[Review Sách] “Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya”: Lá Thư Tay Gỡ Rối Tơ Lòng

0
214
Thông tin về sách trong bài viết
Tên Sách: Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya
Tác Giả: Higashino Keigo

Mỗi thời đại, mỗi thế hệ, mỗi con người lại cất giấu những tạp niệm riêng biệt không ai có thể xâm phạm hay phá vỡ. Đứng giữa ngã ba của khát khao lương thiện và những ngày no bữa dựa vào trò trộm vặt, những người trẻ ấy sẽ chọn cho cuộc đời mình con đường nào? Đó là góc tăm tối ẩn chứa chuyện đời nhưng cũng nhẹ nhàng đi vào lòng người như thể chưa từng tồn tại. Những mảnh đời vụt sáng rồi đột ngột biến mất, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya như được tạc từ băn khoăn của những người trẻ tuổi trong xã hội Nhật Bản nửa sau thế kỷ XX. Rốt cuộc là nhờ tạp niệm của thời đại hay nhờ bàn tay trí tuệ của Higashino Keigo khiến cuốn sách thấm đậm dư âm hoài cổ đây?

HIGASHINO KEIGO & ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA TIỆM TẠP HÓA NAMIYA

Sinh năm 1958 tại Osaka, Higashino Keigo là nhà văn trinh thám hàng đầu Nhật Bản hiện nay. Năm 1985, Higashino Keigo giành được giải Edogawa Rampo lần thứ ba mươi mốt cho tác phẩm trinh thám hay nhất với tiểu thuyết Giờ tan học

Các năm sau đó, Higashino Keigo liên tục được đề cử vô số giải thưởng văn học lớn. Năm 1999, ông đoạt giải Mystery Writers of Japan Inc với cuốn tiểu thuyết Bí mật của Naoko, và năm 2005, là giải Naoki lần thứ 134 cho Phía sau nghi can X. Năm 2012 tiểu thuyết Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya giành giải thưởng Chuokoron lần thứ 7.

Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya đã bán được hơn một triệu bản ở Nhật, hơn một triệu sáu trăm nghìn bản tại Trung Quốc, được dựng thành kịch hai lần vào năm 2013 và 2016.

Cuốn tiểu thuyết kỳ ảo – giả tưởng này kể về ba cậu thanh niên Atsuya, Shota và Kouhei. Trong một đêm vội vã lẩn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, ba cậu thanh niên đã rẽ vào lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại để tránh sự truy lùng của cảnh sát. Căn nhà có vẻ khi xưa là một tiệm tạp hóa với biển hiệu cũ kỹ bám đầy bồ hóng khiến người ta khó lòng đọc được dòng chữ trên đó. Định bụng nghỉ tạm một đêm rồi sáng hôm sau nhanh chóng cuốn gói chạy trốn, cả ba không ngờ phía sau chờ đợi họ là cả một đêm không ngủ với những bí ẩn bắt đầu từ một phong thư thình lình được gửi đến.

KHI HIỆN TẠI VÀ QUÁ KHỨ HÒA LÀM MỘT

Sau Bạch dạ hành  và  Phía sau nghi can X, chưa từng có cuốn sách nào của Higashino Keigo mang đến luồng năng lượng tích cực mạnh mẽ như Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya. Lối phát triển nội dung xâu chuỗi những mảnh ghép tưởng chừng như không hề liên quan với nhau vốn đã quen thuộc đối với những độc giả nghiền ngẫm Bạch dạ hành hoặc ai đã từng trải nghiệm cảm giác vượt qua khoảng không thời gian của các nhà văn lớn khác, thậm chí ngòi bút điêu luyện hơn “bậc thầy trinh thám Nhật Bản” nhưng cuốn sách kỳ ảo này vẫn không ngừng khiến người đọc bất ngờ. 

