Tác Giả Và Tác Phẩm.
Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc khai quốc công thần của nước Nhật Bản hiện đại. Hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên.
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại. Người Nhật tôn vinh ông là Voltaire của Nhật Bản, không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp. Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Để phổ biến kiến thức văn minh và tư tưởng tiến bộ phương Tây tới dân chúng, Fukuzawa đã viết trên 100 cuốn sách giải thích và cổ vũ cho thể chế chính quyền nghị viện, giáo dục phổ thông, cải cách ngôn ngữ và quyền của phụ nữ. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.
Khuyến Học được ông viết trong khoảng thời gian 1872 -1876. Như vậy chúng ta có thể hiểu, Nhật Bản lúc ấy đã nhìn nhận, ý thức được tầm quan trọng của việc học, chạy đua theo sự phát triển của thời đại văn minh. Không hẳn là tác phẩm xuất sắc, đồ sộ của Fukuzawa Yukichi nhưng Khuyến Học lại được hàng triệu người dân Nhật Bản coi như cuốn sách gối đầu giường. Cuốn sách viết hơn một trăm năm trước ở cái thời phong kiến của Nhật Bản song tôi cảm tưởng tác giả đang viết về Việt Nam của ngày hôm nay.
Người Việt Nam cần đọc Khuyến Học để hiểu tại sao xứ sở Mặt trời mọc lại được coi là đế quốc kinh tế hùng mạnh nhất; tại sao nước họ được coi là một trong những nước đứng đầu thế giới về sản phẩm công nghiệp; tại sao quốc gia nhỏ bé ấy có thể phát triển từ chiến tranh đổ nát, thiên tai triền miên. Tôi tin rằng để có được những con người khổng lồ với tài chính vững vàng, mạnh mẽ như hiện tại ắt hẳn họ phải học hỏi, hun đúc giá trị văn hóa, tri thức, lịch sử truyền thống từng phút từng giây.
Cuốn Sách Dành Cho Ai?
Theo tôi tất cả người Việt Nam nên quan tâm và nghiêm túc đọc Khuyến Học một lần trong đời. Chúng ta sinh ra đều đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ nên có khác là do trình độ học vấn. Những gì Fukuzawa Yukichi viết sẽ giúp bạn thức tỉnh mục đích sống, giá trị kỳ diệu và sức mạnh tiềm tàng của bản thân. Mỗi người là tế bào của xã hội, là bông hoa trong vườn hoa muôn màu muôn vẻ. Chúng ta học để khẳng định giá trị chính mình, để chung sống, để xây dựng, góp ích cho xã hội.
Đặc biệt với các bạn học sinh, sinh viên cuốn sách này thực sự hữu ích và hoàn toàn phù hợp. Phần lớn người trẻ, thành niên Việt Nam hiện nay chưa định hình cái tôi, chưa xác định mục tiêu, chưa cống hiến hết mình. Nếu coi tuổi trẻ là mặt trời thì những tri thức mà các bạn có sẽ là ánh nắng soi rọi, nhen nhóm giúp đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Duy trì một đất nước cũng như duy trì sức khỏe của con người. Và nếu muốn duy trì nền tảng của đất nước phát triển bền vững, các học sinh, sinh viên phải ra sức học tập.
Chúng ta học được gì từ Khuyến Học?
1. Người Vô Học Là Kẻ Gặp Thiệt Thòi
Người Việt thường có quan niệm: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”. Hiểu theo nghĩa bóng nghĩa là trong cuộc sống ai cũng muốn được ăn ngon mặc đẹp và làm việc nhẹ nhàng, cỏn con. Trên thế gian này luôn tồn tại hai mặt đối lập song song, có cả cái hay và cái dở, có cả cái dễ và cái khó… Theo tác giả viết: “Người làm việc dễ thường có địa vị thấp, bị coi thường. Công việc cần sự khổ nhọc về tinh thần được xem là việc khó, còn lao động chân tay là việc dễ”. Như tôi đã nói ở trên, con người sinh ra đều có tư cách, địa vị, đẳng cấp, trình độ và quyền sống như nhau. Người miệt mài học tập, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người được xã hội công nhận và tôn trọng, sống cuộc đời hạnh phúc, sung túc. Ngược lại người vô học sẽ trở thành rủi ro cho một xã hội nghèo khổ, thấp kém. Tài năng, phẩm chất và vai trò của mỗi người sẽ được dư luận đánh giá và nhìn nhận.
