[Tóm Tắt & Review Sách] “Nợ Nần”: Cuộc Đời Bi Ai Của Một Kiếp Người

0
6
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Nợ Nần
Tác Giả: Nguyễn Công Hoan

“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” (Belinxki). Tôi đã từng đi qua biết bao trang sách, đã từng gặp gỡ Thúy Kiều với nỗi khổ đau cho kiếp hồng nhan “Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”, cũng từng theo chân Chị Dậu trải qua một cuộc đời dồn ép đến đường cùng trong những đêm đen u ám của xã hội xưa, song, khi đi qua truyện ngắn Nợ Nần của Nguyễn Công Hoan, tôi vẫn không khỏi kìm lòng mà nán lại chứng kiến cuộc đời của người phụ nữ tên Thuyết. Số phận của bà không phải là sự bi ai bất hạnh của thời đại, mà hơn hết, bắt nguồn từ chính những người thân yêu nhất của bà, là chồng, là con, thậm chí là chính bản thân của mình. Tác phẩm dẫu không phải là một sáng tác tiêu biểu và nổi bật của tác giả, cũng không đủ sức để vươn tầm đến những tác phẩm nổi tiếng viết về cùng đề tài, tuy nhiên, nó đã làm tốt nhiệm vụ, đó là đem đến cho người đọc một bức chân dung toàn diện về cuộc đời bất hạnh của người phụ nữ đầy tảo tần, thủy chung này. 

1. Tác giả

Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6/3/1903, trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học thất thế. Trong gia đình, từ nhỏ Nguyễn Công Hoan đã được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Điều đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách văn chương của ông sau này. Được mệnh danh là bậc bầy truyện ngắn và phong cách văn chương trào phúng độc đáo, ông nổi tiếng với những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến như Tắt lửa lòng, Bước đường cùng, Trên đường sự nghiệp,…Dùng ngòi bút châm biếm để miêu tả sự đời, cùng với Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan là một trong số những nhà văn trào lộng nổi tiếng bậc nhất của xã hội đương thời và ông đã góp phần mang đến những tác phẩm có giá trị cho nền văn học Việt Nam thế kỉ 20.

“Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến một bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một “bách khoa thư”, một “tấn trò đời” mà đặc trưng là xã hội phong kiến của thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một “vũ khí của người mạnh” để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng… Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với đặc điểm của nó đã nâng cao khả năng nhận thức và khám phá các hiện tượng xã hội phức tạp… Chúng ta có quyền tự hào về Nguyễn Công Hoan và coi ông là bậc thầy truyện ngắn… Nguyễn Công Hoan là nhà văn có công khai phá, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại… Nguyễn Công Hoan đã đột phá vào những thành trì, khuôn khổ của giáo huấn và tiếp nhận, tuân theo một chủ nghĩa khách quan lịch sử khi miêu tả hiện thực. Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là “cổ điển” trong nền văn học hiện đại.[3]”


Nợ nần là một trong số những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, tác phẩm kể về người phụ nữ tên Thuyết với số phận đầy bi ai và thảm thương. Có một người chồng cờ bạc, nghiện hút và người đứa con hư hỏng, bất hiếu, Thuyết hiện ra trước mắt người đọc với cuộc đời khổ đau những vẫn mang trong mình những đức hạnh cao cả, tần tảo và hết lòng vì con. Từ đó, tác phẩm đã ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam, nhưng cũng đồng thời lên án bạo lực gia đình, những mặt xấu, mặt trái trong xã hội đương thời

