Điểm Sách: “Tư Duy Có Hệ Thống”: Làm Sao Để Tư Duy Đúng Hướng Trong Thời Đại Quá Tải Thông Tin?

0
177
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Tư Duy Có Hệ Thống
Tác Giả: Daniel J. Levitin

Nhu cầu kiểm soát hệ thống nhận thức và ký ức của con người chưa bao giờ lớn đến thế. Não bộ của chúng ta đang bận rộn hơn bao giờ hết bởi vô vàn những nội dung thực tế, nội dung phi thực tế, chuyện phiếm và tin đồn vây quanh, núp dưới danh nghĩa thông tin. Phân biệt được những thông tin hữu ích với thông tin có thể bỏ qua là điều rất mệt mỏi, nhưng chúng ta ngày càng phải làm nhiều hơn.

Đây là một đoạn trích trong trang 14 cuốn Tư Duy Có Hệ Thống (The Organized Mind) của Giáo sư Daniel J. Levitin, cũng là đoạn văn bao quát thực trạng quá tải thông tin hiện nay – thực trạng cuốn sách hướng đến và giúp đưa ra cách giải quyết. Tiếp cận với quá nhiều thông tin dễ khiến chúng ta mệt mỏi và khó chịu đến nỗi chúng ta chấp nhận từ bỏ phân biệt những điều có ích với bản thân mình và cứ tiếp nhận thụ động. Đó là tình cảnh chung của thế giới. Với một số người, thậm chí đó còn là gánh nặng. Nhưng cuốn sách này có thể giúp bạn nhẹ lòng hơn với chiếc chìa khóa tìm đến cách thức hoạt động của bộ não và một vài cách tư duy có thể áp dụng ngay trong cuộc sống đời thường.

Daniel Joseph Levitin, sinh ngày 27 tháng Mười Hai năm 1957, là một nhà tâm lý học nhận thức, nhà thần kinh học, nhà văn, nhà soạn nhạc và nhà sản xuất nhạc người Mỹ – Canada. Ông được phong danh hiệu Giáo sư danh dự James McGill về tâm lý học và thần kinh học hành vi tại Đại học McGill, Motreal, Quebec, Canada. Ông cũng được bổ nhiệm trong các lĩnh vực như lý thuyết âm nhạc, khoa học máy tính, thần kinh học, giải phẫu thần kinh và giáo dục. Daniel J. Levitin là tác giả của bốn cuốn sách bán chạy liên tiếp: This is Your Brain on Music: The Science of a Human Obsession (tạm dịch: Trí Tuệ Trong Âm Nhạc: Nghiên Cứu Về Nỗi Ám Ảnh Của Con Người), The World in Six Songs: How the Musical Brain Created Human Nature (tạm dịch: Thế Giới Trong Sáu Bài Hát: Trí Tuệ Âm Nhạc Kiến Tạo Bản Chất Con Người Như Thế Nào?), Tư Duy Có Hệ Thống: Tư Duy Đúng Hướng Trong Thời Đại Quá Tải Thông Tin và A Field Guide to Lies: Critical Thinking in the Information Age (tạm dịch: Bản Chỉ Dẫn Cơ Bản Về Sự Dối Trá: Tư Duy Phản Biện Trong Thời Đại Thông Tin). Bên cạnh đó, nhiều bài báo khoa học về cảm âm tuyệt đối (absolute pitch), tâm lý học âm nhạc (music cognition) và khoa học thần kinh do ông viết cũng được đăng tải trên các trang lớn.

Tư Duy Có Hệ Thống: Tư Duy Đúng Hướng Trong Thời Đại Quá Tải Thông Tin được xuất bản vào năm 2014 tại Mỹ và Canada. Cuốn sách này đã lọt vào danh sách sách bán chạy của New York Times ở vị trí số 2, đứng nhất trong danh sách sách bán chạy của Canada và trên trang web Amazon, đứng thứ 5 trong danh sách sách bán chạy của London Times.

Vì sao nên chọn cuốn sách này?

Theo từ điển tiếng Việt Hoàng Phê, tư duy là “giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lí.” Khái niệm mặc dù nghe hơi quá tầm với, nhưng nói một cách đơn giản, tư duy là hoạt động hình thành, tìm tòi và tiếp nhận những suy nghĩ, kiến thức, biến đổi chúng thành “tài sản” của riêng mình. Hay nói như giảng viên bộ môn Tư Duy Phản Biện (Critical Thinking) của tôi, tư duy là “thinking about thinking”.