Fukuzawa Yukichi còn cho rằng: “Nghĩa vụ của người dân là thực hiện thật đúng luật, tôn trọng và bảo vệ luật“. Nhưng hãy thử nhìn lại đất nước ta, bao người trẻ lười biếng, xa đà vào các tệ nạn xã hội, cái ác dường như lên ngôi. Không những vậy, họ còn cực kỳ tham vọng: hối lộ, luồn lách pháp luật, gian lận trong thi cử – bệnh thành tích trong giáo dục, sinh con quá dày nhưng lại ít khi giáo dục, yêu thương chúng. Thế nên, “ngay từ bây giờ chúng ta cần mài giũa tài năng và nhân cách, phải có thực lực để đứng vững trên địa vị và tư cách bình đẳng, để tranh đấu với những sai trái chính quyền.”
2. Hun Đúc Nuôi Dưỡng Chí Khí Độc Lập Và Lòng Dũng Cảm
Chúng ta nhất định không được làm hại, xâm phạm đến quyền lợi của nhau. Trên thế giới, bên cạnh các quốc gia tiến bộ, văn minh thì còn không ít quốc gia lạc hậu, yếu kém. Sự giàu, nghèo, mạnh, yếu phụ thuộc vào lịch sử, thực trạng, điều kiện của mỗi nước; phụ thuộc vào con người nỗ lực hay lười nhác, ngủ quên trên chiến thắng hay tiếp tục chiến đấu.
Bởi vậy, con người độc lập sẽ tạo ra quốc gia độc lập. Vậy tính cách độc lập là gì?Theo tôi, người có tính cách độc lập là người không bị chi phối và chịu ảnh hưởng của người khác, tự mình biết phân biệt đúng – sai, phải – trái, vuông – tròn. Và hơn hết, chúng ta cần độc lập cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vì thế, chúng ta không thể luôn dựa dẫm, ỷ lại ăn bám bố mẹ cũng như người xung quanh. Người thiếu chí khí độc lập thì “lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn”, thì sự chủ động và tự giác bị mất đi, dần dần cái xấu sẽ tồn tại trong xã hội một cách đáng buồn. Bên cạnh đó, các chính trị gia nên kết gắn nhân dân thành một khối, sướng khổ cùng dân. Như vậy chúng ta hiểu rằng, độc lập dân tộc được duy trì bởi sức dân và chính phủ.
Hãy thử nghĩ mà xem, những đứa trẻ thường xuyên được gia đình chiều chuộng, chăm bẵm nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa và chưa va vấp, trải đời với cuộc sống bon chen, đầy tranh giành liệu có thể đủ sức để thích nghi với khó khăn và nghịch cảnh hay không?
Trong cuộc sống, con người không tiến ắt có lùi, chỉ có quyết tâm và kiên trì mới giúp bạn tiến về phía trước và thành công. Cho nên, đừng bao giờ thấy người khác giỏi hơn mình rồi ngồi bi quan và ghen ghét, đố kỵ với họ. Nếu người dân muốn xây dựng nền văn minh hiện đại ắt phải bất chấp khó khăn, gian khổ đồng thời nguyện đem hết tri thức có được với 100% tim và não. Các bạn học sinh, sinh viên hãy nhớ rằng, con đường học tập là con đường duy nhất giúp cuộc đời mỗi người trở nên hạnh phúc.
3. Ý Nghĩa Của Pháp Luật Và Trách Nhiệm Của Chúng Ta
Nếu chỉ cậy vào sức mình để chống lại kẻ ác xem chừng khá khó khăn. Bởi vì, việc bắt giữ tội phạm, xét xử đồng thời hòa giải mọi cuộc tranh chấp là quyền hạn của chính phủ. Nếu tự cho mình quyền đánh đập, trả thù kẻ ác nhân thì hành động đó bị Luật pháp cho là tội giết người.
Mặt khác, luật cần trình bày rõ ràng, đơn giản nhưng buộc phải thực hiện nghiêm minh để tránh trường hợp một số bộ phận người dân tìm mọi kẽ hở, lỗ hổng mà luồn lách, né tránh. Chính phủ là người đại diện quốc dân để đứng ra bảo vệ trật tự an ninh, cai trị nhân dân, đổi lại người dân sẽ đóng thuế – đầu tư để đảm bảo mọi khoản chi tiêu của chính phủ.
Mọi người dân đều phải tôn trọng luật pháp và không ai được cản trở quyền lợi, chiếm đoạt niềm vui, cướp của người khác hòng tư lợi cho bản thân. Điều quan trọng hơn cả, đó là chúng ta phải hết lòng hợp tác với chính phủ. Nếu thấy các quan chức hành động sai trái, chúng ta phải tố cáo một cách trung thực với chính phủ, chứ đừng im lặng để mọi việc xảy ra rồi mới lên tiếng.
