
Tác giả: Lê Nghĩa.
Nguồn: Facebook Lê Nghĩa.
Một cuốn sách rất giá trị và đáng suy ngẫm của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Cuốn sách phản ánh đúng thực trạng những gì đang diễn ra hiện nay. Chỉ cần dùng mắt và tâm quan sát, bạn sẽ hiểu rất rõ điều mà tác giả chia sẻ.
Đây không phải là cuốn sách dạy làm giàu, mà là cuốn sách giúp chúng ta vươn lên thoát nghèo và sống một cách tự do, an yên theo cách của riêng mình. Cuốn sách khá mỏng, gần 200 trang nhưng để lại một niềm khắc khoải, suy tư cho bất cứ ai đã hoàn thành nó.
Có lẽ do bản thân mình cũng sinh ra và lớn lên trong nghèo khó. Cũng từng bước nỗ lực để thoát nghèo để đến với hành trình sau cùng phải sống thế nào khi đã thoát nghèo. Thế nên cuốn sách đã chạm sâu sắc tới trái tim mình. Cùng mình điểm lại những phần ấn tượng nhất trong sách nhé.
1. Tận dụng nghèo khó
Với mình nghèo khó là ngôi trường tuyệt vời nhất để rèn luyện ý chí, nghị lực để vươn lên và thay đổi số phận. Vì sinh ra và lớn lên trong nghèo khó nên mình lúc nào cũng tự nhủ phải học thật giỏi để thoát nghèo. Thế nên dù bé tí đã biết giúp bố mẹ rất nhiều việc.
Sáng đi học, trưa về là đi quét lá cùng mẹ, chiều đi chăn bò, tiện thể cắt cỏ luôn. Ngày ấy mình luôn được mẹ hướng dẫn cách tận dụng thời gian, vừa làm việc này có thể kết hợp làm thêm nhiều việc khác nữa. Đó cũng là nền tảng rất tốt để mình hình thành nên những kỹ năng quản lý bản thân và thời gian sau này.
Cũng nhờ nghèo khó mà mình biết trân trọng vật chất, sống tiết kiệm, đơn giản. Trong sách anh Vương chia sẻ ngày anh ấy đi học đại học vì chiếc quần ổn nhất bị ướt nên phải mượn quần chị gái để mặc. Nó làm mình nhớ tới ngày cấp 1, mình đi biểu diễn văn nghệ trên trường. Không tài nào tìm được chiếc quần đen mới nên phải mặc quần đã được mẹ vá vài chỗ như cái đèn pin sau đít.
Ngày ấy mình xấu hổ lắm nhưng không giận bố mẹ mà chỉ thấy thương. Đó cũng là giây phút mình ý thức được sự nghèo đói, túng quẫn của gia đình. Mình bắt đầu chú ý hơn tới sự vất vả của bố, sự lam lũ, khắc khổ của mẹ và sự thiếu thốn của cả gia đình.
Thế nên mình vẫn luôn nỗ lực làm mọi thứ để phần nào đỡ đần bố mẹ. Mình nhớ có những ngày mùa đông giá rét, bố mẹ mình vẫn phải trầm mình xuống sông đi đánh hến. Nhưng ngày ấy nhiều người cũng đi đánh, trời lại lạnh nên ít người mu.a. Kết quả là hến nhiều mà không bán được cho ai. Bố mẹ mình chán nản vô cùng.
Đó cũng là lần đầu tiên mình thấy bố khóc, bố đi xe đạp lên nhà đại lý gạo, nói mãi mới mua chịu được một ít về. Nếu không ba chị em mình sẽ đói. Có thể em gái, em trai của mình không cảm nhận được những thổn thức, khắc khoải ấy vì còn quá nhỏ nhưng mình thì đã in sâu điều đó trong tâm trí.
Đó cũng là lý do sau này lớn lên, đi học rồi đi làm, mình luôn rất chăm chỉ, yêu lao động và đồng cảm với những hoàn thành vươn lên từ nghèo khó. Là bởi mình cũng lớn lên trong cái nôi như thế, vậy nên thay vì che đậy, ngại ngần mình trân trọng, biết ơn những năm tháng ấy. Những năm tháng đã nâng đỡ và cho mình thật nhiều bài học quý giá.
