguồn vui và là con đường dẫn đến sự tinh thông.”
Cuối cùng, Grant khẳng định rằng, tiến bộ không chỉ được đo lường qua những đỉnh cao mà ta đạt được, mà còn ở cách ta vượt qua những thung lũng. Ngay cả khi sở hữu kỹ năng nhân cách mạnh mẽ, con người vẫn có thể rơi vào trạng thái nghi ngờ bản thân hoặc cảm giác kiệt sức. Chính trong những thời điểm ấy, hệ thống “giàn giáo” sẽ là chỗ dựa vững chắc, giúp ta nhìn thấy ánh sáng phía trước và tiếp tục hành trình.
4) Hệ thống cơ hội – dành cho những nhân tài nở muộn
Phần cuối của Biến tiềm năng thành tài năng tập trung vào việc xây dựng các hệ thống cơ hội nhằm mở rộng khả năng phát triển cho cả cá nhân và cộng đồng. Adam Grant khẳng định rằng kỹ năng nhân cách và hệ thống giàn giáo chỉ là những bước khởi đầu. Để tạo ra sự thay đổi thực sự và bền vững, chúng ta cần thiết kế những hệ thống quy mô lớn trong trường học, tổ chức, và cộng đồng, nhằm mang lại cơ hội bình đẳng cho mọi người. Đây không chỉ là việc cải thiện giáo dục để tất cả trẻ em đều được phát triển mà còn là việc trao cơ hội cho những “nhân tài nở muộn” – những người có thể không tỏa sáng ngay từ đầu nhưng lại sở hữu tiềm năng vượt trội khi được phát hiện và nuôi dưỡng.
“ Tư duy này khiến văn hoá giáo dục của họ trở nên khác biệt. Họ biết rằng chìa khoá để nuôi dưỡng tiềm năng không phải là đầu tư vào những học sinh sớm bộc lộ những dấu hiệu có tài năng đỉnh cao, mà là đầu tư vào mọi học sinh, bất kể tài năng họ thể hiện ra bên ngoài thế nào.”
Grant nhấn mạnh rằng, để những tài năng tiềm ẩn có thể tỏa sáng, cần có một môi trường hỗ trợ, nơi mọi người đều cảm thấy được trao quyền để phát triển. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo, giáo viên, và những người hướng dẫn phải có tầm nhìn xa và sẵn sàng tạo điều kiện cho sự tiến bộ. Các hệ thống cần được thiết kế không chỉ để phát hiện ra những cá nhân xuất sắc mà còn để khuyến khích sự phát triển của tất cả mọi người, từ những người có tiềm năng bẩm sinh đến những người chỉ cần một cú hích để bộc lộ khả năng.
III. Cảm nhận cá nhân
Cuốn sách Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng thực sự đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc và suy ngẫm sâu sắc về hành trình phát triển bản thân. Nếu như trước đây, tôi từng bị cuốn hút bởi tư duy phản biện sắc bén trong Think Again (Dám Nghĩ Lại) của cùng tác giả, thì lần này, Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng lại đưa tôi đến một chiều sâu khác, nơi tôi học cách đối diện với chính mình, nhìn nhận những giới hạn và tiềm năng mà trước đây tôi vô tình bỏ quên.
Cuốn sách giống như một lời nhắc nhở dành cho bất kỳ ai đang cảm thấy mất phương hướng hoặc lạc lối giữa những bộn bề của cuộc sống. Bằng một cách rất tự nhiên, tác giả giúp người đọc nhận ra rằng tiềm năng không phải là điều gì đó xa vời hay chỉ dành cho một số ít người có được từ lúc bẩm sinh. Nó hiện hữu trong tất cả chúng ta, nhưng để biến tiềm năng ấy thành tài năng thực sự, chúng ta cần dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Đối với tôi, đây không chỉ là một cuốn sách truyền động lực, mà còn là một lời mời gọi, một cơ hội để chiêm nghiệm lại bản thân và làm mới hành trình của mình.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất ở cuốn sách chính là cách tác giả trình bày nội dung. Cuốn sách không sa lầy vào những lý thuyết sáo rỗng hay nặng nề như nhiều sách self-help khác. Thay vào đó, tác giả sử dụng những hình ảnh minh họa cực kỳ chi tiết, đẹp mắt và đầy tính truyền cảm hứng. Những hình ảnh này không chỉ giúp giải thích rõ ràng hơn các khái niệm mà còn khiến người đọc như được tham gia vào một hành trình trực quan, sinh động. Tôi đặc biệt yêu thích cách mà tác giả kết hợp giữa ngôn từ và hình ảnh để làm giảm bớt sự khô khan thường gặp ở thể loại sách này, giúp tôi không chỉ hiểu mà còn cảm nhận sâu sắc thông điệp của từng chương sách.
Một điểm mạnh khác của cuốn sách là cách nó tạo ra sự kết nối cảm xúc với người đọc. Dường như tác giả hiểu rõ những khó khăn và nỗi sợ hãi mà mỗi người phải đối mặt khi cố gắng phát triển bản thân. Những câu chuyện được lồng ghép trong sách không chỉ là bài học mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ, giúp tôi cảm thấy được đồng cảm và khuyến khích. Mỗi trang sách đều chứa đựng một tinh thần tích cực, như một lời nhắc nhở rằng mọi người đều có quyền được phát triển, được thử thách và được thành công.
Sau khi đọc xong Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng, tôi nhận ra rằng đây là một cuốn sách không thể thiếu trên kệ sách của bất kỳ ai đang tìm kiếm một sự thay đổi trong cuộc sống. Nó không chỉ giúp tôi củng cố niềm tin vào bản thân mà còn truyền động lực để tôi tiếp tục theo đuổi những giấc mơ chưa trọn vẹn. Nếu bạn đang cảm thấy mất phương hướng, hoặc chưa tìm thấy cách khai thác tiềm năng của mình, tôi tin rằng cuốn sách này sẽ là người bạn đồng hành tuyệt vời, giúp bạn vạch ra con đường để biến những tiềm năng âm ỉ thành những thành tựu đáng tự hào. Đây không chỉ là một cuốn sách để đọc mà còn là một trải nghiệm để sống và thay đổi.
Tóm tắt bởi: Yên Thảo – Bookademy
Hình ảnh: Yên Thảo.
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-bien-tiem-nang-thanh-tai-nang-vuot-khoi-vong-an-toan-cua-ban-than-673cc6c4925c5d71f62f71a9