Con người tư duy nhiều hơn những gì chính bản thân họ nghĩ. Không chỉ trong học tập hay làm việc mới cần đến tư duy, bạn sẽ cần bộ não hoạt động lúc nhớ lại thời khóa biểu hôm nay học môn gì trước khi đến trường hay khi cố nghĩ xem đã để chìa khóa xe ở đâu. Tất cả những vấn đề này đều liên quan đến tư duy. Hẳn bạn cũng từng lâm vào tình cảnh dạng như không thể nhớ được người vừa mới chào bạn là ai, quên mất lịch tình nguyện, giờ uống thuốc hay làm mất đồ quan trọng như hộ chiếu và ví tiền chỉ vì bạn không nhớ đã để chúng ở đâu. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần “sắp xếp” lại các thông tin trong não bộ của mình rồi đấy. “Tư duy có hệ thống sẽ giúp đưa ra được quyết định đúng đắn một cách dễ dàng.”

Tư Duy Có Hệ Thống bao gồm chín chương chính, lời giới thiệu, phụ lục, chú giải, lời cảm ơn và tác giả hình minh họa. Nếu có thời gian, hãy ra hiệu sách và đọc phần lời giới thiệu của cuốn này, và bạn sẽ hiểu tại sao bạn nên đọc nó. Tôi không thường đọc phần mở đầu, nhưng với Tư Duy Có Hệ Thống, những thông tin trong mục lời giới thiệu là lý do tốt nhất để bạn quyết định lật giở đến trang cuối cùng.

Tôi đặc biệt ấn tượng với đoạn văn Daniel J. Levitin viết về nội dung chính của cuốn sách này, rằng ông sẽ viết cái gì và như thế nào. Người đọc có thể dựa vào đoạn đó để hình dung ra hình sẽ nhận được những kiến thức gì và có cái nhìn chung nhất về cuốn sách. Có thể do tôi hầu như không đọc thể loại khoa học, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một đoạn văn như vậy trong một cuốn sách, như thể tôi đang đọc một bài luận văn vậy.

Càng hiểu rõ những lời hướng dẫn hay bản kế hoạch, chúng ta sẽ càng dễ dàng làm theo hơn (theo tâm lý học nhận thức), nên cuốn sách này sẽ thảo luận nhiều khía cạnh khác nhau của hệ thống nhận thức. Chúng ta sẽ nghiên cứu lịch sử của các hệ thống tổ chức mà con người đã trải qua bao thế kỷ nay để có thể thấy được hệ thống nào đã thành công, hệ thống nào đã thất bại và nguyên nhân của thành công hay thất bại đó. Tôi sẽ giải thích nguyên nhân căn bản vì sao chúng ta lại hay bị mất đồ, và những người thông minh, tư duy có hệ thống thường làm gì để không bị như vậy. Một phần nội dung sẽ bàn về cách thức chúng ta học hỏi như khi còn bé, và tin tốt là chúng ta có thể thay đổi một số khía cạnh nhất định trong tư duy từ thời đó để giúp ích hơn khi đã lớn. Có lẽ phần nội dung trọng tâm sẽ là về cách sắp xếp thời gian tốt hơn, không chỉ để làm việc hiệu quả hơn mà còn để dành thời gian cho những người người quan trọng, để thư giãn, vui chơi và để sáng tạo nữa.

Quá tải thông tin? Làm sao để tư duy đúng hướng?

Trước hết, xin hãy chú ý rằng đây là một cuốn sách về tâm lý học và thần kinh học, bên trong chứa khá nhiều tên khoa học khó nhớ và các thí nghiệm nên có thể sẽ gây khó hiểu một chút. Nhưng các bạn cũng không cần để tâm quá nhiều vào chúng, chỉ cần đọc hiểu là được.

Để tìm ra giải pháp cho một vấn đề, ta cần hiểu vấn đề đó là gì, nguyên do từ đầu và đang diễn biến thế nào. Quá Nhiều Thông Tin, Quá Nhiều Quyết Định: Lịch Sử Nội Tại Của Quá Tải Nhận Thức sẽ giải đáp điều đó. Mở đầu với ví dụ từ cô học trò Ioana từng đứng cả giờ trong hiệu sách để đọc nhãn các loại bút và tìm loại tốt nhất, Giáo sư Levitin đã dẫn chúng ta đến sự quá tải thông tin trong thời đại hiện nay, và những rắc rối ta có thể gặp phải khi cố gắng phân biệt những thứ lặt vặt với những thứ quan trọng. Chưa khi nào việc tiếp nhận và xử lý thông tin lại khiến con người mệt mỏi như hiện nay.

Ngày nay, con người phải đối mặt với một khối lượng thông tin lớn chưa từng thấy, và mỗi người trong chúng ta cũng sinh ra một lượng thông tin nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người. Khoa học thông tin tính toán hết những con số này: Mỗi ngày trong năm 2011, người Mỹ tiếp nhận lượng thông tin nhiều hơn gấp năm lần so với năm 1986 – tương đương với 175 tờ báo. Hằng ngày chúng ta xử lý 34 gigabyte thông tin hay 100 nghìn từ, trong thời gian nghỉ ngơi, chưa tính thời gian làm việc. Hằng ngày, 21.274 đài truyền hình trên thế giới sản xuất ra 85.000 chương trình ti vi, mỗi ngày trong khi trung bình chúng ta dành năm giờ ngồi trước máy vô tuyến, tương đương với 20 gigabyte thông tin dạng âm thanh – hình ảnh. Đó là còn chưa kể đến YouTube, với 6.000 giờ video được tải lên mỗi giờ. Rồi còn trò chơi điện tử nữa, chiếm nhiều dung lượng hơn tổng tất cả các loại hình truyền thông khác như DVD, ti vi, sách, tạp chí và Internet.

