Ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Homo numericus: Con người trong kỷ nguyên số” của Daniel Cohen

0
5

Ngày 23.05.2025 tại Trung tâm Thông tin Thư viện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) đã có buổi Ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Homo numericus: Con người trong kỷ nguyên số” của Daniel Cohen. Sự kiện được tổ chức bởi Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam phối hợp cùng Viện Pháp tại Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Thảo luận cùng khán giả là hai chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin: anh Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI) và anh Hứa Tất Đạt – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Left Brain Connectors, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực – Viện Chiến lược Chuyển đổi số.

Anh Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI). 

Ảnh: Nhã Nam

Mở đầu chương trình, anh Lê Nguyễn Trường Giang đã chia sẻ về bản chất của chuyển đổi số và sự tác động của quá trình này đến lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Anh bày tỏ quan ngại khi khái niệm này được nhắc đến thường xuyên nhưng lại ít ai thực sự hiểu ý nghĩa.

Đây là vấn đề cần được lưu tâm, bởi nếu muốn khai thác các thành tựu công nghệ, ví dụ AI (Trí tuệ nhân tạo, điển hình như ChatGPT) thì người dùng cần có tri thức. Nếu không có tri thức mà lệ thuộc vào các phương tiện, họ sẽ bị rơi vào tình trạng “đần độn kỹ thuật số”.

Để khắc phục vấn đề, theo anh người dùng cần tích lũy tri thức nền tảng. Đặc biệt là tri thức trong lĩnh vực triết học, kinh tế chính trị và văn hóa. Bởi đây là những trụ cột giúp con người có suy nghĩ độc lập nhưng vẫn đảm bảo được tư duy hệ thống và hành xử nhân văn.

Một khía cạnh khác anh Giang quan tâm đó là vấn nạn tin rác. Anh tin rằng mỗi chúng ta đều có thể bảo vệ bản thân mình khỏi tin rác để tránh lãng phí thời gian và cải thiện sự tập trung bằng cách giảm thời gian online cho những việc vô ích và sử dụng các thiết bị công nghệ tối giản (ví dụ điện thoại tính năng cơ bản).

Anh Hứa Tất Đạt – Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Left Brain Connectors, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực – Viện Chiến lược Chuyển đổi số

Ảnh: Nhã Nam

Dựa trên những luận điểm mà tác giả Daniel Cohen trình bày trong “Homo numericus: Con người trong kỷ nguyên số”, anh Hứa Tất Đạt phân tích: “Tác giả là một nhà kinh tế học nhưng dùng ngòi bút văn chương để viết về công nghệ với những nguồn tư tưởng lớn từ triết học để vẽ nên cuộc sống trong tương lai, nơi con người sẽ trở thành một con người tri thức, có đủ tri giác về cuộc sống trong thời đại số chứ không chỉ trở thành một con robot biết thở.”

Anh cũng nhắn nhủ cộng đồng hãy tỉnh táo khi sử dụng những nền tảng số. Bởi thế giới ảo nhưng hệ lụy là thật. Mọi hành vi, lựa chọn của người dùng đều được lưu trữ và có thể khôi phục nhanh chóng. Ngày nay, các nhà tuyển dụng không chỉ nghiên cứu CV (lý lịch cá nhân) mà còn xem xét tài khoản mạng xã hội trực tuyến của ứng viên.

Người dùng không nên coi những nền tảng ảo là nơi tốt nhất để khẳng định mình. Trong thời đại số, chúng ta nên sống trung thực mà quan trọng nhất là trung thực với bản thân. Bởi chỉ khi chúng ta trung thực với bản thân thì câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?” mới dần sáng tỏ.

Với bầu không khí cởi mở, sự dẫn dắt khéo léo từ MC, các khán giả đã nhiệt tình tương tác, đặt ra những câu hỏi thú vị cho hai diễn giả ngay tại chương trình.

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Tổng Giám đốc Nhã Nam, nhấn mạnh tính thời sự của cuốn sách: “Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số, “Homo Numericus” cung cấp góc nhìn đa chiều về những cơ hội và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.”