2. Tác phẩm

2.1 Tóm tắt tác phẩm

Nợ nần là câu chuyện kể về Thuyết, một người phụ nữ mang trong mình cuộc đời bi ai, bất hạnh. Lấy chồng từ sớm, ngỡ chồng Thuyết là một người học trò thanh bạch, xứng đáng gửi gắm cuộc đời, ấy vậy mà thế sự khôn lường, sau khi cưới, hắn ta bỏ học, trở nên hư hỏng, đổ đốn. Rượu bạc, gái gú, nghiện hút, không gì là hắn thiếu. Thậm chí, hắn còn bán nhà, bán ruộng cha mẹ để lại, nhiều lần lừa gạt bà để ăn cắp, ăn trộm tiền mà đổ vào cái thú ăn chơi trác táng ấy. Sau cùng, hắn tự tử để giải thoát cho bản thân mình và bà. Những tưởng cuộc đời bà Thuyết từ đó sẽ trở nên tươi sáng, hạnh phúc hơn, nào ngờ đâu thằng Mùi – con trai bà, thuở nhỏ từng nương tựa hiếu thảo, yêu thương bà bao nhiêu, thì lớn lên lại càng trở nên giống ba nó, chơi bời gái gú, lừa gạt tiền của bà bấy nhiêu. Khổ đau chồng chất khổ đau, bất hạnh nối tiếp bất hạnh khi thằng Mùi chết đi một cách đầy thảm khốc, và đứa con gái hiếu thảo của bà qua đời vì một trận chìm thuyền. Nỗi đau và cú sốc tinh thần ấy đã khiến bà mù lòa, rồi lẩn thẩn, cuối cùng chết vì bênh dịch tả trong đau đớn và khổ sở. Cuộc đời của bà đã kết thúc một cách đầy bi ai và thảm thương như vậy

2.2 Bi kịch đến từ người chồng

Ngay từ những câu văn của tác phẩm, tác giả đã khắc họa hình ảnh người chồng là một kẻ nhu nhược nhưng lại lười biếng, ham ăn ham chơi mà không biết phấn đấu học hành. Lấy vợ, hắn chẳng tha thiết gì đến con chữ nữa, mà chỉ muốn hằng ngày ở nhà chơi bời

“— Gớm, người ta nhớ nhớ là, chẳng thiết học hành gì cả

“Thì ra sau ngày cưới, nhà tôi càng lười biếng hơn trước. Và lại hư nữa. Nhà tôi sinh sự cãi nhau với tất cả các bạn. Rồi sau hết, dám cãi nhau cả với bà Đồ.”

Đỉnh điểm là khi Thuyết bị sảy thai và chết yểu nhiều lần, chồng bà lấy vợ lẽ, một con người ngoan độc, chua cay, và cũng góp phần tạo ra bi kịch cho gia đình bà.

Nhà tôi lại ăn ở rất thiên. Cái gì cũng bênh vợ lẽ và soi mói vợ cả. Bị hắt hủi, tôi khổ tâm lắm, song, biết than thở với ai?”

Thậm chí, biết vợ lẽ cả gan đầu độc mưu hại thằng Mùi, chồng bà vẫn một mực nghe lời, bảo vệ ả ta

“Bực mình, nhà tôi vào giường tôi lôi tôi dậy, cà khịa với tôi, đổ tội cho tôi, rồi đánh tôi một trận.

Tôi bầm gan tím ruột, thổn thức khóc. Nhà tôi nằm ngoài nhà, chửi tôi nham nhảm.”

Sống với người chồng vũ phu và người vợ lẽ của chồng ác độc, những lời chửi rủa, nhiếc mắng vang lên không dứt, đổ lên người bà, con bà như những kẻ hầu người hạ thấp hèn. Thế nhưng số kiếp khổ đau của bà vẫn chưa dứt khi cứ ngỡ trở về bên Phượng – quê ngoại bà, bà sẽ có cuộc sống mới tốt đẹp hơn, nào ngờ đó chỉ mới là khởi sự đầu tiên cho chuỗi bi kịch sau này của bà

Bán hết đất đai, ruộng vườn, thậm chí nhà cửa, chồng bà tìm đến bà để xin tiền nuôi thú ăn chơi và ở cùng bà. Không chỉ lấy trộm tiền bán hàng của bà Thuyết, hắn còn vay mượn khắp nơi dưới danh nghĩa của vợ

“Thì vỡ chuyện ra, nhà tôi đã đi vay cào vay cấu vung vít lên, chỗ năm ba hào, chỗ một hai đồng. Mà hỏi, nhà tôi cũng bảo mượn cho tôi, lấy tiền buôn thêm.”