Số lượng thông tin thì lớn như vậy, nhưng khả năng tập trung của con người lại chỉ có hạn. Rõ ràng chúng ta không thể thu nhận hết những thông tin này và chỉ tiếp nhận những thứ thực sự có ích cho bản thân mình. Chương này sẽ giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của bộ phận gọi là lưới lọc tập trung, lịch sử quá tải thông tin – ngày ấy và bây giờ, đại cương về khả năng phân loại của trí não và theo đuổi sự phân loại hoàn hảo.

Sau chương đầu tiên chủ yếu nói về cách hoạt động của não bộ, chương 2 là Những Điều Đầu Tiên Cần Hiểu Rõ: Hệ Thống Tập Trung Và Kí Ức Làm Việc Như Thế Nào? Có lẽ bạn cần tập trung vào chương này để có thể đọc phần còn lại của cuốn sách dễ dàng hơn. Điều đầu tiên cần hiểu chính là bốn thành phần của hệ thống tập trung, bao gồm: trạng thái suy nghĩ mông lung, trạng thái xử lý trung tâm, lưới lọc tập trung và bộ đổi lập trung giúp điều phối tài nguyên của hệ thần kinh và chuyển hóa sinh học giữa các trạng thái suy nghĩ mông lung, tập trung vào công việc hay cảnh giác.

Hệ thống này làm việc hiệu quả đến mức hiếm khi chúng ta nhận thức được mình đang lọc những gì. Trong nhiều trường hợp, bộ đổi tập trung làm việc ngoài phạm vi nhận thức của chúng ta, điều chuyển giữa hai trạng thái suy nghĩ mông lung và xử lý trung tâm trong khi lưới lọc tập trung sẽ âm thầm làm việc – đến mức chúng ta đã chuyển trạng thái từ lúc nào không hay. Tất nhiên là cũng có trường hợp ngoại lệ, chúng ta có thể bắt ép mình chuyển trạng thái, như khi rời mắt khỏi cuốn sách để chú ý nghe ngóng. Nhưng sự chuyển đổi lúc đó cũng không hề lộ liễu: sẽ không có ai nói “Tôi chuyển trạng thái đây”; bạn (hay là thùy đảo) cứ thế mà làm thôi.

Điều thứ hai, hóa học thần kinh ảnh hưởng đến tập trung, là phần mà tôi thấy khó hiểu nhất trong cả chương này bởi chủ yếu đề cập đến khoa học.

Điều thứ ba, ký ức đến từ đâu? Thực ra, “nhiều vùng của não có thể ngủ trong một khoảng thời gian mà chúng ta không hề nhận biết được.” Bởi vậy, chúng ta rất hay để quên đồ hay thậm chí là đã nhìn thấy thứ cần tìm nhưng não bộ lại không hiện ra.

Điều thứ tư, tại sao phân nhóm lại quan trọng? Phân nhóm ở đây là hoạt động phân loại thông tin, gộp nhiều thứ vào cùng một nhóm “để không phải bắt não bộ xử lý những thông tin không liên quan đến mục đích chính.”

Điều thứ năm, đưa một phần trí não ra khỏi cơ thể. Phần này khuyến khích bạn hãy sử dụng ghi chú để tăng khả năng tập trung của mình. Có một sự thật là viết những suy nghĩ bất chợt hiện ra vào giấy sẽ giúp bạn bớt sao nhãng công việc chính đang phải thực hiện, bởi nếu bạn cứ để nó trong đầu bạn sẽ còn tiếp tục nghĩ đến nó mãi, có thể cho đến tận khi bạn hoàn thành suy nghĩ đó và khiến công việc quan trọng hơn phải dở dang. Đừng khiến những suy nghĩ ấy khiến bạn vướng bận.

Vấn đề đầu tiên cần bạn hệ thống và Sắp Xếp lại, không đâu xa, chính là Ngôi Nhà Của Bạn: Khi Mọi Thứ Bắt Đầu Tiến Triển Tốt Hơn. Nếu để ý, bạn sẽ nhận ra bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách sắp xếp các gian hàng trong siêu thị hay các cửa hàng quần áo vào ngôi nhà của chính mình. Quy tắc ở đây chính là: Dùng chính môi trường làm công cụ nhắc nhở những gì cần làm. Bạn có thể sắm thêm cái mới để đặt ở những nơi bạn cần dùng đến nó nhất hoặc dành ra một vị trí cố định cho món đồ đó mà thôi.