Vốn tưởng là một vụ án kỳ quái nào, chẳng ngờ là một câu chuyện hết sức nhân văn. Vốn tưởng là những dòng tản văn ngắn chất chứa câu chuyện ngậm ngùi của những người trẻ, chẳng ngờ là những mảnh đời, số phận sớm đã được gắn kết với nhau bằng sợi dây thời gian vô hình. Thay vì để ánh nhìn cuộc đời sau màn mây u tối như những cuốn tiểu thuyết trinh thám khác, Higashino Keigo vẽ lên tầng tầng lớp lớp những nếp sống giản dị và tấm lòng chân thật của con người Nhật Bản ở tiệm tạp hóa “gỡ rối tơ lòng”.

Cuốn sách có cả thảy năm chương truyện, rời rạc và chẳng hề liên quan đến nhau. Điểm chung duy nhất của năm chương truyện ấy là sự dung hòa của quá khứ và hiện tại, sự ăn nhập của hiện tại và tương lai, đôi khi chỉ đơn thuần là một câu chuyện của quãng giờ đã qua.

“Đây là lần đầu tiên tôi nhờ tiệm tư vấn. Tôi là Thỏ Ngọc cung trăng. Giới tính nữ. Mong tiệm thứ lỗi vì tôi không thể tiết lộ tên thật bởi có lý do riêng.”

“Gửi nghệ sĩ cửa hàng cá.

Tôi đã đọc trăn trở của cậu.

Cảm ơn cậu đã cho tôi nghe một trăn trở hết sức xa xỉ. Cậu sướng thật đấy. Là con trai duy nhất của cửa hàng cá có truyền thống ba đời à?”

“Đây là câu nhờ tư vấn của cháu: Cháu muốn đạt 100 điểm bài kiểm tra mà không phải học hay làm trò gian lận như quay cóp. Cháu phải làm thế nào?”

“Gửi tiệm tạp hóa Namiya.

Tiệm sẽ mở cửa lại thật chứ? Tiệm thông báo sẽ chỉ mở lại một đêm duy nhất nghĩa là sao?”  

“Gửi người vô danh.”

Ai cũng ước sở hữu một ngăn bàn xuyên qua không gian và thời gian như của Nobita. Thi thoảng, cậu ta quay lại quá khứ, được sửa sai cho chính mình hay nhòm qua lỗ hổng của thời gian để hiểu về tương lai. Nhưng mỗi giây tích tắc trôi đi như một ông lão khó tính, chẳng hề vùng vằng quay trở lại.

Ấy vậy, ở tiệm tạp hóa Namiya, thời gian đã ngưng đọng lại vào cái ngày giỗ thứ ba mươi của ông chủ tiệm. Nó chẳng còn là ông già khó tính nữa, thời gian đã trở thành kẻ đồng phạm đáng yêu biến tiệm tạp hóa Namiya thuở nào thành cầu nối của quá khứ và tương lai. Tại đây, những bức thư ở quá khứ được chuyển đến tương lai và ngược lại.

Trạm trung chuyển quá khứ – tương lai ấy được vận hành bởi ba chàng trai với lý lịch chẳng hề “tốt đẹp”. Họ bị dòng đời đưa đẩy, rồi trở thành kẻ trộm. Như bao ‘bi kịch’ khác, trong một lần chạy trốn, ba thanh niên ấy vô tình trở thành người tư vấn hóm hỉnh nhưng thẳng tính đến lạ thường. Thật không thể tưởng tượng được tất cả nhân vật gửi thư đến cho tiệm tạp hóa Namya thực tế được khắc họa chân thực tâm lý tội phạm, những anh chàng tội phạm lương thiện hy vọng giải quyết những tình huống khỏi sự bế tắc con người trong cuộc sống. Tất cả đều có liên quan đến trại trẻ đó, đến vụ cháy năm đó, đến anh chàng ca sĩ đó. 

Cuối cùng, câu chuyện kết thúc với những câu hỏi ngổn ngang mà dường như ai cũng đã nắm chắc đáp án. Tại sao ba chàng trai ấy lại quyết định đầu thú? Có lẽ sẽ chẳng ai biết được chính xác họ đã nghĩ về những gì. Nhưng cứ mỗi lá thư được gửi đến Namiya và gỡ rối tâm trí của một người thì tơ lòng của ba chàng trai trẻ cũng được tháo dần. Có lẽ nhờ vậy mà Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya mới được gọi là cuốn truyện kỳ ảo thần kỳ của “bậc thầy” Higashino Keigo. 