2. Hệ quả của nghèo khó.
Chắc nhiều bạn sẽ nghĩ nghèo khó tốt thế cơ mà nên hãy vui vẻ mà đón nhận nó phải không? Nhưng thực tế đó là mình tận dụng nó để vươn lên, để nỗ lực thôi chứ đúng như anh Vương nói “nghèo khó mang lại nhiều hệ quả cay đắng lắm”.
Thứ nhất nó tạo ra và nuôi dưỡng nhiều thói quen xấu. Nhất là sự luộm thuộm, mất vệ sinh. Lâu dần dẫn đến mặc cảm, tự ti. Thật vậy, có thể mất vệ sinh mình không gặp phải nhưng sự luộm thuộm, cục mịch và thiếu thẩm mỹ trong ăn mặc và cuộc sống thì có.
Các bạn biết đấy, gia đình luôn nỗ lực để đủ ăn, đủ mặc thì làm sao để biết thế nào là ngon, là đẹp. Đấy là lý do suốt những năm tháng sinh viên, và cho tận tới khi đi làm được 3-4 năm mình vẫn nhìn quê một cục. Mình không chê quá khứ nhưng nếu nhìn một cách trực diện thì vẻ ngoài của mình thời điểm ấy chỉ được 4-5 điểm.
Thậm chí chị giám đốc ngày xưa còn phải nghé tai mình nói nhỏ “em cái gì cũng xuất sắc nhưng có ăn mặc là chưa ổn em ạ. Người khác sẽ nhìn em để đánh giá về ấn tượng ban đầu đấy, nên ăn mặc cũng rất quan trọng”. Mình đã rất xấu hổ và ngại ngần về lời góp ý thẳng thắn ấy.
Nhưng đó cũng là động lực để mình tìm hiểu sâu về cơ thể, về thời trang, về làm thế nào để mình có thể ăn mặc cho phù hợp với con người và tính cách của bản thân. May mắn khoảng 2 năm nhờ học tập và rèn luyện liên tục, mình bắt đầu có sự thay đổi và chuyển hoá từ trong ra ngoài.
Đó cũng là lý do vì sao mình lại yêu cầu sinh viên của mình ăn mặc chỉn chu, lịch sự ngay từ trên ghế nhà trường là vì vậy. Bởi mình không muốn các em đi theo vết xe đổ của mình ngày nào nữa. Có những bài học ta có thể tự tốt nghiệp ngay từ việc học hỏi người khác chứ không cần phải trả cái giá quá đắt rồi mới học được.
Hệ quả tiếp theo của việc sinh ra trong nghèo khó chính là chấn thương tâm lý lâu dài. Nó dẫn tới việc ám ảnh tiêu dùng và phô trương xa xỉ. Nghĩa là phải thể hiện mình có điều kiện, hơn hẳn những người khác để che lấp đi mặc cảm tự ti, đau đớn trước đây. Đây là điều mình nhìn thấy rõ nét nhất.
Mình may mắn không gặp phải tâm thế ấy, không phải vì mình không bị mà là do mình tự vượt qua được nhờ sách. Mình học hỏi được rất nhiều tấm gương sáng qua sách nên chấn thương tâm lý ngày nào từng bước được xoa dịu, phục hồi. Người gặp phải chấn thương này lớn nhất là bố mình.
Vì sinh ra lớn lên trong hoàn cảnh không thể cay đắng và khắc nghiệt hơn được nữa. Đi ở từ bé, không biết chữ, thường xuyên bị dội lên đầu những từ ngữ không hay. Bố mình mang theo rất nhiều sang chấn tâm lý mà lớn lên. Hành trình nuôi chị em mình khôn lớn cũng chẳng dễ dàng thế nên bố mình rất ám ảnh với sự nghèo khó. Vậy nên bây giờ bố luôn ám ảnh bởi mâm cao cỗ đầy, nhà to đất rộng.
Điều mà anh Vương quan sát và chia sẻ rất sâu sắc trong sách. Lúc nào ngày lễ Tết hoặc con cái về là mẹ mình tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya. Mình góp ý nhiều lần nhưng chỉ được phần nào đó thôi, còn giỗ chạp hoặc Tết nhất thì mình thấy ngộp thở vì bạt ngàn thức ăn.
