Bạn đã từng trầm trồ say mê trước một công trình tôn giáo đồ sộ? Bạn cảm thấy bầu không khí linh thiêng huyền diệu bao trùm lấy mình mỗi khi bước vào nhà thờ, đền, chùa? Bạn muốn khám phá thế giới tâm linh đầy màu sắc ấy nhưng không biết bắt đầu từ đâu? Nếu bạn đã từng có những cảm giác ấy, đã từng tò mò như vậy thì cuốn sách Lược sử tôn giáo hẳn sinh ra là để dành cho bạn. Đây không phải một công trình đồ sộ nghiên cứu về các tôn giáo lớn trên thế giới, càng không đào quá sâu vào học thuyết hay tư tưởng của chúng mà tác giả chỉ đơn giản muốn chia sẻ hiểu biết và quan điểm của mình đến với bạn đọc mọi miền gần xa.
I. Một số khái niệm
Trước khi tiếp cận Lược sử tôn giáo, hẳn ta cũng cần làm rõ một vài khái niệm trước đã nhỉ? Đầu tiên là “lược sử”, nguyên văn tiếng Anh là “little history”. Như vây, cuốn sách đem lại lượng kiến thức rộng, tương đối bao quát về các tôn giáo lớn trên thế giới; điểm qua các nét chính về sự manh nha tư tưởng, sự ra đời và sự phát triển của chúng. Rõ ràng, đây không phải một cuốn “bách khoa toàn thư” về tôn giáo.
Tiếp theo là khái niệm “tôn giáo”. Một trong những điều tôi muốn lưu ý là việc phân biệt giữa “tín ngưỡng” và “tôn giáo”. Tôn giáo là một hệ thống thể hiện đức đức tin tâm linh của con người bao gồm các hành động được chỉ định cụ thể (thờ cúng, hiến tế, cầu khẩnn..) và các quan niệm về thế giới, thể hiện thông qua các kinh sách, khải thị, lời tiên tri, quan niệm đạo đức… Mỗi tôn giáo đều có nơi để thực hành các nghi lễ của mình, cũng như có các tu sĩ để cử hành các hoạt động tâm linh của tôn giáo đó. Tín ngưỡng không có hệ thống quan điểm triết lý tâm linh rõ ràng, nhất quán như tôn giáo. Niềm tin ở tín ngưỡng có nhiều điểm không tương đồng ở những vùng miền khác nhau, cũng như không cấu thành một hệ thống hoàn chỉnh mà chỉ là các đức tin nhỏ lẻ, manh mún. Ở Việt Nam, “thờ cúng tổ tiên” hay thờ “Thánh Mẫu Tam phủ, Tứ phủ” đều được xem là tín ngưỡng chứ không phải là tôn giáo.
Theo quan điểm của tác giả – ông Richard Holloway, tôn giáo xuất phát từ ý thức của con người, hay nói cách khác, tôn giáo không xuất hiện khi con người chưa tiến hóa đủ để sở hữu bộ óc thông minh, sở hữu ý thức. Từ thuở hồng hoang, con người đã có cho mình những truy vấn về sự tồn tại, về linh hồn và cuộc sống sau khi chết. Tôn giáo chính là những nỗ lực đầu tiên của con người để trả lời cho những câu hỏi như vậy. Như vậy, theo quan điểm cá nhân của Richard, tôn giáo ra đời từ như cầu tìm hiểu thế giới, lý giải của sống của con người, là “người thầy khai trí” đầu tiên trước khi các “thầy” Hóa Học, Toán Học, Vật Lý… ra đời.
II. Chuẩn bị tinh thần thế nào khi tiếp cận cuốn sách? (tính học thuật của cuốn sách, quan điểm của tác giả về tôn giáo)
Như đã nói từ trước, đây không phải một cuốn “Bách khoa toàn thư” về tôn giáo. Nó chỉ là một cánh cửa ngỏ mời gọi, là cuốn sách “hướng dẫn du lịch” cho chúng ta những kiến thức bao quát nhất có thể để làm tiền đề, để khơi gợi hứng thú đào sâu hơn nữa mà thôi. Đọc cuốn sách này để tìm hiểu và ghi nhớ các huyền tích chủ yếu của các tôn giáo lớn trên thế giới và một bộ phận tôn giáo khác phái sinh từ nó. Độc giả không nên kì vọng quá nhiều vào lượng kiến thức chuyên sâu hay giá trị học thuật của nó. Hãy chỉ đọc Lược sử tôn giáo như một cách để tận hưởng buổi chiều êm dịu.