Cái đê hèn của hắn quả thực không gì tả nổi, ăn chơi cờ bạc để rồi sa sút, hắn không biết lấy đó để thay đổi mà ngược lại, càng lúc càng dấn sâu vào tệ nạn, thậm chí mất đi đức hạnh, liêm sỉ, đạo đức ban đầu. Không có tiền để chơi bời, hắn nghĩ ra mọi cách để bòn rút của vợ, miễn sao có tiền để đánh cờ bạc, tổ tôm là được.

“Quả nhiên nhà tôi chẳng thèm vay thực. Nhà tôi lấy tiền của tôi bằng cách khác, mới hơn. Là lừa khi tôi ngủ say, nhà tôi lần túi tiền của tôi cấy ở đầu giường. Trước hết, tôi còn nghi đầy tớ. Rồi mất đến lần thứ hai, tôi đoán chắc chỉ nhà tôi.”

Cách này không thành, hắn nghĩ ra những cách khác

“Nhưng chứng nào vẫn tật ấy. Thấy tôi giấu tiền kỹ quá, nhà tôi bèn lấy nồi, mâm đi cầm. Đến khi trong nhà không còn gì đáng giá để đem đi làm tiền được, nhà tôi bắt đầu ăn cắp hàng của tôi.”

Hết cờ bạc gái gú rồi đến thuốc phiện, chuộc nhà, bán nhà, rồi lại chuộc nhà, một vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp diễn mãi, bi kịch cũng vì thế chẳng thể nào dứt. Có thể nói, chồng bà là bi kịch lớn nhất của cuộc đời bà, đã bao lần mà ngậm đắng nuốt cay, chịu đựng những đánh đập, nhục mạ, cũng bao lần khổ sở vì chồng mà vun vén cho gia đình.

2.3 Bi kịch đến từ người con

Nếu nói người chồng là bi kịch khổ đau nửa đời trước của bà Thuyết, thì thằng Mùi con bà, là bi kịch đau đớn nhất cho nửa đời sau của bà. Sở dĩ đau đớn nhất bởi lẽ thằng bé bà từng mang nặng đẻ đau, từng yêu thương, hiếu thảo hết mực, là động lực lớn nhất để bà vượt qua những năm tháng khó khăn giờ đây lại trở thành nỗi đau của cuộc đời bà. Những tưởng dưới bi kịch gia đình thuở bé, thằng Mùi khi lớn lên sẽ càng yêu thương và chăm sóc cho mẹ, nào ngờ ngược lại, nó ngày càng trở nên hư hỏng, bất hiếu, đi theo vết xe đổ của cha nó.

“Tao tưởng mày thấy tao khổ sở về thầy mày, thì mày thương tao mới phải. Thế mà đến nay, ba mươi tuổi đầu rồi, mày chỉ một việc là ăn bám vào tao. Không những thế, mày còn làm tao lụn bại nữa.”

Cũng cờ bạc, gái gú, song, thằng Mùi còn táng tận lương tâm đến mức giành hết đất đai, nhà cửa, lấy khế ước bán nhà để có tiền tiêu xài thỏa thích

“Tôi nghĩ đời tôi, không lúc nào được sung sướng. Lúc lấy chồng, tôi mong được nhờ chồng. Nhưng thất vọng về chồng, tôi vẫn không nản chí. Tôi cứ làm việc chắt bóp từng trinh, mong gây cho con, để lúc tuổi già, nhờ con được thanh nhàn. Ngờ đâu, công lao tôi từng ấy năm trời, hết chồng phá đến con phá.”