Có một sự thoải mái khó tả mỗi khi ta mở một ngăn kéo và thấy mọi thứ trong đó đều thuộc về cùng một loại hay tìm kiếm đồ đạc trong một ngăn tủ ngăn nắp. Không phải lục tung mọi thứ sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng cho những công việc khác cần nhiều sức sáng tạo hơn. Trên thực tế, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu có thể tránh được mối lo không tìm được vật đang tìm. Mỗi khi không tìm thấy thứ gì đó, trí não của bạn sẽ bị đẩy vào một trạng thái cảnh giác độc hại như một màn sương mù mơ hồ, không phải tập trung mà cũng chẳng giống thư giãn. Cách tổ chức các nhóm của mình cẩn thận, môi trường xung quanh bạn, và dĩ nhiên là cả tâm trí bạn nữa, sẽ càng ngăn nắp hơn.

Dù là ngăn kéo rác hay tủ đựng tài liệu thì cũng cần được phân loại. Bạn không thể vứt hết những thứ chưa dùng đến vào ngăn kéo rác hay nhét cả đống đồ làm bánh vào cùng một ngăn được. Thay vào đó, bạn nên xếp những đồ vật bạn hay sử dụng chung vào một chỗ, ví dụ như tem, phong thư và đồ văn phòng ở một chỗ, dao cắt bánh quy Giáng sinh ở cùng ngăn để những món đồ liên quan đến Giáng sinh. Bạn sẽ nhận thấy cách phân loại này rất phổ biến trong các quán bar hay quán rượu đông khách.

Khi sắp xếp, hãy đảm bảo bạn tuân thủ hai bước để xây dựng hệ thống thông tin trong nhà. Một là, các nhóm được tạo phải phản ánh được thói quen sử dụng của bạn và có sự tương tác với các vật dụng khác. Hai là, phải tránh đưa quá nhiều thứ khác nhau vào cùng một nhóm hay ngăn kéo, trừ khi bạn có thể nghĩ được một đặc điểm chung tổng quát cho tất cả. Ngoài ra, còn có ba nguyên tắc này nữa: thà đừng gắn nhãn còn hơn gắn nhầm, hãy tuân theo một chuẩn mực đã có sẵn và đừng giữ những gì bạn sẽ không dùng đến.

Trong phần ngôi nhà công nghệ số, bạn sẽ được nhận lời khuyên trong việc sắp xếp tập tin dạng số với dạng giấy, cách sử dụng email để không làm gián đoạn công việc của mình, vấn đề về các trang mạng xã hội và cách bạn nên đặt mật khẩu.

Sau khi đã sắp xếp mọi thứ trong nhà thật gọn gàng và ngăn nắp, giả sử bạn phải đi công tác ở một nơi hoàn toàn xa lạ, vậy bạn phải làm sao để tránh mất đồ vì không còn tận dụng được những thói quen hàng ngày? Có hai cách để nhớ chúng: cố tạo dựng lại cảm giác mới mẻ trong mọi việc chúng ta làm hàng ngày, và giảm tải chức năng ghi nhớ ra môi trường xung quanh thay vì nhồi nhét vào đầu (tức là viết giấy nhớ hoặc áp dụng nguyên một biện pháp có hệ thống).

Những cách này nên được áp dụng theo tính cách con người của bạn. Mỗi cá thể đều có những sự khác biệt, cách này áp dụng được với bạn nhưng có thể không ổn nếu bạn của bạn thực hiện theo. Hãy nhớ rằng phải dung hòa giữa phương pháp và hệ thống sắp xếp tổ chức với tính cách bạn có.

Với hàng ngàn đồ vật khác nhau trong ngôi nhà hiện đại thì đây rõ ràng không phải là những vấn đề mà tổ tiên xa xưa của loài người gặp phải, nhưng họ lại phải đối mặt với những vấn đề gây stress khác hẳn so với chúng ta ngày nay, bao gồm cả nguy cơ bị mất mạng bất cứ lúc nào. Chúng ta cần phải thực sự năng động trong việc giảm thiểu tác nhân gây stress bằng cách làm những việc giúp não bộ được thư thái như trải nghiệm thiên nhiên và nghệ thuật, thường xuyên đưa trí não về trạng thái suy nghĩ mông lung và dành thời gian bên bạn bè. Vậy chúng ta sẽ phải làm như thế nào?

Tổ Chức Các Mối Quan Hệ Xã Hội: Quan Hệ Giữa Con Người Ngày Nay trước hết sẽ giúp bạn nhận ra công chúng quan trọng như thế nào trong mọi mặt của cuộc sống. “Sự đóng góp của hàng ngàn hay thậm chí hàng triệu người sẽ giúp giải quyết được những vấn đề khó có thể giải quyết bằng bất cứ cách nào khác.” Đó chính là phương pháp tận dụng số đông. Số đông không phải lúc nào cũng đúng, nhưng nếu xét trên khía cạnh thống kê, số đông sẽ cho ra kết quả chính xác hơn.