Những ngày Tết đúng ra nên được thảnh thơi, trò chuyện, hỏi thăm nhau lại biến thành những cuộc say bí tỉ. Nhà cửa ngập trong rác sau khi mọi người rời đi. Mình quan sát thấy không chỉ nhà mình mà nhà nào cũng thế. Đó là lý do rất nhiều phụ nữ đi lấy chồng là sợ Tết vì Tết là lê lết từ sáng tới khuya. Mình thương mẹ nhưng nhiều khi cũng giận vì nói mà bố mẹ chẳng nghe. Vợ chồng mình vào là lăn vào dọn với mẹ mà mãi không hết việc.
Mình may mắn là chồng rất thấu hiểu, thế nên không vướng phải mâm cao cỗ đầy ngày Tết bao giờ. Tết nhất mình về nhà đúng nghĩa để đi hỏi thăm, kết nối bạn bè người thân. Nhà mình Tết ngoài cúng cho mẹ chồng, ông bà tổ tiên ra, phần còn lại ăn uống nhẹ nhàng, đơn giản như ngày thường.
Cả nhà mình đều chỉ thích đi trò chuyện, kết nối. Ăn uống sao cho đơn giản nhất là được. Vợ chồng mình ngày Tết thịt cá có thể không màng nhưng nhất định phải có rau. Mình đã quen với lối sống, nếp sinh hoạt như thế lâu nay nên Tết cũng không thay đổi.
Một hệ quả nữa mà mình quan sát được đó là mọi người rất hay lấy phần về khi đi ăn cỗ. Chắc chỗ anh Vương không nhiều nhưng nơi mình thì việc này rất phổ biến. Mọi người đi ăn gì là phải lấy phần về cho người không đi. Lấy chút ít thì không sao nhưng có người lấy cả vài khoanh giò, thậm chí là nửa con gà. Lén lén lút lút, nhìn rất phản cảm.
Dù bây giờ hiếm nhà nào thiếu ăn thiếu mặc nhưng chính việc sinh ra và lớn lên trong nghèo khó đã ám ảnh họ. Dẫn tới những hệ luỵ không mấy tốt đẹp phía trên. Ai suy ngẫm, học tập được thức tỉnh còn thay đổi chứ phần lớn vẫn làm theo bản năng như ngày xưa cũ.
Một hệ quả nữa mà nghèo khó mang lại chính là quá keo kiệt và khao khát vinh hoa quá độ. Chuyện này không phải hiếm, mình tin ở đâu ta cũng nhìn thấy rất rõ khuynh hướng này.
Có người bị ám ảnh tâm lý từ ngày xưa tới mức bây giờ chi không dám chi, tiêu không dám tiêu, ăn không dám ăn vì sợ tốn kém. Dẫn tới bệnh tật do ăn những thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Tới khi bị bệnh lại tiếc rẻ không đi khám và điều trị. Cuối cùng là mất sớm. Để lại vô vàn tiếc thương và sầu muộn cho những người ở lại.
Một khuynh hướng khác cực đoan không kém đó là khao khát vinh hoa quá độ. Làm gì cũng phải thể hiện đẳng cấp cho người khác thán phục, ngưỡng mộ dù bên trong rỗng tuếch. Mình thấy có những người hoàn cảnh kinh tế đang khó khăn nhưng phải vay mượn, cắm nhà, cắm đất bằng được để tậu chiếc xe cho bằng bạn bằng bè.
Và rồi vỗ ngực tự hào rằng bây giờ ai bằng tao, thứ gì tao cũng có, một vợ hai con ba tầng bốn bánh. Thú thật là nghe được những lời đó mình chỉ thấy thương cảm, xót xa chứ không lấy gì làm ngưỡng mộ.
Hệ luỵ lớn nhất của nghèo đói chính là đẩy con người đến với thước đo vật chất. Họ lấy vật chất làm đề tài, làm nền tảng để đo lường bản thân và những người khác. Mà guồng quay này sẽ không bao giờ dứt. Họ sẽ luôn mệt mỏi, tất bật để xem người này, bình phẩm người kia rồi thốt lên những câu đầy ngạo mạn và tức tối.
