Nghệ thuật đóng sách thủ công – nếu từng ấn tượng trước vẻ sang trọng, cổ kính của những tủ sách bìa da, mạ vàng trong các thư viện, thư phòng cổ điển thì bạn đọc sẽ phải tò mò về hoạt động tạo nên các cuốn sách ấy.
Vừa qua, tại Học viện Thanh thiếu niên (số 3-5 phố Chùa Láng, Hà Nội) đã diễn ra sự kiện “Tìm hiểu về nghệ thuật đóng sách thủ công”.
Hoạt động nằm trong chương trình “Dọn kho đón Tết Nhã Nam 2024” do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức.
Nghệ thuật đóng sách thủ công – nếu từng ấn tượng trước vẻ sang trọng, cổ kính của những tủ sách bìa da, mạ vàng trong các thư viện, thư phòng cổ điển thì bạn đọc sẽ phải tò mò về hoạt động tạo nên các cuốn sách ấy.
Kiến thức về ngành nghề tương đối mới lạ này tại Việt Nam đã được Sao Bắc Bookbinding và hai thợ đóng sách thủ công Trần Trung Hiếu, Đức Anh chia sẻ trực tiếp tại sự kiện.
Trong phần đầu, anh Đức Anh và anh Trần Trung Hiếu đã giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của nghề đóng sách thủ công và các bước cơ bản để làm ra một cuốn sách theo phương pháp thủ công truyền thống.
Theo anh Trần Trung Hiếu: “Đóng sách thủ công không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở Việt Nam, mà bắt nguồn từ các nước châu Âu và Trung Đông. Nghề đóng sách du nhập vào nước ta bởi người Pháp (Pháp là một trong những đất nước có tiếng tăm nhất về đóng sách), trải qua chiến tranh và nhiều yếu tố khách quan khác, nghề này ở Việt Nam cũng mai một dần.
Anh Hiếu cho hay, theo như tìm hiểu của anh, cho đến hiện tại trong nước vẫn rất hiếm, thậm chí là không có người thợ nào đạt tới trình độ hoàn thiện theo yêu cầu khắt khe của kỹ thuật đóng sách thủ công truyền thống (tại các nước châu Âu và Trung Đông).
Ngoài ra, nguồn tài liệu và đồ đạc dụng cụ về ngành nghề này cũng rất hạn chế. Các bạn trẻ, hoặc như mình lúc mới vào nghề còn là sinh viên thì sẽ càng khó khăn hơn bởi các dụng cụ chuyên dụng rất đắt tiền.
“May mắn là vốn liếng ngoại ngữ – tiếng Anh của mình khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài. Thiệt thòi nhất là bạn không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để dạy lại cho bạn về nghề”, anh Hiếu nói.
Các công đoạn cơ bản của đóng sách thủ công gồm: Đánh giá cuốn sách cần được đóng (từ tình trạng, thông số cho đến cách làm). Một cuốn sách sẽ trải qua các bước: dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí.
Trung bình thường mất thời gian khoảng 1 tuần để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì phải vài tuần, có khi vài tháng mới triển khai xong.
Trong quá trình diễn giả trò chuyện trên sân khấu, khán giả tham dự chương trình cũng được trực tiếp quan sát, chạm vào các chất liệu da đóng bìa sách khác nhau và các cuốn sách đã được đóng hoàn chỉnh.
Ngoài việc cung cấp thông tin về nghề đóng sách thủ công, sự kiện cũng trao đến độc giả kiến thức hữu ích về việc bảo quản các cuốn sách, tủ sách tại nhà để gìn giữ sách được lâu bền, phòng ngừa ẩm thấp, mối mọt, ánh sáng mặt trời.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến triển vọng nghề, anh Trần Trung Hiếu tâm sự: “Theo mình, các bạn muốn theo đuổi nghề thủ công mang tính “hàn lâm” như đóng sách này thì các bạn bắt buộc phải có tính kiên trì, có đầu óc nhạy bén và khả năng học hỏi không ngừng. Các bạn cũng sẽ phải tự lập trong việc tìm kiếm nguồn kiến thức, khám phá, thử nghiệm cũng như tự xây dựng các dụng cụ của mình”.
Sự kiện khép lại với hoạt động thực hành một số bước cơ bản trong quá trình đóng sách. Kết thúc sự kiện, có rất đông các bạn trẻ đã nán lại, háo hức xếp hàng đợi đến lượt trải nghiệm. Điều này chứng tỏ nghệ thuật đóng sách thủ công đã có sức hút nhất định và thực sự có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/an-tuong-ky-nghe-dong-sach-thu-cong-20240115195351283.htm