Đến khoảng năm 1850, số lượng người trong một gia đình ở châu Âu đã giảm từ khoảng 20 xuống còn 10 người sống gần nhau, và đến năm 1960 thì chỉ còn năm. Ngày nay, 50% người Mỹ sống một mình. Càng ít người có con hơn, và nếu có thì cũng có ít hơn. Trong hàng chục nghìn năm, cuộc sống của con người chỉ xoay quanh gia đình; sang kỷ nguyên của công nghiệp hóa, điều đó không còn đúng nữa. Thay vào đó, chúng ta đã tạo ra vô số những mối quan hệ xã hội khác chồng chéo lên nhau với những người ở chỗ làm, với những người có chung sở thích hay với hàng xóm láng giềng. Chúng ta trở thành bạn của bố mẹ của bạn của con mình hay thậm chí là bạn của chủ của chú chó của mình. Chúng ta xây dựng và duy trì mạng xã hội với bạn bè từ thời đại học hay trung học, nhưng ngày càng xa rời gia đình hơn. Chúng ta gặp nhiều người lạ hơn và đưa họ vào cuộc sống của mình theo những cách rất mới.

Như vậy, những mối quan hệ trong xã hội hiện đại này có quá phức tạp đến mức không thể sắp xếp được không? Với những người trong công việc, chúng ta có thể phân loại bằng cách đánh dấu lên danh thiếp của họ. Những người càng phải liên lạc thường xuyên hay muốn gặp lại thì ghi chú lại càng rõ ràng và cụ thể hơn. Với bạn bè, chúng ta sắp xếp mối quan hệ với họ “dựa trên nhiều động lực và nhu cầu”. Hãy dùng phiếu nhớ để kích thích trí nhớ về những ngày hẹn với bạn bè Về mối quan hệ tình cảm, bạn phải tổ chức được những đặc điểm tính cách của mình. Tốt nhất hãy có bên cạnh một người dễ thỏa hiệp bởi tính cách ấy sẽ ảnh hưởng tích cực lên bạn và giúp bạn không phải chịu ảnh hưởng xấu về sau nếu bạn không có khả năng đó.

Tôi luôn nghĩ rằng thẳng thắn là cách tốt nhất để giải quyết hầu như là mọi vấn đề trong cuộc sống này. Nhưng sự thật thì con người sử dụng lối nói hàm ý rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta phải vòng vo với nhau?

Phần lớn con người buộc phải kìm nén bản năng thù địch trong giao thiệp hàng ngày để giữ mối quan hệ tốt đẹp. Mặc dù linh trưởng nói chung là loài sống có tổ chức xã hội, nhưng đã có trường hợp các đàn linh trưởng có trên 18 con đực phải tách ra thành đàn mới bởi những căng thẳng nảy sinh trong quan hệ cấp bậc giữa các cá thể với nhau. Vậy nhưng vài thiên niên kỷ trôi qua, con người đã sống với nhau trong những thành thị có đến hàng ngàn đàn ông. Bí quyết của chúng ta là gì? Một cách để con người có thể chung sống với nhau trong không gian gần gũi là áp dụng lối nói không đối đầu hay còn gọi là vòng vo, nghĩa là người nói ám chỉ chứ không nêu rõ điều mình muốn.

Hai phần sau, Ở bên rìa các mối quan hệ xã hội và Khi bạn muốn thoát khỏi xã hội bàn về sức mạnh của định kiến và các yếu tố dẫn đến khuynh hướng không muốn dính líu đến những tình huống xấu bao gồm: mong muốn hòa nhập, so sánh và phân tán trách nhiệm.

Chương 5, Sắp Xếp Thời Gian: Điều Gì Vẫn Còn Là Bí Mật? hẳn sẽ là chương đa số chúng ta cần đọc nhất. Tóm lại thì, làm thế nào để tập trung và đạt mục tiêu một cách hiệu quả nhất? Đáp án là tập trung vào những đặc điểm có thể giúp hoàn thành công việc, đồng thời bỏ qua những đặc điểm hoặc yếu tố kích thích của môi trường xung quanh đang đấu tranh đòi hỏi sự chú ý. Việc phân biệt hai loại yếu tố này có lẽ cần đến sự can thiệp của chuyên gia bởi họ biết phải tập trung vào đâu và bỏ qua cái gì.