Ám ảnh, mệt mỏi như thế thì sao mà sống hạnh phúc, bình an cho được. Đi xe sang, mặc đồ đẹp nhưng đầu lúc nào cũng xoay quanh câu hỏi “làm sao để xử lý khoản nợ khổng lồ còn tồn đọng?”. Áp lực này khiến họ mệt mỏi, tê liệt và đôi phần bí bách. Tinh thần như thế thì chất lượng cuộc sống sao mà tốt lên được.
Khổ nhất là những người thân xung quanh họ. Nhất là những đứa trẻ, chúng sẽ sớm đi vào guồng quay cơm áo gạo tiền mà bố mẹ chúng thường xuyên đề cập đến và lao vào. Đó cũng chính là lý do vì sao những gia đình như thế thường không hạnh phúc. Nó thiếu đi sự kết nối sâu sắc giữa các thành viên, đặc biệt là cha mẹ và con cái.
3. Làm gì để thoát nghèo
Mình xin khẳng định luôn là cuốn sách này anh Vương viết không phải để dạy bạn cách làm giàu. Mà nó đơn giản chỉ là chia sẻ cho bạn những phương thức để vươn lên và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân.
Mình đã trải qua nên rất thấm những gì anh Vương chia sẻ. Nếu bạn đọc cuốn sách tự truyện “3000 ngày trên đất Nhật” của anh ấy bạn sẽ hiểu, cuộc sống của anh ấy cũng chẳng dễ dàng gì, nhất là những năm tháng một mình trên đất Nhật.
Làm việc như liên tục từ sáng sớm đến gần khuya mới về. Chưa kể công việc chỉ được đứng, thời gian ngồi duy nhất là buổi trưa, 30 phút để ăn cơm. Nếu không có ý chí, quyết tâm có lẽ anh ấy đã đầu hàng và đi về nước thời điểm ấy.
Mình cũng trải qua những năm tháng như vậy ngày sinh viên. Làm liên tục từ 4 giờ 30 phút sáng tới tận 10 giờ đêm mới về. Nhưng cũng nhờ những năm tháng như vậy mình mới có ngày hôm nay. Nó tôi luyện cho mình tinh thần và sự nỗ lực vươn không ngừng nghỉ. Và hành trình ấy cũng giúp mình xây dựng một nền tảng vững vàng khi ra trường.
Thứ nhất hình thành lối sống lành mạnh. Anh Vương cũng làm một việc như mình từng làm đó là để các bạn sinh viên viết ra lịch trình một ngày của các bạn. Và kết quả mà mình cùng anh Vương nhận được không khác nhau là mấy, dù anh ở đầu thế hệ 8x, còn mình là đầu thế hệ 9x.
Các bạn sinh viên của mình cũng có lối sống như anh Vương chia sẻ trong sách là đi ngủ rất muộn. Với các bạn ấy đi ngủ lúc 12 giờ đêm là bình thường, có bạn còn đi ngủ lúc 3, 4 giờ sáng. Đi ngủ trước là không tài nào các bạn ấy ngủ được. Mình hỏi sâu hơn thì hoá ra các bạn ấy bận lướt các trang mạng xã hội, xem phim rồi tám chuyện.
Đây là một sự thật đáng buồn hiện nay. Mình đã phải chia sẻ một bài rất dài về chủ đề này cho các bạn sinh viên. Sự tàn phá cơ thể khủng khiếp thế nào nếu các bạn đi ngủ muộn. 12 giờ đã rất muộn rồi chứ đừng nói tới 3-4 giờ sáng. Bây giờ còn trẻ cơ thể còn chịu đựng được chứ vài năm nữa các bạn sẽ phải hối hận vì lối sống hiện tại.
Mình sinh viên có thể khoẻ như thế vì cuối giờ chiều sau khi đi học về mình sẽ tập khoảng 20 đến 30 phút bộ môn suối nguồn tươi trẻ. Tối từ thư viện về là mình đi đánh răng, rửa mặt rồi ngủ luôn. Việc ngủ sớm, vận động thường xuyên mới giúp mình có năng lượng và sự tỉnh táo để bắt đầu ngày mới hiệu quả.