Richard Holloway từng là một Giám mục giáo phận Edinburgh từ năm 1986 đến năm 2000 và là Giám mục Giáo hội Tân giáo Scotland từ năm 1992 đến năm 2000. Ông được biết đến như là một nhà văn, phát thanh viên và là một giáo sĩ. Các kiến thức ông đưa ra trong Lược sử tôn giáo, vì vậy, mang nhiều màu sắc quan điểm chủ quan của một nhà văn, chứ không phải của một nhà nghiên cứu tôn giáo hay một nhà xã hội học tôn giáo. Tuy nhiên, chính vì phong cách “nhà văn” đó, câu chuyện tôn giáo mà ông kể trong cuốn sách của mình trở nên rất cuốn hút và hấp dẫn. Những đoạn bình luận, phân tích mà ông đưa ra ít nhiều mang thiên kiến chủ quan, nhưng nó cũng là một trong những cách khiến độc giả hình dung được rõ ràng hơn về bản chất và các học thuyết tôn giáo.
III. Những tôn giáo được đề cập
1. Từ Ấn Độ giáo đến Phật giáo và Kỳ-na giáo
Thuở hồng hoang của nền văn minh Ấn Độ, người dân nơi đây đã sáng tạp ra rất nhiều vị thân tượng trưng cho các lực lượng tự nhiên: thần Lửa, thần Bình Minh, thần Hừng Đông… Những vị thần ấy gần như ngang bằng với nhau trong tâm thức tâm linh và các hoạt động của người dân nơi đây. Các vị thần lúc bấy giờ được xây dựng với nhiều nét tính cách giống với con người. Họ ngây thơ hồn nhiên, có yêu, có ghét… Trong các thần thoại cổ xưa, các thần cũng biết ghen tuông, tức giận và yêu thương hệt như con người. Đó cũng là lúc họ gần gũi với con người Ấn Độ hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, khi dân tộc Aryan xâm lược Ấn Độ, họ đã áp tư tưởng và các thiết chế của mình lên những vị thần, khiến các vị thần phân biệt cao thấp, lớn nhỏ, mạnh yếu. Sau thời gian dài chứng kiến cuộc hòa hợp văn hóa giữa Aryan và dân Ấn bản địa, trên miền đất này xuất hiện Hindu giáo – tôn giáo cổ xưa nhất của loài người. Sau này, kế thừa quan điểm về vòng luân hồi và vô vàn kiếp sống khổ đau trong quan điểm của Hindu giáo, Siddhartha Gautama (sau được tôn xưng là Đức Phật Thích Ca) đã tìm con đường giải thoát cho nhân loại. Con đường ấy chính là các học thuyết về Tứ Diệu Đế (luận về sự khổ) và Bát Chánh Đạo (các giải pháp). Phật giáo không sử dụng kinh Vệ Đà của Hindu giáo mà sáng tạo ra kinh điển của riêng mình.
Bên cạnh Phật giáo, Kỳ-na giáo cũng kế thừa thế giới quan của Hindu. Tuy nhiên, Kỳ-na giáo còn kế thừa luôn bộ kinh Vệ Đà và sử dụng nó như cuốn thánh kinh chính thống quan trọng nhất trong tôn giáo này.
2. Do Thái giáo
3. Từ Hỏa giáo đến Ki tô giáo và Hồi giáo
Zoroaster, hay Zarathustra, là người sáng lập Hỏa giáo. Hỏa giáo có nguồn gốc từ Iran, ra đời vào khoảng thế kỷ 6 TCN. Như những vị sáng lập của các tôn giáo khác, Zoroaster cũng băn khoăn về thiện và ác, sự ban thưởng và sự trừng phạt. Ông dành nhiều năm thiền định và đã tìm ra câu trả lời: Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác bắt đầu từ trong chính trái tim Thiên Chúa! Hỏa giáo tin vào một đấng Thiên Chúa tối cao, gọi là Đấng Toàn Tri hay là Ahura Mazda.
Đó chính là nguồn gốc của Thiện – Ác và Chân Thật – Dối Trá theo quan điểm của Hỏa giáo. Giống như hai anh em kia luôn mâu thuẫn với nhau, con người cũng bị bao vây bởi các lựa chọn hành thiện hay hành ác, nói dối hay nói thật. Cuộc chiến giữa các lựa chọn ấy diễn ra trong mỗi con người, luôn tranh đấu và mâu thuẫn với nhau.
