Bạn có muốn quay trở lại thời học sinh không?
– Có và không.
– Vì sao?
– Trừ chuyện bài vở ra thì đi học rất vui.
Đó là điều mà hầu hết mọi người đều nghĩ đúng không, học hành luôn đi kèm một áp lực dù hữu hình hay vô hình, cảm xúc thường là nặng nề, nhiều khi chán mệt. Chúng ta thường thắc mắc “Kiến thức này học để làm gì nhỉ? Không có gì thú vị.”
Và đến khi ra trường đi làm rồi, phải chủ động học hỏi kiến thức, kĩ năng mới, ban đầu dù rất hào hứng, ta cũng khó mà duy trì tinh thần ấy được lâu. Thế thì phải làm sao đây?
Câu hỏi nên đặt ra với người học là “Làm sao để càng học càng hứng thú với việc học”. Thật ngạc nhiên là ít ai từng tự hỏi mình câu hỏi đó. Chúng ta gần như đã mặc định rằng học hành là chuyện mỏi mệt rồi.
Đã đến lúc bỏ đi hiểu nhầm và lối tư duy ấy. Cuốn sách “Đi học như đi chơi” của tác giả Thương Tâm Bích (Cộng đồng trí tuệ kinh doanh Corvi) mang đến một tư duy khác, biến việc học thành một cuộc đi chơi, một hành trình khám phá, sự sáng tạo… đánh thức niềm đam mê trí tuệ ở mỗi người.
Đi học như đi chơi
· Tác giả: Thương Tâm Bích (một tác giả Corvi)
· Nhà xuất bản Phụ nữ VN, xuất bản năm 2020.
· Với 184 trang kể về hành trình học tập của cậu bé Minh Trí và những người bạn mình, bằng cách đó lồng ghép những tư duy và phương pháp học tập đầy sáng tạo, “Đi học như đi chơi” là một cuốn sách thiết thực đầy hấp dẫn của Corvi.
Phá vỡ những định kiến về việc học
Những kiến thức được học dùng làm gì nhỉ và có giá trị gì không?
Chán học có nhiều lí do, nhưng một vướng mắc thường thấy là vì chúng ta không biết những kiến thức được học có thể dùng vào việc gì, không hiểu lợi ích của môn học. Thật ra mọi thứ quanh ta đều có liên quan đến nhau. Chẳng hạn bạn thích sưu tập tem, thích ca hát, thích nói chuyện… Bạn đã biết gì về những điều mình thích? Ví dụ về việc sưu tầm tem, bạn có biết những câu chuyện xung quanh con tem đấy, sự kiện lịch sử liên quan, hay giai đoạn ra đời con tem đó có như thế nào, có những điểm đáng chú ý nào, các màu sắc và biểu tượng đó có ý nghĩa gì, tâm lí của người sưu tập tem hay người thích sưu tập mói chung như thế nào… Từ sở thích ta có thể kết nối và liên hệ tới rất nhiều tri thức và môn học khác nhau.
Kiến thức bạn học liên quan đến cuộc sống như thế nào? Thật sự đi tìm câu trả lời bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị. Suy cho cùng đều từ những vấn đề cuộc sống rất thực tế người ta mới nghiên cứu và đúc rút thành tri thức như thế, đúng không?
Khi bạn bắt đầu đi tìm sự hào hứng thay vì lí do để từ bỏ, bạn sẽ phát hiện ra việc học còn rất nhiều ý nghĩa, là một hành trình khám phá mà ai biết lối đi vào đều sẽ biết hứng khởi, đam mê.
Nếu bạn chán học, hãy thử tìm điều bạn thích thú, rồi khám phá những kiến thức xung quanh điều đó. Nó sẽ kích thích sự tìm tòi trong bạn…
Càng biết nhiều, ta càng tò mò hơn. Tri thức bao la, hòa nhập với chúng, ta sẽ tự tại giữa đất trời.