Thế nên nếu muốn thoát nghèo việc đầu tiên là bạn phải khoẻ. Phải giữ cho bản thân một lối sống lành mạnh bằng việc ăn uống, sinh hoạt điều độ, nghỉ ngơi hợp lý. Chứ cứ đồ ăn nhanh mà gọi, chơi game thâu đêm suốt sáng thì chẳng bao lâu bạn sẽ phải trả giá cho những sai lầm của bản thân.
Thứ hai là học tập không ngừng để bồi dưỡng nội lực và trí tuệ. Kênh hiệu quả, đơn giản và tiết kiệm nhất chính là đọc sách. Bản thân mình nếu không có sách thì sẽ không có ngày hôm nay.
Nhờ đọc sách từ sớm mà mình biết mình sẽ cần phải thay đổi, tinh chỉnh và cải thiện bản thân từ đâu. Học hỏi những kiến thức kỹ năng nào để vươn lên dẫn đầu trong bất cứ môi trường nào mà mình hiện diện. Đó là lý do vì sao từ thời sinh viên cho tới tận bây giờ, lúc nào trong túi của mình cũng có vài cuốn sách.
Sách không những cung cấp cho mình kiến thức, kỹ năng mà còn giúp mình học hỏi được nhiều bài học quý giá từ các bậc cha anh đi trước. Chính họ đã truyền năng lượng, tinh thần vươn lên không ngừng nghỉ cho mình. Mỗi lúc chông chênh, cảm thấy mệt mỏi bất lực thì sách luôn là người nâng đỡ, dẫn đường và chỉ lối.
Đó là lý do vì sao mà mình luôn tìm mọi cách để thúc đẩy văn hóa đọc ở tất cả mọi người. Càng nghèo khó thì bạn càng phải chăm chỉ đọc, học để thay đổi và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân. Bởi đây là kênh rẻ nhất, hiệu quả nhất và có thể giúp bạn nhiều nhất trên hành trình mà bạn đang bước đi.
Thứ ba đó chính là chăm chỉ sáng tạo trong lao động và sự nghiệp. Nếu bạn đọc cuốn tự truyện của Benjamin Franklin, bạn sẽ thấm nhuần thông điệp này. Dù đã tạo được uy tín và tiếng vang trong công việc của bản thân, nhưng ông lúc nào cũng chăm chỉ lao động và sáng tạo trong sự nghiệp của mình.
Thú vui duy nhất ông cho phép bản thân mình là đọc sách. Thời gian còn lại ông luôn chăm chỉ, cần mẫn để hoàn thành xuất sắc nhất công việc mà bản thân đang đảm nhận. Đó là lý do vì sao mà dù làm công việc gì ông cũng đều để lại tiếng vang. Ông cũng là một trong những người đạt được rất nhiều thành tựu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tất cả điều đó có được là nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo, chịu thương chịu khó của ông.
Thứ tư là nâng cao thu nhập bằng việc mài sắc kỹ năng, phát triển tư duy trong nghề phụ. Dĩ nhiên nghiệp phụ ở đây sẽ phải là nghề mà kết nối sâu sắc với nghề chính của bạn. Thường nghề phụ là nghề bạn yêu thích, đam mê nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Do đó đây sẽ là một nghề để bạn thúc đẩy sự phát triển, nỗ lực của bản thân. Dành nhiều thời gian để rèn giũa, mài sắc nó cho đến khi nó trở thành nghề chính của bạn.
Bản thân mình dù mới chuyển sang làm đào tạo được khoảng hơn bốn năm, nhưng mình đã tạo nền tảng cho nó từ chín năm trước. Thay vì chờ đến lúc chuyển đổi sang công việc đào tạo thì mới tập trung rèn giũa thì mình đã thực hành nó từ thời điểm mới ra trường.
Mặc dù ngày ấy mình không tìm thấy hướng đi. Vẫn một mình loay hoay trong vòng xoay cuộc đời. Nhưng mình không từ bỏ, mình luôn tự nhủ có hai công việc mà bản thân sẽ đảm nhận. Một công việc ban ngày để nuôi sống bản thân và một công việc ban đêm để kiến tạo tương lai. Mình đã dành toàn bộ nội lực để học tập, tích lũy từ những khoảng thời gian nhàn rỗi như thế.