Đấng Cứu Thế
Theo Kinh thánh, Thiên Chúa là đấng đã sáng tạo ra vũ trụ, muôn loài trong 6 ngày và ngày thứ 7 Ngài nghỉ ngơi. Ông Adam và bà Eva không nghe lời Thiên Chúa đã ăn trái của “cây biết điều thiện điều ác” (trái cấm) nên bị Thiên Chúa đuổi khỏi Vườn địa đàng. Hai người này truyền tội lỗi (gọi là tội tổ tông, nguyên tội) cho con cháu là loài người. Bởi loài người mang tội, Thiên Chúa đã giáng sinh làm người và chịu khổ hình để loài người được hòa giải với Thiên Chúa.
Chúa Giê xu đã từng dạy cho các môn đồ một câu kinh tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa mọi điều tinh túy trong các lời rao giảng của ngài:”Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Islam giáo và kinh Qur’an
Muhammad là một trong những người phẫn nộ trước sự tha hóa tôn giáo do những kẻ hám lợi trong thành phố quê hương ông gây nên. Mang trong mình nỗi suy tư về các đức tin, năm 40 tuổi, ông đi đến một hang động để cầu nguyện và thiền định. Tại đó, ông thấy khải tượng và được nghe lời Đức Chúa phán truyền. Ông đón nhận lời Chúa và trở thành một nhà tiên tri. Năm 632, ông mất đi và để lại gia tài là một tín ngưỡng hiện nay đang là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới – Islam giáo.
Islam, từ gốc tiếng Ả Rập là Muslim, dịch ra là “sự quy phục theo ý chí của Chúa”. Islam giáo cho rằng mình sở hữu mô tả chính xác và hoàn hảo nhất về Thiên Chúa. Các tín đồ Islam xem kinh Qur’an là “tâm ý của Chúa trong dạng thức trần thế”. Cuốn kinh ca ngợi sự linh thiêng, quyền năng, trí tuệ, lòng nhân từ của một vị Thiên Chúa duy nhất, đồng thời tỏ lời răn đe đến bất kì ai mang tội nghiệt hoặc không tin vào Ngài.
4. Khổng giáo
Khổng giáo được Richard xem là một “tôn giáo thế tục” hơn là một học thuyết triết học có tính ứng dụng cao. Đối tượng được quan tâm bậc nhất trong Khổng giáo không phải là vị thần thánh nào cả, đó là nhân dân trong một quốc gia. Các học thuyết của Khổng Tử dạy các vị vua phải hiền đức trí dũng, quan lại phải liêm chính sáng suốt. Tất cả đều phải cư xử, hành động vì lợi ích của quần chúng nhân dân, làm sao cho dân được ấm no, hạnh phúc. Khổng giáo tập trung giải quyết mọi sự trong chính cuộc sống hiện tại chứ không băn khoăn về quá khứ hay những sự phán xét ở tương lai. Khổng giáo được xem như một công cụ để trị quốc của triều đình phong kiến Trung Hoa và càng về sau này, nó càng trở thành một sự trói buộc hiệu quả để củng cố lòng tin của nhân dân vào các thiết chế xã hội đương thời (“dân phải trung với vua”, “phụ nữ phải phục tùng đàn ông”, “cái gì không chính thống thì đều không tốt”…). Tuy nhiên, Khổng giáo không giữa vị trí độc tôn ở Trung Quốc hay châu Á. Cùng với Phật giáo và Đạo giáo, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (bao gồm Nho-Phật-Đạo) đã trở thành hệ tư tưởng phổ biến trong xã hội châu Á từ thời xa xưa và vẫn còn ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.