Bên cạnh đó, khoảng thời gian ngủ cũng là lúc bên trong não bộ chúng ta hoạt động. Giấc ngủ đóng vai trò đặc biệt trong việc tổng hợp các hoạt động diễn ra trong vài ngày trước đó, từ đó giúp hình thành và bảo vệ ký ức. Như vậy ngủ ít trong vòng hai đến ba ngày có thể ảnh hưởng đến kí ức của bạn về một sự kiện trong vài tháng hay vài năm sau đó. Theo chuyên gia về giấc ngủ Matthew Walker và Robert Stickgold, có ba hoạt động xử lý thông tin khi ngủ: tổng hợp, đồng hóa và trừu tượng hóa. Bạn sẽ được đi sâu phân tích những đặc điểm của giấc ngủ và ảnh hưởng nghiêm trọng của thiếu ngủ đến tính mạng con người cũng như khía cạnh kinh tế. Đọc đến đây rồi mà trời đã khuya thì hãy đi ngủ đi.

Trì hoãn là một vấn đề khá to bự trong việc sắp xếp thời gian mà nhiều người mắc phải. Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta trì hoãn?

Trì hoãn có ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở những mức độ khác nhau. Chúng ta hiếm khi thấy mình quán xuyến được hết mọi thứ, lúc nào cũng có vô số việc nhà phải làm, phải viết thư cảm ơn, phải đồng bộ máy tính với điện thoại ồi tạo bộ nhớ dự phòng. Một số người chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, một số người chịu ảnh hưởng nặng nề, nhưng dù là thế nào thì trì hoàn vẫn bị coi là không đủ khả năng tự điều chỉnh bản thân, lên kế hoạch, kiểm soát cơn bốc đồng hay là kết hợp cả ba. (…) Trường hợp nhẹ nhất là bắt tay vào công việc muộn hơn so với yêu cầu, và khi thời hạn ngày càng đến gần, khi càng có ít thời gian hơn để hoàn thành nó thì ta lại cảm thấy căng thẳng không cần thiết. Nhưng nó cũng có thể dẫn đến một số rắc rối. Ví dụ như nhiều người chần chừ không đi gặp bác sĩ, và trong thời gian đó thì bệnh tình của họ có thể trở nên xấu đến mức không chạy chữa được nữa. Hoặc họ sẽ trì hoãn viết di chúc, hướng dẫn cách lo hậu sự, lắp máy phát hiện khói, mua bảo hiểm nhân thọ hay lập quỹ hưu trí cho đến khi quá muộn.

Trái ngược với những gì nhiều người lầm tưởng, “sáng tạo chính là sự kết hợp tài tình giữa trạng thái suy nghĩ mông lung khi thời gian ngừng trôi với trạng thái xử lý trung tâm khi bạn buộc phải theo dõi chặt chẽ khi thời gian trôi qua.” Bởi vậy mới có chuyện nhiều người tự dung hiểu ra rất nhiều chuyện khi đang tắm. Nếu bạn muốn theo đuổi một lĩnh vực cần có sự sáng tạo thì một trong những mục tiêu quản lý thời gian của bạn có thể sẽ là phát triển tối đa khả năng sáng tạo của mình. Nếu có việc gì đó khiến bạn đắm đuối đến mức quên ăn quên ngủ, quên cả chính mình thì đó chính là một trải nghiệm đỉnh cao và là trạng thái cuốn theo công việc.

Nhưng tất nhiên là không phải lúc nào bị cuốn theo công việc cũng tốt. Do vậy, “những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo thường bố trí hoạt động trong ngày sao cho có thể tận dụng tối đa được thời gian cuốn theo công việc và đảm bảo không bị dứt ra một khi đã rơi vào trạng thái này.”

Trong đời, chắc chắn sẽ có ít nhất một lần bạn phải đối mặt và tự đưa ra quyết định trong những tình huống nguy cấp nhất. Để chuẩn bị tinh thần và các phương pháp cho những trường hợp không may đó, hãy đến với chương 6, Tổ Chức Thông Tin Cho Những Quyết Định Khó Khăn Nhất: Khi Cuộc Sống Còn Rất Mong Manh. Một ví dụ dễ liên tưởng nhất chính là công việc của Tổng Thống hay những người đứng đầu nhà nước.

Chương này sẽ cho bạn biết một số phương pháp hữu ích để tổ chức thông tin về sức khỏe, áp dụng cho tất cả những quyết định dù là khó khăn nhất. Nhưng những thông tin dạng này thường phức tạp, làm dấy lên trong chúng ta những cảm xúc mạnh mẽ khi đang phải cố gắng giữ vững tâm lý vì những gì đang tới và vì ý nghĩa cuộc sống. Thực sự những lựa chọn kiểu này là thách thức lớn đối với cả những người có tâm trí vững vàng nhất, dù là người đó có bao nhiêu trợ lý hay năng lực trong công việc của họ cao đến thế nào chăng nữa.