Biến môn học thành trò chơi
Học mà không học, học trong khi chơi. Chúng ta đều biết là các trò chơi thường ít nhiều giúp chúng học hỏi được điều gì đó. Và sự học đó hào hứng, không hề mỏi mệt chút nào. Thế thì sao không chủ động biến môn học thành trò chơi, chủ động tạo hứng khởi cho chính mình. Luôn có cách để khơi dậy cảm hứng và năng lượng tích cực trong mỗi người.
Biến môn học thành các trò chơi, giúp tâm lí của ta thoải mái và dễ tiếp nhận tri thức hơn. Vì trò chơi giúp ta dễ dàng tiếp thu tri thức, cho nên đừng làm phức tạp quá, hãy thật đơn giản và vui vẻ nhé!
Nghe nhạc, mỉm cười và xua tan áp lực
Có nhiều cách để thay đổi tâm trạng. Nếu biết để ý ta sẽ thấy một số loại nhạc nhất định có thể khiến tâm trạng mình tốt hơn. Vậy bạn hãy tìm đến nó như khởi đầu cho cảm hứng học tập.
Hãy giữ một tâm trạng thật thoải mái khi học, dù có khó khăn tới đâu. Nghe nhạc hoặc mỉm cười đều giúp bạn lập tức tích cực hơn đấy!
Thay đổi không gian học tập
Thình thoảng thay vì ngồi học ở nhà hãy tới thư viện, sau đó từ thư viện bạn có thể chuyển tới quán cà phê. Có thêm người học cùng cũng là một cách thay đổi không gian, tức là thay vì học một mình, bạn có thể học kèm cùng một bạn khác hoặc học nhóm với nhiều người khác.
Giống như khi bạn thích một điều gì đó, bạn sẽ có hứng thú với nó hơn cả. Vậy hãy chọn một nơi mà bạn thích nhất, để giúp cho việc học thêm phần hứng khởi.
Trở thành tác giả
Nghe hấp dẫn chứ? Sáng tạo một thứ gì đó cho riêng mình, đó là một quá trình học tập rất chủ động, rất hào hứng.
Bạn có thể viết lại những câu chuyện xung quanh mình hay viết về bất cứ điều gì mình học được. Càng viết khả năng tư duy và liên tưởng càng mở rộng thêm ra. Ta bắt đầu muốn tìm hiểu thêm tri thức để tiếp tục viết và muốn viết lại về những gì mình đã biết, đã học. Bắt đầu từ việc mỗi ngày dành ra 30 phút để viết, hẳn không quá khó đúng không?
Dù viết tay lên từng trang giấy hay gõ lên bàn phím máy tính, chỉ cần lời văn được xây dựng, nó điều khiến chúng ta thấy khoái chí lắm. Ta có thể viết về những câu chuyện xung quanh mình, hoặc bất cứ điều gì mình học được. Hãy cứ viết ra. Càng viết, sẽ càng có nhiều điều làm ta hứng thú và tò mò đấy.
Và thậm chí, nếu có thể tạo thành một thói quen, bạn sẽ trở thành người ghi chép lại rất nhiều kiến thức, một tác giả tương lai.
Trở thành một người khác – ai cũng muốn thử đúng không
Phương pháp này khá liên quan tới sáng tác. Ví dụ nếu học toán, việc nhập vai vào một nhà toán học sẽ khiến bạn có thêm hứng thú và động lực tìm tòi tri thức. Hay khi học lịch sử chẳng hạn, hãy thử nghĩ nếu bỗng nhiên mở mắt ra thấy mình đã quay về 500 năm trước và là một thương gia thì sẽ thế nào?
Đặt mình vào vai trò, thân phận của nhân vật, bạn có thể ít nhiều hiểu được nhân vật đó đấy. Sau đó, bạn cũng có thể tìm tòi và sáng tạo thêm, dựa vào những kiến thức mình có. Việc học sẽ càng dễ dàng và thú vị hơn. Không chỉ thế, quá trình này còn giúp nâng cao khả năng sáng tạo, óc liên tưởng, tinh thần chủ động trong học tập và đưa đến cả những thay đổi trong lối sống.