5. Đạo giáo
Đạo giáo được sáng lập bởi Lão Tử (một vĩ nhân sinh cùng thời với Khổng Tử) nên còn được gọi là Lão giáo. Tư tưởng căn cốt của tôn giáo này là tư tưởng về sự cân bằng. Có trời và có đất, có nam và có nữ, có âm và có dương,… Vạn vật tồn tại bên cạnh nhau như một lẽ tự nhiên, một lẽ hiển nhiên. Trước sự đa dạng của các sinh thể, Lão Tử không bảo ta phải “chịu đựng” mà khuyên ta phải “hân hoan” trước nó. Về quan điểm trên của Đạo giáo, Richard đã nhận xét như sau:”Thế giới khi đó là hàng trăm nhạc cụ khác nhau cùng tạo ra một thứ âm nhạc tuyệt đẹp. Sự cân bằng, đúng lúc đúng thời và tính hòa hợp là các dấu ấn của Đạo”. Đạo giáo đề cao lối sống “vô vi”, xem đây là đường hướng để giải quyết mọi vấn đề của thế gian. Vô vi không phải là “không làm gì cả”, vô vi là “thuận theo dòng chảy”. Con cá bơi theo dòng nước chảy, con chim bay theo các luồng sóng và con người sống theo dòng chảy lớn của xã hội. Thay vì cứ phải ép buộc người khác sống thế này thế kia theo ý ta, cứ để họ phát triển tự nhiên không phải tốt hơn hay sao? Lão Tử không thích việc gò ép mọi người sống theo khuôn mẫu mà đề cao, khuyến khích sự khác biệt của mỗi cá nhân. Một đặc điểm của Đạo giáo giúp nó khác biệt hơn với các tôn giáo khác là vị trí mà nó dành cho phụ nữ. Bên cạnh các vị thần tiên là nữ, Lão giáo ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các nữ tu sĩ, nữ học giả trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình. Điều này cũng thể hiện rõ triết lý hòa hợp cân bằng của Đạo giáo: có cả tính nữ – Âm và tính nam – Dương.
6. Thần giáo Nhật Bản và niềm tin “vạn vật hữu linh”
Nhật Bản là một đảo quốc vô cùng xinh đẹp. Người dân nơi đây yêu kính cả mảnh đất quê hương họ lẫn mọi sinh vật trên mảnh đất đó. Người Nhật quan niệm rằng mọi vật đều có linh hồn riêng, có đời sống riêng. Họ nhìn nhận đất nước họ như thể đó là toàn bộ thế giới. Huyền thoại lập quốc của Nhật Bản cũng chỉ ra rằng, thứ mà cách vị thần tạo ra chính là “nước Nhật” chứ không phải “thế giới”, con người được thần linh sinh ra là “người Nhật” chứ không phải “con người”. Người Nhật sống với tín ngưỡng của mình trong một thời gian rất dài, họ xây nhiều đền thờ vững chãi để biểu thị niềm tin của họ. Đến khi người Trung Quốc vào Nhật Bản, mang theo Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo thì người Nhật mới bắt đầu đặt cho thứ tín ngưỡng đó một cái tên để rồi sau này nó trở thành một tôn giáo hẳn hoi: Shinto giáo hay Thần giáo, với “shin” nghĩa là “thần” và “to” là “con đường”.
7. Đức tin của cư dân châu Mỹ bản địa
Nói đến cư dân châu Mỹ “bản địa” là nói đến bộ tộc da đỏ, những người chủ nhân xa xưa của vùng đất châu Mỹ rộng lớn chứ không phải những cư dân của nước Mỹ hiện tại. Trước khi Colombus tìm ra châu Mỹ, nơi đây đã có người sinh sống rồi. Họ có đời sống riêng, có nền văn hóa đặc sắc và có đức tin riêng vào thiên nhiên vĩ đại.
IV. Lời kết
Bên cạnh các tôn giáo nổi trội, hay được nhắc đến, Lược sử tôn giáo còn đề cập đến cả những tôn giáo nhỏ hơn, phái sinh từ các tôn giáo lớn khác hoặc tôn giáo mang tầm ảnh hưởng lớn nhưng bị lịch sử bỏ quên (như Hỏa giáo). Tiếp cận các tôn giáo dưới góc nhìn cá nhân, Richard Holloway đã khiến đề tài này trở nên dễ hiểu và thú vị hơn bao giờ hết. Bên dưới làn hương khói nghiêm cẩn uy linh là những câu chuyện hấp dẫn và những vĩ nhân luôn đau đáu nỗi niềm cứu rỗi, chở che cho nhân loại. Tác phẩm có tính gợi mở cao, lối viết dễ hiểu và cách dẫn dắt vấn đề vô cùng sáng tạo. Cuốn sách đưa ta vào tòa lâu đài tri thức khổng lồ với rất nhiều cánh cửa. Bên trong những cánh cửa ấy lại là vô vàn những cánh cửa khác, luôn sẵn sàng đưa bước chân ta đến với những miền đất huyền diệu nhiệm màu.
Tác giả: Hoàng Anh
Designer: Trúc Phương
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/review-sach-luoc-su-ton-giao-canh-cua-mo-ra-604ec9157001be2d87d79951