Các tình huống khó khăn thường sẽ có xác suất, tỉ lệ thành công và thất bại. Hãy để ý đến chúng. Nếu bạn phải đưa ra quyết định có độ rủi ro cao, hãy phân loại các lựa chọn thành các nhóm khác nhau. Ví dụ bạn có thể chia chúng như cách dưới đây:

  1. Những lựa chọn có thể quyết định ngay vì câu trả lời đã quá rõ ràng.
  2. Những lựa chọn có thể nhờ người khác có nhiều thời gian và chuyên môn hơn xử lý.
  3. Những lựa chọn bạn đã có đủ thông tin cần thiết nhưng cần thời gian để xử lý những thông tin đó.
  4. Những lựa chọn bạn cần có thêm thông tin.

Những tình huống bạn phải đưa ra quyết định quan trọng có thể khiến bạn căng thẳng về tâm lý và thể chất, làm giảm khả năng đưa ra quyết định sáng suốt. Hầu như bạn phải tự làm tất cả khi đưa ra quyết định chữa trị phù hợp nhất. Nhưng “hãy cố gắng thu thập nhiều thông tin nhất có thể và cùng các chuyên gia phân tích chúng” và “hãy để những con số dẫn lối cho bạn”.

Tổ Chức Công Việc: Chúng Ta Tạo Ra Giá Trị Bằng Cách Nào? Về quyền ra quyết định trong tổ chức, không phải chỉ có cá nhân mới đưa ra lựa chọn, có rất nhiều trường hợp quyết định cuối cùng được nảy sinh sau một quá trình thảo luận, lấy ý kiến trong một nhóm người. “Trong tổ chức theo cấu trúc dọc nhiều tầng, quyền hạn và mệnh lệnh sẽ càng chi tiết hơn theo chiều đi xuống”. Phần này sẽ cho bạn những lý do vì sao nên trao quyền quyết định cho cấp dưới (rất nhiều cấp trên không hài lòng với việc này bởi họ cho rằng họ được đào tạo bài bản hơn nên họ mới có quyền quyết định ở đây) và vì sao phải luôn chú trọng vấn đề đạo đức trong doanh nghiệp hay quân đội.

Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Có lẽ câu trả lời này liên quan đến những quan điểm về lãnh đạo khác biệt trong các nền văn hóa và thời gian. Tuy nhiên, có năm nguyên tắc các nhà lãnh đạo nên tuân theo:

  • Tăng cường gắn kết trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau;
  • Tạo dựng sự hiểu biết chung;
  • Đặt ra kì vọng và mục tiêu cụ thể, rõ ràng;
  • Cho phép nhân viên các cấp chủ động hành động trong phạm vi cho phép;
  • Chấp nhận rủi ro thận trọng.

Về vấn đề sắp xếp giấy tờ:

Dĩ nhiên là có vô vàn cách để phân loại tài liệu. Thay vì sử dụng tệp cho mỗi khách hàng và đặt các khách hàng trong cùng một vùng vào chung một ngăn kéo, bạn có thể để cấp cao nhất là tên khách hàng theo thứ tự bảng chữ cái, tiếp theo đó mới chia vùng trong cùng một ngăn kéo. Chẳng hạn, bạn có một ngăn kéo A (cho những khách hàng có tên hay tên công ty bắt đầu bằng chữ A), ngăn đó sẽ được chia ra theo các vùng Đông Bắc, Đông Nam, Bờ Tây và Miền Trung. Không có quy định nào nói rằng cách nào là hiệu quả nhất cho một doanh nghiệp. Một cách sắp xếp hợp lý phải tốn ít thời gian tìm kiếm nhất có thể, phải rõ ràng, dễ mô tả để bất kỳ ai lần đầu bước vào phòng cũng phải hiểu cơ chế của nó. Hay nói cách khác, một phương pháp hiệu quả phải giúp bạn có thể tận dụng được đặc trưng của nó bằng cách giảm tải được tối đa chức năng ghi nhớ của não bộ sang một hệ thống các đồ vật được dán nhãn hợp lý và phân loại theo logic.

Ngoài ra, xin hãy nhớ rằng đa nhiệm chưa bao giờ đồng nghĩa với tài giỏi hay thành công. Chương 3 và phần Từ đa nhiệm đến dự liệu cho thất bại trong chương này sẽ cho bạn biết lý do vì sao cũng như cách khắc phục nó.

Những Gì Truyền Lại Cho Hậu Thế: Tương Lai Của Một Tư Duy Có Hệ Thống. Chúng ta hoàn toàn có thể dạy dỗ con trẻ về tư duy hệ thống ngay ngày hôm nay miễn đứa trẻ đủ lớn để hiểu về phân loại và sắp xếp. Khi được dạy cách tự tổ chức, sắp xếp mọi thứ xung quanh, khả năng nhận thức và học hỏi của trẻ cũng sẽ phát triển mạnh hơn rất nhiều. Ta có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản và thân thuộc với trẻ như sắp xếp đồ chơi, quần áo chẳng hạn. Sau khi trẻ đã lớn hơn, hãy bắt đầu dạy trẻ về các kỹ năng thông tin và ước lượng. Nếu như bạn, người đang đọc bài viết này của tôi, cũng chưa biết cách kiểm chứng độ tin cậy của thông tin trên Internet hay “quá lười” để tìm hiểu về nó thì tôi có một lời khuyên chân thành là hãy đi tìm hiểu ngay đi. Bộ não của bạn không muốn phải quan tâm tới những thông tin không đáng bận tâm hay chính thống đâu.