Tò mò mọi thứ
Đừng bỏ qua bất cứ câu hỏi nào xuất hiện trong đầu. Hãy ghi lại và bắt đầu suy nghĩ sâu hơn. Mỗi khi làm một việc gì đều có những điểm mà ta vướng mắc, những vấn đề cần giải quyết. Kiến thức có thể được mở rộng ra bắt đầu từ câu hỏi: “Có cách nào để làm việc hiệu quả hơn không”, “Có cách nào để làm tốt hơn, hay hơn, nhanh hơn không”… Các câu hỏi như vậy có thể đưa bạn đến với những tri thức về tâm lí học, về công nghệ hay về bất cứ điều gì khác. Đó cũng chính là tinh thần không ngừng thấu hiểu chính mình, nâng cao bản thân.
Tò mò về cả thế giới và hãy tự đi tìm câu trả lời cho mình, chẳng bị ràng buộc bởi bất kì điều gì. Bạn có dám sống thế không?
Mọi cảm hứng đều cần được duy trì bằng kỉ luật
Nếu học mãi mà thành tích kém hoặc không có thành tích nào cụ thể, học xong không biết để làm gì, chẳng thấy có ích gì thì sao? Như thế bạn sẽ rất chán nản. Có điều, đánh mất đam mê vì áp lực thành tích, bạn thấy có đáng không?
Hãy giữ gìn niềm đam mê khám phá, bằng cách luôn bám vào ý nghĩa của việc học, không ngừng thực hành và sáng tạo. Và như thế cần đến nỗ lực và kỉ luật sắt đá đấy. Cuối cùng thì việc học là để chúng ta không ngừng trưởng thành, có trách nhiệm, có lí trí hơn đúng không.
Chờ đợi một phép màu “không làm cũng được hưởng” lại chẳng phải lối sống của một người hướng đến việc ngày càng tốt lên. Bạn cũng không mong chờ điều đấy phải không?
Một chút tâm sự: Từ tri thức đến lối sống
Cuốn sách đặt ra vấn đề “Cách học để người ta hứng thú với việc học”, trong suốt hành trình của cậu bé Minh Trí và những người bạn mình, đến điểm cuối cùng bạn có thể nhận ra là việc học thay vì là một phần thời gian trong ngày đã thực sự biến thành một sách sống. Đấy là tinh thần không ngừng học tập, sáng tạo, tìm giải pháp, thay đổi mình, hướng tới những giá trị tích cực hơn. Tri thức không hề khô khan và nặng nề khi ta chủ động tìm đến với nó, tìm thấy nó trong mỗi hoạt động sống của chính mình. Đấy là tư duy và là một tinh thần sống tuyệt vời đúng không?
Lời kết
Cuốn sách này bắt đầu từ một ý tưởng: rốt cuộc thì việc học có nhất định là nhàm chán không? Hay là học hành có thể trở thành vui thú không?
Các kĩ năng học tập được lồng ghép trong câu chuyện của một nhóm bạn. Tình tiết lôi cuốn làm bạn cũng muốn quay lại thời học trò để được thực hành theo. Chắc chắn cuốn sách sẽ mang tới những trải nghiệm học hành rất khác cho người đọc. Và quan trọng là tư duy chủ động trong việc đào sâu tri thức, không đòi hỏi một sự cuốn hút bên ngoài, chúng ta có thể tự tạo ra niềm hứng khởi trên hành trình phát triển trí tuệ, khám phá thế giới xung quanh.
Tư duy học tập này rất cần cho tất cả mọi người, để thay đổi cách thức tiếp thu tri thức của mình.
Đừng hoài phí tuổi trẻ trong những chán ngán, bỏ bê. Hãy chủ động đi tìm hứng thú, làm chủ việc học và khám phá những điều thú vị quanh mình.
Không cần vật lộn nữa, vì bạn đã có cách để việc học không còn khó nhọc
Để bạn có thể tự tin nói:
Tôi đã ĐI HỌC NHƯ ĐI CHƠI
Đọc sách, và học như chơi nhé!
—–
Tác giả: Thường An
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/review-sach-di-hoc-nhu-di-choi-cach-hoc-de-nguoi-ta-hung-thu-voi-viec-hoc-5ec640c180c62c44489fdf12