“Nó cười sung sướng:

— Thế là bà tay trắng. Bao nhiêu ruộng nương đất cát của tôi hết, bà chỉ là người ở nhờ.”

Lấy được khế ước nhà đất, thằng Mùi xem mẹ nó như cục nợ, đồ thừa thãi trong gia đình.

“Tôi nhờ nó đi cắt thang thuốc uống cho đỡ mệt, nó lắc đầu ngửa tay bảo tôi đưa tiền.”


Nó xem mẹ nó như khúc gỗ, mà đẽo mà bòn rút đến tận xương tủy. Không có tiền, nó tìm đến bà để xin xỏ, gây sự, có tiền rồi, nó vứt bỏ mẹ nó một cách không thương tiếc. Sự tàn nhẫn và vô ơn của Mùi đúng thật không lời nào tả xiết, không cách nào miêu tả cho cam.

2.4 Bi kịch đến từ chính bản thân bà Thuyết

Cuộc đời đau khổ của bà Thuyết không chỉ bắt nguồn từ người chồng, người con mà còn từ chính bản thân của bà. Tư tưởng cam chịu và lễ giáo thời xưa đã biến cuộc đời bà trở thành một chốn địa ngục trần gian. Dẫu bị phản bội, đánh đập, mắc nhiếc và sỉ nhục bởi người chồng, nhưng lần nào bà cũng cam chịu mà bỏ qua hết thảy. Mỗi lần chồng bà hứa hẹn, nói lời ngon ngọt, những cái đánh đập tựa như một giấc mộng mị khiến bà đều quên hết thảy, đồng ý tha thứ và tin tưởng chồng vô điều kiện

“Tôi lấy làm lạ, không biết vì sao bây giờ đối với tôi nhà tôi lại khác hẳn như thế. Thấy chồng làm lành, tôi vụt quên cả chuyện cũ, tươi cười như thường.”

Biết hút thuốc phiện là xấu, là nghiện, là không tốt, nhưng chẳng hiểu sao nghe chồng tỉ tê đôi ba lời ngon ngọt, bà Thuyết lại sắm cho chồng cái bàn đèn, để chồng thỏa thuê mà hút, mà nghiện

“Tôi thở dài. Nhà tôi lại tỉ tê tán tỉnh, không biết lúc ấy nghi thế nào, tôi cho nhà tôi sắm bàn đèn.”

Sợ điều tiếng, sợ người dân chỉ trỏ dòm ngó, bà cắn răng chịu đựng. Phải chi nếu mà mạnh dạn, dũng cảm vượt qua những lo sợ ấy, thì có lẽ cuộc đời của bà sẽ không khổ đau và kết thúc bi ai như vậy.

“Tôi đau, nhưng nhất định không kêu. Tôi sợ hàng xóm đổ sang can, rồi tai tiếng rầm làng.”

Quả thực, lễ giáo cổ hủ và những tư tưởng thời đó đã kìm kẹp bà Thuyết quá nhiều. Dẫu đau đớn nhưng chẳng dám than, mặt mũi danh tiếng còn lớn hơn của những bất hạnh phải chịu đựng. Suốt đời bà đã phải lam lũ cùng cực, tần tảo, hy sinh chịu đựng những đắng cay cuộc đời. Chính vì vậy, bất hạnh trên hết bắt nguồn từ cuộc sống và tư tưởng áp đặt lúc bấy giờ, và bà Thuyết cũng đã một tay xây dựng nên bất hạnh của cuộc đời mình. Quả thực như câu thơ xưa kia:

“Có con phải khổ vì con,

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.”

Tình mẫu tử thiêng liêng và lòng yêu cháu không cho phép mà bỏ mặc thằng Mùi – dẫu cho nó bất hiếu và người cháu tội nghiệp của bà. Sự nhân nhượng và nuông chiều ấy đã tạo ra biết bao bi kịch của người mẹ, của người con

“Tôi thở dài:

— Tao không chết đâu. Vợ chồng thằng trời đánh nó kéo đi là phúc cho tao. Tao lại đi chợ. Tao hết nợ rồi lại làm giàu, miễn là chúng nó đừng về quấy tao nữa.