Giờ là chương cuối cùng của cuốn sách này, chương 9 Tất Cả Những Thứ Khác: Tầm Quan Trọng Của Ngăn Kéo Rác. Theo Giáo sư Levitin, dù có sắp xếp hệ thống như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng nên có một nơi để nhét tất cả những thứ có ranh giới phân loại mong manh vào. Và chỗ đó gọi là ngăn kéo rác. Bạn sẽ gặp từ này khá nhiều trong cuốn sách nên dù không muốn bạn cũng sẽ nhớ nó thôi. Ngăn kéo rác giống như một phần cuộc đời của bạn vậy, không thể nào hoàn hảo đến từng chi tiết, cũng có lúc này lúc khác. “Khi cẩn thận phân loại mớ hổ lốn đó thành các nhóm khác nhau, tự dung tôi nhận ra rằng ngăn kéo rác đó chính là hình ảnh ẩn dụ cho phong cách sống của chúng ta.” – Giáo sư Levitin nói.

Nhận xét

Với tôi, nhìn chung Tư Duy Có Hệ Thống là một cuốn sách bổ ích bởi thành thật mà nói tôi không phải một đứa sống có nề nếp quy củ cho lắm. Tôi đã học được nhiều điều thông qua cuốn sách này. Tuy nhiên, vì đây cũng là cuốn sách về thần kinh học và tâm lý học, tôi tốn khá nhiều thời gian chỉ để hiểu những thuật ngữ và tên gọi được viết trong đây đang nói về cái gì. Nó rất dễ khiến bạn cảm thấy chán nản, bạn biết đấy, vì bạn đang không biết bạn đọc cái gì.

Đây cũng là cuốn sách có phần phụ lục, chú giải dài nhất tôi từng thấy: 117 trang cho những phần này. Không những thế, thật bất ngờ khi có phần index được in ở cuối sách. Tôi chưa từng mong đợi một phần index xuất hiện trong bất cứ cuốn sách tiếng Việt nào bởi tôi chưa từng thấy nó (có lẽ do tôi ít đọc sách khoa học chăng?). Giảng viên bộ môn Dẫn Luận Ngôn Ngữ Học mà tôi được học năm ngoái có nói rằng index quan trọng bởi

“Qua index sách, người ta có thể hình dung bức tranh học thuật của một nền khoa học, bức tranh dân trí của nền văn hóa đọc, bởi lẽ, một nền khoa học phát triển không thể có một hệ thống thuật ngữ khoa học đơn điệu và nghèo nàn, một nền văn hóa đọc cao không thể dễ dàng chấp nhận những cuốn sách cẩu thả, thiếu index.”

(Theo Phạm Văn Lam, Vai Trò Của Index Trong Một Cuốn Sách.)

Đây là một cuốn sách đáng được chú ý đến bởi nó bao gồm cả cơ sở khoa học, thí nghiệm thực tiễn và những ví dụ trong đời sống. Dù bạn có đang gặp vấn đề trong việc tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình, muốn tận dụng não bộ một cách tốt nhất hay muốn đi sâu tìm hiểu cách bộ não vận hành và tư duy thì hãy nên cân nhắc lựa chọn Tư Duy Có Hệ Thống của Daniel J. Levitin. Bạn sẽ được mở mang kiến thức nhiều nếu đọc cuốn sách này đấy.

Kết

https://www.facebook.com/bookademy.vn Nhiều khi “ông trời” luôn biết cách giúp bạn thay đổi thói quen. Chúng ta không bao giờ muốn, nhưng vẫn có thể mất một người bạn, một chú cún đáng yêu, một vụ làm ăn lớn hay cả nền kinh tế toàn cầu lâm vào khủng hoảng. Nhưng cách tốt nhất để giúp não hoàn thành sứ mệnh đã được giao phó của mình là phải học cách điều chỉnh theo những tình huống mới. Kinh nghiệm của bản thân tôi là mỗi khi đánh mất điều gì tưởng chừng như không thể nào thay thế thì chắc chắn tôi sẽ nhận lại được một thứ khác còn hơn thế nữa. Mấu chốt của việc thay đổi là phải tin rằng một khi loại bỏ được cái cũ rồi thì sẽ có cái mới tuyệt vời hơn vào thế chỗ.

Tác giả: Thu Trang – Bookademy.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

15 + 5 =