Và khi cơ hội đến thì mình đã có thể nắm bắt nó và hoàn thành xuất sắc công việc mà bản thân đảm nhận. Ai không biết nhưng bạn thì nhất định phải biết. Bạn đã nỗ lực, cố gắng như thế nào trong khoảng thời gian chờ cơ hội tới với bản thân của mình.
Cuối cùng sống cần kiệm và khoa học. Đây cũng là thông điệp sâu sắc mà bạn có thể học hỏi ngay từ cuốn tự truyện của Benjamin Franklin. Thông điệp này ông ấy đã được học từ người cha của mình. Chính nhờ lối sống cần kiệm, khoa học mà ông đã tích lũy cả một gia tài và để lại cho hậu thế những điều quý giá, vượt xa cả khối tài sản ông để lại.
Bạn thấy đấy, chính lối sống cần kiệm, khoa học này cũng sẽ giúp bạn tránh xa hiệu quả mang tính cực đoan của nghèo khó như quá keo kiệt hoặc quá khao khát vinh hoa, phú quý. Phần này có thể gói gọn trong một câu nói “thứ gì cần chi bao nhiêu cũng chi, thứ gì không cần chi thì một cắc cũng không chi”.
4. Làm gì khi đã thoát nghèo
Như mình đã chia sẻ phía trên, rất nhiều người dù đã thoát nghèo nhưng họ vẫn ở trong tâm thế bị ám ảnh bởi cái nghèo xưa kia. Đó là lý do vì sao mà có thêm chương sách này.
Khi đã thoát nghèo, chúng ta hãy sống một cuộc đời phong phú với nhiều trải nghiệm. Có thể phát triển thêm những kỹ năng, những sở thích và đam mê mà trước đó khi nghèo khó chúng ta không có thời gian để thực hiện.
Thứ hai là giúp đỡ những người khác, đặc biệt là những người xung quanh mình. Từ những việc nhỏ nhất trong khả năng của bản thân. Có kiến thức thì trao kiến thức, có sức khỏe thì giúp đỡ bằng việc giúp sức, hỗ trợ. Không cần phải bắt đầu ở nơi xa xôi, hãy bắt đầu từ những người xung quanh mình. Đó có thể là hàng xóm láng giềng, là anh em trong cùng họ hàng dòng tộc.
Thứ ba đó chính là việc học tập không ngừng nghỉ để có thể sống tốt, làm việc tốt và hoàn thiện bản thân. Đây là một trong những điểm hết sức quan trọng bởi nhiều người của chúng ta đã quên lãng.
Chúng ta thường chỉ nhớ tới việc học khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn khi đã rời khỏi giảng đường là không bao giờ chúng ta đụng đến sách hay học thêm một thứ gì đó. Điều này là rất nguy hiểm.
Lát nữa mình sẽ chia sẻ thêm với các bạn về cuốn sách “đi tìm dòng chảy”, các bạn sẽ hiểu được rủi ro rất lớn mà chúng ta phải đối diện nếu quá rảnh rỗi.
Cuối cùng đó chính là biến ký ức nghèo khó thành tài sản quý để chiêm nghiệm, học hỏi và chia sẻ với những người xung quanh. Đặc biệt là bé con của chúng ta. Để con biết trân trọng những gì đang có và duy trì một lối sống tiết kiệm, khoa học và lành mạnh. Đây là nền tảng vững vàng để giúp con cái của mình sống khôn ngoan, có ích mai này.
Một cuốn sách rất hay, rất giá trị và rất đáng suy ngẫm. Nó sẽ giúp chúng ta sống một cuộc đời tỉnh thức và ý nghĩa hơn. Hy vọng bài chia sẻ này hữu ích với bạn. Giúp bạn có thêm những nền tảng vững vàng để vượt lên và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân bây giờ và mai này.
Nguồn: https://nguoibansachrong.com/bai-viet/lam-gi-khi-ta-sinh-ra-va-lon-len-trong-ngheo-kho