Nói tới văn minh là nói đến tri thức và đạo đức của con người. Chúng ta cần kiểm soát hành vi, cảm xúc động thời điều khiển con tim, khối óc của mình. Tất cả chúng ta đều có một cơ thể và trí tuệ. Và ai cũng có những ham muốn, tham vọng riêng của bản thân kể cả khi cuộc đời đã ổn định. Nhưng tham vọng như cái thùng không dây, nếu ngu dốt, không nỗ lực mà lại quá tham vọng ắt sẽ để lại ít nhiều hậu quả khôn lường.
4. Giá Trị Của Học Vấn Đối Với Tương Lai Chúng Ta
Mưu cầu được hạnh phúc, được học hành, có cái ăn, cái mặc là ham muốn tột bậc của mỗi con người. Khi còn sống trên đời, còn giao tiếp với thế giới xung quanh thì bản thân chúng ta đang là thành viên cần có nghĩa vụ với xã hội. Tiến bộ văn minh của con người vô cùng nhanh chóng, thay đổi một cách sâu rộng, chúng ta cần phải không ngừng phấn đấu cho sự phát triển đó ngày càng tích cực. Còn trẻ là còn nhiệt huyết để mà xây dựng sự nghiệp của chính mình và dân tộc.
Những quá trình nghiên cứu tri thức cần phải tiếp nhận thật chọn lọc, nghiêm túc và tinh tế. Con người càng giỏi càng được coi trọng, càng giá trị. Vì vậy, sự học là hành trình cả đời, đòi hỏi tính kiên trì và bền bỉ. Học và hành động phải là một. Ứng dụng vào thực tiễn chứ không chỉ đơn thuần là lý luận suông – “Chỉ khi nào có kiến thức sâu như vực thẳm, tiếp xúc trao đổi với người khác như chim tung cánh rộng mở tự do tự tại trong không trung, mới đúng là học giả thực thụ”. Bên cạnh đó, đầu óc con người đừng chỉ bó hẹp trong phạm vi trong nước mà hãy biết vươn ra toàn thế giới, bạn bè quốc tế để phân tích, so sánh kịp thời mà tiếp tục tiến lên.
Trí tuệ là vậy, còn nhân cách thì sao? Ranh giới giữa dục vọng và tham lam, giữa gièm pha và phê phán chỉ như sợi tóc mong manh. Đầu tiên, tham lam có thể khiến cho con người hãm hại người khác, chạy theo đồng tiền một cách mù quáng nhằm xoa dịu nỗi đau khổ, bất hạnh của chính mình. Tiếp theo, gièm pha là nói xấu; phê phán là nhận định cái hay dở trên cơ sở của sự rạch ròi, minh bạch. Để duy trì bất cứ mối quan hệ nào muốn tốt đẹp nhất định cần thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương, chân thành lẫn nhau.
Lời kết:
Người châu u có câu: Nếu mọi người ai cũng chỉ mong thỏa mãn và an nhàn cho riêng cá nhân mình thì thế gian này cũng không có gì khác khi mới có loài người. Những kẻ không chịu lao động trí óc, lao động chân tay, không sống trọn từng phút giây, không hướng tới mục đích cơ bản của loài người chẳng khác nào loài sâu bọ phá hoại cho vườn hoa muôn hương muôn sắc. Thế nên, các bạn hãy đọc nhiều, suy nghĩ khách quan, nuôi dưỡng tri thức để mà “hôm nay phải hơn hôm qua” được không nào? Xã hội vô cùng rộng lớn, con người vô cùng phức tạp. Những điều chúng ta biết hôm nay chỉ là hạt cát giữa sa mạc, có thể bị gió thổi đi lúc nào chẳng hay. Thực sự, học tập rất quan trọng với bản thân, gia đình và xã hội.
Với tôi Khuyến Học là cuốn sách dễ đọc, phù hợp với trình độ của hầu hết mọi người. Tuy đã viết rất lâu nhưng mọi thứ Fukuzawa Yukichi viết đến nay đều rất thời sự, có chiều sâu mang một tư tưởng uyên thâm. Nếu bạn đang băn khoăn, hoang mang, chưa tìm ra con đường học tập đúng đắn thì cuốn sách này dành cho bạn. Nếu bạn muốn hiểu thêm về con người, lịch sử cuộc Duy tân Minh Trị của Nhật Bản thì nhất định không nên bỏ qua cuốn sách hay ho này. Tôi rất mong tất cả con người Việt Nam hãy đọc cuốn sách này một lần để thêm yêu nước, thêm thấu hiểu chính mình.
Review chi tiết bởi: Phạm Linh
Hình ảnh: Phương Chu
Nguồn: https://ybox.vn/vien-sach-bookademy/khuyen-hoc-nhan-bat-hoc-bat-tri-ly-5f4a70a740eab26f4deec196