Con Bách nhìn tôi, lắc đầu thở dài:

— Nhưng thế nào anh ấy chả về. Như mấy bận trước bà biết đấy.

— Về thì tao chém chết. Tao chém nó không chết thì tao chém tao.

— Không được. Bà vẫn thương anh ấy. Bà không muốn cho thằng Cún báo hiếu anh ấy như anh ấy báo hiếu bà, là bà còn thương anh ấy.”

Bà Thuyết hiện lên vừa đáng thương vừa đáng giận. Thương bà bởi những cam chịu, đớn đau mà bà phải trải qua, giận bà, bởi lẽ sự cả tin và thứ tha quá lớn đã đẩy bà vào vòng xoáy bất hạnh không biết bao nhiêu lần. Suy cho cùng, số phận mà bà phải gánh chịu cũng một phần bắt nguồn từ chính bản thân của bà

3. Cảm nhận cá nhân

Nợ nần là một tác phẩm không quá rầm rộ như những tác phẩm khác của ông, song, nó vẫn mang trong mình những giá trị nhất định và lôi cuốn người đọc theo từng con chữ. Bằng ngôi kể thứ nhất với góc nhìn nhân vật Thuyết, người đọc càng thấm thía những đau đớn, nỗi khổ mà cuộc đời bà phải trải qua. Thước phim cuộc đời đầy nước mắt và thương đau ấy bắt nguồn từ đám cưới của bà và kết thúc trong cái chết xót xa của bà. Thông qua ngôi kể chân thực, thước phim ấy hiện lên sống động, bao trùm cả một kiếp người thống khổ.Thông qua nhân vật bà Thuyết, người phụ nữ thời xưa hiện lên với sự lam lũ, tảo tần, và đức hy sinh vô bờ dành cho chồng, cho con, tuy vậy, đó còn là bức tranh về nỗi khốn cùng của sự cam chịu, nhẫn nhục song hành. Đó là một kiếp người phụ nữ phải gánh trong mình biết bao bi kịch và khổ đau từ người chồng, người con. Tác phẩm đã thành công khi khắc họa được những mảnh đời trớ trêu, bất hạnh như Thuyết, phản ánh hiện thực nghiệt ngã nơi số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ.

Đồng thời, tác phẩm còn lên án thói đời bạc bẽo, những hậu họa khôn lường từ trò cờ bạc, hút chích, không chỉ đẩy con người ta đến đường cùng, mà còn gieo rắc khổ đau đến người xung quanh. Đó còn là thói bất hiếu đáng khinh bỉ của thằng Mùi trước người mẹ tảo tần sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho nó, để rồi sau này nó phải gánh chịu cái kết thảm khốc.

Tác phẩm đã khắc họa hiện thực Việt Nam thuở bấy giờ, song dưới con mắt độc giả hiện đại, tác phẩm không chỉ là những trang giấy để nghiền ngẫm, mà thông qua tác phẩm, ta có cái nhìn sâu sắc hơn đối với hành trình vươn mình mạnh mẽ của người phụ nữ cho đến hiện tại, đó cũng là lý do nhiều độc giả có cái nhìn tiêu cực về nhân vật Thuyết và cảm thấy không thể đồng tình cùng với nhân vật. Suy cho cùng, mọi tác phẩm văn chương theo thời gian sẽ không thể nào thay đổi, điều thay đổi duy nhất là góc nhìn của bạn đọc và tư tưởng thời đại bao trùm lấy con người.

Tóm tắt bởi: Mai Thúy – Bookademy.

Hình ảnh: Mai Thúy – Bookademy. 

Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/tom-tat-and-review-sach-no-nan-cuoc-doi-bi-ai-cua-mot-kiep-nguoi-67e99c9fa2ac68773836a3ff

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

5 × 2 =