TS. Ngô Đức Thiện, Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ & Hợp tác Quốc tế của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đánh giá sự kiện có ý nghĩa quan trọng, hướng đến không gian trao đổi học thuật tích cực về các vấn đề công nghệ đang được quan tâm hiện nay.

Dù thời tiết mưa gió, nhưng với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm từ đội ngũ tổ chức sự kiện của Nhã Nam, buổi ra mắt sách đã thành công tốt đẹp.

Về tác giả và tác phẩm

Daniel Cohen (1953 – 2021) là một trong những nhà kinh tế học hàng đầu của Pháp, được biết đến với những nghiên cứu sâu sắc về toàn cầu hóa, kinh tế số và tác động của công nghệ đến xã hội. Ông là giáo sư tại Trường Kinh tế Paris (Paris School of Economics) và từng là cố vấn cho nhiều tổ chức kinh tế lớn.

Daniel Cohen mô tả rằng con người trong thời đại kỹ thuật số không còn giống với một Homo Sapiens (người tinh khôn) truyền thống nữa, mà đã trở thành một Homo Numericus: một sinh vật mới vận hành theo quy luật của các thuật toán.

 “Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số”

Ảnh: Nhã Nam

Trong “Homo Numericus: Con người trong kỷ nguyên số”, Daniel Cohen đặt ra một luận điểm quan trọng: thế giới hiện đại đã không còn vận hành theo những quy tắc truyền thống mà đã bị định hình lại hoàn toàn bởi công nghệ số.

Từ Amazon đến Google, từ Facebook đến Tinder, cuộc cách mạng số đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Những trí tuệ nhân tạo, nền tảng số và dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi cách chúng ta làm việc, học tập, tiêu dùng và tương tác xã hội.

Cohen lập luận rằng sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra một hình thái kinh tế mới – chủ nghĩa tư bản số.

Trong mô hình này, các tập đoàn công nghệ không chỉ kiểm soát thông tin mà còn sở hữu dữ liệu cá nhân của hàng tỷ người dùng. Dữ liệu trở thành tài sản quý giá nhất, thậm chí còn quan trọng hơn cả dầu mỏ hay vàng trong nền kinh tế truyền thống.

Sự chuyển dịch này dẫn đến những thay đổi lớn trong thị trường lao động. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa khiến nhiều công việc truyền thống biến mất, trong khi những kỹ năng mới trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng thích nghi với sự thay đổi này, dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa những người làm chủ công nghệ và những người bị bỏ lại phía sau.

Một trong những câu hỏi quan trọng mà “Homo Numericus” đặt ra là: công nghệ đang phục vụ con người, hay con người đang bị công nghệ kiểm soát? Tác giả chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, chúng ta không còn là người đưa ra quyết định mà bị dẫn dắt bởi các thuật toán tinh vi.

Mặc dù chỉ ra nhiều vấn đề của thời đại số, Cohen không phải là một người bi quan. Ông tin rằng công nghệ không nhất thiết phải kiểm soát con người, mà con người vẫn có thể tìm ra cách khai thác mặt tích cực của nó.

“Homo Numericus” không chỉ là một cuốn sách về công nghệ mà còn là một lời cảnh tỉnh về cách chúng ta đang sống trong thế giới số hóa. Với sự kết hợp giữa kinh tế học, triết học và lịch sử, Daniel Cohen mang đến một góc nhìn sâu sắc về những thay đổi của xã hội hiện đại.

Cuốn sách đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư, tự do cá nhân và tương lai của nhân loại trong thời đại số. Nó không chỉ dành cho những ai quan tâm đến công nghệ, mà còn cho bất kỳ ai muốn hiểu rõ hơn về chính mình trong thế giới đầy biến động này.

Nguồn: https://hnreader07.blogspot.com/2025/05/ra-mat-ban-dich-tieng-viet-tac-pham.html

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

fifteen + 16 =