SỰ CHÂN THÀNH NGỜ NGHỆCH

Sách của Keigo luôn giống như một món quà bất ngờ được gói bằng nhiều lớp giấy. Sẽ chẳng có ai biết được và dự đoán trúng phóc chuyện gì sẽ xảy ra trong tâm trí của con người “già dặn” này. 

“Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu. Bản đồ là giấy trắng thì đương nhiên lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng. Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất kỳ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đều tự do, khả năng là vô tận. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

Chỉ vô tình nhận được những lá thư chất đầy “tơ lòng” nhưng ba người họ – những tên trộm ngờ nghệch vẫn thật cẩn thận đáp lại. Dù mục đích là quấy rối hay trêu đùa thì người gửi thư cho tiệm tạp hóa Namiya về cơ bản cũng giống như những người nhờ tư vấn bình thường khác. Tâm hồn họ hé mở ở đâu đó, những thứ quan trọng theo đó mà chảy ra. 

Thế rồi những lá thư được chuyển đến Namiya một cách đều đặn, ở quá khứ lẫn tương lai. Tạp hóa Namiya thật sự trở thành điểm tựa tinh thần cho những con người lạc lối, còn đang loay hoay với cuộc đời. Đó có thể là cậu bé muốn mình được 100 điểm trong bài thi sắp tới mà chẳng cần học hành gì, là chàng trai bán cá mơ hồ về chính tương lai của mình hay cô vận động viên bị dằn xé giữa ước mơ, lý tưởng và người mình yêu.

Có lẽ, Namiya không chỉ đơn thuần là ‘tiệm tạp hóa gỡ rối tơ lòng’, nó còn là cầu nối của tình yêu thương. Trước hết, đó là tình cảm của ông lão Namiya cặm cụi làm công việc tư vấn bất chấp bao điều dị nghị. Sau cùng, Namiya còn là nơi giúp người gửi thư hiểu rõ bản thân mình cần gì, để họ có thể gửi gắm những câu chuyện đời, qua đó thêm yêu chính cuộc sống này. Xưa nay, người lội ngược quá khứ để hiểu mình là ai không hiếm, kẻ nhìn vào tương lai để phấn đấu cũng chẳng thiếu, nhưng người có thể đan xen giữa hai chiều không gian khác nhau, dựng xây nên một tiệm tạp hóa ở lưng chừng khoảng thời gian ấy kết nối những câu chuyện nhỏ, đầy nhân văn chỉ có thể là Higashino Keigo.

LỜI KẾT

Lời tựa truyện cũng như mở đầu truyện khiến cho mình có cảm giác là câu truyện khá rùng rợn , hoặc là hình sự , tội phạm gì đó. Thực ra thì nó cũng liên quan đến tội phạm nhưng là về tâm lý tội phạm: câu chuyện về một tiệm tạp hóa có tên là Namya khi cả ba tên trộm đã lần lượt chứng kiến những khoảnh khắc kỳ lạ, những bức thư nhờ tư vấn được gửi đến cho tiệm vào đêm hôm đó: đêm ngày mười hai tháng chín rạng sáng ngày mười ba tháng chín, ngày mà cách đây ba mươi hai năm ông chủ của tiệm tạp hóa này đã qua đời. Cách xây dựng tình huống truyện quá đỗi kinh ngạc, chẳng thể ngừng hồi hộp. Hồi hộp không phải vì truyện hướng kinh dị hay ghê rợn mà hồi hộp vì từng tình tiết tác giả đưa ra đều là những tình huống tưởng đơn giản mà phức tạp khó lường. Dẫu chẳng cần đến mưu mô, lòng người đủ để cho bạn đọc cảm nhận đủ những khúc mắc tơ lòng.

Review chi tiết bởi: Ánh Dương – Bookademy

Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/review-sach-dieu-ky-dieu-cua-tiem-tap-hoa-namiya-la-thu-tay-go-roi-to-long-60daefcd6a955b42619eb0fd

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

4 × 4 =